Điểm Báo Pháp – 11/02/2021
Anh Quốc: Cả trăm học giả vô tình tiếp tay cho chương trình vũ khí của Bắc Kinh
Ảnh minh họa. Anh và Trung Quốc : Một cuộc đối thoại hợp tác song phương tổ chức tại Bắc Kinh, năm 2015. REUTERS – POOL New
Trọng Nghĩa
Dự luật về khí hậu vừa được trình lên Hội đồng bộ trưởng Pháp là chủ đề được báo chí Pháp ra ngày hôm nay 11/02/2021 chú ý nhiều nhất, bên cạnh một dự luật khác liên quan đến tôn giáo đang được bàn thảo tại Quốc Hội, được tờ báo Công Giáo La Croix quan tâm. Libération thì nhấn mạnh đến khủng hoảng tại trường Sciences-po, học viện chính trị hàng đầu của Pháp, trong lúc nhật báo Les Echos nêu bật quyết tâm phát triển mạnh vac-xin ngừa Covid-19, chính sách vừa được Bruxelles tái khẳng định.
Về thời sự quốc tế, Le Figaro đã có một bài viết rất lý thú về thái độ quá thơ ngây của châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc, đã để cho giới nghiên cứu khoa học của mình bị Bắc Kinh lợi dụng trong hàng chục năm qua, và đã vô tình tiếp tay giúp Trung Quốc phát triển các loại phương tiện có thể được dùng để chống lại chính châu Âu.
200 học giả Anh bị điều tra trong nghi án tiếp tay cho Trung Quốc
Trong bài “Gián điệp: Luân Đôn vùng dậy chống Bắc Kinh”, Le Figaro đã nêu bật hai động thái cứng rắn mới đây của chính quyền Anh liên quan đến Trung Quốc. Đó là quyết định mở điều tra nhắm vào hàng trăm học giả Anh quá ngây thơ trong hợp tác với Trung Quốc, và việc tăng cường giám sát các sinh viên Trung Quốc theo học tại Anh.
Theo Le Figaro, đây không phải là một vụ án gián điệp hay phản quốc, mà là một vụ việc nêu bật thái độ ngây thơ của phương Tây, khi đối mặt với các mưu đồ và hành động của Trung Quốc. Đã có khoảng 200 học giả trong giới nghiên cứu và giảng dạy tại các đại học Anh Quốc đang bị điều tra vì đã vô tình tiếp tay cho Trung Quốc để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nhật báo Pháp đã trích dẫn tờ báo Anh The Times cho biết là các học giả này có thể là đã vi phạm luật xuất khẩu nghiêm ngặt, nhằm ngăn không cho quyền sở hữu trí tuệ ở các lĩnh vực nhạy cảm bị chuyển giao cho các quốc gia thù địch. Họ bị nghi ngờ là đã chia sẻ với Trung Quốc các nghiên cứu mũi nhọn trong lãnh vực quân sự, đặc biệt là liên quan tới công nghệ quân sự cao cấp như máy bay, thiết kế tên lửa và vũ khí mạng. Các nhân vật bị điều tra thuộc hàng chục trường đại học ở Vương Quốc Anh.
Ngoài việc phát triển vũ khí, các cơ quan an ninh Anh cũng lo ngại rằng những công nghệ đó có thể được sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến hoặc các nhóm thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ.
Các học giả bị điều tra được cho là đã “vô tình” phạm pháp khi tham gia vào các giao dịch thương mại với các công ty Trung Quốc. Sự nhẹ dạ cả tin đó có thể khiến họ phải trả giá đắt vì họ có thể bị kết án đến mười năm tù.
Một nguồn tin đã khẳng định rằng không bao lâu nữa có thể có “hàng chục học giả ra hầu tòa”, và khoảng hai chục người có nguy cơ “bị bỏ tù vì giúp Trung Quốc chế tạo các loại vũ khí siêu đẳng”.
Học giả và sinh viên Trung Quốc tại Anh sẽ bị kiểm soát chặt hơn
Ngoài cuộc điều tra đang được tiến hành nhắm vào người Anh, theo Le Figaro, cách nay 10 mười ngày, đến lượt các học giả và sinh viên Trung Quốc là mục tiêu của bộ Ngoại Giao Anh. Cũng theo The Times, hàng nghìn người trong số này có thể bị từ chối nhập cảnh với lý do an ninh quốc gia.
