Ðiểm Báo Pháp – 11/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 11/6/21

«Sợ» Trung Quốc, châu Âu giữ khoảng cách với Mỹ

Với báo chí Pháp, nhân vật trong ngày đương nhiên là tổng thống Mỹ, ngôi sao sáng ở thượng đỉnh G7 tại Anh Quốc. Xã luận của ba tờ báo lớn Paris đều dành cho Joe Biden và sự trở lại của Hoa Kỳ. «Biden chinh phục lại mặt trận miền Tây » là tựa của Libération. Tờ Le Figaro chạy tựa « Joe Biden muốn châu Âu nhập ngũ chống Trung Quốc». Báo chí Pháp dường như quên mất Canada và Nhật trong thượng đỉnh G7 lần này.

Vào lúc tổng thống Mỹ muốn châu Âu «có một cách tiếp cận cứng rắn hơn đôi với Trung Quốc» như Libération ghi nhận, thì Le Monde lưu ý độc giả, châu Âu tránh một cuộc đấu đầu quá lộ liễu.

Từ trái qua phải: Chủ tịch UBCA Ursula von der Leyen, TT Pháp Emmanuel Macron, Chủ tich HĐCA  Charles Michel, thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Ý Mario Draghi, bên trước thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh Quốc, ngày 11/06/2021.
Từ trái qua phải: Chủ tịch UBCA Ursula von der Leyen, TT Pháp Emmanuel Macron, Chủ tich HĐCA Charles Michel, thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Ý Mario Draghi, bên trước thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh Quốc, ngày 11/06/2021. REUTERS – PHIL NOBLE

Đối thoại chưa bao giờ bị cắt đứt

Thông tín viên của tờ báo từ Bắc Kinh, khẳng định: tương tự như châu Á, nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu cũng đang bị giằng co giữa một bên là nỗi lo sợ Trung Quốc «bành trướng» nhưng lại không dám mạnh mẽ chỉ trích Bắc Kinh vì sợ đánh mất những cơ hội với thị trường tiềm năng này. Do vậy, Liên Hiệp Châu Âu không muốn để Washington «lôi kéo vào một cuộc đối đầu trực diện với Bắc Kinh».

Bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ, cả dưới thời chính quyền Trump lẫn Biden, «đối thoại chưa bao giờ gián đoạn » giữa các thành viên Liên Âu với Trung Quốc. Ngoại trưởng Hungary, Ba Lan và Ailen vừa sang Trung Quốc. Tây Ban Nha và Ý chuẩn bị theo chân. Không loại trừ khả năng thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ sang Bắc Kinh từ biệt ông Tập Cận Bình trước khi từ giã chính trường. Vẫn theo thông tín viên Le Monde, ý tưởng tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháp tùng thủ tướng Merkel trong chuyến công du Trung Quốc vẫn còn tính thời sự. Một nhà ngoại giao châu Âu được tác giả bài báo trích dẫn tỏ ra thực tế: «Đừng xem thường sức quyến rũ của Trung Quốc» khi mà trên toàn nước Đức một năm người dân mua vào 3 triệu xe hơi, nhưng chỉ riêng Volkswagen, mỗi năm bán ra đến 3 triệu rưỡi xe trên thị trường Trung Quốc. Người ta có thể không yêu quý gì Trung Quốc nhưng đây vẫn là một thị trường không thể bỏ qua.

Với Trung Quốc, Pháp ngậm bồ hòn làm ngọt?

Nhưng Trung Quốc là một thị trường «xương xẩu», «khó nhằn»: «Paris hết kiên nhẫn với Bắc Kinh». Báo kinh tế Les Echos nhắc lại, trong chuyến công du Trung Quốc lần thứ nhì vào tháng 11/2019 tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi Bắc Kinh «đẩy mạnh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Pháp». 18 tháng sau, không một tiến triển nào được ghi nhận, những cam kết hợp tác của Bắc Kinh chỉ là những « lời hứa suông».

Pháp-Trung từng tuyên bố «cân bằng hóa trao đổi mậu dịch hai chiều », nhưng trong năm 2020 thâm hụt mậu dịch của Pháp với ông khổng lồ châu Á « tăng kỷ lục» – đụng ngưỡng 39 tỷ euro. Trao đổi giữa bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire với phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) hôm 27/05/2021 đã « rất căng thẳng», theo một nguồn tin thân cận được Les Echos trích dẫn.

