Điểm Báo Pháp -10/05/2016
Bắc Triều Tiên: Vũ khí hạt nhân đi đôi với kinh tế
Nhật báo Le Monde số đề ngày 10/05/2016 dành nhiều giấy mực để nói đến lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong khuôn khổ của Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên lần thứ 7, khai mạc hôm 06/05.
Cách đây hai hôm, chủ nhật 08/05/2016, đại hội Đảng ở Bắc Triều Tiên đã thông qua nghị quyết «byungjin », tức là ưu tiên « phát triển song hành » lĩnh vực kinh tế và vũ khí hạt nhân, mà vị lãnh đạo số một Bắc Triều Tiên đã đưa ra vào năm 2013.
Trên phương diện vũ khí
Bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ của vị chủ tịch họ Kim tại hội trường của Cung Văn Hóa đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của 3.400 đại biểu, tề tựu về Bình Nhưỡng từ ngày 25/04.
Trong bài diễn văn này, nhân vật số một của Bắc Triều Tiên tuyên bố : « Với tư cách là một cường quốc độc lập về nguyên tử, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân khi không bị một thế lực chống đối và hung hăng nào xâm phạm chủ quyền », và quốc gia này « ủng hộ việc loại bỏ vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn thế giới », song song với đó là « phát triển các mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia tôn trọng chủ quyền của Bắc Triều Tiên ».
Lời cam kết này không hề mới, bởi Bắc Triều Tiên từ trước đến giờ luôn nói rằng vũ khí nguyên tử của nước này là để tự vệ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một Đại Hội Đảng mang tính lịch sử như thế này, cam kết được chính vị lãnh đạo được coi là tối cao của Bắc Triều Tiên tuyên bố chính thức, trong một giọng điệu nhã nhặn, đã mang một thông điệp có giá trị đặc biệt tới toàn thế giới, bởi lẽ vào thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ và các nước đồng minh vẫn đang phải cảnh giác cao độ về những tiến bộ trong lĩnh vực hạt nhân và đạn đạo của quốc gia Bắc Á này.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyên bố thêm : « Nhờ vào vũ khí hạt nhân mà chúng ta đã tránh được nguy cơ bị Mỹ tấn công và chúng ta đã củng cố được lực lượng răn đe cả về chất và lượng. Với tư cách là một cường quốc về hạt nhân, chúng tôi chân thành cam kết trước cộng đồng quốc tế sẽ tôn trọng các điều khoản bắt buộc không phổ biến vũ khí hạt nhân ».
Trên phương diện kinh tế
Khi nhắc đến mảng phát triển kinh tế, Kim Jong Un cũng nhìn nhận: «Mặc dù Bắc Triều Tiên đã củng cố được vị thế của mình trong lĩnh vực chính trị và quân sự (…), các lĩnh vực kinh tế vẫn chưa đạt được trình độ như mong muốn». Bởi lẽ đó, vị lãnh đạo này kêu gọi «một bước tiến xa hơn về cải thiện điều kiện sống của dân chúng» bằng việc đưa ra một kế hoạch 5 năm (2016-2020). Trong bản kế hoạch này, Kim Jong Un không hề nhắc đến nền kinh tế thị trường vốn được phát triển trong thời gian qua, mà chỉ kêu gọi «một sự quản lý kinh tế phù hợp với thực tế của Bắc Triều Tiên» và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng « nền tự chủ trong quản lý đối với các doanh nghiệp».
Cuối cùng vị lãnh đạo trẻ này cũng nhấn mạnh đến «vai trò chủ đạo của chính phủ trong việc tiến hành chính sách kinh tế».
«Nền kinh tế thị trường» TC có được châu Âu chấp thuận?
Vẫn liên quan đến Bắc Á, nhưng lần này là TC, nhật báo Công Giáo La Croix trong mục tranh luận, có đặt ra câu hỏi: «Có nên cấp cho Trung Quốc quy chế nền kinh tế thị trường?», trong khuôn khổ của cuộc họp của Nghị Viện Châu Âu diễn ra hôm nay, 10/05/2016, tại Bruxelles – Bỉ.
