Điểm Báo Pháp – 24/11/2014
Doanh nghiệp Trung Cộng đầu tư rất nhiều vào ngành sản xuất rượu nho ở Pháp.- REUTERS
Pháp trước làn sóng đầu tư Trung Cộng
Theo RFI – Lê Phước -24-11-2014 16:44
Đầu thế kỷ 19, Hoàng đế Naponéon đã cảnh báo thế giới về sự «hồi sinh» của Trung Cộng (TC) trong tương lai. Lời cảnh báo đó đã ứng nghiệm khi mà TC là một trong 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.
Lời cảnh báo đó có vẽ cũng ứng nghiệm với chính nước Pháp, khi mà trong nhiều lĩnh vực quan trọng của Pháp đã có sự hiện diện của các nhà đầu tư TC. Bàn sâu về hồ sơ người Trung Hoa đầu tư trên đất Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài đáng chú ý: «Khi Trung Quốc mê sản phẩm made in France».
Tờ báo liệt kê ra rất nhiều trường hợp mà nhà đầu tư TC tham gia bỏ vốn làm ăn trên đất Pháp trong thời gian gần đây, như ký hợp đồng liên doanh hoặc mua lại các nhà máy hay công ty của Pháp trên đất Pháp.
Các lĩnh vực người Trung Hoa đầu tư trên đất Pháp thì rất đa dạng, từ hàng không, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, cho đến nông nghiệp thực phẩm, trồng nho, rượu vang, bất động sản…
Les Echos giải thích đưa ra nhiều nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này. Đầu tiên có thể bàn đến nguyên nhân người Trung Hoa đầu tư trong mục đích tìm cách chuyển giao công nghệ của Pháp.
Nguyên nhân kế đến là sử dụng đầu tư trên đất Pháp để phục vụ thị trường nội địa của TC. Chẳng hạn như một công ty TC sản xuất rượu vang trên đất Pháp, thì loại rượu đó dù được sản xuất thế nào cũng sẽ có uy tín hơn đối với người tiêu dùng TC.
Hay như việc các nhà đầu tư TC sử dụng sửa bò do nông dân Pháp cung cấp, rồi chế biến trên đất Pháp, sau đó đem bán ở thị trường TC, thì loại sửa này đương nhiên được người Trung Hoa ưa chuộng trong bối cảnh TC liên tiếp bị các xì căn đan về sữa nhiễm melamine. Thêm vào đó, chính phủ TC đã nới lỏng chính sách gia đình một con, vì thế tỷ lệ sinh đẻ ở TC cũng sẽ tăng cao, và đó là một thị trường sữa đầy tiềm năng.
Về phía Pháp thì do đang trong thời buổi kinh tế khó khăn, nên các nhà đầu tư TC đương nhiên được trải thảm đỏ chào đón. Chẳng hạn như các nhà đầu tư TC mang tiền đến cho thị trường Pháp, mà lại còn góp phần ổn định công ăn việc làm cho người Pháp trong bối cảnh nạn thất nghiệp tại Pháp đang ở mức cao. Hay như lĩnh vực bất động sản của Pháp cũng rất cần các nhà đầu tư TC đến «giải vây».
Cụ thể ai là nhà đầu tư TC? Les Echos cho biết, nhà đầu tư ở đây có thể là các cá nhân giàu có hoặc là các công ty nhà nước TC. Riêng về các cá nhân, thì ngày càng có nhiều cá nhân người Trung Hoa đầu tư trên đất Pháp. Tờ báo giải thích, do tại Trung Hoa, chính quyền của Tập Cận Bình đang tăng cường chống tham nhũng, nên những người có đồng tiền bất chính đang có khuynh hướng tuồn vốn ra nước ngoài, để đầu tư làm ăn và sau đó có thể gửi tiền «ẩn thân» ở các ngân hàng Thụy Sĩ hoặc Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo tờ báo, mức độ «đe dọa» của làn sóng đầu tư TC trên đất Pháp hiện không cao, bởi vì hiện tại đầu tư TC dù xếp hàng thứ 8 trong các nhà đầu tư nước ngoài tại Pháp, thì cũng chiếm có 1% tổng số nguồn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, các nhà đầu tư TC thường chỉ tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Pháp, và đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư TC«cứu sống» các doanh nghiệp vừa và nhỏ đó.
Tờ báo cho rằng, sở dĩ có tâm lí lo ngại đến mức báo động về nguy cơ đó là do các phương tiện truyền thông thường tập trung thổi phòng một số vụ đầu tư lớn, trong khi những vụ đầu tư phổ biến ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại ít được nhắc đến. Đó là chưa kể đến những khó khăn còn chưa được giải quyết thỏa đáng trong quan hệ kinh tế song phương bởi bất đồng văn hóa, ngôn ngữ và thể chế chính trị.
