Ðiểm Báo Pháp – 11/8/21
Lionel Messi đến Paris: Luồng gió mới thổi vào làng bóng đá Pháp?
Giữa kỳ nghỉ hè, các báo Pháp ra hôm nay, 11/08/2021, chạy các tin tức, chủ đề thời sự cũng khá tản mạn. Một thời sự được hầu như tất cả các báo khai thác đó là sự kiện danh thủ bóng đá người Achentina Lionel Messi vừa chính thức ký hợp đồng với câu lạc Paris.
Chưa kể các trang báo thể thao, chuyên về bóng đá, lướt qua các tờ báo chính của Pháp, không thấy có mấy tờ bỏ lỡ cơ hội khai thác các góc độ của sự kiện đang gây sốt người hâm mộ, cũng như làng bóng đá Pháp.
Le Figaro chạy tựa: «Messi đắt giá nhưng sẽ mang lại lợi lớn». Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa bài viết bằng nhận định «Với Messi, PSG (Paris Saint-Germain) muốn lên đỉnh bóng đá Châu Âu». Libération thì khẳng định Messi sẽ tỏa sáng ở PSG trên mọi mặt từ thể thao đến trình diễn. Trong khi đó nhật báo Công Giáo La Croix cũng không bỏ qua thời sự nóng với bài: «Lionel Messi, một ngôi sao vô giá cho Paris».
Nhật báo Công Giáo ghi nhận: «Được giới cổ động viên Paris đón chờ cuồng nhiệt, Lionel Messi đã chấp nhận gắn số phận mình với câu lạc bộ Paris Saint – Germain. Hai bên hôm 10/08 đã tìm được đồng thuận về một hợp đồng lớn kéo dài 2 năm, trị giá ước tính 40 triệu euro một năm, cộng thêm khoản phí thưởng khi ký hợp đồng là 30 triệu euros ».
Tờ báo nhận xét, con số này quá lớn, tương đương với ngân sách một năm cho một câu lạc bộ tầm trung của Ligue 1 (Giải vô địch Quốc gia bóng đá Pháp). Điểm đáng chú ý nữa là chủ nhân của 6 Quả Bóng Vàng đến Paris vào giữa lúc, vì đại dịch, làng bóng đá thế giới đang rơi vào suy thoái. Hầu hết các câu lạc bộ bóng đá đều phải cắt giảm chi tiêu, nợ nần. Thế nhưng mùa hè này, Paris Saint – Germain vẫn tiếp tục chiến dịch tuyển dụng xa xỉ, kéo về một loạt ngôi sao của các câu lạc bộ lớn trong làng bóng châu Âu.
Dù phải chịu gánh nặng lớn về tài chính, chi trả cho một loạt các siêu sao hiện có, mặc dù tiếp tục thất thu hàng trăm triệu euro trong 2 mùa bóng giữa đại dịch, nhưng các ông chủ Qatar, quỹ Qatar Sport Investment, vẫn không muốn bỏ lỡ cơ hội vàng với Messi. Paris Saint – Germain đã nhìn thấy món lợi lớn cả về chuyên môn bóng đá thuần túy và nhất là về kinh tế.
Theo La Croix, Messi sẽ giúp PSG cải thiện hình ảnh đáng kể, để tiếp cận gần hơn với những câu lạc bộ bóng đá có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Âu,như Real Madrid, Bayern Munich, Barcelona hay Manchester City.
Nhật báo Le Figaro nhận thấy, «ngoài trình độ chuyên môn siêu đẳng trên sân cỏ không có gì phải bàn cãi, siêu sao người Achentina 34 tuổi sẽ là quân chủ bài cho PSG trên bình diện tiếp thị và kinh tế».
Tờ báo tập trung vào khía cạnh nguồn lợi kinh tế mà danh thủ Achentina có thể mang về cho câu lạc bộ thành Paris. Le Figaro cho biết cách đây vài tuần, PSG lần đầu tiên được tạp chí Forbes xếp vào danh sách 50 câu lạc bộ thể thao có giá trị lớn nhất thế giới (thứ 43), được định giá 2,5 tỷ đô la, đồng thời là câu lạc bộ có sức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua (tăng 207%).
Khi còn ở Barça, Messi được ông chủ tịch câu lạc bộ Tây Ban Nha Laporta đánh giá là có ảnh hưởng tới 30% doanh số của câu lạc bộ, tức khoảng 200 triệu euro. Giới chuyên gia về kinh tế thể thao đều nhất trí với nhận định Lionel Messi là «cầu thủ rất đắt, nhưng mang lại lợi nhuận rất lớn».
