Di Sản VNCH: Gia tài quý giá trong nghiên cứu lịch sử VN và chủ quyền Biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Di Sản VNCH: Gia tài quý giá trong nghiên cứu lịch sử VN và chủ quyền Biển Đông

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.04.2

Di Sản VNCH: Gia tài quý giá trong nghiên cứu lịch sử VN và chủ quyền Biển Đông

Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 và 2 con tàu khác trở về cảng Đà Nẵng ngày 22/1/1974 sau cuộc chiến với Trung Quốc ở Hoàng Sa

Ảnh chụp màn hình video Reuters

Di Sản VNCH: Gia tài quý giá trong nghiên cứu lịch sử VN và chủ quyền Biển Đông

00:00/12:06

Di sản của Việt Nam Cộng Hòa có ý nghĩa quan trọng đối với
việc nghiên cứu lịch sử cận, hiện đại của Việt Nam, đặc biệt có thể phục
vụ hữu ích trong công cuộc nghiên cứu khoa học liên ngành phục vụ đấu
tranh về pháp lý, chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á này trên Biển Đông,
một nhà nghiên cứu sử học của Việt Nam nêu quan điểm hôm 24/4/2023 với
RFA Tiếng Việt từ Đà Nẵng.

“Đối với những di sản gì từ Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi có thể
tiếp nhận được, chúng tôi có thể nói rằng đó là những cách viết sử,
những cách thể hiện quan điểm và những vấn đề về sử học rất bài bản, rất
khách quan và rất khoa học theo đúng tinh thần nhân bản và khai phóng,
như chúng tôi đã thừa kế được, trong việc học sử của mình,”
Tiến sĩ
Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, đồng
thời là nhà nghiên cứu lịch sử pháp lý, chủ quyền của Việt Nam trên
Biển Đông, đặc biệt liên quan hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phát
biểu.

“Tôi nghĩ không phải chỉ riêng tôi, mà đối với các sinh viên đồng
trang, đồng lứa với tôi hoặc các thế hệ học trò mà sau này tôi dạy, tôi
cũng đem tinh thần này để truyền lại cho các bạn. Những học trò này và
những đồng nghiệp mà cùng quan điểm với tôi cũng thừa hưởng tinh thần
này và họ đã có những công trình rất đáng chú ý. Như vậy, đối với lĩnh
vực nghiên cứu lịch sử, những điều mà chúng tôi ghi nhận là như vậy.

Tôi cũng muốn nói thêm là thầy của tôi là Giáo sư Trần Quốc Vượng
từng kể rằng sinh thời Giáo sư Phạm Huy Thông, là Viện trưởng Viện Khảo
cổ học Việt Nam, một trong những người làm sử được đào tạo từ thời Pháp
thuộc, từng nói rằng mỗi lần Giáo sư Thông mà đi công tác nước ngoài để
dự các hội thảo, quyển sách mà ông chọn để mang theo là cuốn ‘Việt Nam
Sử Lược’ của sử gia Trần Trọng Kim. Vì đó là cuốn sách viết công bằng và
hay nhất và các sử liệu ở trong đó là khách quan, đầy đủ, cho nên đó là
cuốn sách được Giáo sư Thông tham khảo và mang đi các hội thảo.

Câu chuyện của Giáo sư Trần Quốc Vượng kể về người thầy của chính
Giáo sư cho thế hệ học trò là chúng tôi nghe, chúng tôi nghĩ rằng đó là
cách đánh giá rất cao và rất là xứng đáng đối với tinh thần nghiên cứu
sử học, mà những người trí thức trước đó và sau này được tiếp nối dưới
giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa, đã để lại cho những người về sau tinh thần
nghiên cứu, học thuật khách quan và giữ vững, không để bị ảnh hưởng bởi
tính chính trị. Và tôi cho rằng đó là di sản lớn nhất.”

Di sản sống động qua đóng góp của trí thức và ‘những người VNCH’ hôm nay

Các di sản của thời Việt Nam Cộng Hòa còn có thể được cảm nhận không
chỉ qua các công trình khoa học mà các học giả, giới nghiên cứu, tầng
lớp trí thức dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây để lại, mà ngày nay
tiếp tục được thể hiện sống động thông qua những đóng góp của trí thức
và các nhà nghiên cứu được đào tạo dưới chế độ đó từ trước, cùng nhiều
giới khác thuộc VNCH trước kia, đang hợp tác và đóng góp cho nghiên cứu
lịch sử pháp lý, chủ quyền Biển Đông của Việt Nam, bên cạnh các lĩnh vực
chuyên môn khác.

