Dịch thuật là Phản bội? – Đoàn Thanh Liêm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dịch thuật là Phản bội? – Đoàn Thanh Liêm

Từ lâu lắm rồi, lúc tôi còn đang theo học cấp trung học ở Hanoi, thì đã đọc được một câu tiếng Pháp: “Traduire, c’est trahir”, nghĩa là “Dịch thuật là Phản bội”.

Đại khái, tôi hiểu rằng đây là lời cảnh giác cho những dịch giả cần phải rất thận trọng mỗi khi chuyển dịch một bản văn, hay một cuốn sách nào từ nguyên tác sang một ngôn ngữ khác, để mà tránh được những sai sót khiến gây ra sự biến dạng trái ngược hẳn với chủ ý của tác giả nguyên thủy. Và do đó, về phần cá nhân mình, thì tôi luôn cố gắng làm việc hết sức chuyên cần nghiêm túc, mỗi khi phải đứng ra dịch thuật một bản văn nào từ tiếng Pháp, tiếng Anh ra Việt ngữ, hay ngược lại từ Việt ngữ sang Anh ngữ, Pháp ngữ. Nhất là đối các văn bản luật pháp, thì lại càng cần phải được dịch một cách chính xác trôi chảy, rõ nghĩa hơn.

Nhưng gần đây, thì tôi được biết đến một số bản dịch được xuất bản trong nước, mà vì lý do luôn có sự “nhậy cảm chính trị” sao đó, nên dịch giả và nhà xuất bản đã cố tình tự ý sửa đổi, cắt xén bớt đi nhiều đoạn văn trong bản nguyên tác, khiến gây cho người đọc hiểu lầm quan điểm đích thực và chính xác của tác giả.

Điển hình là bản dịch cuốn Hồi ký của ông Lý Quang Diệu, vị nguyên thủ tướng rất nổi tiếng của Singapore. Để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi câu chuyện, tôi xin đưa ra phóng ảnh mấy trang sách của cả hai cuốn nguyên tác bằng Anh ngữ và bản dịch Việt ngữ như sau đây:

blank

Hình 1

blank

Hình 2

Nguyên tác của cuốn Hồi ký viết bằng tiếng Anh có nhan đề là: “From Third World to First – The Singapore Story: 1965 – 2000” – Lee Kuan Yew”, dài 729 trang, khổ chữ nhỏ được nhà xuất bản Harper Collins ở New York ấn hành năm 2000.

Và bản dịch sang Việt ngữ do hai tác giả Phạm Viêm Phương và Hùynh Văn Thanh thực hiện, do nhà Xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào năm 2001. Bản dịch này có nhan đề tiếng Việt là: Hồi ký Lý Quang Diệu (1965-2000), dài 936 trang, cũng khổ chữ nhỏ. Bản dịch này không hề có ghi chú đó là “bản lược dịch” hay “bản phỏng dịch”, nên người đọc có thể coi như đây là “bản dịch tòan văn” (texte intégral như người Pháp thường nói).

Và sau đây là chuyện “ tùy tiện cắt bỏ” trong bản dịch Việt ngữ:

1/ Chương 19 nhan đề: “Vietnam, Myanmar, and Cambodia: Coming to Terms with the Modern World” từ trang 309 đến trang 328 trong nguyên tác.

Thì như bạn đọc đã thấy trong hình 1 và 2, bản dịch đã cắt bỏ hẳn trên 3 trang đầu dài tới 2000 chữ của chương 19 này. Phần bị cắt bỏ khá dài này có thể tóm lược vào mấy ý chính như sau:

“Năm 1977, một máy bay Dakota của Việt nam bị đánh cướp bay sang Singapore. Chúng tôi để cho bên Việt nam đem chiếc máy bay này về nước. Và chúng tôi đã truy tố kẻ cướp và xử phạt anh ta 14 năm tù. Nhưng chánh quyền Việt nam lại liên tục đe dọa, buộc chúng tôi phải trả người cướp về cho họ. Chúng tôi nhất quyết không thể nhượng bộ về chuyện này. Nói chung, thì sau khi chiến thắng  vào năm 1975, người cộng sản Việt nam đã tỏ ra kênh kiệu, ngoan cố. Họ cho mình là quan trọng, chẳng coi chúng tôi ra cái gì cả. Rõ ràng họ như là “một lọai người Phổ của Đông Nam Á” (Prussians of Southeast Asia)…

Năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua thăm Singapore. Ông này vẫn tỏ ra vẻ “cứng rắn như đinh sắt” (tough as nails). Ông đưa lý do là Singapore đã được lợi nhiều từ cuộc chiến tranh Việt nam, do đó mà bây giờ Singapore có nghĩa vụ phải đóng góp vào việc tái thiết Việt nam… Làm sao mà chúng tôi lại có thể chấp nhận được cái lối lập luận như thế của người lãnh đạo Việt nam cơ chứ? Tôi phải trả lời ông Đồng rằng chúng tôi sẵn sàng buôn bán giao thương với Việt nam, chứ không có chuyện viện trợ chi cả. Ông Đồng tỏ vẻ không bằng lòng. Và chúng tôi chia tay, lịch sự nhưng lạnh nhạt (We parted civil but cold).”

2/ Như thế đấy, bản dịch ra Việt ngữ đã tùy tiện cắt hết cả một phần đầu của chương 19 này dài đến trên 2000 chữ. Việc làm này của các dịch giả và nhà xuất bản, không những đã tỏ ra bất chấp coi thường công chúng độc giả người Việt nam chúng ta, mà còn là một sự phản bội đối với tác giả Lý Quang Diệu, nhân vật được giới lãnh đạo Việt nam trân trọng mời làm cố vấn cho chánh quyền, sau khi ông đã về nghỉ hưu, không còn giữ chức vụ thủ tướng của Singapore nữa.

3/ Mặt khác, để cho được công bằng, người viết cũng xin đưa ra một chứng từ đáng tin cậy của nhà văn Phạm Xuân Đài như sau. Nhà văn thuật lại đại khái rằng: Hồi ông bị giam giữ trong trại tù cải tạo ở ngoài Bắc, thì do tai nạn mà bị trẹo xương đầu gối, phải chống nạng mới di chuyển được. Vì thế, mà ông không phải đi lao động bên ngoài trại, chỉ ở quanh quẩn trong trại. Vào thời gian này, ông có dịp đọc rất nhiều bản dịch các tác phẩm văn học quốc tế từ nhiều ngôn ngữ khác nhau, như tiếng Anh, Pháp, Trung hoa, Tây ban nha, Nga, Đức v.v… Ông nhận thấy tất cả các bản dịch này được thực hiện một cách rất trung thực, chu đáo, phơi bày hết sức rõ ràng được tinh hoa của tác phẩm nguyên gốc.

4/ Ấy thế, mà như đã ghi ra ở trên, khi động đến loại sách về chính trị thời sự, thì giới chức phụ trách về văn hóa ở Hanoi đã tỏ ra hết sức “dị ứng” (allergic) đối với các đề tài mà họ cho là “nhậy cảm” này (sensitive issues). Cho nên họ mới tự cho mình cái quyền cắt bỏ các đoạn văn trong Hồi ký của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu như thế.

** Là một dân tộc vốn tự hào đã có trên “4000 năm văn hiến”, mà lại để cho xảy ra cái tệ nạn bừa bãi, đến độ trâng tráo, vô liêm sỉ trong lãnh vực văn hóa như thế này, thì thật là không thể nào mà bày tỏ hết được nỗi xót xa tủi hổ của tầng lớp sĩ phu trí thức Việt nam được nữa vậy./

Đoàn Thanh Liêm