Đem chuyện trăm năm trở lại bàn!
Chu Nguyễn
Một trăm năm qua, 1917 tới 2017, có bao nhiêu thăng trầm trên bàn cờ thế giới và lăng kính thời đại biến đổi không ngừng, thành- bại, được- mất, phế- hưng. Mục này chỉ bàn tới những “điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong cuộc tang thương như nhan đề của tập “Life The most notorious crimes in world history”(những tội ác nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới), một tuyển tập do Robert Sullivan chọn lựa xuất bản năm 2013.
Trong tuyển tập này có ghi lại một thảm kịch xảy ra cách dây 100 năm mà dư luận phẩm bình lịch sử nhân loại còn mãi tới ngày nay. Đó là cái chết của toàn hoàng gia Nga sau cuộc binh biến được gọi là “cách mạng tháng 10, 1917”
Số phận bi đát của hoàng gia Nga
Sa hoàng Nikolai II tên thật là Nikolai Alexandrovich Romanov, sinh ngày 18/5/1868 tại Pushkin (Nga), theo đạo Chính thống, thuộc một hoàng tộc đã trị vì đế quốc Nga trong 300 năm lẻ.
Đầu thế kỷ 20, Nhà vua với đám cận thần bất tài, đã dẫn nước Nga đang thuộc loại hùng cường ở Âu châu trở thành lụn bại kể cả về quân sự lẫn kinh tế sau khi thua Nhật và tham gia cuộc Đệ nhất thế chiến khiến vô công mà thiệt người thiệt của. Ông bó buộc phải thoái vị ngày 15/3/1917. Khi xảy ra nội chiến trong lòng nước Nga, giữa Bạch vệ bảo hoàng và Hồng vệ của Bolsheviks. Trước tình hình thế giới, tình hình kinh tế bất lợi, biết hoàng gia có thể gặp nguy hiểm, Sa hoàng Nikolai II cùng hoàng hậu Alexandra và 5 người con cùng đoàn hầu cận đi lánh nạn ở Siberia từ tháng 8/1917.
Đến tháng 5/1918, hoàng gia Nga trở về Moscow, nhưng đoàn xe của họ bị chặn tại thành phố Ekaterinburg (Yekaterinburg). Từ ngày 1/5 đến 17/7, Sa hoàng Nga cùng gia đình và người hầu bị giam lỏng dưới tầng hầm tòa nhà của thương gia Ipatiev ở Ekaterinburg.
Lúc đó Yurovsky (Yakov Mikhailovich Yurovsky -1878-1938) làm chỉ huy trưởng đội bảo vệ nhà Ipatiev, cũng là người thi hành bản án tử hình Sa hoàng do lệnh của Lenin, sau khi hắn sa thải các binh lính Nga bảo vệ Sa hoàng.
2 giờ 15 sáng 17/7/1918, Yurovsky cùng nhóm Bolshevik xông vào phòng ngủ của hoàng gia, buộc cả nhà xuống tầng hầm, Sa hoàng bế cậu con trai nhỏ trên tay, còn hoàng hậu phẫn nộ khi cả nhà bị bắt đứng lên.
Yurovsky chĩa súng thẳng vào Nikolai II siết cò nhiều phát vào ngực. Sa hoàng chết ngay lập tức. Hoàng hậu Alexandra bị bắn vào đầu, rồi đến lượt thái tử Alexei và các chị…hoặc mất mạng vì đạn hoặc chết vì lưỡi lê.
Các xác chết được chất lên xe tải, rời thành phố Ekaterinburg trong đêm. Lúc 2 giờ 30 sáng, các thi thể được đưa đến một mỏ sắt bỏ hoang, rồi bị ném xuống một rãnh cạn.
Sáng hôm sau, Yurovsky liền cho người lôi xác dòng họ hoàng tộc Romanov đem đi vùi ở một chỗ khác. Các xác chết lại được đưa lên xe tải đến một cái mỏ khác. Nhưng xe tải bị sa lầy. Nhóm Yurovsky quyết định vùi xác nạn nhân xuống một cái hố ngay trên con đường Koptyaki, ở đâu đó khoảng 20km ngoài thành phố Yekaterinburg. Khi đào sâu 1m thì đụng phải đá, họ mở rộng hố chứ không đào sâu thêm nữa và ném những cái xác xuống, lấp đất qua loa rồi rút lui.
