Đe dọa từ phương Bắc và xã hội dân sự Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đe dọa từ phương Bắc và xã hội dân sự Việt Nam
Biểu tình tại Nhà hát lớn thành phố, Hà Nội, 11/05/2014. Ông Trương Văn Dũng (ở giữa), người mang khẩu hiệu “Tổ Quốc và Nhân Dân đời đời ghi ơn anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội”.

REUTERS/Kham
Theo RFI
Thứ tư 21 Tháng Năm 2014

Các vụ biểu tình tự phát và bạo động đã đưa lên sân khấu chính trị Việt Nam một nhân vật mới : xã hội dân sự, hay nói cách khác xã hội của người dân thường, vốn chỉ được coi là các « công dân hạng hai » trong một xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện. Nhiều người ghi nhận rằng từ 40 năm nay, ít nhất là từ cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979, chưa có biến cố nào gây chấn động toàn quốc như vậy.

Sự kiện Trung Quốc đặt cố định giàn khoan tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đầu tháng 5 này gây một làn sóng phẫn nộ chưa từng có. Đi kèm với nhiều cuộc biểu tình, tuần hành tại một số thành phố lớn, và địa phương, là bạo động tại một số khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài, gây thiệt hại về tài sản và cả nhân mạng, khiến dư luận quốc tế đặc biệt chú ý.

Giải thích về vai trò hàng đầu bất ngờ của « xã hội dân sự » trong biến cố này, nhiều nhà quan sát dễ dàng nhất trí với nhau ở một điểm. Chính sự bất lực của chính quyền Việt Nam trước hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc đã đưa xã hội Việt Nam đối mặt với thách thức căn bản nhất của mình : trách nhiệm của giới lãnh đạo (Đảng Cộng sản) trước toàn dân tộc. Nhiều ngày sau biến cố nói trên, chính quyền mới có phản ứng dè dặt như thường lệ (không kể việc buộc phải đưa tàu kiểm ngư và cảnh sát biển ra khu vực giàn khoan để làm công việc phản đối không thể khác), các lãnh đạo cao cấp nhất mãi một tuần sau mới lên tiếng…

Phản ứng quyết liệt đầu tiên nhất tại Việt Nam, về mặt nguyên tắc, trước hành động gây hấn của Trung Quốc là các hội nhóm xã hội dân sự độc lập. Nhiều tuyên bố được các hội nhóm đưa ra để kêu gọi người dân xuống đường bày tỏ thái độ. Sau rất nhiều đắn đo, cất lên đặt xuống trong nội bộ Đảng, cuối cùng chính quyền mới quyết định « bật đèn xanh » cho cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước đầu tiên diễn ra vào Chủ nhật 11/05, để rồi ít ngày sau đó ra quyết định ngăn chặn biểu tình vào Chủ nhật 18/05, sau làn sóng bạo động tại các khu công nghiệp.

Biến cố chính quyền Bắc Kinh cho đặt giàn khoan mới đây được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra là một hành động mới đây nhất trong một loạt các hành động nguy hiểm của Trung Quốc tại Việt Nam, rất nhiều trong số đó được sự tiếp tay của những người được coi là thân Trung Quốc trong giới chính trị Việt Nam. Chỉ đơn cử một số những hành động bị lên án nhiều như : cho thuê dài hạn các vùng đất chiến lược, ưu tiên cho thầu các công trình công nghiệp trọng điểm quốc gia, để hàng hóa độc hại, kém chất lượng tràn ngập thị trường Việt Nam…

Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan tại Biển Đông mà một số nhà nghiên cứu cho là bất ngờ, nhưng thực ra đó chỉ là sự tiếp nối hết sức lô gíc, không sớm thì muộn, của yêu sách đường Lưỡi bò 9 đoạn ôm trọn Biển Đông, của đe dọa thôn tính nốt quần đảo Trường Sa, của những lệnh cấm đánh bắt cá được đưa ra hàng năm, của bao lần đánh giết ngư dân, cướp phá tài sản trên tàu…

Sự bị động của Đảng Cộng sản và sự thống nhất của xã hội dân sự

Sự bị động có thể nói là tuyệt đối của Đảng Cộng sản, phản ứng rời rạc của chính quyền Việt Nam là một bằng chứng rõ ràng cho thấy người thực sự lo lắng đến vận mệnh đất nước, không chỉ trong những giờ phút lâm nguy, mà quan trọng hơn là trước khi mối đe dọa xảy ra, không ai khác hơn là những người dân. Mối đe dọa từ Trung Quốc đã được cảnh báo từ rất sớm bởi nhiều người dân thường, nhiều chuyên gia, nhiều giới chức trong chính quyền có lòng với đất nước. Kể từ năm 2007, khi hải quân Trung Quốc xả súng bắn chết ngư dân Thanh Hóa, rất nhiều cuộc xuống đường đã được tổ chức, nhưng phần lớn đã bị chính quyền đáp lại bằng trấn áp.

Điều khó lòng tưởng tượng đã xảy ra trong cuộc biểu tình 11/05, nhất là tại Hà Nội và Sài Gòn, khi những người biểu tình bị trấn áp trước đây đã tuần hành bên cạnh những bạn bè, thân nhân của những người từng trấn áp họ, và có thể cả với chính một vài trong số những người đã từng trấn áp họ, với mục tiêu chung phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc. Một xã hội của người dân đang cùng nhau đứng lên khẳng định tiếng nói quyết định của mình trong việc bảo vệ nền độc lập và tự chủ dân tộc, không chỉ về lãnh thổ, mà còn trên tất cả các phương diện khác, không chấp nhận vị trí lệ thuộc, chư hầu của Bắc Kinh, điều mà rất nhiều người nhận thấy trên thực tế và qua thái độ thần phục của một bộ phận giới lãnh đạo hiện nay trước Trung Quốc.