Về khía cạnh di sản mà có thể nói là ‘sống động’ này, Tiến sĩ Trần
Đức Anh Sơn, nguyên giảng viên một số đại học tại Việt Nam, cựu Trưởng
khoa Việt Nam học tại Đại học Phan Châu Trinh, nhận định tiếp:

“Trong vấn đề nghiên cứu chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông và một
số vấn đề nghiên cứu lịch sử mang tầm quốc tế khác, tôi thấy đã có tiếng
nói chung… Khi chúng tôi tổ chức những hội thảo quốc tế liên quan vấn
đề Biển Đông và tranh chấp chủ quyền, hầu như các học giả Việt Nam là
Việt kiều ở nước ngoài, chúng tôi đều mời.

Và phần lớn họ đều về cả, như Giáo sư Ngô Vĩnh Long, như Giáo sư
Tạ Văn Tài, và những nhà nghiên cứu khác như ở Đại học George Mason (GS.
Nguyễn Mạnh Hùng – PV) cũng đã từng về hợp tác nghiên cứu với chúng tôi
và hợp tác rất tốt.

Tương tự như vậy, khi chúng tôi đưa các đoàn làm phim ra nước
ngoài, để hỗ trợ vấn đề nghiên cứu Biển Đông và các vấn đề lịch sử khác,
thì những người Việt Nam Cộng Hòa, họ có thể là các trí thức, họ có thể
là những cựu sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa ở khu vực California, phía Nam
California, đều hỗ trợ chúng tôi, cho quay phim, cho tư liệu, cho hình…

Và tôi nghĩ, trong những vấn đề về bảo về chủ quyền, về tinh thần
dân tộc, mà nếu không có đụng chạm các quan điểm về ý thức hệ, tôi nghĩ
hai bên đã hợp tác trong thời gian vừa qua và rất tốt. Và cái này tôi
nghĩ, trong tương lai hai bên sẽ hợp tác để nghiên cứu một số vấn đề về
lịch sử, nhất là vấn đề cổ, trung đại, vấn đề liên quan xác lập chủ
quyền của Việt Nam cả trên đất liền và cả trên Biển Đông, về vấn đề đánh
giá quá trình nam tiến của các Chúa Nguyễn, cho đến thời Nhà Nguyễn,
vấn đề Champa, vấn đề đối với Chân Lạp và vấn đề đối với người Khmer…,
đó là những vấn đề mà chúng ta có thể hợp tác rất tốt giữa tất cả các
bên.”

000_ARP2457490.jpg
Thuyền nhân Việt Nam đang chờ được vớt trên tàu bệnh
viện Pháp “L’Ile de Lumière” ngày 8/7/1979 khi đang lênh đênh trên Biển
Đông. Hàng triệu người đã bỏ nước ra đi sau ngày 30/4/1975 trong đó có
nhiều trí thức của miền nam. Ảnh: FRANCOIS GRANGIE / AFP

Đặt lợi ích quốc gia lên trên ‘khác biệt ý thức hệ’

Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, người từng giành được học bổng Fulbright
của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để đến Đại học Yale thuộc tiểu bang Connecticut
nghiên cứu trong vòng 10 tháng, trên tư cách học giả khách mời tại
trường này, để sưu tầm và khảo cứu các tư liệu liên quan tranh chấp chủ
quyền giữa Việt Nam và các quốc gia ở Biển Đông, cũng như khảo cứu quá
trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII đến nay, Việt Nam cần có ưu tiên
hợp tác giữa các bên từng ở trong hai chế độ đối nghịch ở hai miền của
Việt Nam trước 30/4/1975, để hướng tới ưu tiên cho việc hợp tác vì lợi
ích chung của quốc gia mà vượt qua khác biệt ý thức hệ chính trị.

Ông nói: “Những gì liên quan tới Việt Nam sau 30/4/1975, bây giờ
phía Việt Nam ở trong nước vẫn còn đang còn rất thận trọng và cân nhắc,
lý do vì sao như thế thì nhiều người nghiên cứu cũng đã biết, nhưng
chúng ta phải nên thấy cái gì làm được thì làm, chọn lọc trong những cái
đó, để mà làm, và như thế, tôi cho rằng là có tương lai.