Nguyên nhân nào dẫn đến cuộc tàn sát những người thất thế từng là nguyên thủ đất nước, trong khi họ không một tấc sắt trong tay?
Gia đình Romanov bị người Bolsheviks giam giữ trong mùa hè 1918 tại Yekateringburg và hy vọng mong manh sẽ được giải thoát bởi lực lượng bảo hoàng. Nguồn tin đáng mừng và cũng là điềm báo trước bi kịch. Khi lực lượng bảo hoàng được tin Nga hoàng bị giam giữ nên tiến quân tới giải thoát. Nhưng việc làm này khiến phe Bolsheviks phải quyết định nhanh chóng, sai đội hành hình tới ngay nơi hoàng gia bị giam giữ và tàn sát tất cả gia đình kể cả cận thần.
Mới đây giáo hội Giáo hội chính thống giáo Nga và dòng họ Romanov muốn mở lại cuộc điều tra nghi án Sa hoàng Nga cuối cùng bị sát hại.
Theo hãng thông tấn TASS, tại một hội thảo hôm 27/11, Giám mục Tikhon Shevkunov gợi ý vụ bắn chết Sa hoàng Nicolas II cùng vợ và 5 con về bản chất là một nghi thức hiến tế, có ý nghĩa đặc biệt đối với chỉ huy đội xử bắn Yakov Yurovsky và người của ông ta. Ông lưu ý việc trưởng đội trưởng xử bắn Yurovsky, một người Do Thái, sau khi thi hành xử bắn đã khoe khoang “nhiệm vụ hiến tế mang tầm lịch sử”.
Tuy nhiên, cộng đồng Do Thái toàn Nga phẫn nộ với bình luận của Giám mục Shevkunov. Hãng tin Interfax dẫn lời giáo sĩ Boruch Gorin, phát ngôn nhân của Liên hiệp các cộng đồng Do Thái giáo Nga: “Cộng đồng Do Thái chúng tôi giật mình, không chỉ vì tuyên bố này phi lý. Ở các tôn giáo khác có truyền thuyết về nghi thức hiến tế, nhưng ở Nga… điều này trở thành một truyền thuyết bài Do Thái, từ nhiều năm sự tuyên truyền bài Do Thái đã sử dụng nhiều”. Ông còn nói thêm: “Sự phi lý của giả thuyết này là rõ ràng, vì chắc chắn những người vô thần đã thực hiện vụ giết người này.”
Marina Molodtsova, điều tra viên của Cơ quan điều tra liên bang Nga (IC – Intelligence Community) cũng nói tại hội thảo: các chuyên gia của IC sẽ vào cuộc, làm rõ lý do cái chết, giới tính và mối quan hệ giữa các tro cốt, cùng thương tích của họ. Nhà điều tra còn nói một cuộc xác minh tâm lý và lịch sử sẽ được thực hiện, để biết có phải đó là một vụ giết người hiến tế hay không.
Bà Molodtsova cho biết năm 2015, từ một chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, IC cũng đã mở lại cuộc điều tra vụ tàn sát, dù những người bắn chết Sa hoàng cùng vợ và 5 con của ông đều không còn sống. Bà nói: “Sau đó, hơn 20 nhân chứng đã được thẩm vấn, và vị trí tìm thấy xác đã được kiểm tra kỹ”.
Bà còn nói trong 20 năm qua đã có 34 lần giảo nghiệm pháp y, để xác minh có phải xương cốt của gia đình Sa hoàng Nicolas II đã được tìm thấy hồi năm 1991, trong hai ngôi mộ ở hẻm núi Poroshenko gần thành phố Yekaterinburg.
Ngày 12/4/1989, giới truyền thông Nga đưa tin đã tìm thấy nơi chôn cất hoàng tộc Romanov tại cánh rừng Koptyaki.
Năm 1991, bắt đầu khai quật, người ta phát giác 9 bộ xương cốt với dây trói, những lọ a xít bị đập vỡ. Sau đó các phân tích ADN của các chuyên gia Nga và Anh đều khẳng định đã tìm thấy hài cốt hoàng tộc Romanov.
Chín bộ xương khô tìm được gồm của Sa hoàng Nikolai II, hoàng hậu và 3 công chúa Olga, Tatyana và Anastasia. Đến năm 1998, các bộ xương này được đưa vào nhà thờ Thánh Peter và Thánh Paul ở St Petersburg. Lễ tang được tổ chức trọng thể. Năm 2000, Giáo hội Chính thống giáo Nga phong thánh cho cả gia đình Sa hoàng.
