Điểm Báo Pháp 06/04/14

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp 06/04/14

Điện Kremly trên Quảng trường Đỏ của Nga – Wikipedia

Putin cố gắng dựng dậy cái xác cũ Liên Xô

Theo RFI – Anh Vũ – 

Một hồ sơ quốc tế vẫn luôn là thời sự nóng đối với báo chí Pháp cả hơn tháng nay, đó là cuộc khủng hoảng Ukraina. Cuộc khủng hoảng chính trị ban đầu trong phạm vi nội bộ Ukraina, sau đó được đẩy lên mức cao hơn khủng hoảng giữa Kiev với Matxcơva, rồi nhanh chóng chuyển hướng sang đối đầu giữa Nga với các nước Tây. Trong cuộc khủng hoảng lớn này, tâm điểm được chú ý nhiều nhất có lẽ là tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã làm dấy lại không khí chiến tranh lạnh Đông-Tây.

Với nhật báo Aujourd’hui en France, Liên bang Xô Viết đã biến mất từ năm 199, nhưng rõ ràng tổng thống Nga đang tỏ quyết tâm hồi sinh cái thây ma đó, không chỉ qua vụ sáp nhập Crimée mà còn qua nhiều quyết định ở bên trong đất nước.

Tờ Aujourd’hui en France cho biết, có lần ông Putin đã tuyên bố : « Người không luyến tiếc Liên Xô là người không có trái tim. Người nào mong muốn phục hồi Liên Xô là người không có cái đầu » và tờ báo đưa ra nhận xét rằng, chắc chắn ông là người có đầu nhưng trái tim ông còn được đặt lên trên.

Theo tờ báo, chưa bao giờ những cố gắng khôi phục ảnh hưởng của Matxcơva đối với những nước từng nằm trong Liên bang Xô Viết lại hiển hiện rõ nét như lúc này. Người ta có thể thấy điều đó không chỉ từ vụ sáp nhập Crimée mà còn cả rất nhiều nỗ lực ngoại giao của chính quyền Putin nhằm thiết lập một liên minh Á-Âu tập hợp chủ yếu các nước cộng hoà cũ của Liên Xô, nằm trong vòng kiềm tỏa của Nga.

Chủ trương bành trướng này gắn liền với tham vọng của ông Putin muốn đưa nước Nga trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Những từ như « siêu cường » cùng những cách nói thoá mạ phương Tây được sao chép của thời chiến tranh lạnh đã trở thành ngôn từ thông dụng của các nhà báo thân cận với điện Kremlin ngày nay. Tờ báo khẳng định rằng, sau hơn 20 năm rời bỏ với tư tưởng cũ kỹ lỗi thời, giờ đây Kremlin đang trở lại với những mô hình cũ, có chút ít vay mượn của thời Nga hoàng và đặc biệt mang nhiều nét của thời kỳ Liên Xô.

Mặc dù tệ sùng bái Stalin chỉ còn tồn tại trong một số ít người có đầu óc cực đoan nhất mà thôi, thế nhưng trong sách giáo khoa lịch sử mới ở Nga, nhà độc tài này được mô tả như là một nhà quản lý tài giỏi, là lãnh tụ đã đưa nhân dân đến chiến thắng và là người có công lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Không một dòng nào nói về hàng chục triệu người đã chết dưới thời độc tài Stalin.

Tờ báo Pháp nhận thấy, thái độ sùng bái Xô Viết được khuyến khích từ thượng tầng. Tổng thống Putin còn có câu nói nổi tiếng là : « Sự tan rã của Liên Xô là thảm hoạ địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20 ».Tổng thống Nga không bao giờ nhắc đến chuyện những trại cải tạo Goulag, hiệp ước Nga –Đức hay những chuyện sách nhiễu những người ly khai.

Nhưng ông ta đang đề nghị quay trở lại việc quân sự hoá học đường, tức là giáo dục thể chất theo kiểu quân đội phải là môn học bắt buộc cho học sinh, một chủ trương giáo dục của thời Liên Xô. Ông ta ca ngợi Komsomol, Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Xô, hay cho khôi phục danh hiệu « Anh hùng lao động »….Nói tóm lại, ông Putin đang cố gắng tìm cách làm sống lại hình ảnh và hào khí của cái thời Xô Viết đã qua từ lâu.