Theo Le Figaro, các biện pháp kiểm soát nhắm vào các sinh viên, thực tập sinh Trung Quốc quan tâm đến các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm cũng sẽ được siết chặt thêm vì Anh Quốc ngày càng lo sợ rằng các thành phần này sẽ tiếp thu được kiến thức công nghệ vì lợi ích của Quân Đội Trung Quốc. Cơ quan tình báo điện tử Anh GCHQ, cũng đã cảnh báo các trường đại học chống lại các “Nhà nước thù địch” nhắm vào các định chế của Anh.
Các hạn chế mới sẽ ảnh hưởng đến 44 lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm trí tuệ nhân tạo, hóa học, vật lý, toán học, khoa học máy tính và một số lĩnh vực kỹ thuật. Những hạn chế này cũng sẽ áp dụng cho các chuyên gia thực hiện chức năng nghiên cứu và phát triển trong các công ty, tập đoàn tại Vương quốc Anh. Vì vậy, hàng nghìn nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể bị từ chối quyền làm việc tại Vương quốc Anh. Và thị thực của những người đã ở trong nước sẽ bị thu hồi, nếu họ bị coi là mối rủi ro.
Như nói ở trên Le Figaro và Le Monde đều dành một hồ sơ quan trọng và tựa lớn trang nhất cho dự luật về khí hậu vừa được trình lên Hội đồng bộ trưởng Pháp vào hôm qua.
Le Monde: Dự luật về khí hậu có tham vọng khiêm tốn
Le Monde xem đây là một dự luật có tham vọng khiêm tốn, trong lúc Le Figaro lại thấy rằng đó là một thách thức lớn đối với tổng thống Pháp Macron.
Le Monde đã nhận định ngay trong hàng tựa lớn trang nhất: “Một tham vọng có chừng mực”. Theo tờ báo, dự luật mang tên “Khí hậu và sức bền” (Climat et résilience) là một bài trắc nghiệm các cam kết môi trường của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và bao trùm nhiều khía cạnh trong đời sống hàng ngày của người Pháp.
Nhật báo Pháp trước hết ghi nhận rằng đây là một dự luật có rất nhiều tham vọng. Có điều là văn kiện này sẽ không cho phép Pháp thực hiện được cam kết giảm bớt ít nhất là 40% mức thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030. Đối với Le Monde, để đạt mục tiêu đó, cần phải nhân lên gấp ba nhịp độ giảm khí thải hàng năm. Thế nhưng dự luật, với gần 70 điều khoản, sẽ không cho phép làm được điều này.
Le Figaro: Macron trước các thách thức khí hậu
Le Figaro cũng dành tựa lớn trang nhất cho dư luật về khí hậu mà nội dung vừa được tiết lộ, nhưng lại thấy rằng đó là một “Món đặt cược xanh đầy hiểm nghèo đối với Macron”. Theo tờ báo, bị cả giới bảo vệ sinh thái lẫn giới hoạt động kinh tế chỉ trích, dự luật này sẽ làm dấy lên tranh luận gay gắt tại Quốc Hội Pháp.
Le Figaro đã nhắc lại mục tiêu đầy tham vọng của chính quyền Macron đã được bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái Barbara Pompili nêu bật khi công bố dự luật. Đó là “đưa sinh thái vào cuộc sống hàng ngày của người Pháp”.
Văn kiện gồm 69 điều khoản liên quan đến nhiều lĩnh vực – từ gia cư, giao thông, cho đến nông nghiệp, năng lượng – đã được giới thiệu như một sự cân bằng giữa đòi hỏi tuân thủ các mục tiêu giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nhu cầu phục hồi kinh tế. Thế nhưng, theo Le Figaro, dự luật vấp phải phản ứng bất bình từ cả giới bảo vệ môi trường lẫn giới doanh nghiệp. Các đảng chính trị và hội đoàn hoạt động trong lãnh vực sinh thái thì thấy rằng các biện pháp mà chính phủ đề ra còn quá rụt rè, trong lúc cộng đồng doanh nghiệp thì lại chỉ trích chủ trương hạn chế quảng cáo và ý định tạo ra một tội danh mới là “hủy diệt môi trường”, mà phạm vi ảnh hưởng vẫn chưa rõ ràng.
Đối với Le Figaro, các cuộc thảo luận tại Quốc Hội về dự luật, dự trù mở ra vào tháng Ba, chắc chắn sẽ rất gay gắt.
La Croix: Các tôn giáo lo ngại về một dự luật đang thảo luận ở Pháp
Nhật báo Công Giáo La Croix cũng quan tâm đến các dự luật sắp được thông qua, đặc biệt là một dự luật có liên quan đến tôn giáo đang được thảo luận tại Quốc Hội Pháp.
