Điểm Báo Pháp – 22-10-2015
Thierry Wolton: «Chủ nghĩa cộng sản» là một «chủ nghĩa không tưởng»
Theo RFI – Minh Anh – 22-10-2015
Trước khi đề cập đến cảnh báo của tình báo Anh về việc hợp tác điện hạt nhân với TC và việc khẳng định lại vị thế của Nga trên chính trường quốc tế, mục Văn hóa của Le Figaro (22/10/2015) giới thiệu bộ sách sử đồ sộ của Thierry Wolton lên án sự ảo tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Tờ báo đề tựa: «Chủ nghĩa chuyên chế mê hoặc đến chừng nào».
Với tấm ảnh các triết gia Đức Engel-Karl Marx, các lãnh tụ cộng sản như Lê-nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Kim Nhật Thành, và lãnh đạo đảng cộng sản Pháp Jacques Duclos, Le Figaro cho biết bộ sách mang tựa đề «Lịch sử Thế giới về Chủ nghĩa Cộng sản» là do Thierry Wolton, phóng viên điều tra tại Đông Âu những năm 1970-1980 và sử gia chuyên về KGB biên soạn. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh kể từ sau bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người có lẽ đã tin rằng đấy là cú đánh chí mạng dành cho «chủ nghĩa cộng sản».
Thế nhưng, từ năm 2008, chủ nghĩa tư bản rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Trong khi đó TC – cường quốc thứ hai trên thế giới – không ngừng tự xưng là quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản. Nhiều người không khỏi tự hỏi, phải chăng là mình đã lên án quá nhanh hệ thống cộng sản đó?
Nhằm chống lại «tư tưởng xét lại» này, ông Thierry Wolton và Hélène Carrère d’Encausse đã viết nhiều tiểu luận, nhắc lại những sai lầm cố hữu về học thuyết chủ nghĩa cộng sản và những bi kịch nhân loại của học thuyết này.
Dựa vào nguồn tài liệu dồi dào liên quan đến toàn bộ chế độ và các đảng cộng sản xưa và nay, với cách hành văn mạch lạc, rõ ràng, bộ sách của Thierry Wolton đưa ra một cái nhìn tổng hợp, làm nổi bật điểm cốt lõi các sự kiện. Để rồi từ đó, ông phân tích các tiến trình cho tác phẩm và thường xuyên so sánh đối chiếu các phương pháp với nhau nhằm chỉ rõ tính độc nhất của cái hiện tượng gọi là «chủ nghĩa cộng sản».
Thông qua những câu chuyện sống động, được đan xen với nhiều nhân chứng và giai thoại được góp nhặt và có nhiều nét tương đồng – từ TC đến Cuba và từ Liên Xô đến Cam Bốt – tác phẩm tạo ra một tiếng vang và chỉ cho độc giả thấy tầm mức của những tội ác và chiều sâu những bi kịch đó. Theo Le Figaro, cũng nên nói lên và nhắc lại một điều: trải nghiệm chủ nghĩa cộng sản là một bi kịch lớn nhất trong thế kỷ XX: hàng chục triệu con người vô tội bị giết hại, hàng chục triệu nạn nhân khác bị giam hãm trong các trại cải tạo và cầm tù, vô số gia đình bị tan vỡ và cả một xã hội bị đè bẹp.
Bộ sách sử của Wolton gồm hai tập: Tập một dành nói về «Những tên đao phủ» cộng sản như Lê-nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, gia đình họ Kim (Bắc Triều Tiên) và nhiều người khác nữa. Những người nắm giữ quyền lực và sẵn sàng đi đến những hành động cực đoan tồi tệ nhất để bảo toàn và áp dụng bằng mọi giá hệ tư tưởng của họ bằng cách tự cấp cho mình ba đặc quyền : chính trị, tư tưởng và các phương tiện sản xuất và phân phối vật chất. Những thứ đảm bảo cho họ quyền kiểm soát xã hội, cho đến chuyện riêng tư và cả lối suy nghĩ của con người.
Trong tập thứ hai, tác giả đề cập đến «Các nạn nhân». Ông mô tả chi tiết nhiều các hành động truy bức và hủy diệt. Và trong tương lai không xa, tập thứ ba sẽ ra đời liên quan đến «Những tên đồng phạm».
Tình báo Anh: Hợp tác hạt nhân với TC đe dọa an ninh quốc gia
Ngày hôm qua dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình, một thỏa thuận giữa EDF cùng với đối tác TC – Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Hoa CGN và Tập đoàn khai thác hạt nhân quốc gia CNNC đã được ký kết. Le Figaro vui mừng loan tin: «EDF có thể đem ngành hạt nhân Pháp sang Anh quốc». Les Echos cũng thông báo «Hạt nhân: đèn xanh cho dự án 25 tỷ euro của EDF và TC».
