Địa chấn vùng Vịnh: Lửa cháy từ Iran sang Qatar

Cac Bai Khac

No sub-categories

Địa chấn vùng Vịnh: Lửa cháy từ Iran sang Qatar

Dân trí  ›  
Thế giới  ›  

Thứ Ba, 06/06/2017 – 18:00

 

Hàng loạt quốc gia Ả rập đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Qatar, gây ra một cơn địa chấn lớn nhất  khu vực trong hàng thế kỷ.
 >> Vì sao Qatar bị các nước đồng loạt ‘từ mặt’?

Hàng loạt nước Ả rập cắt đứt quan hệ với Qatar 

Một cơn địa chấn đã nổ ra ở vùng Vịnh khi hàng loạt quốc gia Ả rập như: Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Bahrain (sau đó là Yemen và Libya) đã lần lượt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì nước này đã đứng về phía Iran chống lại các đồng minh người Sunni.

Theo đó, các nước này tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và tất cả các mối liên lạc trên đất liền, trên biển và sân bay với với Qatar. Công dân của các nước nói trên buộc phải cắt đứt quan hệ kinh doanh và rời Qatar, trong khi công dân Qatar có 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi những nước này.

Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong thế giới Ả rập và là sự chia rẽ nghiêm trọng đối với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vịnh (GCC), gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Từ lâu, Qatar và kênh truyền hình Al Jazeera đã bị coi là những cái gai trong mắt của các nước Ả rập đồng minh. Chính quyền Doha bị cáo buộc tội dung túng và cung cấp cơ sở cho các nhóm khủng bố và các phần tử cực đoan, trong đó có tổ chức “Anh em Hồi giáo” và Hamas.

Tuy nhiên, vì sự thống nhất của GCC nên các quốc gia này vẫn còn “nhẫn nhịn”. Nhưng việc Quốc vương Qatar Tamam bin Hamad Al Thani bị cáo cuộc là “phá hoại sáng kiến của Mỹ và Saudi Arabia, nhằm thiết lập một liên minh Sunni chống Iran” đã phá vỡ “sự đồng thuận giả tạo” đó.

Sáng kiến này được Saudi Arabia đưa ra trong chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 22/5 vừa qua và đã được cộng đồng các nước Ả rập và Hồi giáo chấp thuận.

Một tuần trước đó, Quốc vương Tamam bin Hamad Al Thani đã cử Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đến Tehran.

Ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã bí mật gặp gỡ tướng Qassem Soleimani, chỉ huy của lực lượng quân sự Iran ở Iraq và Syria, được mệnh danh là “Vị tướng trong bóng tối”, kiến trúc sư của các kế hoạch chống lại Mỹ và các đồng minh Ả rập ở Syria.

Các nước Ả rập đã đồng loạt cắt đứt quan hệ với Qatar vì bắt tay Iran
Các nước Ả rập đã đồng loạt cắt đứt quan hệ với Qatar vì bắt tay Iran

Theo cáo buộc của các quốc gia vùng Vịnh, hai bên đã đưa ra một kế hoạch phá hoại các hoạt động của Mỹ tại Iraq và Syria. Đồng thời, họ cũng đã thảo luận về những lợi ích của Doha trong quá trình hợp tác với Iran.

Hiện giới quân chủ ở Qatar không hề cảm thấy e ngại gì về cáo buộc “kế hoạch chống Washington”, bất chấp việc căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong vùng Vịnh nằm ở Al Udeid, phía tây nam thủ đô Doha. Quốc vương Qatar cũng đã không bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Riyadh.

Sự rạn nứt trong nội bộ GCC 

Sự rạn nứt giữa Qatar với Saudi Arabia, UAE và Ai Cập đã bùng nổ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump kết thúc chuyến công du Trung Đông.

Vào ngày 25/5, một bài báo của Thông tấn xã Quốc gia Qatar (QNA) dẫn bài phát biểu của Quốc vương Al Thani tại lễ tốt nghiệp của lực lượng “Phục vụ quốc gia” tổ chức sáng 23/5, chỉ trích Mỹ, Saudi Arabia và “các quốc gia chư hầu” vì cố tình gây căng thẳng với “cường quốc Hồi giáo” Iran.

Phản ứng với tuyên bố của Quốc trưởng Qatar nêu trên, các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE đã lập tức chặn tất cả các kênh truyền thông chính thức của chính phủ Qatar, kể cả kênh Aljazeera.net do Qatar quản trị.

Đáp lại, Ngoại trưởng Qatar cũng tuyên bố rút các vị đại sứ nước này khỏi Kuwait, Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Mặc dù sau đó, Doha đã nhanh chóng gỡ các bài viết trên các trang mạng của QNA cũng như các phương tiện truyền thông nhà nước khác đồng thời giải thích rằng, hãng tin này bị tin tặc tấn công và tuyên bố đó là sai sự thật, nhưng căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang.

