Di Dân: Từ Âu sang Á – và Việt Nam?
Nguyễn Hoài Vân
Vấn đề di dân trở thành gay gắt ở Âu Châu từ vài tuần qua. Hôm 12/9/2015, hàng trăm ngàn người đã biểu tình tại nhiều nơi để đòi nới rộng chính sách đón nhận người tỵ nạn. Trong khi đó một số chính khách và dân chúng, đặc biệt là ở Hungary, Ba Lan và Đan Mạch, phát biểu ngược lại…
Vài con số
Trước những tranh cãi đang nổi lên mạnh mẽ, cần nhắc lại là bi kịch của các làn sóng di dân gần như đã là một thường định từ sau giai đoạn thuộc địa và các cuộc thế chiến. Cơ quan INED ước lượng trên thế giới có gần 232 triệu người di dân (45,8 triệu người riêng ở Hoa Kỳ). Thống kê năm 2013 của UNHCR cho biết trong số ấy 11,7 triệu người là dân tỵ nạn, không kể 5 triệu người Palestine. Hơn phân nửa số người tỵ nạn được ghi nhận ở Á Châu, 29 % ở Phi Châu.
UNHCR ước lượng Âu Châu đón tiếp khoảng 6% người tỵ nạn trên thế giới. Năm 2014, số người xin tỵ nạn chính trị ở Âu Châu lên đến 626 000 người. Bên cạnh đó, phải kể 284 000 người nhập cư « bất hợp pháp ». Dự phóng của UNHCR là 400 ngàn người nhập cư vào Âu Châu trong toàn năm 2015, và 450 ngàn cho năm 2016. Con số tử vong trên đường di dân được ước lượng cho đến tháng 8 năm 2015, là 2850 người.
Nguyên nhân xa gần
Nguyên nhân xa của các cuộc di dân thường được gắn liền với sự chênh lệch giàu nghèo trên thế giới. Người dân các nước nghèo bán sức lao động với giá rất rẻ, trong khi sự tăng trưởng lợi nhuận thì lệ thuộc vào yếu tố tài chính, tức vào vốn liếng nằm trong tay người giàu. Tiền mới làm ra tiền, mặc dù lao động làm ra phú hữu ! Thiếu tiền, các nước nghèo phải mang nợ các nước giàu với những khoản lãi suất không những rất lớn, mà còn bị quy định bởi chính các chủ nợ. Hàng rào luật lệ và thuế khóa ngăn chặn một số mặt hàng đến từ các nước nghèo, như nhiều nông phẩm, cũng đem lại thất thu to lớn cho các nước này. Giá cả của một số tài nguyên thiên nhiên và nông phẩm cần yếu được nhập cảng vào các nước giàu thì lại bị ấn định bởi các cơ cấu chủ trì bởi giới tư bản. Tức là các nước nghèo vừa phải trả tiền cho các nước giàu, vừa nhìn thấy lợi tức của mình bị ấn định bởi chủ nợ. Một số dân chúng ở các nước nghèo tìm cách di chuyển sang các nước giàu, nơi họ có thể bán sức lao động với giá cao hơn, như một cách thức tăng cường lợi nhuận và mức sống. Tuy nhiên, chỉ tiền bạc và phú hữu mà họ sản xuất ra mới có quyền vượt qua biên giới, trong khi nhân sự sản xuất thì bị ngăn chặn bởi những hàng rào luật lệ khắt khe. Làn sóng di dân là một phương cách xô ngã những hàng rào ấy.
Thật ra, một nguồn gốc quan trọng khác của di dân là bạo lực (dù người ta có thể tìm ra nhiều liên kết giữa bạo lực với nghèo đói, kém phát triển). Chế độ thuộc địa đã vẽ lên một cách độc đoán những đường biên giới quốc gia không phù hợp với thực tế nhân văn của các địa phương liên hệ. Chiến tranh, bạo động, đàn áp, bách hại, kỳ thị, phần nào đã đến từ những đường kẽ trên bản đồ của vài anh công chức thực dân tối tăm. Dân tộc chủ nghĩa và tinh thần tôn giáo cực đoan được khơi dậy. Thêm vào đó, tham vọng thống trị của một vài tôn giáo, như Hồi Giáo (với hai hệ phái xung đột lẫn nhau), trực tiếp đụng độ với tham vọng thống trị toàn cầu của chủ nghĩa tự do, đưa đến một không khí thù nghịch quyết liệt, được triệt để phóng đại qua biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Cả hai phe đều nhân danh những giá trị siêu việt, không thể nhân nhượng…
Người ta cũng thường nhắc đến những sai lầm của Hoa Kỳ và Tây Phương trong việc xử lý nhiều cuộc khủng hoảng, như tại Irak, Lybia, và phần nào Ai Cập, Syria, Mali v.v… không kể vấn đề Palestine với những bế tắc nan giải. Ảnh hưởng thực sự của những sai lầm này không dễ gì lượng định được.
Làn sóng di dân hiện nay phần lớn đến từ Phi Châu, nơi nghèo đói với bạo lực hiện diện cùng lúc, và Trung Đông, đặc biệt là Syria và Irak, địa bàn hoạt động của « nhà nước » Hồi Giáo cực đoan Daech.