Thỏa thuận Trung Quốc mua thịt heo của Pháp nhẽ ra được thông qua nhân cuộc họp này cuối cùng đã bị hủy vào giờ chót, do Bắc Kinh chưa « sẵn sàng» vì vẫn sợ « dịch tả heo» lây sang Trung Quốc. Đàm phán về các hợp đồng trong lĩnh vực hàng không liên tục kéo dài. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đôi bên vẫn chưa ngã ngũ về giá cả hợp đồng liên quan đến một nhà máy xử lý rác nguyên tử cho Trung Quốc. Riêng trên hồ sơ cuối cùng, Les Echos lưu ý độc giả: đành rằng Paris chỉ trích Bắc Kinh muốn «làm mưa làm gió » nhưng đổi lại thì Trung Quốc cũng bực mình trước những đòi hỏi của Pháp về các chuẩn mực an toàn trong dự án xây dựng nhà máy xử lý rác nguyên tử cho Trung Quốc. Paris không muốn « lịch sử lặp lại» sau bài học «phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán», khi đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát những gì diễn ra đằng sau những bức tường của phòng thí nghiệm do chính Pháp tài trợ, giúp Viện vi trùng học Trung Quốc tại Vũ Hán trở thành « mũi nhọn» trong ngành.

Ấn Độ – Thái Bình Dương: Trung Quốc sách nhiễu Hải Quân Pháp

Ấn Độ – Thái Bình Dương là một cái gai khác trong quan hệ Paris – Bắc Kinh. Trong bài phỏng vấn dành cho báo Le Monde hôm 08/06/2021, tư lệnh Hải Quân Pháp đô đốc Pierre Vandier cho biết : mỗi lần công tác tại khu vực này, tàu của Pháp đều bị theo dõi, đôi khi phải tránh để « xảy ra đụng độ với tàu Trung Quốc ».

Tệ hơn nữa, « một số nơi mà Hải Quân Pháp thường ghé lại trong khu vực này đã hủy chương trình hợp tác vào giờ chót » và phía Pháp không nhận được bất kỳ một giải thích rõ ràng nào. Đó là dấu hiệu cụ thể cho thấy áp lực của Trung Quốc ngày càng gia tăng và Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược « bóp ngẹt vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương » trên nhiều mặt trận cùng lúc, từ « kinh tế, đến ngoại giao, quân sự … hay kể cả dưới hình thức tấn công tin học hoặc bằng những phương tiện khác ».

Khi được hỏi « Đâu là những thách thức mà sức mạnh của Trung Quốc sẽ đặt ra trong tương lai ? », tư lệnh Hải Quân Pháp trả lời : cộng đồng quốc tế cần có một tiếng nói « tập thể » vì nếu không « trong một vài năm nữa, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi tàu khu trục Trung Quốc khi đi qua khu vực này, thậm chí có thể bị cấm qua lại (…) Áp lực từ phía Trung Quốc hiện rất lớn (…) khiến chúng ta phải đặt nhiều câu hỏi về những ý đồ » của Bắc Kinh.

Vladimir Putin viết lại lịch sử Nga

Vài ngày trước thượng đỉnh Nga – Mỹ tổ chức tại Genève, Thụy Sĩ, tổng thống Vladimir Putin bị tố cáo phạm « tội ác chống lại lịch sử » : Le Monde chú ý đến báo cáo của Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền – FIDH, trụ sở tại Paris, hôm 10/06/2021 cho công bố một bản báo cáo tập hợp những vi phạm của chính quyền Nga nhắm vào giới nghiên cứu lịch sử nước này.

Mục tiêu của Matxcơva là nhằm áp đặt một dòng lịch sử «chính thức để biện minh cho tính chính đáng của chế độ». Văn bản gồm 80 trang và một trong những tác giả chính của bản báo cáo này là một luật sư trẻ, Grigori Vaïpan, tốt nghiệp trường Harvard Hoa Kỳ. Từ khi lên cầm quyền năm 2000, Vladimir Putin đã ban hành 7 đạo luật về «ký ức lịch sử».

Không biết bao nhiêu sử gia của nước Nga đã phải «trả giá» vì nghiêm túc trong công tác của một nhà nghiên cứu và can đảm đưa ra một tiếng nói «độc lập» với những tiêu chuẩn của Kremlin. Người thì mất chức, người thì bị cầm tù … Chỉ riêng trong năm 2018 đã có đến 17 nhà sử học Nga bị truy tố vì đã cả gan đưa ra những kết luận mà điện Kremlin không hài lòng khi nhìn lại vai trò của Matxcơva trong Thế Chiến Thứ Hai. Một chuyên gia hàng đầu của Nga về lịch sử quân sự lãnh án chung thân trong một phiên tòa bị xếp vào diện «bí mật quốc phòng».