Vẫn theo tác giả của Aujourd’hui en France, hình thái « tân Xô Viết » hung hăng nhất được thể hiện rõ nét trên truyền thông Nhà nước Nga. Truyền hình thường xuyên phát đi những nội dung thù địch với phương Tây, khơi dậy tâm lý cho rằng nước Nga như một thành trì bị bao vây bởi các thế lực thù địch phương Tây (vẫn lặp lại một thái độ của thời Liên Xô cũ).

Với những tiếng nói đối lập, báo chí dưới sự kiểm soát của chính quyền, gọi họ là những « kẻ phản bội tổ quốc », hay « gián điệp cho CIA »… Những ngôn từ tưởng như đã bị lãng quên từ cách đây hai thập kỷ thì nay được dịp hồi sinh dưới thời của Putin. Tờ báo kết luận, Tổng thống Putin không chỉ cổ vũ cho hoài niệm về Liên bang Xô Viết mà ông ta còn tìm cách khôi phục Liên Xô.

Liên Hiệp Châu Âu dự trù đối đầu lâu dài với Nga

Vẫn liên quan đến nước Nga và cuộc khủng hoảng với phương Tây, trang quốc tế của Le Figaro nhận thấy «Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị một cuộc đọ sức dài lâu với Matxcova».

Theo tờ báo, Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị cuộc đọ sức chưa có hồi kết với ông Vladimir Putin. Các Ngoại trưởng của EU hôm qua trong cuộc họp tại Athene, Hy Lạp đã loại trừ có được hòa dịu ngay lập tức với Nga đồng thời cam kết sẽ xem xét lại quan hệ lâu dài với Kremlin.

Lãnh đạo ngoại giao Đức ông Walter Steinmeier, người được cho là cởi mở nhất đối với Nga, đã nhận định về quan hệ với Matxcơva là: «Trước mắt chúng ta sẽ còn nhiều tháng thậm chí nhiều năm khó khăn». Trong khi đó đồng nghiệp Anh William Hague cũng đánh giá tình hình «vẫn còn rất nguy hiểm» xung quanh Ukraina. Sự xuống thang quân sự được Kremlin hứa hẹn không thuyết phục được các nước Châu Âu. Trong khi đó Nga đang khởi động cho cuộc chiến khí đốt.

Pháp: Hoài nghi vào nội các mới

Chính phủ cải tổ với tân Thủ tướng Manuel Valls vẫn là chủ đề được các báo Pháp dành sự quan tâm đặc biệt với hy vọng thì ít mà hoài nghi thì ngày càng nhiều thêm.

Suốt mấy ngày qua hình ảnh của tân thủ tướng Manuel Valls xuất hiện trên khắp báo chí Pháp từ truyền hình, nhật báo cho đến tuần báo. Le Figaro đưa lên trang nhất tấm ảnh kỷ niệm Tổng thống Pháp chụp cùng nội các mới sau buổi họp Hội đồng các bộ trưởng đầu tiên hôm qua với tựa lớn : « Manuel Valls đến, người của đảng Xã hội gầm gừ ». Việc bổ nhiệm Manuel Valls vào chiếc ghế thủ tướng đã làm không ít người trong chính đảng Xã hội cầm quyền hoài nghi. Thậm chí, Le Figaro còn cho biết có thể sẽ có tới ba chục dân biểu đảng Xã hội sẽ không tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ mới tại Quốc hội vào thứ Ba tuần tới.

Tóm tắt sự kiện này, xã luận của Le Figaro lấy tiêu đề « Xuất phát tồi ». Tờ báo ghi nhận «Manuel Valls, một mình chống lại tất cả, hay tất cả chống lại ông? Vừa mới nhậm chức thủ tướng mà đã bị cô lập, chỉ trích, bao vây. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử của nền đệ ngũ Cộng hòa Pháp» . Tờ báo đặt câu hỏi : Làm sao ông có thể lãnh đạo chính phủ đây?

