Ðiểm Báo – 10/9/22: Đột phá thần tốc ở Kharkov, ưu thế chiến trường nghiêng về Ukraina
10/09/2022 – Thụy My – The Economist và Courrier International đều quan tâm đến đà tiến công thần tốc của quân chính phủ Kiev miền đông. Hôm nay quân đội Ukraina đã chiếm được thành phố Kupyansk thuộc tỉnh Kharkov, và chỉ vài giờ sau thành phố Izyum cũng được giải phóng. Đây có thể là bước ngoặt giúp ưu thế nghiêng về phía Kiev trong cuộc chiến.
Loa phường Hà Nội lên báo Anh
Liên quan đến Việt Nam, loa phường ở Hà Nội kỳ này «được» lên báo The Economist qua bài viết «Các loa phóng thanh ở thủ đô Việt Nam lại vang lên những câu tuyên truyền». Tuần báo Anh nhận xét, đường phố Hà Nội vốn đã không hề yên tĩnh với những dòng xe gắn máy, xe hơi trên những đường phố hẹp, tiếng còi, tiếng động cơ inh ỏi xen lẫn với tiếng máy khoan, tiếng rao hàng, tiếng kêu của gia súc. Nay chính quyền thành phố lại còn muốn bổ sung thêm tiếng «loa phường» (dùng nguyên văn tiếng Việt), một hệ thống phóng thanh trong thời kỳ chiến tranh nhằm phổ biến các thông cáo của Nhà nước và để tuyên truyền. «Loa phường» báo động máy bay Mỹ và cập nhật những tin tức lạc quan trên chiến trường.
Khi chiến tranh kết thúc, những chiếc loa này lại được dùng cho những việc khác như tố cáo những người chưa đóng thuế, kêu gọi làm vệ sinh khu phố…Những tiếng loa gào liên miên khiến có người tức giận bèn cắt dây hay đổ nước vào loa. Loa phường chấm dứt hoạt động từ 2017, một số được dùng lại trong đại dịch để nhắc nhở đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Nhưng giờ đây Hà Nội muốn kích hoạt lại hệ thống này trên toàn thành phố từ nay đến năm 2025. Một thống kê cho biết 70 % cư dân muốn tống khứ hẳn loa phường, nhưng cho đến nay chính quyền Hà Nội vẫn giữ nguyên ý định vì đó là chủ trương của đảng bộ thành phố.
Bước ngoặt mới: Ukraina tái chiếm Izyum và Kupyansk, quân Nga tháo chạy
Về chiến sự ở Ukraina, trang web The Economist nhanh chóng cập nhật những bước tiến của quân chính phủ Kiev ở miền đông. Courrier International lạc quan đặt câu hỏi «Sau Kherson và Kharkiv, quân Ukraina liệu sẽ tấn công đến Mélitopol?» Hôm nay 10/09, quân đội Ukraina đã chiếm được thành phố Kupyansk, và vài giờ sau các nguồn tin của các bên đều công nhận thành phố Izyum cũng đã được giải phóng. Kupyansk vốn là trung tâm hậu cần rất quan trọng cho Nga. Igor Girkin, một cựu chỉ huy Nga cảnh báo khả năng «thất bại mang tính chiến lược, Ukraina bao vây và tiêu diệt nhiều đơn vị của chúng ta». Bộ Quốc Phòng Nga mô tả – một cách thiếu thuyết phục -đó là do muốn tập trung lực lượng về phía nam Donetsk.
Một sự trùng hợp là cuộc phản công lần này cũng do tướng Oleksandr Syrsky – người đã tổ chức phòng thủ Kiev – lãnh đạo. Chừng như ông nhận ra một điểm yếu của Nga gần thành phố Balakliya và nhanh chóng cho vây hãm, nhờ đó quân Ukraina tiến sâu hơn về hướng đông, cắt quân Nga làm đôi ở hai bên bờ sông Oskil, trong khi cả ba chiếc cầu đều nằm trong tầm pháo của Ukraina. Một chiến binh Ukraina cho biết các toán quân Nga sau khi lãnh những đợt pháo dữ dội đã tháo chạy ngay cả trước khi quân Ukraina tiến tới. Một nguồn tin địa phương nói rằng một số lính Nga đã thay đồ dân sự, chạy trốn bằng xe đạp hay xe hơi đánh cắp được.
Cuộc tấn công bất ngờ vào Kharkov là thay đổi quan trọng nhất, giúp lợi thế nghiêng về Ukraina kể từ cuối tháng Ba, sau khi quân Nga rút khỏi Kiev. Theo tổng thống Volodymyr Zelensky, tổng cộng kể từ đầu tháng Chín đã giải phóng được 2.000 cây số vuông lãnh thổ. Thắng lợi này không phải từ chiến dịch phản công được loan báo từ lâu tại Kherson ở miền nam, đã bắt đầu từ ngày 29/08, mà chủ yếu nhờ đợt đột kích vào đông nam Kharkov. Lá cờ hai màu xanh vàng của Ukraina nay phấp phới trên nhiều thành phố và làng mạc đã sạch bóng quân Nga. Nhiều video ghi ở Kharkov cho thấy dân địa phương đổ ra hoan nghênh đoàn xe và các chiến sĩ Ukraina.