“Bản thân rất nhiều người thuộc giới trẻ, giới nghiên cứu trong
nước của chúng tôi đều có những hợp tác nghiên cứu với nước ngoài và
những người lớn tuổi hơn, như Tiến sĩ Nguyễn Nhã, như ông Phạm Hoàng
Quân, như ông Đinh Kim Phúc…, chúng tôi đều có những chương trình hợp
tác với các trí thức, nhân sỹ người Việt ở hải ngoại, không chỉ ở Hoa
Kỳ, mà còn ở những nước khác, mà họ đã hỗ trợ cho chúng tôi.

Thậm chí khi chúng tôi đi làm phim ở bên Hà Lan, trong thời gian
vừa qua, có một vị từng là thư ký của một nghị sỹ của Hà Lan ở châu Âu,
người từng được phía Việt Nam nghi ngờ và đưa vào trong một danh sách
‘không cho về nước’, nhưng khi chúng tôi qua bên đó, ông đó đã hỗ trợ
rất tốt cho chúng tôi, chúng tôi được phỏng vấn cựu Bộ trưởng Quốc phòng
Hà Lan, ông cũng tổ chức những chuyến đi, những sưu tập và sau đó phía
Việt Nam đã đánh giá rất cao ông và có ngỏ ý là nếu ông có muốn về nước,
thì họ sẵn sàng hỗ trợ.

Vì trong đoàn của chúng tôi đi, bên cạnh những lực lượng chuyên
môn, thì cũng có những lực lượng hỗ trợ tất cả những vấn đề kết nối, mà
họ có đủ những quyền lực và những mối quan hệ để hỗ trợ giải quyết những
vấn đề. Tôi cho rằng đó là những xu hướng hợp tác rất là tốt ở trong
tương lai.”

Bày tỏ kỳ vọng của bản thân trong tận dụng, phát huy những di sản của
Việt Nam Cộng Hòa cho nghiên cứu sử học nói chung và nghiên cứu phục vụ
đấu tranh pháp lý, bảo vệ, gìn giữ và giành lại chủ quyền bị xâm phạm
của Việt Nam trên Biển Đông nói riêng, khi được đề nghị đưa ra ý kiến,
TS. Trần Đức Anh Sơn, người mà theo trang Wikipedia bách khoa toàn thư
mở phiên bản tiếng Việt là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tao
Đàn Thư Quán, một công ty chuyên xuất bản các loại sách về lịch sử, văn
hóa, tư tưởng đặt trụ sở tại Đà Nẵng, đồng thời là giảng viên kiêm
nhiệm của Trường Đại học Đông Á ở Đà Nẵng, nói:

“Trước hết, đối với vấn đề lịch sử Việt Nam nói chung, rồi các
vấn đề khác, tôi rất mong muốn tìm những tác phẩm xuất bản dưới thời
Việt Nam Cộng Hòa trước đây mà hay, mà có giá trị, chúng tôi xin phép và
muốn tái bản trở lại với sự hợp tác ở trong nước, về lịch sử.

Trong thời gian qua, vấn đề in lại sách này cũng đã được làm như
với tác giả Tạ Chí Đại Trường, sách của ông hầu như đã được tái bản tại
Việt Nam. Một số văn sỹ, trí thức trước đây cũng được xếp trong diện
‘theo dõi’, nhưng bây giờ cũng đã có những sách được in ở Việt Nam một
cách đàng hoàng.

Tuy nhiên, một số đoạn người ta cũng cắt bỏ một số câu, chữ,
nhưng nhìn chung tôi cho rằng việc tái bản này là tốt và đó là điều mà
tôi kỳ vọng. Bởi vì những cái này là những kiến thức mang tính khách
quan, và những vị này cũng là những bậc khoa cử, học hành rất bài bản,
họ cung cấp những cái nhìn toàn diện.

Và nếu được in ấn ở Việt Nam cho giới trẻ tiếp thu, thì đó là di
sản rất là tốt. Bởi vì sử học hiện nay mang tính định hướng chính trị
nhiều quá, cho nên có những vấn đề mà chúng tôi cũng muốn nói, mà nói
không được. Nhưng có những tác phẩm đó mà nếu được in lại và phổ biến,
thì rất tốt.”