Năm 2001, sau những cuộc thương lượng kéo dài đến 15 năm, cuối cùng TC đã được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và quốc gia này phải chấp nhận tuân thủ các điều khoản liên quan đến chống bán phá giá. Tuy nhiên, từ 1995 đến 2014, cộng đồng Châu Âu đã phải tiến hành 99 thủ tục chống phá giá đối với TC.
Nếu bây giờ Châu Âu thông qua quy chế « nền kinh tế thị trường» cho TC thì điều đó sẽ hạn chế việc áp dụng các hình thức trừng phạt chống bán phá giá mà Liên Hiệp Châu Âu đã đề ra, với những hậu quả trực tiếp liên quan đến công ăn việc làm. Cuộc tranh luận của Nghị Viện Châu Âu về đề tài này hứa hẹn sẽ sôi động do tình trạng khủng hoảng sản xuất thừa trong ngành công nghiệp luyện kim thế giới.
Ngoài hai hồ sơ châu Á nói trên, vụ án liên quan đến dân biểu Pháp Denis Baupin, dự thảo luật thuế của Bộ trưởng kinh tế Pháp Macron dành ưu tiên cho các nhà đầu tư, hồi kết cho sự nghiệp của Chủ tịch UEFA Michel Platini, sự thức tỉnh của xã hội dân sự tại Ba Lan để bảo vệ các giá trị Châu Âu, đô trưởng Luân Đôn nhậm chức, hay Donald Trump đối diện với những mối nghi ngờ của phe cộng hòa. Trên đây là những đề tài chính mà trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay đề cập đến.
Ba Lan: Xã hội dân sự bảo vệ các giá trị Châu Âu
Trở lại với nhật báo Le Monde với bài viết có tựa : « Tại Ba Lan : Sự thức tỉnh của xã hội để bảo vệ các giá trị Châu Âu ».
Bài báo đề cập đến cuộc biểu tình tại thủ đô Vacxava hôm 07/05 của hơn 240.000 người dân. Họ phản đối chính phủ không ngừng gia tăng quyền hành đối với các tổ chức ban ngành tại quốc gia này và đây cũng là dịp để họ bày tỏ sự gắn kết của mình đối với các giá trị chung của Châu Âu. Cuộc biểu tình này do một ủy ban bảo vệ nền dân chủ – bao gồm nhiều đảng phái đối lập của Ba Lan- khởi xướng và được nhận định là đông nhất kể từ khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở quốc gia này. Các phương tiện truyền thông tại Ba Lan cũng đồng lòng với người dân nơi đây.
Nước Anh: Tân đô trưởng nhậm chức
Vẫn liên quan đến Châu Âu, Le Monde có bài xã luận với tựa «Đô trưởng Luân Đôn, một tấm gương của nước Anh ».
Bài xã luận mở đầu bằng việc trích lại câu mở đầu của bài diễn văn nhậm chức: «Tôi tên là Sadiq Khan và tôi là đô trưởng của Luân Đôn ». Kế đến là điểm qua hoàn cảnh xuất thân hết sức khiêm tốn của nhân vật này: là con trong một gia đình nhập cư, gốc Pakistan có 8 người con, cha là tài xế xe buýt, mẹ là thợ may, lớn lên trong căn hộ dành cho các gia đình có thu nhập thấp, nhưng đảng viên Công Đảng này đã chứng tỏ được bản thân với một quá trình học tập và công tác đáng nể: từng là luật sư, nghị sĩ.
Một số báo chí Châu Âu và Mỹ nhấn mạnh nhiều đến cách tân đô trưởng Luân Đôn khẳng định bản sắc đa dạng của mình, trong đó có đề cập đến niềm tin tôn giáo – đạo Hồi – của ông: «Tôi là người dân của Luân Đôn, của Châu Âu, của nước Anh, của đạo Hồi, tôi có nguồn gốc Châu Á, thừa hưởng nền văn hóa của Pakistan, là một người cha và là một người chồng».