Theo đó, phía công ty điện lực quốc gia Pháp EDF sẽ đầu tư 2/3 dự án (tức khoảng 33 tỷ euro) và 1/3 còn lại sẽ do phía đối tác TC đảm nhận trong dự án Hinkley Point tại Anh. Thỏa thuận chung ký kết với Anh quốc còn dự trù hai trung tâm hạt nhân khác đời EPR sẽ do phía TC đồng tài trợ và một trung tâm hạt nhân «Hỏa long», trung tâm hạt nhân thế hệ thứ 3 sẽ hoàn toàn do TC đảm nhận.
Trung tâm khai thác điện hạt nhân Hinkley Point là một dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Anh Quốc. Dự án này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2025. Với dự án này, đối tác TC của Công ty điện lực Pháp EDF có thể chen chân vào lãnh vực hạt nhân tại Châu Âu.
Nhưng theo Le Monde, «Hạt nhân TC đang làm dấy lên nhiều nỗi lo lắng tại Vương quốc Anh». Theo tờ báo, ngành tình báo Anh cảnh báo dự án này là một «mối đe dọa» cho an ninh quốc gia. Giới chuyên gia nghi ngờ tài trợ của TCtrong các dự án trung tâm khai thác điện hạt nhân mới tại Vương quốc Anh là một «con ngựa thành Troy» của Bắc Kinh trong ngành công nghiệp chiến lược này.
Ông Jeffrey Henderson (giáo sư đại học Bristol) còn cho thỏa thuận này là một sự «điên rồ nguy hiểm» khi nhắc rằng CNNC cũng tham gia vào phức hợp quân sự – công nghiệp TC. Về điểm này, Trung tâm nghiên cứu Quốc tế (CERI) thuộc đại học Khoa học chính trị Sciences Po của Pháp cũng có cùng quan điểm. CERI khẳng định CNNC nằm trong số 10 tập đoàn công nghiệp quốc phòng, chỗ dựa vững chắc của quân đội Trung Quốc.
Một số quan chức tình báo Anh còn vẽ ra một kịch bản đen tối cho là TC rất có thể sẽ cài đặt những «cổng bí mật» trong hệ thống tin học, cho phép họ kiểm soát được trung tâm hạt nhân. Trong trường hợp có xung đột ngoại giao, TC có thể sẽ cúp một phần nguồn điện tại Anh quốc.
Ông Paul Dorfman, chuyên gia Viện Năng lượng, trường University College tại Luân Đôn lưu ý là «Chưa có một quốc gia nào tại Châu Âu ký kết một thỏa thuận như thế. Hoa Kỳ cũng chưa từng nghĩ sẽ giao vào tay TC một cơ sở hạt tầng chiến lược như vậy. Việc Vương quốc sẵn sàng làm điều này quả thật là lạ đời».
Kỹ sư TC có đáng tin cậy?
Một mối lo khác cũng được người dân và giới chuyên gia lo lắng đó là tính đáng tin cậy của các kỹ sư TC. Họ công nhận một điều là «các kỹ sư và công nhân TC làm việc rất hiệu quả và nhanh chóng. Do bởi một phần là ban lãnh đạo có thể huy động nhân sự rất dễ dàng và thúc đẩy tiến độ công trình. Nhưng họ có thể làm được như vậy là do công tác quản lý an toàn ít nghiêm ngặt hơn».
Le Monde thuật lại một nguồn tin cho hay có rất nhiều lỗi kỹ thuật tại Trung tâm khai thác hạt nhân tại vịnh Đại Á Loan, gần Hồng Kông do CGN và EDF xây dựng và được đưa vào sử dụng năm 1994. Theo lời kể, một nhà thầu đã «quên» hơn phân nửa kết cấu sắt thép dùng để gia cố một sàn bê-tông.
Ngoài ra Le Monde còn lo âu cho ngành công nghệ hạt nhân của Pháp. Đối tác giữa EDF và CGN-CNNC còn là mối họa do có liên quan đến việc chuyển giao công nghệ. Và như vậy, các lò phản ứng hạt nhân của Pháp chẳng còn gì là bí mật đối với TC. Câu hỏi đặt ra là khi bắt tay với TC đổi lấy lời hứa được gia nhập vào thị trường của họ, liệu các tập đoàn năng lượng Pháp có đang thả mồi bắt bóng hay không để rồi sau đó bị thua trong cuộc chiến thương mại.