Đặc nhiệm, Wagner và blogger Nga tức giận trước thất bại
Thường xuyên có mặt ở tuyến đầu, trên Telegram lính đánh thuê Wagner và một số thành viên lực lượng đặc biệt Nga, bực tức đả kích bộ chỉ huy là vô trách nhiệm – một điều khó tưởng tượng đối với quân chính quy. Những nguồn tin không chính thống này lại có những thông tin đầy đủ hơn cả bộ tham mưu Nga về thực tế chiến trường Ukraina. Theo Courrier International, lần đầu tiên những người bình luận trên kênh Telegram dù là cựu chiến binh, blogger thân Nga hay thân Ukraina đều đưa những tin tức như nhau.
Tất cả đều nhận thấy quân Nga đang thất điên bát đảo. Nhiều đơn vị chính quy Nga và quân ly khai Donbass cũng như Vệ binh Quốc gia đang bị bao vây vì quân Ukraina tiến quá nhanh. «Họ cố chống chọi, nhưng tình hình là trầm trọng, thậm chí tuyệt vọng». Trang Off News de Sofia cho rằng «Với cú đòn này, quân đội Ukraina đã dạy một bài học thực sự cho bộ chỉ huy của chúng ta về cách tiến hành phản công». Một kênh của lính đánh thuê Wagner cho biết chấp nhận làm người báo tin xấu vì «Trong một hệ thống mà cấp trên không thích những tin tức không vui, cấp dưới không dám nói ngược lại, thì cần phải làm điều gì đó».
Một kênh khác tên Reverse Side of the Medal, tự cho là trực tiếp từ Wagner tóm tắt sự kiện ở Kharkov: «Tất cả đều bỏ chạy, trừ các chiến binh Wagner». Kênh này tố cáo «Những ông tướng chỉ lo đánh bóng các ngôi sao của mình, trong khi người của chúng tôi chết trận và bị mất những vùng đất đã chiếm được». Kênh Grey Zone đăng nhiều hình ảnh và video xác nhận Ukraina đã chiếm được nhiều địa điểm trong vùng (Verbovka, Yakovenka, Volokhov Yar, Bayrak, Novaya Gusarovka…), trong khi những người có trách nhiệm của Kiev vẫn trung thành với chủ trương giữ im lặng. Grey Zone cũng thường xuyên phản bác các báo cáo chính thức của bộ tham mưu Nga: «Đến khi nào các vị ở trên cao mới chịu hiểu tất cả không phải đều màu hồng như tuyên truyền?»
Cựu tổng thống Pháp: Putin hung hăng, Châu Âu phải thay đổi
Về quan hệ giữa Nga với Liên Hiệp Châu Âu (EU), trả lời phỏng vấn của L’Express nhân dịp ra mắt cuốn sách mới, cựu tổng thống Pháp François Hollande cho rằng châu Âu đã bị Vladimir Putin ru ngủ. Ông Hollande nhận thấy cứ mỗi lần Hoa Kỳ hay châu Âu tặng cho một cơ hội thì Putin liền nhảy vào, như ở Syria năm 2013 hay Ukraina từ 2014.
Hồi tháng Hai, ít có nhà lãnh đạo nào hình dung ra Putin có thể xâm lăng Ukraina, và nay phương Tây phải lo thích ứng trước những hành động hiếu chiến của ông ta nhằm phá hoại các nền dân chủ và mở rộng ảnh hưởng của Matxcơva. Theo cựu tổng thống Pháp, 2012 là năm mà thế giới bắt đầu hỗn loạn, khi Vladimir Putin quay lại điện Kremlin và Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Trung Quốc, khối liên kết giữa hai bên ngày càng mạnh dần.
Phương Tây có nên lập ra một khối khác? Tất cả còn tùy Hoa Kỳ có muốn tiếp tục hiện diện ở châu lục, và bản thân châu Âu có sẵn sàng tự vệ hay không. François Hollande cho rằng không thể tiếp tục tình trạng hiện nay cả về chính trị, năng lượng, kinh tế lẫn quân sự. Năm 2015, cựu tổng thống Pháp từng bị chính giới chỉ trích dữ dội khi hủy hợp đồng bán hai chiến hạm Mistral cho Matxcơva sau khi Nga chiếm Crimée. Nay thử tưởng tượng nếu giờ đây hai tàu chở trực thăng hiện đại này gây tổn thất nhân mạng lớn cho Ukraina trong cuộc xung đột hiện nay!