Những lập trường tương phản
Trước làn sóng di dân, người Âu Châu phân vân giữa những lập trường tương phản :
– Không nhận người di dân : một số ý kiến cho rằng các nước Âu Châu không thể nhận thêm người di dân, nếu không muốn chính mình lâm vào cùng tình trạng tồi tệ như những người này. Mặt khác, thái độ cứng rắn sẽ khiến cho người di dân chùn bước, và đỡ phải chết trên đường vượt biên. Một biện minh khác cho việc đóng của biên giới là « bản chất Ky Tô Giáo » của Âu Châu, không thể bị pha loãng bởi việc tiếp nhận quá nhiều người Hồi Giáo (phát biểu của thủ tướng Hungary).
– Nhận người di dân một cách chọn lọc, tức chỉ nhận những người tỵ nạn thực sự bị đe dọa tù đày hay giết chóc nơi xứ họ. Để cho đấy đủ, cũng phải kể đến một vài tiếng nói bên lề tranh luận, đề nghị chỉ nhận những người Ky Tô Giáo, hay những người có một số ngành nghề chuyên môn…
– Nhận người di dân hay tỵ nạn, nhưng trả về nguyên quán khi tình hình nơi quê hương họ ổn định trở lại (phát biểu của cựu Tổng Thống Sarkozy, con của một người di dân từ Hungary)
– Nhận tối đa người di dân, đến mức có thể chịu đựng được. Lý tưởng nhân đạo đàng sau quan điểm này bắt buộc mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với mọi người khác, dù cho họ có sống xa mình hàng ngàn cây số. Sự kiện họ là người Hồi Giáo không thể ảnh hưởng trên trách nhiệm ấy, vì trước khi là người Ky Tô hay Hồi Giáo, chúng ta, cũng như họ, đều là những con người.
– Nhận người di dân không phải vì lý tưởng nhân đạo, nhưng vì quyền lợi của xã hội. Thật vậy, không dưới 50 nghiên cứu cho biết là những người Syria và Irak thuộc giới trung lưu, có học, sẽ đem lại nhiều đóng góp quý báu cho các quốc gia Âu Châu. Ngay cả trong trường hợp những người không thực sự bị đe dọa mạng sống, như người Phi Châu, quyết tâm và cố gắng phi thường để vào được Châu Âu được các nhà phân tích coi như yếu tố tích cực, biện minh cho xác suất các nhân sự này sẽ trở thành những công dân năng động, sẵn sàng phấn đấu để thành đạt trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà nước Đức, một trong những nước Âu Châu phải đối đầu với nạn suy kém dân số nặng nề nhất, cũng là nước sẵn sàng đón nhận nhiều người di dân nhất.
Chủ quan duy ý chí
Một cách thực tế, cần nhận xét là tất cả các ý kiến vừa được nêu, chỉ là những ước vọng chủ quan duy ý chí. Không phải vì muốn hay không muốn nhận người di dân, muốn nhận người này, từ chối người nọ, nhận họ vì lý do này hay lý do khác mà có thể làm thay đổi làn sóng di dân. Biên giới không bao giờ là một bức tường thành ngăn chặn được những con người khốn khổ một cách hữu hiệu và lâu dài. Như lời Bernanos, bước chân của họ sẽ làm rung chuyển mặt đất, làm rạn nứt và sụp đổ những tường thành kiên cố nhất.
Giới lãnh đạo Âu Châu không thể làm gì khác hơn là tổ chức việc đón nhận người di dân một cách có lợi nhất cho xã hội. Một điều khác mà họ có thể nghĩ đến, là nguyên nhân của làn sóng di dân hiện tại, và tìm cách ảnh hưởng trên đó. Việc vài quốc gia Âu Châu, bắt đầu bằng nước Pháp, thay đổi hẳn thái độ, bất thần chủ trương đánh quân Daech trên lãnh thổ Syria, là một dấu hiệu rõ ràng trong chiều hướng ấy.
Bài học cho Việt Nam và vùng Đông Á
Nếu câu chuyện này có thể là một bài học cho vùng Đông Á và Việt Nam, thì đó chính là : không quốc gia nào sống độc lập với các quốc gia khác, không khủng hoảng nào không ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Thù và bạn không nghĩa lý gì khi những đoàn người khốn đốn tràn đến lãnh thổ của một nước, và nhất là không gì ngăn chặn được họ một cách hữu hiệu và lâu dài, như đã nói ở trên.
Những khối dân chúng khổng lồ như tại Trung Hoa, một quốc gia gồm nhiều sắc dân, nhiều văn hóa, với các chu kỳ hợp tan như thường định lịch sử, nơi mà chuyên chế phải nỗ lực đè nén những chênh lệch giàu nghèo, những phân hóa chính trị, những sóng ngầm địa phương chủ nghĩa, nơi mà dân số một tỉnh có thể vượt xa dân số nước ta, thì, thảm họa môi sinh, tai biến kỹ nghệ, xung đột địa phương, biến loạn chính trị, chiến tranh bên ngoài cũng như bên trong, đều có thể đưa đến những làn sóng di dân và tỵ nạn vĩ đại.
Nguyễn Hoài Vân