Thái Lan: giọt nước gần tràn ly?
Đến với tình hình chính trị tại Thái Lan 6 tháng sau khi quân đội đảo chính và nắm quyền hành pháp, nhật báo Le Monde có bài đáng chú ý: «Thái Lan: giơ ba ngón tay để bày tỏ sự thách thức».
Trong tình trạng thiết quân luật do chính quyền quân phiệt đặt ra lấy cớ là bảo đảm an ninh trật tự trong thời kỳ chuyển tiếp, phe đối lập tại Thái Lan, những người Áo Đỏ, đã tìm mọi cách để bày tỏ sự phản đối, mà nổi bật nhất có lẽ là cách đưa bàn tay lên cao, với ba ngón tay duỗi thẳng lên trời để chào nhau. Đó là một kiểu thách thức, bởi nó được học từ bộ phim nổi tiếng Đấu Trường Sinh Tử (Hunger Games) của Mỹ, một bộ phim có chủ đề phản đối độc tài.
Tờ báo thuật lại một trường hợp điển hình đáng chú ý cách đây vài ngày: tại một khu vực thuộc phe Áo đỏ, khi Thủ tướng đương nhiệm là tướng Prayuth Chan- o- cha đọc diễn văn về nông nghiệp trước đám đông, thì có năm sinh viên mặc áo thun đen có in hàng chữ: «Phản đối đảo chính» giơ cao ba ngón tay lên để bày tỏ sự phản đối độc tài. Năm sinh viên này đã lập tức bị bắt thẩm vấn và có thể sẽ bị xử tội vi phạm thiết quân luật.
Tờ báo nhận định: sáu tháng sau khi quân đội đảo chính, việc quân đội siết chặt an ninh và bóp nghẹt tự do bắt đầu gây phẫn nộ. Tờ báo dẫn lời một cựu Tổng biên tập của tờ Bangkok Post trên bản tiếng Anh của tờ báo này rằng: «Sự phản đối của người Thái đối với thiết quân luật đến hiện tại vẫn ở mức độ ôn hòa. Nhưng nếu tình hình không được cải thiện để dành chỗ cho những phê phán mang tính xây dựng, thì tình trạng ôn hòa này có thể sẽ thay đổi». Đại diện nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan cũng đã lên tiếng chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền ở nước này.
Pháp: kinh tế xuống, vị thế xuống theo
Kinh tế Pháp vẫn còn loay hoay trong một mớ hồ sơ hốc búa với mức thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng quy định của Liên Hiệp Châu Âu và tỷ lệ thất nghiệp trên 10%. Khó khăn kinh tế đã kéo theo những khó khăn về ngoại giao, đó là nội dung bài viết đăng trên tờ Le Monde với hàng tựa: «Pháp mất ảnh hưởng ở Bruxelles».
Tờ báo lược lại một số sự việc cho thấy sự mất dần ảnh hưởng của Pháp trên diễn đàn Liên Hiệp Châu Âu. Chẳng hạn như việc tại Thượng đỉnh Châu Âu, Tổng thống Pháp đã không ngừng kêu gọi hạn chế sử dụng biện pháp khắc khổ mà thay vào đó là hướng Châu Âu về các biện pháp tăng trưởng, kích thích đầu tư và chống thất nghiệp. Tuy vậy, theo tờ báo, tiếng nói đó dường như không có quá nhiều trọng lượng và ít được chú ý.
Theo tờ báo, Pháp hiện vẫn giữ vai trò là một trong những nước đầu tàu đưa ra những ý tưởng cho cả khối. Thế nhưng, do kinh tế khó khăn nên vị thế của Pháp cũng sụt giảm theo, và những can thiệp tích cực trong các hồ sơ Libya, Mali hay Trung Phi vẫn không đủ để bù lại sự sụt giảm đó. Ngược lại với Pháp, vị thế của Đức ngày càng mạnh và Đức còn nhiều lần chỉ trích kinh tế Pháp.
Tân Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Donald Tusk, là người Ba Lan. Tờ báo cho biết, ông này rất giỏi tiếng Đức và trao đổi trực tiếp bằng tiếng Đức với Thủ tướng Angela Merkel, và bà Merkel cũng có nhiều đóng góp trong việc đưa ông lên nắm chiếc ghế lãnh đạo. Trong khi đó, thì ông Tusk lại không biết tiếng Pháp.
