Đèn Cù Tập II: Ung Văn Khiêm, cựu bộ trưởng ngoại giao nuôi heo

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đèn Cù Tập II: Ung Văn Khiêm, cựu bộ trưởng ngoại giao nuôi heo

Nguyễn Văn Tuấn – Theo FB Nguyễn Văn Tuấn

Tiếp tục đọc Đèn Cù Tập II, và lần này tôi muốn viết vài dòng về nhân vật Ung Văn Khiêm. Đọc trên wikipedia thấy tiểu sử của ông khá sơ sài: sinh năm 1910 ở Chợ Mới, Long Xuyên, tỉnh An Giang (tôi đoán là thuộc gia đình giàu có), đi theo cách mạng, từng giữ chức “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam từ 2/1961 đến 4/1963, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến năm 1971” trong Chính phủ VNDCCH. Nhưng trong Đèn Cù tập II, Trần Đĩnh tiết lộ rằng ông từng bị khai trừ khỏi đảng, có thời gian đi … nuôi heo. Ở Chương 13, Trần Đĩnh kể lại buổi tiếp xúc với ông Ung Văn Khiêm (UVK) ở Sài Gòn, và ông UVK đã “bật mí những chuyện có thể nói là tày đình”. Ông UVK là một trí thức Nam bộ, có lẽ cùng thời với Phạm Ngọc Thạch và “đàn em” Trần Văn Giàu. Đó là những người con nhà giàu, Tây học, nhưng lại theo Việt Minh. Theo ông Khiêm thì nạn nhân “vụ xét lại” chính là ông Hồ Chí Minh! Trong hội nghị 9, ông cụ không biểu quyết, thì ngay sau đó Bộ Chính trị không cho sinh hoạt nữa vì lí do… sức khoẻ. Ông Khiêm cho biết rằng ông cụ Hồ Chí Minh có lần gặp rắc rối về khách sạn bên Nam Tư, và ông Khiêm (lúc đó là bộ trưởng ngoại giao) phải ở lại nửa tháng trời để giải quyết. Rất tiếc ông không nói rắc rối gì. Trong thập niên 1960, đảng Lao Động VN có 2 phe: phe theo Liên Xô lúc đó do Khrushchev lãnh đạo, và phe theo Tàu của Mao Trạch Đông. Phe theo Khrushchev còn được gọi là “phe xét lại” vì Khrushchev chủ trương sống chung hoà bình với thế giới tư bản. Dạo đó, phe theo Tàu là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thắng thế, và truy bắt những ai theo phe xét lại. Nhiều người bị bắt giam, có thể kể đến Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Kiến Giang, v.v. được nhắc đến khá nhiều lần trong Đèn Cù. Cũng có người không bị giam giữ, nhưng bị khai trừ khỏi đảng, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm và tướng Đặng Kim Giang. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh (năm 1975), phe miền Nam như ông Võ Văn Kiệt kéo ông Khiêm về Sài Gòn. Ông Kiệt là “đàn em” của và từng được dìu dắt bởi ông Khiêm trong thời chiến. Nhưng sau này thì ông Khiêm bị đối xử rất tệ, cứ như là kẻ thù. Trần Đĩnh kể rằng vợ ông lúc đó phải bán từng quả khế để có đồng tiền ra vô nuôi đứa con trai đang bị bệnh tâm thần. Cần nói thêm rằng vợ ông Khiêm từng là giao liên cùng đội với Lý Tự Trọng trong thời chiến tranh. Ông Khiêm kể rằng sau này (không rõ năm nào, nhưng tôi đoán là 1980 hay 1984), Lê Duẩn vào Nam dự đại hội đảng bộ Sài Gòn. Lê Duẩn hỏi: “Ủa, anh Ba Khiêm đâu?” Ông Khiêm vừa kể vừa cười nói “Tổng bí thư mà không biết uỷ viên trung ương đảng, bộ trưởng ngoại giao bị khai trừ, khôi hài quá há! Quan liêu nhất há!” Ông Khiêm kể rằng sau đó, các ông Trường Chinh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ lần lượt đến thăm nhà ông, nhưng ông không mời vào nhà vì bận làm vệ sinh chuồng heo. Ông tự hào là mặc quần xà lỏn tiếp chuyện họ ở chuồng heo. Ông Ung Văn Khiêm qua đời năm 1991. Hình như sau này Sài Gòn có đặt tên ông cho một con đường (nhưng tôi không nhớ rõ). Nhân trường hợp Ung Văn Khiêm, Trần Đĩnh có một đoạn kết về sự hành xử của người cộng sản rất hay: “Trong thời gian cuối đời Ung Văn Khiêm, tôi lờ mờ nhận diện thấy một sức ép. Tàn nhẫn, ác liệt, chẳng nể ai, nó bắt tất cả, bất kể quân tử hay tiểu nhân đều phải theo sai khiến của nó. Lúc đó tôi chưa nghĩ ra được tên gọi cho sức ép vĩ đại này. Đến giữa thập kỉ 1990 nghĩ ra. Đó là “đại lưu manh”. Vâng, thằng Đại lưu manh này là THỜI ĐẠI.” (Trang 185). Tôi nhớ có lần ai đó nói rằng những người đi theo cách mạng có khi bị chính đồng nghiệp của mình “ăn thịt”. Trường hợp Ung Văn Khiêm là một ví dụ cho ý kiến đó. Có khi cách mạng ăn thịt con cháu luôn, như trường hợp Cù Huy Hà Vũ.