Ðiểm Báo Pháp – 11/1/22
Đàm phán Mỹ, Nga về Ukraina tại Genève không đạt kết quả
Trong cuộc đàm phán tại Genève hôm qua, 10/01/2022, Hoa Kỳ và Nga đã không đạt được kết quả nào trên hồ sơ Ukraina, nhưng hai nước tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại để cố tìm một giải pháp ngoại giao.
Cuộc đàm phán giữa hai thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ
Nga, Wendy Sherman và Serguei Riabkov, đã diễn ra trong bầu không khí
căng thẳng. Matxcơva đã khẳng định không hề có ý định xâm lăng Ukraina
như nghi ngờ của phương Tây. Nhưng phía Nga đã không chấp nhận rút về
hàng chục ngàn quân đang đóng tại vùng biên giới giáp với Ukraina theo
yêu cầu của phía Mỹ.
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri gởi về bài tường trình:
«Chưa thể xuống thang ngay lúc này, lại càng không thể đạt được ngay một thỏa hiệp. Hoa Kỳ đã yêu cầu Nga rút về doanh trại, hàng chục ngàn quân đang đóng tại biên giới Ukraina. Nhưng Matxcơva đã trả lời «không» và khẳng định: «Những binh lính đó đang thao dượt trên lãnh thổ Nga». Tuy vậy, Matxcơva cam kết rằng nhiệm vụ của đội quân đó không phải là xâm chiếm Ukraina.
Như vậy là đã không có cải thiện cụ thể trên thực địa, nhưng các cánh cửa không hoàn toàn đóng lại và nhiệt độ đã giảm xuống trở lại. Nga nhìn nhận thái độ nghiêm túc của Hoa Kỳ trong cuộc họp. Phía Nga mô tả 8 giờ thảo luận vừa qua là rất «ráo riết» và «chuyên nghiệp». Nguy cơ xâm lăng Ukraina, cấu trúc an ninh châu Âu, các hồ sơ đặt trên bàn rất dày. Phải có thêm các cuộc họp cấp cao như vậy để thúc đẩy được các hồ sơ đó.»
Sau cuộc đàm phán Mỹ – Nga tại Genève hôm qua, hồ sơ Ukraina sẽ lại được thảo luận trong cuộc họp giữa khối NATO và Nga ngày mai, 12/01, sẽ quy tụ cả Ukraina và các nước châu Âu. Cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào thứ Năm, 13/01, cũng sẽ bàn về Ukraina.
Thanh Phương
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220111-dam-phan-my-nga-tai-geneve-khong-dat-ket-qua
Trung Quốc: Tướng đàn áp tại Tân Cương trở thành tư lệnh lực lượng trú đóng ở Hồng Kông
Trung Quốc hôm 10/01/2022 bổ nhiệm tướng Bành Kinh Đường (Peng Jingtang), nguyên chỉ huy lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố ở Tân Cương làm tư lệnh các đơn vị đồn trú ở Hồng Kông. Quyết định mới của Bắc Kinh gây lo ngại là các hoạt động đòi dân chủ tại đặc khu sẽ bị gia tăng đàn áp.
Hãng tin AP dẫn thông báo của bộ Quốc Phòng Trung
Quốc cho biết đích thân tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương
Tập Cận Bình đã ký lệnh bổ nhiệm này. Sáng hôm qua tướng Bành Kinh Đường
đã gặp gỡ trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) để thảo luận
về việc cùng “bảo vệ an ninh” và “duy trì sự thịnh vượng, ổn định lâu
dài” ở Hồng Kông.
Theo báo chí Nhà nước Trung Quốc, ông Bành Kinh
Đường từng chỉ huy lực lượng công an vũ trang ở Tân Cương từ năm 2018,
nơi Trung Quốc giam giữ hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người Duy Ngô
Nhĩ trong các trại cải tạo. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền nêu bằng chứng
tù nhân Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động, nhiều người bị triệt sản.
Hoa Kỳ tố cáo chính sách của Bắc Kinh tại Tân Cương là “diệt chủng”.
Đây là động thái mới nhất trong số hàng loạt biện pháp của Bắc Kinh nhằm siết chặt kiểm soát Hồng Kông. Dù hứa hẹn duy trì các quyền tự do dân sự và hệ thống tư pháp độc lập tại cựu thuộc địa Anh trong vòng 50 năm, nhưng sau phong trào phản kháng năm 2019, Trung Quốc đã áp đặt luật an ninh khắc nghiệt khiến nhiều nhà đối lập bị tống giam hoặc phải lưu vong. Báo chí độc lập đều đã bị đóng cửa, các ứng cử viên bị cho là không đủ trung thành với “mẫu quốc” bị cấm ra tranh cử Nghị Viện.
Thụy My
Hàn Quốc: Bắc Triều Tiên dường như lại bắn tên lửa đạn đạo
Hôm nay, 11/01/2022, quân đội Hàn Quốc thông báo Bắc Triều Tiên lại bắn một tên lửa, nghi là tên lửa đạn đạo, chưa đầy một tuần sau khi Bình Nhưỡng khẳng định đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh.
Theo hãng tin AFP, trong một thông cáo, bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa đã được bắn từ đất liền ra vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên vào lúc 7 giờ 27 phút, giờ địa phương sáng nay. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cũng đã xác nhận «một vật thể có thể là tên lửa đạn đạo» đã được Bắc Triều Tiên phóng lên. Còn theo lời phát ngôn viên chính phủ Tokyo Hirokazu Matsuno, tên lửa này đã bay khoảng 700 km trước khi rơi xuống khu vực bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Tên lửa nói trên được bắn đúng vào lúc diễn ra cuộc họp kín của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tối qua (giờ New York), nhằm thảo luận về vụ bắn thử tên lửa siêu thanh của Bắc Triều Tiên hôm 05/01. Trước cuộc họp này của Hội Đồng Bảo An, 6 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt « những hành động gây mất ổn định ».
Theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, có thể là Bắc Triều Tiên cố tình bắn tên lửa đúng vào lúc đang diễn ra cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để có được « tác động tối đa » về chính trị. Theo giáo sư Park Won Gon, đại học Ewha ở Seoul, tần suất của các cuộc bắn thử cho thấy Bình Nhưỡng có thể sẽ bắn các tên lửa khác ngay trước khi khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh vào tháng tới.
Bắc Triều Tiên đã bị Ủy ban Thế vận Quốc tế cấm tham gia Thế Vận Hội Bắc Kinh, do nước này đã từ chối tham dự Thế Vận Hội Mùa Hè Tokyo 2021, lấy lý do đang có đại dịch Covid-19.
Vụ bắn thử tên lửa hôm nay diễn ra vào lúc Bình Nhưỡng không đáp ứng những lời kêu gọi của Mỹ nối lại đối thoại về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đàm phán Mỹ-Triều đã gặp bế tắc kể từ sau thất bại của cuộc gặp giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un vào năm 2019.
Thanh Phương