Diễn biến hòa bình hay cải cách để phát triển

Cac Bai Khac

No sub-categories

Diễn biến hòa bình hay cải cách để phát triển
Nguyễn Thị Từ Huy – 31-10-2015

Cách đây hơn một năm, khi tôi còn ở Việt Nam, một người làm việc trong ngành an ninh nói rằng muốn nghe ý kiến của tôi về «Diễn biến hòa bình». Câu trả lời tức thời của tôi lúc đó là: «Đối với Việt Nam hiện nay, diễn biến hòa bình không phải là vấn đề, hoặc đó chỉ là một vấn đề giả, trong khi vấn đề thực sự của Việt Nam là cải cách để phát triển và để bảo tồn độc lập».

Những lãnh đạo Việt Nam đương nhiệm cần nhìn nhận lại, cần quan niệm lại về vấn đề diễn biến hòa bình. Thay vì nhìn diễn biến hòa bình như là một nguy cơ trầm trọng thì hãy quan niệm rằng đó là điều kiện tất yếu để cải cách, để phát triển và để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như độc lập quốc gia trong cơn nguy biến hiện nay.

Trong khuôn khổ một bài báo ngắn viết cho blog, tôi chỉ nêu ra đây một điểm, làm chỗ dựa cho quan niệm của tôi. Những người khác, và bản thân tôi, sẽ còn trở lại với chủ đề này nhiều lần. Bởi nỗi lo diễn biến hòa bình đã trở thành cái thòng lòng siết vào cổ cả dân tộc, khiến cả lãnh đạo và nhân dân đều nghẹt thở, và thực tế là chúng ta đang ở mức thiếu oxy trầm trọng, đã đến lúc phải nới lỏng cái sợi thòng lọng mang tên diễn biến hòa bình này.

Và người đã tiến hành những thao tác đầu tiên của việc gỡ nút thòng lọng chính là Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng.

Trước khi tiếp tục giải thích, chúng ta cần quay trở về với «Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá», ban hành ngày 25/6/2009. Tôi đưa chỉ thị này vào phần phụ lục dưới đây, quý độc giả có thể đọc toàn văn để thấy vấn đề «diễn biến hòa bình» ám ảnh đến Ban Tuyên Giáo đến mức như thế nào.

Như đã nói ở trên, trong bài này tôi chỉ tập trung vào một điểm. Trong «Chỉ thị số 34-CT/TW», chính phủ Mỹ và các hoạt động của Mỹ tại Việt Nam được nhìn như là một yếu tố nguy hiểm của quá trình diễn biến hòa bình. Tôi trích nguyên văn hai đoạn trong Chỉ thị này:

«Việc Mỹ triển khai “Đội hoà bình” (tổ chức chuyên tuyên truyền và kích động lật đổ) và dự kiến thực hiện Chương trình nghiên cứu liên quan sự chuyển đổi chính trị, dân chủ ở Việt Nam của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho thấy rõ các bước cụ thể của Mỹ nhằm thúc đẩy mầm mống “cách mạng màu” ở Việt Nam»

– «Chúng tập trung vào “chiến lược con người” để đào tạo một lớp người thân Mỹ và phương Tây. Mỹ đã bộc lộ rõ ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hoá Việt Nam. Đến nay chỉ riêng Mỹ đã có 15 chương trình, dự án lớn có liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo đang triển khai ở Việt Nam. Ngân sách của chính phủ Mỹ dành cho các chương trình Fulbringt Việt Nam tăng lên 4 triệu USD/ năm, còn “Quỹ  giáo dục Việt Nam” mỗi năm dành 5 triệu USD cấp cho 100 sinh viên Việt Nam học tại Mỹ, Đại sứ quán Mỹ ráo riết triển khai dự án “Góc Hoa Kỳ” nhằm quảng bá với lớp trẻ hình ảnh nước Mỹ, lối sống Mỹ. Các cơ quan hoạch định chiến lược của Mỹ đưa ra bản “lộ trình 4 bước”, trong đó bước 4 có nội dung các trường đại học Mỹ được khuyến khích mở các cơ sở tại Việt Nam.

Ta có thể thấy việc Mỹ mở các trường đại học ở Việt Nam được Ban Tuyên giáo đánh giá như là các bước của một lộ trình thúc đẩy diễn biến hòa bình.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng đã có hai hoạt động: thăm chính thức Hoa Kỳ và hội đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ, ủng hộ sự thành lập đại học Fulbright tại Việt Nam. Hai động thái này chứng tỏ một sự thay đổi căn bản trong quan niệm về chính phủ Mỹ và các hoạt động giáo dục của Mỹ: Mỹ không còn bị xem là thế lực thù địch, tác giả của những âm mưu diễn biến hòa bình, và việc thành lập đại học Fulbright không còn bị nhìn nhận như là một bước của lộ trình diễn biến hòa bình. Trái lại, Mỹ đã trở thành đối tác, và Fulbright được xem là đáp ứng tham vọng trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.

Nếu so với quan điểm và tiêu chí của Ban Tuyên giáo được bộc lộ trong «Chỉ thị số 34-CT/TW» năm 2009 thì Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các bước diễn biến hòa bình, ông đã tự diễn biến.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ những đòi hỏi cấp bách của tình thế, thì phải nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện những bước cần thiết để giúp cho Việt Nam có những cải cách và tạo tiền đề cho phát triển.

Dĩ nhiên, cả ông Tổng bí thư, cả đảng của ông, cả Ban Tuyên giáo, cả người dân Việt Nam, không có ai nghĩ hoặc nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã tự diễn biến. Tất cả đều thấy rằng ông ấy đã làm cái việc mà lịch sử đòi hỏi, và trách nhiệm của một lãnh đạo quốc gia đòi hỏi. Tất cả đều vui mừng nếu Việt Nam có thể trở thành đối tác của Mỹ (dĩ nhiên càng tốt hơn nếu có thể trở thành đối tác chiến lược). Tất cả đều vui mừng nếu Việt Nam có được những đại học ở đẳng cấp quốc tế, và nếu nền giáo dục Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Tất cả đều vui mừng nếu Việt Nam giữ được độc lập và bình đẳng với Trung Quốc, điều mà nhiều thế hệ người Việt trước đây đã không tiếc xương máu để đạt cho bằng được.

Nguyễn Phú Trọng, bằng hành động của mình, đã chứng minh rằng diễn biến hòa bình chỉ là một nỗi lo sợ không có căn cứ.

“Diễn biến hòa bình” chỉ là một cụm từ thôi. Chỉ là một nỗi sợ hãi không có thật. Đừng để cho ngôn ngữ trở thành sợi dây thòng lọng siết cổ cả một dân tộc. Từ xưa tới nay lịch sử luôn ghi công cho những lãnh đạo dám vượt qua mọi định kiến và ràng buộc để hành động vì danh dự quốc gia, vì sự phát triển, sự độc lập và sự trường tồn của dân tộc.

Paris, 31/10/2015

Nguyễn Thị Từ Huy