Năm 2007, các nhà khảo cổ tuyên bố họ tìm thấy xương của thái tử Alexei và của một công chúa hoặc là Maria hay của công chúa Anastasia, cách chỗ tìm thấy xương cốt của những người khác khoảng 70km. Alexei khi bị giết mới 13 tuổi, còn người kia khoảng, 17 hay 19 tuổi.
Năm 2008, Viện Kiểm sát liên bang Nga chính thức phục hồi thanh danh cho dòng họ Sa hoàng Romanov.
Trung tuần tháng 7/2015, chính phủ Nga có sắc lệnh do Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký, ra lệnh lập một tổ làm việc cấp cao, để xác minh và chôn cất xương cốt được cho là của thái tử Alexei và của vị công chúa. Qua tháng 9 cùng năm, hai bộ xương cốt này được chôn cùng gia đình.
Trước đây có tin trong số con cái của Sa hoàng có hai người thoát chết. Truyền tụng cho rằng nhờ trên người họ có mang đầy kim cương và bảo ngọc nên đạn bắn trượt. Hai người này là Anastasia và Alexei sau đó đã thoát hiểm.
Nhưng đó chỉ là huyền thoại, vào năm 2013 trên tờ Globe and Mail có một bài nghiên cứu bốn nghi án lịch sử nhờ xét nghiệm DNA mà sáng tỏ
Trong đó có vụ những người sống sót trong hoàng gia Romanov. Vào thập niên 1990 vì không tìm được hài cốt của Anastasia và Alexei nên nảy sinh nghi vấn này. Nhưng vào 2009, sau khi thử nghiệm DNA nắm xương tàn tại một cái mả khác, chứng tỏ đó là di cốt của một phụ nữ khoảng 17 tới 24, và của môt người nam tuổi chừng 14 tới 16, đủ kết luận đó là di cốt của công chúa và hoàng tử dòng Romanov. Lúc đó các cá nhân “nhận vơ” là dòng dõi hoàng gia Nga như trường hợp Anna Anderson mới bị vạch mặt.
Vai trò DNA soi tỏ bí mật lịch sử cũng được tờ Globe Mail kể tiếp qua vụ án thảm sát ở Pháp sau cuộc cách mạng 1789. Hậu quả là hoàng hậu Marie Antoinette và nhà vua Louis XVI đều lên đoạn đầu đài vào 1793, nhưng đồn rằng tiểu hoàng tử Louis 10 tuổi chỉ bị giam cầm và sống sót. Nhưng sau này, năm 2000, qua thử nghiệm DNA căn cứ vào một trái tim theo tài liệu của tiểu hoàng tử, cho kết quả không hề có chuyện hoàng tử thoát chết khi bị giam cầm.
Ngoài ra còn hai vụ khác cũng nhờ DNA làm sáng tỏ bí mật. Vụ tìm hiểu nguồn gốc của một nhân vật bí mật là Kaspar Hauser xuất hiện ở Nuremberg vào khoảng 1828. Người này bị kẻ lạ đâm chết. Lúc đó, ai cũng nói nạn nhân là con trai của Grand Duke Carl von Baden và Stéphanie de Beauharnais, con gái nuôi Napoleon Bonaparte. Nhưng sau này, 1998, các nhà khoa học ở Munich có xét nghiệm DNA, lấy từ DNA trên vết máu dính trên y phục người đã chết và so với với mẫu DNA của hai ngưởi thân thích còn sống của Stéphanie de Beauharnais thì thấy nạn nhân chẳng có liên hệ với dòng Carl von Baden .
Cuối cùng là tung tích của hai tay tổ Đức quốc xã Martin Bormann và Josef Mengele cũng được phát giác. Cả hai đã lần lượt tiêu diêu nơi thế giới bên kia chứ chẳng phải tiêu diêu ngoài vòng tự do khi Đức quốc xã sụp đổ như lời đồn.
Giờ đây sắp kết thúc năm 2017, Hồng vệ đã đi vào lịch sử cùng với Bạch vệ và Cách mạng tháng mười Nga cùng với gia đình hoàng gia Romanov cũng rơi dần vào quên lãng. Đúng là cảnh:
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.
Chu Nguyễn