Ở Nghị viện Châu Âu, tình hình còn tệ hơn cho Pháp, bởi Chủ tịch Martin Schultz là người Đức, chánh văn phòng và tổng thư ký của ông cũng là người Đức. Tờ báo cũng cho hay, Pháp cũng bị lép vế trong việc bổ nhiệm nhân sự của Ủy Ban Châu Âu.
Trong bối cảnh đó, một câu hỏi đặt ra là liệu Paris có lật ngược được thế cờ hay không? Le Monde nhận định : điều đó sẽ cần có thời gian và một chiến lược thật sự từ phía Paris.
Nga-Phương Tây : « Bức màn sắt » dần trở lại
Trước nguy cơ chiến tranh lạnh đang trở lại giữa Phương Tây và Nga trong hồ sơ Ukraina, nhật báo Le Figaro có bài đáng chú ý : «Giữa Kiev và Maxcova, lại giọng sặc mùi chiến tranh».
Tờ báo cho biết, liên minh cầm quyền của Quốc hội Ukraina vừa được bầu vào tháng 10 rồi đã đặt mục tiêu trước mắt là gia nhập NATO. Tờ báo cho biết, « những cam kết mang tính tượng trưng » đã được đưa ra nhân chuyến thăm Ukraina của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tờ báo nhắc lại, mấy ngày trước đó, Nga đã lên tiếng cảnh báo chính phủ Kiev không nên gia nhập NATO và yêu cầu các nước phương Tây phải « đảm bảo 100% » rằng việc đó sẽ không bao giờ thành hiện thực. Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rõ nguy cơ mà Nga đang lo ngại khi Ukraina gia nhập NATO : « Chúng tôi muốn NATO chấm dứt việc áp sát ranh giới của Nga và từ bỏ mưu đồ thay đổi thế cân bằng lực lượng hiện tại ». Tờ báo nói thêm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã lên tiếng tố cáo phương Tây có mưu đồ lật đổ chế độ tại Nga.
Bàn về khả năng Ukraina gia nhập NATO, tờ báo cho biết, dù rằng có 51% người Ukraina đồng ý với việc gia nhập NATO, nhưng cũng còn có nhiều người, kể cả những người Ukraina ở Kiev, nghi ngờ khả năng thành hiện thực của ý định này. Và hiện tại, Le Figaro nhấn mạnh, chưa hề có một sự đồng thuận nào trong khối NATO về vấn đề cho Ukraina gia nhập khối ».
Về phần Liên Hiệp Châu Âu, tờ báo cho biết, do bất đồng trong khối, nên sắp tới sẽ không có biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga nào được ban hành. Pháp thì tỏ ra « ôn hòa » hơn so với Đức trong thái độ đối với Nga. Và sắp tới, Nga sẽ ra sức tận dụng những bất đồng này.
Hàn Quốc : « thuế độc thân »
Nhìn sang Hàn Quốc, Libération bàn về những khó khăn trong hồ sơ dân số với bài viết : « Thuế : Hàn Quốc không tha cho những người độc thân ».
Số là vừa rồi, trên tờ nhật báo kinh tế Maeil rất có uy tín ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Y tế của nước này đã gợi ý ra luật đánh thuế người độc thân để kích thích kết hôn và sinh sản.
Ngay lập tức, bão tố đã nổi lên trên Internet. Những người độc thân phản đối quyết liệt. Có người còn mạnh dạn nêu đích danh trường hợp của đương kim Tổng thống Park Geun-hye, vì bà vẫn độc thân. Phản đối dâng cao đến mức mà ngay sau đó Bộ Y tế đã phải từ bỏ ý định và trấn an dư luận rằng sẽ không có luật như vậy.
Tuy nhiên, Libération cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên mà nhà cầm quyền Hàn Quốc có ý định như thế. Bởi lẽ, tình trạng dân số của Hàn Quốc thật sự đáng lo ngại : tỷ lệ lão hóa cao, tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh rất thấp. Số là do đời sống ngày càng đắt đỏ, chi phí nhà cửa, học hành và nuôi con là áp lực lớn khiến cho tuổi trẻ Hàn Quốc ngày càng có khuynh hướng lập gia đình trễ hay thậm chí là không muốn lập gia đình. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây nguy cơ thật sự cho việc duy trì nòi giống ở Hàn Quốc. Quốc hội nước còn đặt dấu chấm hết cho giống nòi Hàn Quốc vào năm 2750.
Trong bối cảnh đó, chỉ còn giải pháp trước mắt là nới lỏng nhập cư. Thế nhưng, tờ báo nhấn mạnh, xã hội Hàn Quốc xưa nay vốn nổi tiếng là « vương quốc ẩn dật » khép kín với người nhập cư.