Việc con của một dân nhập cư được bầu làm đô trưởng của một thủ đô quan trọng như Luân Đôn quả là một sự kiện nổi bật. Kết quả này chứng tỏ người dân Anh cởi mở, lạc quan và có niềm tin vào sự đa dạng. Việc người dân Anh bỏ phiếu cho Sadiq Khan biểu tượng cho chiến thắng của «niềm hy vọng đối với sự sợ hãi, của sự thống nhất đối với sự phân chia».
Tác giả bài xã luận bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tân đô trưởng vì ông đã biết biến điểm hạn chế của mình thành điểm mạnh, khi thẳng thắn bày tỏ niềm tin vào tôn giáo của cá nhân ông. Cùng với vợ là bà Saadiya, cũng là luật sư, vợ chồng ông Khan đã chỉ cho cả thế giới thấy Hồi Giáo là một tôn giáo cởi mở, hòa nhập với văn hóa và lối sống của Châu Âu.
Đây chính là một vũ khí lợi hại để chống lại phe Hồi Giáo cực đoan. Việc tân đô trưởng đã làm lễ tuyên thệ hôm thứ bảy vừa rồi, 07/05/2016, tại nhà thờ Southwark, trụ sở ngàn năm tuổi của Cơ Đốc Giáo, cũng được coi là một hành động mang tính biểu tượng cao.
Pháp: Nạn quấy rối tình dục trong chính trường bị tố cáo
Nhìn sang nước Pháp, Libération hôm nay dành đến 5 trang báo để đề cập đến đề tài quấy rối tình dục trong lĩnh vực chính trị của Pháp, với vụ tai tiếng của dân biểu Denis Baupin, phó chủ tịch Quốc hội Pháp.
Cách đây 1 năm, Libération cũng đã từng cho đăng tải lời kêu gọi của 40 nhà báo chính trị là nữ giới khi những người này lên tiếng tố cáo sự phân biệt giới tính và nạn quấy rối tình dục mà họ đã phải chịu đựng trong môi trường làm việc.
Và lần này, ngay sau khi dân biểu Pháp Denis Baupin bị tố là đã có nhiều hành động quấy rối tình dục một số đồng nghiệp nữ của ông, nhật báo Libération lại cho đăng một mục mới, nhằm ủng hộ và khuyến khích các đối tượng là nữ đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự phải lên tiếng tố cáo, để « cánh đàn ông phải thay đổi lối cư xử của họ chứ không phải cánh phụ nữ phải thích nghi với điều đó, để cuối cùng cũng phải có thay đổi và để chấm dứt tình trạng người vi phạm mà không bị kết tội ».
Libération cũng khẳng định rằng đến lúc các đảng phải chính trị phải dám đề cập thẳng thắn chủ đề này.
Canada: Hỏa hoạn ở Fort Mc Muray, thảm họa cho tài chính
Nhìn sang Bắc Mỹ, Le Monde có phóng sự với tựa « Vụ cháy ở Fort Mc Murray, thảm họa cho tài chính ».
Tác giả phóng sự đề cập đến vụ cháy rừng kinh hoàng, đang diễn ra tại Fort Mc Murray, phía bắc bang Alberta của Canada, khiến 80.000 người dân phải sơ tán.
Bản thân vùng này đang phải gánh chịu sự sụt giá dầu, giờ đây, với vụ cháy kinh hoàng mà hơn 500 trăm lính cứu hỏa, cùng với các phương tiện chữa cháy hiện đại vẫn chưa chế ngự được, hậu quả về kinh tế đối với bang Alberta sẽ là vô cùng nặng nề.
Thuốc trừ sâu: Ảnh hưởng đến phát triển não bộ ở trẻ nhỏ
Liên quan đến lĩnh vực môi trường, Libération có bài viết đề cập đến việc sử dụng phổ biến các loại thuốc trừ sâu trong trồng trọt tại Pháp, gây ra các tác hại nghiêm trọng đến sự phát triển của não bộ, đặc biệt là đối với trẻ em.
Phương Nga