Nga dùng khí đốt ép EU thôi hỗ trợ Ukraina
Le Point tìm cách lý giải «Tại sao Putin tung ra cuộc chiến khí đốt?». Với những nỗ lực giành thêm đất đai không kết quả, hy vọng chiến thắng của Nga khó thể thành sự thực, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, Putin cho rằng lãnh vực chính trị là hứa hẹn nhất, qua việc tìm cách chia rẽ châu Âu bằng công cụ khí đốt. Những nước nào thỏa hiệp sẽ được ông chủ điện Kremlin ưu tiên mở vòi khí. Chẳng hạn điều gì sẽ diễn ra ở Đức nếu chính phủ nước này, kém vững vàng và hay do dự, đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt kéo dài ? Không chỉ ảnh hưởng đến việc sưởi ấm của các gia đình mà đa số kỹ nghệ Đức sẽ bị thiệt hại. Putin hy vọng các nước châu Âu sẽ thúc giục Zelensky điều chỉnh mục tiêu chiến đấu, hay ngồi vào bàn thương lượng. Mùa thu và mùa đông năm nay sẽ là thời điểm qua trọng không chỉ cho Ukraina mà cả cho tương lai châu Âu.
Đức giàu nhất châu Âu nhưng quân đội vẫn thiếu phương tiện
Cũng liên quan đến nước Đức, L’Express cho rằng Bundeswehr (tức quân đội Đức) là một lực lượng cần phải được gấp rút cải tổ. Tại doanh trại Klotzberg ở Rheinland-Platz, 90 quân nhân phải dùng chung 2 nhà vệ sinh, còn tại Husum một số tòa nhà không có nước nóng lẫn nước uống được. Ủy viên Eva Högl hồi tháng Ba đã tiết lộ tình trạng thiếu thốn như trên của Bundeswehr. Chưa đến 30 % số chiến hạm sẵn sàng hoạt động, chỉ 150/350 xe bọc thép Puma có thể tham chiến, 6/10 trực thăng và phi cơ không cất cánh được. Và nếu chiến tranh xảy ra, chỉ vài ngày là hết đạn trong kho.
Ngày 24/02, khi những chiếc xe tăng Nga vượt qua biên giới Ukraina, nước Đức sững sờ nhận ra đã quá thiếu cảnh giác trước Vladimir Putin, và nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu không có khả năng bảo vệ lãnh thổ. Cú sốc quá lớn đối với dân Đức, trong đó không ít người thân Nga. Giờ đây 2/3 người Đức muốn tăng chi tiêu quốc phòng (trước đó chỉ là 19 %). André Uzulis, tổng biên tập tạp chí Loyal xác nhận: «Họ sợ hãi, và nay lại quan tâm đến địa chính trị, quân sự sau nhiều thập niên thờ ơ». Olaf Scholz đã hiểu điều đó. Chỉ ba ngày sau khi Putin khởi động cuộc chiến, thủ tướng Đức có quyết định lịch sử: lập một quỹ đặc biệt 100 tỉ euro cho 5 năm để có được «quân đội quy ước lớn nhất châu Âu».
Tuy nhiên bộ máy cồng kềnh hiện nay là trở ngại không nhỏ. Cơ quan phụ trách cung ứng cho quân đội đặt tại Coblence tập trung mọi đơn đặt hàng, từ vớ cho binh lính đến chiến hạm, có đến 10.000 công chức. Dù quyết định mua súng trường từ 2017, Bundeswehr vẫn chưa nhận được. Tương tự với nón sắt cho lính nhảy dù hay giày đi tuyết cho bộ binh miền núi. Về nhân lực, từ cuối tháng Tám quân đội đã thực hiện những video kêu gọi nhập ngũ để cố gắng tuyển thêm 21.500 sĩ quan và hạ sĩ quan. Trước mắt, Đức loan báo mua 60 trực thăng Chinook và 35 chiếc F-35 của Mỹ.
Chuộng vũ lực, Putin có thể đưa nước Nga vào ngõ cụt
Do một số tuần báo kỳ trước chưa đưa kịp sự kiện ông Mikhail Gorbatchev qua đời, tuần này tiếp tục có những bài viết về vị tổng thống cuối cùng của Liên bang Xô viết. Xã luận của Le Point nói về «Sự thật của Gorbatchev». Chính ông chứ không phải Ronald Reagan đã chấm dứt chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang. Cũng chính Gorbatchev đã chấp nhận rút lui trước Boris Eltsine, và cho phép các nước cộng hòa trong liên bang được độc lập. Ông đã thay đổi cuộc sống của nhiều triệu người, mang lại cho họ tư do. Hiếm có một giải Nobel Hòa bình nào lại xứng đáng như giải thưởng đã trao cho Mikhail Gorbatchev năm 1990. Điểm được cho là yếu kém của ông thực chất lại là tính cách nhân văn đáng ca ngợi: không để xảy ra biển máu.