Ông Trần Đức Anh Sơn, người mà vẫn theo trang bách khoa toàn thư mở,
từng được báo Mỹ tờ The New York Times mệnh danh là “Người săn bản đồ
chủ quyền” trong một phỏng vấn của báo này với ông vào năm 2017, thừa
nhận ông thừa kế được nhiều trong nghiên cứu về Biển Đông của mình từ di
sản Việt Nam Cộng Hòa, nhà nghiên cứu nói tiếp:

“Trong vấn đề nghiên cứu Biển Đông, tôi thừa kế rất nhiều công
trình nghiên cứu của những người Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt ví dụ như
của (Hải quân Đại tá-PV) Vũ Hữu San, của những người trí thức đã ra nước
ngoài, ví dụ như Giáo sư Tạ Văn Tài, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, rồi Tiến sĩ
Vũ Quang Việt v.v… những bài viết của các ông chúng tôi luôn luôn đọc
phục vụ cho nghiên cứu của mình.

Rồi những người do Việt Nam Cộng Hòa đào tạo mà bây giờ đang ở
lại trong nước, ví dụ như cụ Nguyễn Đình Đầu, trí thức từ thời Pháp
thuộc, và cụ tiếp tục là một nhân sỹ dưới thời Việt Nam Cộng Hòa mà đã
trước tác rất nhiều, mà chúng tôi tiếp tục theo.

Hoặc như Tiến sĩ Nguyễn Nhã, hay như ông Đinh Kim Phúc, đó là
những trí thức mà đã lớn lên, trưởng thành trong thời Việt Nam Cộng Hòa
mà đã có những công trình nghiên cứu rất xuất sắc, mà chúng tôi đã kế
thừa để phục vụ những nghiên cứu của bản thân.”

tranducanhson.jpg
TS Trần Đức Anh Sơn phát biểu, khi tham gia tổ chức hội
thảo “Conflict in the South China Sea” vào ngày 6 và 7/5/2016, tại Đại
học Yale New Haven; Ảnh do CSEAS (Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á), thuộc
Yale MacMilan Center cung cấp. TS Trần Đức Anh Sơn đồng ý cho RFA Tiếng
Việt sử dụng.

Đến đây, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, người sinh ra ở Huế năm 1967 và
còn đang là thiếu niên ngày ấy, khi biến cố 30/4/1975 xảy ra, nhân dịp
này đưa ra một lưu ý mà theo ông là đáng chú ý trong nghiên cứu về lịch
sử pháp lý, chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ông nói:

“Đối với vấn đề chung, tôi thấy rằng Việt Nam hiện nay tập trung
quá nhiều vào việc nghiên cứu lịch sử chủ quyền, cái này thì tốt, nhưng
khi ra trường quốc tế, chúng ta muốn tranh cãi, tranh biện và đặc biệt
là sử dụng cứ liệu như những bằng chứng trong các phiên tòa quốc tế, nếu
như Việt Nam theo đuổi việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để đòi
lại chủ quyền, thì tôi nghĩ Việt Nam chưa đủ sức mạnh, trong khi đó
Trung Quốc có rất nhiều tài liệu mà họ giấu diếm, thậm chí họ ngụy tạo
tài liệu cả những bằng chứng khảo cổ học.

Cho nên khía cạnh mà tôi đang theo là nghiên cứu khía cạnh pháp
lý quốc tế, các tài liệu mà chúng ta (Việt Nam) đang có, thì chúng ta
chọn lọc những gì mang tính pháp lý quốc tế đầy đủ, mà phù hợp trong
phiên tòa, thì chúng tôi tập trung vào hướng đó nghiên cứu hơn; thay vì
là đi tìm nguồn sử liệu mà mang tính một chiều, để khẳng định từ phía
của Việt Nam.

Tôi nghĩ đây là hướng mà chúng ta có thể hợp tác nghiên cứu rất
tốt với những trí thức rất giỏi của Việt Nam Cộng Hòa, ví dụ như ông
Trương Nhân Tuấn ở bên Pháp, hoặc ví dụ như Luật sư Tạ Văn Tài, hay ví
dụ như những người có kiến văn rất là rộng có thể chỉ cho chúng tôi, thí
dụ như Tiến sĩ Dương Danh Huy, rồi những nhóm nghiên cứu Biển Đông ở
bên London v.v…, thì những người đó có thể bổ trợ cho chúng tôi nghiên
cứu.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/heritage-of-republic-of-vietnam-a-key-asset-in-studying-south-china-sea-04252023004454.html