Theo ước tính ban đầu, chỉ riêng nguồn thu từ hình ảnh và bán áo thi đấu, Messi có thể bù vào thu nhập của PSG đến trên 30 triệu euro mỗi mùa bóng. Ở quy mô làng bóng đá Pháp, việc Messi đến PSG có thể giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng về bản quyền truyền hình hiện nay, khiến cho Ligue 1 bị thâm hụt hàng trăm triệu euro thu nhập.
Ở cấp độ câu lạc bộ, thương hiệu PSG giờ đây có cơ hội vươn lên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, trên phương diện chuyên môn thể thao, sự xuất hiện của cây làm bàn Messi sẽ có thể giúp câu lạc bộ Paris thực hiện tham vọng lớn, lên đến đỉnh cao của bóng đá châu Âu. Suốt 10 năm qua, kể từ khi các ông chủ Qatar tiếp quản Paris Saint – Germain, rồi không ngừng đổ cả núi tiền đầu tư, nhưng câu lạc bộ Paris vẫn chỉ mon men đến danh hiệu á quân của giải Cúp C1 châu Âu và mùa bóng vừa qua đã phải về nhì, sau liên tiếp nhiều năm thống trị giải vô địch quốc gia bóng đá Pháp.
Xuất hiện trong chiếc áo phông in dòng chữ «Đây là Paris», ngay tại phi trường Bourget gần Paris ngày hôm qua, danh thủ bóng đá Lionel Messi đang khiến các cổ động viên PSG cũng như cả làng bóng đá Pháp phải sôi sục. Ngay trong ngày hôm nay, trước các cửa hiệu bán đồ lưu niệm của PSG tại Paris, hàng dài người xếp hàng để có được chiếc áo thi đấu của câu lạc bộ in tên Messi.
Hiệu ứng Messi còn kéo dài bao lâu? Chưa thể nói gì nhiều, nhưng cái tên Messi lúc này đang thổi một luồng sinh khí cho các sân cỏ bóng đá Pháp, đang trong thời điểm khởi động hồi sinh. Báo chí sẽ còn tốn nhiều giấy mực với cầu thủ bóng đá, có thể hình nhỏ bé, nhưng lại là người khổng lồ.
Olympic Paris 2024 và thách thức của chủ nhà
Vẫn là liên quan đến lĩnh vực thể thao, Le Monde quan tâm đến sự kiện sau Thế Vận Hội Tokyo, lá cờ Olympic từ đầu tuần này đã được treo trước sảnh lớn của tòa thị chính thủ đô Paris, đợi đến ngày 26/07/2024 sẽ khai mạc Olympic Paris 2024.
Le Monde có bài xã luận với tiêu đề, «Thế Vận Hội: Những thách thức của Paris 2024». Theo tờ báo, đây là một sự kiện trọng đại của Paris, thành phố từ năm 1924 chưa được đón kỳ Thế Vận Hội mùa hè nào và kể từ khi phục hưng phong trào Olympic hiện đại năm 1894, nước Pháp cũng chỉ được 5 lần đón các kỳ Olympic mùa đông và mùa hè. Paris bắt đầu đếm ngược thời gian cùng với nhiều thách thức lớn.
Le Monde cho rằng «Thế Vận Hội Paris là một dịp đặc biệt, không chỉ để tôn vinh các giá trị của đất nước, sự đa dạng của quốc gia, mà đó còn là dịp để mơ ước, đoàn kết người dân Pháp, đang bị chia rẽ và khép mình vì những lo lắng dịch bệnh».
Về vấn đề công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, dù vẫn còn một vài trục trặc, nhưng đây không phải là vấn đề lớn đối với thành phố đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn mang tính toàn cầu. Nhưng Le Monde nhận thấy vẫn còn nhiều thách thức về khía cạnh chuyên môn thể thao cho nước chủ nhà của Paris 2024. Tại kỳ Thế Vận Hội Tokyo vừa rồi, các vận động viên Pháp mang về 33 huy chương, trong đó có 10 vàng, xếp thứ 8 thế giới.
Thành tích này vẫn còn xếp sau khá xa với láng giềng Anh, thu được 65 huy chương. Thể thao Anh từ Thế Vận hội Bắc Kinh vẫn duy trì vị thế là cường quốc Olympic ở Châu Âu. Trong khi thành tích thi đấu của thể thao Pháp vẫn không đồng đều, ổn định. Còn 3 năm nữa đến Thế Vận Hội Paris, giờ là lúc rút ra những bài học về các thành công vẫn còn mờ nhạt của thể thao Pháp ở Tokyo để chuẩn bị cho Paris 2024.