Các trang mạng quốc tế tiếng Ả rập, như al-Arabiya.net (do UAE quản trị) aawsat.com và alhayat.com (đều do Saudi Arabia bảo trợ) tung ra hàng loạt bài khẳng định rằng, thông tin do chính QNA loan tải ngày 23/5 rồi lại gỡ xuống chứ không phải bị hack.

Theo phân tích này, hãng tin QNA sử dụng các tiện ích thuộc loại được bảo mật tốt nhất của Facebook và Google mà tin tặc không dễ gì xâm nhập. Tin được phát cả ở trang tiếng Ả rập và trang tiếng Anh của QNA. Hơn nữa, đài truyền hình quốc gia Qatar cũng phát tin này trong bản tin thời sự sáng sớm cùng ngày.

Theo các quốc gia Ả rập, bài viết này “không phải là một sự cố truyền thông, mà thể hiện đường lối thực của Qatar” ủng hộ Iran, chống lại quan điểm của Mỹ và các nước Ả rập khác có chung lập trường chống Iran. Đây là sự “phản bội” những người anh em Ả rập, đâm dao sau lưng họ.

Hồi năm 2014, Mỹ từng yêu cầu Qatar phong tỏa các tài khoản của nhóm Hamas và bắt giữ một số nhân vật của tổ chức này. Chính quyền Qatar gật đầu, nhưng rồi không làm gì cả!

Giới chính khách Mỹ cho rằng, Mỹ cần phải chuyển tới Qatar bản danh sách những việc mà Qatar “cần làm ngay” như chấm dứt yểm trợ cho phong trào “Anh em Hồi giáo” và Hamas. Nếu Doha không làm theo các yêu cầu này, thì “cần phải thay đổi bản chất quan hệ với họ”.

Tối hậu thư dành cho Qatar 

Theo các nguồn tin của DEBKAfile báo cáo rằng Vua Saudi Arabia Salman, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fatteh-El-Sisi và nhà lãnh đạo Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan của UAE đã đưa ra một bản tóm lược công việc cho Quốc vương Qatar.

Theo đó, Quốc vương Tamam bin Hamad Al Thani đã được cảnh báo về những hành động áp đặt cứng rắn đối với nước này, nếu Doha còn bắt tay với Tehran chống lại Mỹ và các đồng minh Ả rập. Qatar sẽ phải thể hiện “thành ý” bằng các công việc sau đây:

1. Cắt đứt tất cả các mối quan hệ quân sự và tình báo với Tehran.

Hội đồng Hợp tác Vịnh (GCC) đang đứng trước rạn nứt nghiêm trọng
Hội đồng Hợp tác Vịnh (GCC) đang đứng trước rạn nứt nghiêm trọng

2. Bãi bỏ tất cả các thỏa thuận mà Doha đã đạt được với Tehran – không chỉ trong phạm vi các sự vụ ở Syria và Iraq, mà còn cả những hành động nhằm vào với các nước Ả rập, đặc biệt là Libya.

3. Hủy tất cả các quyền lợi và các thủ tục tị nạn của Qatar, vốn đã được mở rộng cho các nhà hoạt động của Tổ chức “Anh em Hồi giáo” chống Ai Cập và trục xuất họ về nước ngay lập tức.

4. Cắt đứt mối quan hệ giữa Qatar với nhóm vũ trang Hamas của người Palestine cầm quyền ở dải Gaza và không được cấp giấy phép cư trú tại Doha cho giới lãnh đạo tổ chức này, cùng với gia đình họ.

Tuần trước, Vua Salman đã yêu cầu Tổng thống Ai Cập Abdul-Fatteh El-Sisi từ chối gặp lãnh đạo chính trị mới của Hamas là ông Ismail Haniyah, người đang có kế hoạch rời khỏi Gaza và định cư tại Doha cùng với gia đình ông ta.

Một số quan chức của Hamas đã được thông báo là không được vào Qatar, nhưng điều đó là chưa đủ với những yêu cầu chính của tối hậu thư.

Cảnh báo của Saudi Arabia cho Quốc vương Qatar không chỉ bao gồm những hình phạt ông phải đối mặt vì không vâng lời. Cuộc phong tỏa được công bố hôm 5/6 có thể chỉ là những bước đi đầu tiên để cảnh báo Doha không được “đi chệch hướng”.

Các nguồn tin của DEBKAfile ở vùng Vịnh tiết lộ rằng một chiến dịch quân sự quy mô nhỏ nhằm vào một mục tiêu của Qatar có thể sẽ nổ ra. Họ cũng không loại trừ việc các cơ quan tình báo của Ai Cập, Saudi Arabia và UAE liên kết lại để thực hiện một cuộc đảo chính để hạ gục ông Al-Thani và phe cánh ở Doha.

Theo Thiên Nam

Đất Việt