Điểm Báo Pháp – 9-3-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 9-3-2015

Những bông hoa tưởng niệm nhà đối lập Boris Nemtsov tại nơi ông bị ám sát ở trung tâm Matxcơva, 06/03/2015.- REUTERS/Maxim Shemetov

Vụ ám sát Nemtsov và sự tàn úa của đối lập Nga

Theo RFI – Thụy My – 09-03-2015
«Cái chết của nhà đối lập Nemtsov, kết cục cho sự suy tàn của phe đối lập Nga»,  tựa đề bài phân tích của thông tín viên Libération tại Matxcơva. Theo tác giả, những khuôn mặt lãnh tụ phản kháng đang bị truy lùng ráo riết, nếu còn chưa bị bỏ tù thì cũng tỏ ra bất lực trước điện Kremli đầy uy lực.
Việc ám sát một trong những khuôn mặt nổi bật nhất, ồn ào và can đảm nhất của đối lập đã giáng một đòn mạnh vào phong trào phản kháng nổi lên mạnh mẽ sau cuộc bầu cử Quốc hội Nga tháng 12/2011. Đến tháng 3/2012, sự quay lại điện Kremli của Vladimir Putin cùng với các vụ đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình mà cho đến lúc đó hoàn toàn ôn hòa, các vụ bắt bớ và tống giam, đã đánh dấu sự khởi đầu thời kỳ cứng rắn của chế độ.
Cuộc tuần hành tưởng niệm Boris Nemtsov tập hợp trên 50.000 người tại Matxcơva và vài ngàn người khác trên toàn quốc hôm 28/2 không thể xem như sức bật mới của phong trào. Khi tuần hành qua những bức tường điện Kremli nơi Nemtsov ngã xuống, đám đông đã biểu lộ tiếng kêu tuyệt vọng và bất lực. Đối với giới phản kháng, một bộ phận nhỏ trong xã hội Nga không ủng hộ Vladimir Putin, vụ ám sát nhà đối lập quan trọng này khởi đầu cho sự chuyển sang một hệ thống đàn áp công khai.
Các đạo luật rõ ràng nhằm hạn chế tự do, trong đó có tự do hội họp được đưa ra, tiếp theo là một năm trời tuyên truyền rầm rộ từ sau vụ sáp nhập Crimée tháng 3/2014, nhằm phá hoại uy tín của các nhà ly khai. Những người chống đối ông Putin bị lên án là « đạo quân thứ năm », là kẻ thù của Tổ quốc. Thế là phong trào bỗng mất đi sự hăng say, rồi bị khô héo đi. Luôn là thiểu số và ô hợp, những hạt nhân dẫn đầu phong trào chống đối chưa bao giờ hình thành được một chương trình hành động, còn việc tổ chức thành các đảng phái có khả năng thắng cử thì không thể nghĩ đến. Đa số các lãnh tụ đối lập đều bị chính quyền đàn áp. Một số phải đi tị nạn, số khác đành im lặng.
Guennadi Goudkov, cựu dân biểu bị mất ghế do tham gia các cuộc biểu tình, phẫn nộ cho biết: «Thực tế tại Nga, đối lập bị đặt ngoài vòng pháp luật. Chính quyền tự cho phép đưa chúng tôi ra tòa, bỏ tù, quản thúc chúng tôi trong nhiều năm, sáng chế ra các vụ án…Và nay thì họ còn có thể giết hại chúng tôi!»
Nhân vật đối lập số một với Putin, luật sư kiêm blogger Alexei Navalny, ngôi sao trong phong trào biểu tình 2011-2012 nay đã bị vô hiệu hóa. Là người tích cực chống tham nhũng, ông đã tham gia tranh cử tại địa phương tháng 9/2013. Nhưng từ 2012 Navalny trở thành đối tượng của một loạt các vụ án được dàn dựng. Được tự do có điều kiện, ông bị tống giam 15 ngày vì phân phát truyền đơn trong tàu điện ngầm, không thể tham dự đám tang của người bạn Boris Nemtsov.
Một khuôn mặt lãnh tụ khác, nhà tranh đấu cực tả Serguei Oudaltsov, bị án tù giam bốn năm vì «tổ chức bạo động». Rất năng động trong phong trào phản kháng 2011-2012, nhà vô địch cờ vua Garry Kasparov và dân biểu Ilia Ponomarev đã phải chọn lựa đi tị nạn ở nước ngoài.
Tỉ phú dầu lửa Mikhail Khodorkovski, vốn đã phải ngồi tù 10 năm (2003-2013) vì dám đương đầu với Putin, hiện đang điều hành một quỹ ở Thụy Sĩ và muốn làm mọi cách để thay đổi chế độ. Nhưng theo Libération, người Nga không thích các đại gia, kể cả cựu đại gia, và từ Zurich làm sao có thể tạo được ảnh hưởng ngay trong lòng nước Nga?
«Mục tiêu thường trực của Kremli là gây chán nản cho phong trào, làm tê liệt khả năng tổ chức của đối lập, giảm thiểu các nguy cơ của cộng đồng phản kháng ở Nga». Nhà chính trị học Masha Lipman nhận định như trên và thở dài: «Kremli đã thành công!»