Theo tờ báo, các giáo dân Pháp đang hết sức lo lắng trước bộ luật đang được thảo luận. Hầu hết các giáo phái đều lo sợ sự kiểm soát của Nhà Nước đối với các hoạt động của họ, bao gồm cả nội dung các phát biểu của họ, trong khuôn khổ dự luật đang được xem xét.
Trong bài: “Liệu chúng ta có được tự do tín ngưỡng như trước hay không ?” Tờ báo cho biết là các tôn giáo rất lo ngại về các điều khoản từ 26 đến 44 của dự luật, sẽ được thảo luận ở Quốc Hội vào cuối tuần này.
Trong bài “Đối với các tôn giáo, một ‘gánh nặng hành chính’ “, tờ báo đặc biệt ghi nhận mối quan ngại của các giáo phái Tin Lành sợ rằng các nghĩa vụ hành chính và kế toán mới sẽ đè nặng lên nhiều hiệp hội tôn giáo của họ.
Các điều khoản từ 26 đến 36 của dự luật “Củng cố các nguyên tắc của nền Cộng Hòa” nhằm mục đích làm cho hoạt động và tài chính của các hiệp hội tôn giáo trở nên minh bạch hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo lo ngại rằng cuộc cải cách trong thức tế sẽ có tác dụng ngược lại.
Les Echos: Liên Âu sẽ tăng tốc phát triển vac-xin Covid-19
Trái với các đồng nghiệp, Les Echos đã nhìn rộng ra thế giới, chú ý đến các nỗ lực tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 tại Liên Hiệp Châu Âu. Ngay trên trang nhất, tờ báo Kinh tế chạy hàng tựa lớn “Vac-xin: Châu Âu muốn tăng tốc độ phát triển”.
Tờ báo nêu bật phát biểu vào hôm qua của chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công nhận sai sót trong việc tiến hành chiến dịch tiêm chủng, thừa nhận đã dự đoán sai về việc “sản xuất hàng loạt” vac-xin và bây giờ đang gặp phải sự tắc nghẽn, nhưng cam kết là sẽ đẩy mạnh việc sản xuất vac xin.
Le Monde: Covid-19 đã xuất hiện ở Pháp từ 2019?
Trang Covid-19 của Le Monde cũng rất xúc tích với một loạt thông tin về dịch bệnh đi từ Á sang Âu.
Tờ báo trước hết nêu bật thực tế là nguồn gốc con virus đang tàn hại thế giới vẫn là một bí ẩn. Trên vấn đề này, cuộc điều tra của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Vũ Hán, nơi phát sinh đại dịch, vẫn chưa cho phép xác định rõ ràng con virus đến từ đâu.
Riêng tại Pháp, Le Monde tiết lộ môt thông tin ít được đề cập đến: Đó là khả năng con virus corona đã xuất hiện tại Pháp ngay từ tháng 11 năm 2019. Ít ra đây là kết luận mà các nhà nghiên cứu đã rút ra khi xem xét ảnh scanner (IRM) ngực của một số người bệnh vào năm 2019.
Về diễn biến dịch bệnh hiện nay ở Pháp, Le Monde nhấn mạnh đến cuộc tranh luận đang diễn ra về khả năng phong tỏa đất nước lần thứ ba để chống dịch. Chính phủ Pháp, theo Le Monde, thoạt đầu đã rất bất ngờ trước đề nghị không cần phải tái phong tỏa, nhưng sau đó đã đi theo chiều hướng này. Thế nhưng ông Bruno Riou, giám đốc bộ phận xử lý khủng hoảng y tế của hệ thống bệnh viện công AP-HP tại Pháp thì cho rằng không nên sợ hãi việc phải phong tỏa trở lại, vì đó là một biện pháp hữu hiệu để chống dịch.
Le Monde: Donald Trump nhiều khả năng trắng án
Cũng chiếm một vị trí quan trọng trên trang nhất báo Le Monde là phiên tòa xét xử cựu tổng thống Mỹ Donald Trump được mở ra từ hôm 09/02 tại Hoa Kỳ. Tờ báo ghi nhận kết quả ngày xử đầu tiên theo đó đã có 6 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã cùng với 50 đồng nghiệp trong đảng Dân Chủ để bỏ phiếu xác nhận tính chất hợp hiến của phiên tòa tại Thượng Viện.
Vấn đề tuy nhiên là để kết án được ông Trump, cần phải có đến 67 phiếu, điều chắc chắn không thể có được nếu căn cứ vào kết quả bỏ phiếu hôm qua.