Anh sẽ là tấm biển quảng cáo Phương Tây cho công nghệ TC. Sau khi đã xây xong các trung tâm hạt nhân thế hệ hai và ba, EDF và Areva đã phải giao lại quyền sử dụng cho họ. Và như vậy kể từ giờ TC có thể tự mình xây dựng các trung tâm khai thác hạt nhân đời mới nhất.
Putin : Một «sherif» mới trên đấu trường Syria
Sự kiện Tổng thống Syria bất ngờ đến Matxcơva là chủ đề được các báo Pháp tập trung khai thác nhiều nhất. Le Figaro cho biết là «Assad đến Matxcơva để cám ơn đồng minh Nga». Tờ báo trích dẫn bình luận của một số phóng viên được chọn vào điện Kremli, cho hay việc Bachar al Assad đến Nga được giữ kín tuyệt đối. Hai nguyên thủ Nga và Syria gặp nhau tối thứ Ba, nhưng phải đợi đến sáng hôm sau thế giới mới bất ngờ được biết sự việc.
Libération buộc phải công nhận đó là một «Cú tuyệt chiêu của điện Kremli». Với việc mời Tổng thống Syria đến Matxcơva tối thứ Ba, ông Putin đã một lần nữa khẳng định với đồng nhiệm Syria sự ủng hộ của Nga, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ với thế giới sự có mặt của Nga trên chính trường quốc tế.
Tuy nhiên, Libération, với hình ảnh hai nguyên thủ Nga-Syria tươi cười bắt tay nhau tại điện Kremli, cũng ra đặt câu hỏi lớn trên trang nhất: «Trật tự thế giới mới?». Bởi vì, trong bầu không khí hỗn độn hiện nay tại Trung Cận Đông, một cường quốc mới nổi lên đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực. Bài xã luận của Libération nhận định đó là nhờ vào khoảng trống cũng như sai lầm chiến lược của chính quyền Obama, mà Nga đã có cơ hội quay lại trở lại chính trường quốc tế. Hoa Kỳ do không có một chiến lược rõ ràng nên giờ đang phải lội bì bõm trong vũng lầy Syria.
Libération cho rằng việc Washington từ chối can thiệp vào Syria năm 2013 sau khi đã cảnh cáo chế độ Damas việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính thường dân của mình đã làm mất đi phần nào tính chính đáng của Hoa Kỳ trong khu vực. Về phần mình, Châu Âu tuy cảm thấy quan ngại về hành động của Nga nhưng cũng thấy nhẹ nhõm phần nào. Châu Âu cũng rất muốn tin rằng Tổng thống Nga rất có thể sẽ hỗ trợ trong công cuộc chuyển tiếp chính trị đến cùng với sự ra đi của ông Bachar al- Assad.
Thế nhưng cho đến giờ chưa có gì chứng tỏ một thiện chí như thế. Việc Nga đến tham chiến thứ nhất là để bảo vệ quyền lực của Bachar al-Assad. Việc triển khai các phương tiện chống phòng không tại Syria – trong khi quân thánh chiến lại không có chiến đấu cơ – thật ra là một lời cảnh cáo dành cho phương Tây. Điều đó chứng tỏ Matxcơva muốn kiểm soát một phần lớn không phận Syria. Nhưng cho dù có sự hỗ trợ của Nga và Iran, Al-Assad cũng không thể nào thắng được cuộc chiến này. Việc ông Putin tham gia đấu trường còn làm thổi bùng lên cuộc xung đột và tạo thêm dòng người tỵ nạn.
Tranh nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp ngày 22/10/2015 hôm nay khá tản mạn. Le Monde với tấm ảnh lớn cảnh sát Slovenia dẫn đầu một dòng người tị nạn trật tự đi phía sau đưa tít lớn: «Dòng người tị nạn mới». Cũng liên quan đến người tị nạn, La Croix quan tâm đến một trại tị nạn tạm bợ nằm ở phía bắc nước Pháp qua hàng tít: «Tại Calais: ai cũng khổ».
Thời sự tại Pháp cũng là chủ đề chính của Les Echos nhưng trên lãnh vực tài chính: «Bercy muốn tăng thuế mạnh hơn nữa lên diesel». Trang nhất Le Figaor với một bức ảnh chụp một hòn đảo nhỏ với ngọn hải đăng nằm giữa lòng biển cả mênh mông, vui mừng thông báo: «Pháp mở rộng thêm 580.000 km² dưới lòng biển».