Mùa thu của chế độ Kremli độc đoán

Cũng liên quan đến nước Nga, Le Figaro ngược lại đã nói về «Mùa thu của chế độ độc đoán Kremli». Theo tác giả, từ vụ ám sát quận công Áo François Ferdinand ở Sarajevo hôm 28/06/2014 đến vụ phá hủy World Trade Center, bọn khủng bố đã chứng tỏ khả năng làm nên lịch sử của chúng, có điều không biết lịch sử đó sẽ chuyển biến như thế nào. Và vụ sát hại nhà đối lập Nga Boris Nemtsov đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc chuyển sang chế độ chuyên chế và bạo lực của một nước Nga hậu chiến tranh lạnh.
Boris Nemtsov khi chết đi trở nên vĩ đại hơn lúc còn sống. Ông không phải là địch thủ nguy hiểm của Vladimir Putin, không phải là thủ lãnh một đảng đối lập, không có được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng do từng tham gia chính phủ của ông Eltsine, do là một nhà kỹ trị kiểu phương Tây và sự ủng hộ Ukraina.
Nhưng việc bị ám sát đã khiến ông trở thành biểu tượng, đè nặng lên chế độ. Về tính chất, đây là một vụ án chính trị – không ai nghi ngờ điều đó. Về phương thức: vụ ám sát diễn ra ngay bên cạnh những bức tường và trước mắt Kremli. Về mô típ: đây là việc trừ khử một «kẻ phản bội» đang chuẩn bị công bố những bằng chứng về kế hoạch sáp nhập Crimée của Matxcơva và can thiệp vào Ukraina. Đây còn là cú sốc của xã hội Nga, từ sợ hãi sang phẫn nộ.
Le Figaro cho rằng Putin phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ ám sát này, vì thảm kịch ấy là kết quả của ba sai lầm đang tách rời nước Nga khỏi thế kỷ 21 hiện đại, cũng như chế độ Sa hoàng độc đoán trước đây đã khiến Nga phải đứng bên lề thế kỷ 19, và cách mạng xô viết trong thế kỷ 20. Đó là quyền lực cá nhân và tôn sùng lãnh tụ, là một chế độ dựa trên sự tập hợp FSB, Nhà nước và các tập đoàn quốc doanh độc quyền do các nhà tài phiệt kiểm soát, và từ dự án Tân Nga với mục đích hình thành một liên bang do Nga lãnh đạo, tập trung các vùng đất và cư dân nói tiếng Nga, theo Chính thống giáo.
Cái giá mà nước Nga phải trả cho chính sách của Putin là khổng lồ. Theo Le Figaro, chuyển đổi dân chủ đã trở thành ảo tưởng với một Nhà nước không hề đảm bảo tính đa phương lẫn độc lập tư pháp, còn lực lượng an ninh thì giết người mà không bị trừng phạt. Chủ nghĩa cộng sản đã chấm dứt nhưng tinh thần xô viết vẫn tồn tại. Không còn khủng bố tập thể trong các goulag nhưng mang tính cá nhân: các nhà đối lập phải lựa chọn giữa lao tù, tị nạn hay cái chết.
Năm 2015 sẽ là một năm khủng hoảng của kinh tế Nga : suy thoái sẽ đạt 5% tổng sản phẩm nội địa, lạm phát vượt 17%. Các doanh nghiệp bị nghẹt thở vì nợ nần, và lãi suất 17% của Ngân hàng Nhà nước nhằm cứu đồng rúp vốn đã mất giá 40% trong năm 2014. Hệ thống ngân hàng phá sản, vốn đầu tư rút khỏi nước Nga năm ngoái lên đến 180 tỉ đô la. Nga đang tiến đến bờ vực phá sản trong trung hạn vì dầu lửa – cung ứng 60% nguồn thu ngân sách – bị sụt giá.
Theo Le Figaro, bề ngoài thì Putin đang chiến thắng khi loại trừ được mọi dạng thức đối lập, nhưng trên thực tế, vị Sa hoàng đang cởi truồng. Vụ ám sát Nemtsov đã báo hiệu thời kỳ hoàng hôn của Putin. Ông ta rốt cuộc sẽ thiệt thòi vì cuộc chiến Ukraina, cũng như Afghanistan đã gây ra sự sụp đổ của Liên bang Xô viết cũ.