Nhà sử học Anne de Tinguy nhận xét «Gorbatchev là phản nghĩa của Putin». Bà Tinguy nhấn mạnh, di sản của Mikhail Gorbatchev vô cùng lớn lao. Năm 1989, tất cả các nước châu Âu trong khối xã hội chủ nghĩa được ra khỏi vòng kềm tỏa của Liên Xô một cách êm ả chính nhờ ông không muốn dùng vũ lực và tháng 7/1990, NATO tuyên bố Liên bang Xô viết không còn là địch thủ. Vladimir Putin giờ đây làm ngược lại, luôn coi phương Tây là kẻ thù. Ông ta phạm cùng những sai lầm như các nhà lãnh đạo xô-viết trước đây, khi dành ưu tiên hàng đầu cho sức mạnh quân sự, mà không mấy quan tâm đến đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sáng tạo.
Nga vốn là một Nhà nước độc tài, tham nhũng, mafia. Cùng với chiến tranh và cấm vận, hố ngăn cách về công nghệ với phương Tây sẽ càng sâu thêm, chưa kể dân số giảm sút. Putin dẫn dắt đất nước mình vào ngõ cụt. Khi Le Point đặt câu hỏi, liệu chế độ Putin có thể sụp đổ như Liên Xô hay không, chuyên gia này lưu ý, không ai dự báo được có một ngày Liên bang Xô viết chấm dứt tồn tại, và một cách nhanh chóng như vậy, Nga không thể là một ngoại lệ của lịch sử.
Elizabeth II, nữ hoàng của cả một thế kỷ
Nữ hoàng Anh băng hà là chủ đề tràn ngập trên trang web các tuần báo, có tờ đã kịp cho ra phụ trang riêng như Le Point. Số cuối tuần của Le Monde đăng ảnh nữ hoàng thời trẻ trên nền đen với dòng tựa «Elizabett đệ nhị, nữ hoàng của một thế kỷ». Tờ báo nhận thấy một số nhân vật đóng vai trò biểu tượng không chỉ của một đất nước, một dân tộc mà cả một giai đoạn lịch sử. Elizabeth II gắn liền với ký ức từ thời hậu Đệ nhị Thế chiến khi bà lên ngôi đến những năm Covid, từ thời phi thực dân hóa đến các thập kỷ Thatcher, Brexit, với cơn sốt Beatles và bi kịch Diana. Trong 70 năm trị vì, nữ hoàng đã tiếp xúc tất cả những tên tuổi lớn trên thế giới, từ De Gaulle đến Kennedy, từ Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Nehru, Mandela.
Cần nhớ rằng khi bà trở thành nữ hoàng ngày 06/02/1952 ở tuổi 25, tổng thống Mỹ là Harry Truman và ở Pháp là Vincent Auriol. Bước lên ngai vàng vào thời xe lửa còn chạy bằng hơi nước, điện thoại quay tay và hôn nhân là suốt đời, nữ hoàng phải làm quen với phi cơ siêu thanh, Twitter và chứng kiến ba người con ly dị. Vô số bài báo, sách và phim tài liệu được dành cho vị nữ hoàng không bao giờ trả lời phỏng vấn, chỉ đọc có 4 bài diễn văn trong suốt 70 năm, không ai biết được bà nghĩ gì. Elizabeth II phục vụ đất nước cho đến hơi thở cuối cùng: bà tiếp tân thủ tướng Liz Truss theo đúng thủ tục, và hai ngày trước khi qua đời.
Nữ hoàng Anh băng hà là sự kiện được khắp nơi trên thế giới coi là dấu hiệu kết thúc một thời đại, đặc biệt tại 15 đất nước mà bà là nguyên thủ, vào lúc Anh quốc đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế xã hội. Nước Anh mất đi một quyền lực mềm mạnh mẽ, là sợi dây đoàn kết. Tân vương Charles III, ít được cảm tình hơn, từng muốn gây ảnh hưởng với những chủ đề như đô thị hóa, môi trường, liệu pháp thay thế, nhưng không được dư luận hưởng ứng. Ông hứa sẽ thay đổi. Tuy nhiên ở tuổi 73, nhiệm vụ của «vị vua chờ đợi» nay thành «vua chuyển tiếp» chắc chắn sẽ khó khăn. Charles lên ngôi vào lúc sự thống nhất của vương quốc đang bị đe dọa, từ Scotland cho đến Bắc Ailen, không ít người Anh muốn chấm dứt sự trị vì của hoàng gia (27%, tỉ lệ này lên đến 40% nơi lớp trẻ 18-24 tuổi), và chiếc bóng biểu tượng của người mẹ không dễ mờ nhòa.