Có thể chính phủ mới vẫn sẽ được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm nhưng trong bối cảnh đầy những thách thức như hiện nay, dư luận Pháp không khỏi hoài nghi sự «tín nhiệm» đó sẽ được duy trì được bao lâu?

Nỗi ám ảnh vụ diệt chủng Rwanda

Sự kiện được nhiều báo Pháp đưa lên trang nhất hôm nay đó là ngày 7/4 tới đánh dấu 20 năm diễn ra nạn diệt chủng ở Rwanda: 800 nghìn người sắc tộc Tutsis bị người Hutu tàn sát. Trang nhất La Croix chạy tựa lớn «Tại Rwanda, vết thương chưa lành».

Trở lại với đất nước châu Phi này sau 20 năm diễn ra nạn diệt chủng nhật báo Công giáo nhận thấy người Rwanda vẫn còn ám ảnh với thảm họa kinh hoàng đó.

Libération cũng chung cảm nhận với La Croix qua bài phóng sự dài: «Giới trẻ bị ám ảnh của Rwanda» để cho thấy, hai mươi năm sau vụ người Hutus thảm sát người Tutsis, con cái của nạn nhân cũng như những kẻ đao phủ, đang cố gắng khép lại nỗi đau ký ức trong một đất nước đang trên đường xây dựng lại cuộc sống yên bình, nhưng họ chưa thể gạt bỏ nỗi ám ảnh kinh hoàng của vụ thảm sát.

Nguyên nhân dẫn đến nạn diệt chủng chính là vụ chiếc máy bay chở tổng thống Rwanda người Hutu bị đánh bom khủng bố ngày mùng 06/04/1994. Một ngày sau vụ tấn công, làn sóng bạo lực đã bùng phát ở Rwanda và nhanh chóng phát triển thành một cuộc diệt chủng lớn nhất Châu Phi.

Libération trở lại sự kiện này với bài : «Vụ máy bay rơi 6/4/1994: Những nghi ngờ vẫn bao trùm lên nước Pháp». Tờ báo cho hay, từ sau sự kiện này, ba cuộc điều tra đã được tiến hành đều có một kết luận Paris có liên đới trách nhiệm với vụ khủng bố này. Điều này có thể lý giải phần nào lý do vì sao mà dư luận báo chí Pháp rất quan tâm đến thảm hoạ diệt chủng ở Rwanda năm 1994.

Afghanistan: Bầu cử tổng thống trong tầm ngắm bạo lực của Taliban

Một thời sự quốc tế khác cũng thu hút nhiều sự chú ý của các báo Pháp hôm nay đó là cuộc bầu cử Tổng thống tại Afghanistan, đánh dấu chấm hết thời kỳ của Hamid Karzai trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng. Ông Karzai sẽ trở thành cựu tổng thống sau cuộc bầu cử này vì không được phép ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

Libération cảnh báo: «Tại Afghanistan, phe Taliban đặt bầu cử trong tầm ngắm». Taliban không chỉ kêu gọi tẩy chay mà còn yêu cầu những người ủng hộ họ gây rối loạn cuộc bỏ phiếu và tấn công nhằm vào những người tổ chức bầu cử. Từ đầu tháng Ba đến nay, Taliban đã gây ra hàng chục vụ tấn công khủng bố mà mục tiêu chủ yếu nhằm vào thường dân ngoại quốc. Libération lo ngại không chỉ về gian lận trong bầu cử mà còn có thể xảy ra « tắm máu » ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Trong khi đó Le Figaro nhìn vào cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan từ hướng Hoa Kỳ. Washington đang rất khó chịu với việc tổng thống Hamid Karzai từ chối ký hiệp định an ninh cho phép duy trì sự hiện diện của lính Mỹ trên đất Afghanistan sau khi liên quân quốc tế rút khỏi vào cuối năm nay. Bởi vậy mà Wasgington trông mong cuộc bầu cử thành công với hy vọng sẽ khai thông được bế tắc trên với tân thống Afghanistan. Đặc biệt là tất cả các ứng viên tổng thống lần này đều hứa hẹn đồng ý duy trì quân Mỹ trên đất Afghanistan sau năm 2014.