Ukraina: Mục tiêu tối hậu của Putin vẫn là ẩn số

Còn về nước láng giềng Ukraina, sau khi nhận định «Sự hòa giải của bà Merkel và ông Hollande không làm thay đổi được quan điểm», thông tín viên của Les Echos tại Matxcơva cho rằng «Mục tiêu tối hậu của Putin vẫn là một ẩn số». Trong mọi trường hợp, tình hình đóng băng đã giúp cho Kremli duy trì khả năng gây rối loạn tại Ukraina.
Từ khi khởi đầu cuộc khủng hoảng Ukraina, ông chủ điện Kremli hành động như một nhà chiến thuật thay vì chiến lược gia, phản ứng dựa theo những sai lầm của Kiev và các đồng minh phương Tây, khi thế này khi thế khác. Và trong các cuộc thương lượng, Matxcơva luôn muốn Kiev phải hứa hẹn sẽ không gia nhập NATO.
Fedor Loukianov, tổng biên tập tạp chí «Nước Nga trong chính sách toàn cầu» phân tích: «Chính sách đối ngoại của Nga luôn bất định trước các sự kiện, nhưng không có kịch bản quan trọng nào để thực hiện. Nếu Putin muốn xâm lăng Ukraina, ông ta đã phải tiến hành vào tháng Tư và tháng Chín năm rồi. Đối với Putin, giải pháp tốt nhất là duy trì tình trạng trì trệ».
Kremli trước hết muốn đóng băng tình hình hiện tại. Alexander Konovalov, Viện trưởng Viện Phân tích Chiến lược tại Matxcơva khẳng định: «Dưới mắt Putin, đối với miền đông Ukraina, mô hình tối ưu là Abkhazia, vùng đất của Gruzia đã trở thành một nhà nước bán độc lập nhưng hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Matxcơva.» Còn Alexandre Golts, nhà phân tích chính trị và quân sự của tạp chí Yezhednevny Zhurnal mỉa mai: «Và tốt hơn nữa là mô hình Transnistria, vùng đất nói tiếng Nga của Moldova, vì không phải chi tiêu và đầu tư nhiều vào đó».

Fosun hình thành vương quốc nghỉ dưỡng khi mua lại các tập đoàn châu Âu

Nhìn sang Trung Cộng, trong bài «Những mảnh ráp hình của chủ tịch Quách», Le Monde nhận xét tấm màn bí mật trong việc tập đoàn Fosun TC mua lại tập đoàn du lịch hạng sang Club Med của Pháp đã bắt đầu được vén lên. Nhiều người đã đặt câu hỏi, vì sao Quách Quảng Xương (Guo Guangchang) vào đầu năm nay có thể chi ra đến 939 triệu euro để mua lại một công ty đang thua lỗ. Một tháng sau thương vụ này, các hành động mới của nhà tỉ phú Thượng Hải cho thấy ông ta không hề điên khùng.
Hôm 6/3, Fosun loan báo mua lại 5% vốn của công ty Anh Thomas Cook, công ty du lịch lâu đời nhất thế giới thành lập cách đây 174 năm và mua thêm một số cổ phiếu để nắm được 10%, trở thành một trong hai cổ đông chủ chốt. Cũng như với Club Med, việc bơm vốn đi đôi với «hợp tác chiến lược», chẳng hạn triển khai một hệ thống khách sạn mới chủ yếu tại TC.
Từng bước một, Fosun hình thành một mạng lưới hỗ trợ vây quanh, và mai đây có thể là khách sạn sang trọng Grosvenor House tại Luân Đôn cũng như các cơ sở nổi tiếng khác. Việc hình thành hệ thống vương quốc nghỉ dưỡng này có thể giúp mỗi bộ phận kiếm được nhiều tiền hơn. Chuyên gia Georges Perec nhận định: «Tính riêng từng mảng một thì không có ý nghĩa gì, nhưng khi tập hợp lại thì các mảng puzzle này sẽ có một sức mạnh đặc biệt».

Trang nhất báo Pháp

Le Figaro nhấn mạnh «Đối diện với đảng Mặt trận Quốc gia, Manuel Valls gióng lên tiếng chuông cảnh báo». Còn hai tuần nữa là đến kỳ bầu cử địa phương, Thủ tướng Pháp lao vào cuộc chiến chống lại đảng cực hữu mà theo ông có thể lên nắm quyền từ năm 2017.
Le Monde số ra cuối tuần nói về «Cuộc cách mạng về bình quyền tại các địa phương» với việc sau cuộc bầu cử ngày 22 và 29/3 tới, tỉ lệ đại biểu nữ từ 13,8% sẽ lên đến 50%. Trong khi đó trên thế giới thiếu hụt đến 80 triệu phụ nữ, hiện tượng nam thừa nữ thiếu này chủ yếu do xu hướng chọn lựa giới tính thai nhi ở châu Á.
Nhật báo kinh tế Les Echos chú trọng đến sự kiện «40 doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường chứng khoán đã chia cổ tức đến 56 tỉ euro trong năm ngoái», số tiền này gần đạt đến kỷ lục năm 2007. Còn nhật báo công giáo La Croix chạy tựa «Các chủ doanh nghiệp nhỏ lo ngại về an sinh», trong cuộc biểu tình hôm nay.
Với dòng tựa trang nhất «Sự tiết giảm nhân sự đang đe dọa các bệnh viện», Libération tiết lộ đang có trong tay một tài liệu mật về các biện pháp nhằm tiết kiệm 3 tỉ euro trong khu vực y tế : 22.000 việc làm có thể bị cắt giảm.