Biến đổi khí hậu, không dễ thay đổi hành động
Chuyển sang chủ đề thời sự khác, trang nhất báo Le Monde chạy tựa lớn về hiện tượng hâm nóng bầu khí hậu, đang buộc xã hội chúng ta hành động.
Đây là hồ sơ lớn của tờ báo. Theo Le Monde, thỏa thuận khí hậu Paris có hiệu lực từ năm 2016, ấn định mục tiêu kềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất là 1,5°C. Thế nhưng ,theo các số liệu mà bản báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về khí hậu toàn cầu GIEC vừa công bố hôm 09/08 vừa rồi, dường như ngưỡng mục tiêu này khó có thể thể giữ được.
Tờ báo đăng các bài phỏng vấn nhiều nhà khoa học, tất cả đều cho rằng đến lúc này, với những vụ thiên tai, thực tế biến đổi khí hậu đang diễn ra trên khắp thế giới, thế giới phải hành động nhanh chóng hơn nhiều. Một trong những việc phải làm đó là «phải khẩn cấp loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính một cách triệt để ra khỏi xã hội, ra khỏi các hoạt động kinh tế của chúng ta». Tuy nhiên, Le Monde cũng có bài phân tích với tiêu đề: «Kềm chế sự hâm nóng trái đất là một thách thức lớn đối với hành tinh».
Aghanistan: Nỗi sợ mang tên Taliban
Tiếp tục với Le Monde, tờ báo quan tâm đến Afghanistan trong bối cảnh quân nổi dậy Taliban đang trên đà giành quyền kiểm soát phần lớn đất nước.
Nhật báo ghi nhận trên trang nhất: «Tại Kabul, nỗi sợ hãi trước đà tiến của Taliban». Đặc phái viên của tờ báo tại Kabul có bài phóng sự về không khí lo sợ của người dân bao trùm thủ đô Afghanistan những ngày qua, trong khi lực lượng nổi dậy Taliban, nhân cơ hội quân đội Mỹ và lực lượng giữ gìn an ninh quốc tế rút khỏi, đã liên tục mở các cuộc tấn công kiểm soát phần lớn đất nước.
Theo Le Monde, từ hôm Chủ nhật 08/08/2021, Taliban cho biết đã chiếm được 5 thủ phủ quan trọng của nhiều vùng Afghanistan. Hơn một nửa lãnh thổ đất nước giờ nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Với đà này, không bao lâu nữa phiến quân sẽ tiến vào thủ đô Kabul. Nếu điều này xảy đến, quân Taliban sẽ đốt sạch thành phố và sẽ có một cuộc tàn sát trả thù. Tuy nhiên, bài phóng sự cũng ghi nhận, mặc dù sợ hãi, người dân ở khu phố phía tây thành phố vẫn quyết bám trụ ở lại.
Hàng không cất cánh sau đại dịch
Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin vui : « Ngành hàng không được ngọn gió phục hồi nâng cánh ». Tờ báo cho hay, số lượng bán ra của các hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing đã kháng cự lại được với khủng hoảng tốt hơn nhiều so với dự tính ở quý đầu năm nay. Nguyên nhân là nhờ việc khôi phục lại các đường bay ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và gần đây là ở Châu Âu. Hãng Airbus đặt mục tiêu tăng trưởng lại cao hơn với dự kiến.
Nhìn chung, bất chấp đại dịch, mùa hè 2021 là thời kỳ phục hồi đối với giao thông hàng không. Không chỉ với các hãng bay đang dần đón trở lại hành khách đến các điểm du lịch được mở lại, mà sự phục hồi còn được thấy rõ đối với ngành công nghiệp chế tạo máy bay dân dụng, điển hình là Airbus và Boeing.
Theo dự tính, phải trong khoảng từ 2023-2025, ngành hàng không mới có thể thoát khỏi khủng hoảng, nhưng giờ đây viễn ảnh này có thể đến ngay năm tới, theo những dấu hiệu lạc quan được ghi nhận đến nay. Một tin vui trong bối cảnh thế giới vẫn đang tiếp tục cuộc chiến cam go chống đại dịch Covid-19.
Anh Vũ
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210811-lionel-messi-paris-bong-da-phap