Lịch sử, con tin của những nhà chính trị ma giáo

Giáo sư Antoon de Baets, trường đại học Groningue – Hà Lan nhận định, tổng thống Nga đã «biến lịch sử thành một bãi chiến trường». Tuy nhiên, nước Nga ngày nay của ông Putin hay Liên Xô trước kia không là một trường hợp riêng lẻ: «Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Guatemala hay Brazil đều từng vi phạm tội ác chống lịch sử. Ngay cả châu Âu cũng thế. Những trường hợp như của Ba Lan hay Hungary đã quá hiển nhiên».

Chuyên gia này khen ngợi tổng thống Emmanuel Macron đã « can đảm » nhìn nhận trách nhiệm của nước Pháp trong cuộc thảm sát tại Rwanda, châu Phi.

G7: Kỳ vọng quá đáng vào Biden?

Xã luận của báo Công Giáo La Croix mang tựa đề «Hy vọng Biden». Tờ Libération thiên tả hồ hởi với việc Joe Biden không đến dự thượng đỉnh G7 với «tay không»: ông hứa hẹn cấp nửa tỷ liều vac-xin chống Covid-19 cho các nước nghèo. Tổng thống Mỹ đang khiến cảnh tả châu Âu ganh tị do đã áp đặt được biện pháp đánh thuế 15 % các đại tập đoàn đa quốc gia, trong lúc đây là một sáng kiến của Pháp nhưng Paris lại không đủ sức thuyết phục. Còn châu Âu thì không đoàn kết để có một tiếng nói chung trên hồ sơ này. Để rồi khi nước Mỹ lên tiếng thì tất cả răm rắp nghe theo.

Châu Âu phải nghĩ gì về một Biden đang muốn áp đặt biện pháp nâng lương tối thiểu ở Hoa Kỳ đang từ 7 lên 15 đô la một giờ, về một Joe Biden tung kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng 2.200 tỷ đô la? Tác giả bài xã luận trên Libération kết luận nguyên thủ Mỹ đã đem lại một làn gió mới cho nước Mỹ và đó cũng là một làn gió mát mà Lục Địa Già đang rất cần !

Cũng Libération phỏng vấn giáo sư Garret Martin, chuyên gia về quan hệ quốc tế giữa hai bờ Đại Tây Dương : điều thú vị ở đây là dù vắng mặt trong «cuộc chạy việt dã ngoại giao» của tổng thống Biden lần này, nhưng Trung Quốc «lại là trọng tâm của khá nhiều cuộc trao đổi» giữa nguyên thủ Mỹ với các đối tác châu Âu. Le Figaro hoàn toàn đồng ý với quan điểm này trong suốt loạt bài dành để nói về chuyến công du đầu tiên của tổng thống Biden trên Lục Địa Già. Theo tờ báo, «khí hậu, Covid và Trung Quốc, ba ưu tiên» của Joe Biden và trên cả ba hồ sơ đó Nhà Trắng chủ trương nước Mỹ «chia sẻ những giá trị và tầm nhìn về tương lai với các nền dân chủ khác». Chuyên gia Judy Dempsey quỹ Carnegie Hòa Bình khẳng định tổng thống Mỹ đến châu Âu «vì những lý do chiến lược rất quan trọng». Washington «cần Châu Âu, cần có những đồng minh phương Tây, cần những nền dân chủ và cần hàn gắn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương».

Vẫn theo chuyên gia này, trong logic của chủ nhân Nhà Trắng, ưu tiên số 1 của Joe Biden là Trung Quốc bởi về chiến lược, Hoa Kỳ trong thế «mặt đối mặt với Bắc Kinh» và ông Biden không muốn ra trận một mình.

Trong khi đó, «châu Âu tuy ý thức được rằng Trung Quốc là một mối đe dọa có hệ thống, nhưng lại không có chung một quan điểm, và cũng không muốn bị kẹt giữa hai siêu cường» là Mỹ và Trung Quốc.

Dù vậy báo Le Figaro không quên nhắc nhở châu Âu là nên thận trọng, chớ phấn khởi quá đáng về hình thức bề ngoài mà quên mất rằng, tổng thống Biden trong chưa đầy nửa năm ở Nhà Trắng đã theo chân những người tiền nhiệm ít nhất trên ba hồ sơ. Đó là «chính sách thoái lui của Mỹ khỏi Trung Đông và Trung Á ; tập trung trở lại vào những vấn để cốt lõi của nước Mỹ từ kinh tế, đến chính trị và hồ sơ thứ ba là một sự đối đầu về mặt chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc».

Thanh Hà

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210611-s%E1%BB%A3-trung-qu%E1%BB%91c-ch%C3%A2u-%C3%A2u-gi%E1%BB%AF-kho%E1%BA%A3ng-c%C3%A1ch-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9