Trong ngày biểu tình nói trên đặc biệt tại Sài Gòn, ngoài một số hành động hung bạo xảy ra chỗ này chỗ khác, có sự phân chia thành các đoàn tuần hành có thành phần hoàn toàn khác nhau, được xác định qua tiêu chí xu theo chính quyền hay không, thỏa hiệp với chính quyền hay không… Chủ đề « nỗi lo chia rẽ trong xã hội dân sự » này chúng tôi sẽ trở lại trong phần tiếp theo của tạp chí. Nhưng điều đáng chú ý trước hết là, cuộc biểu tình vừa qua là một biểu hiện hiếm hoi cho thấy sự thống nhất của xã hội dân sự Việt Nam, ít nhất trong một thời điểm, trước cảm nhận hết sức rõ ràng về mối đe dọa từ phương Bắc.

Xã hội dân sự là gì ? tại sao xã hội dân sự lại hệ trọng đến vậy ? những gì làm nên xã hội dân sự Việt Nam ?

Để chuyển đến quý vị đôi chút hiểu biết chung về xã hội dân sự, một khái niệm phức tạp, một lĩnh vực thường gây tranh luận trong giới chuyên gia, trước hết, xin mời quý vị nghe tiếng nói của nhà nghiên cứu Lữ Phương (xem chú thích 1).

Nhà nghiên cứu Lữ Phương (Sài Gòn)

21/05/2014

 

1 – Vấn đề xã hội dân sự là một vấn đề lý thuyết chính trị rất là phức tạp. Từ xã hội dân sự này, nếu phân tích thì rất phiền phức và cần phải có nhiều thời gian. Nói đơn giản là thế này. Người ta dùng chữ xã hội dân sự, xã hội công dân, xã hội thị dân, có nhiều cách dịch từ civil society. Nhưng về cơ bản đó là mối quan hệ giữa Dân và Nhà nước. Gọi đúng nó là xã hội dân, còn bên kia là xã hội quan, xã hội Nhà nước.

2 – Về lịch sử, xã hội dân sự ra đời khi từ chế độ thần quyền, phong kiến chuyển sang một chế độ dân chủ, tức là Nhà nước do xã hội dân sự tạo thành, chứ không phải là do Mệnh trời, hay một đấng bậc nào ở trên áp xuống. Do dân đồng ý, một khế ước được tạo ra, những người đại diện cho dân phải tuân phục nó. Gốc rễ là dân quyết định tất cả. Nhà nước chỉ là biểu hiện bên trên thôi, sự thỏa thuận để cai trị, để thể hiện ý chí chung. Về nguồn gốc, đại thể là như vậy.

3 – Ở Việt Nam, Nhà nước này tự cho là đại biểu cho Nhân dân, là của Nhân dân. Vai trò của dân không còn gì nữa cả, trở lại một thời kỳ giống như thần quyền trước đây. Có một đấng bậc nào đó, quy luật nào đó ở ‘‘bên trên’’ chi phối và cải tạo, uốn nắn bên dưới. Tức là hoàn toàn phủ nhận xã hội công dân hay xã hội dân sự.

4- Bây giờ, do một quá trình phát triển, do sự thất bại của mô hình xã hội chủ nghĩa Mác Lê-nin, do đó người ta (giới lãnh đạo) đi đến làm kinh tế thị trường, giao lưu với thế giới, tự nhiên mở ra các điều kiện để xã hội dân phục hồi trở lại. Do các điều kiện sinh hoạt mới (đi đứng, làm ăn, học hành ở nước ngoài…), tự nó vùng vẫy. Nhất là nhờ các điều kiện kinh tế, xã hội dân sự ngày càng tạo sức ép lên trên Nhà nước, buộc Nhà nước phải có chuyển đổi trong chừng mực nào đó thích hợp với ý nguyện của xã hội dân này. Suốt thời kỳ từ 1986 đến giờ, sự tiến triển, phát triển của xã hội dân nó ngày càng trở nên mạnh mẽ, càng ngày càng được khẳng định. Nhất là trong những năm gần đây, với cái sự suy sụp, yếu kém của ‘‘bên trên’’, tức là của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thì giới lãnh đạo ngày càng phải mở ra với thế giới, dần dần đi đến thừa nhận kinh tế thị trường, thừa nhận thế giới bên ngoài. Không còn một thế giới như cũ nữa, mà toàn bộ là thế giới thị trường, thế giới tư bản, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cái xã hội dân sự này càng ngày càng khẳng định vị trí của nó bằng rất nhiều hình thức, rất phong phú. Đầu tiên là nó tìm một cuộc sống, một sự khẳng định độc lập tự chủ, tự lập, không dính dấp gì với Nhà nước cả, tự lo lấy cái đời sống của mình, học hành buôn bán làm ăn, đi đứng… Không cần phải cám ơn Đảng, cám ơn Bác gì nữa cả. Từ những khẳng định rất là cơ bản đó, họ dần dần hình thành các tổ chức khác, các hình thái tập hợp khác, và nó có tác động là, trước hết là tách rời cái ‘‘bên trên’’, thứ hai là ép lên ‘‘bên trên’’, từ đó hình thành ra một sức mạnh buộc Nhà nước phải có những chánh sách thay đổi.

5 – Tôi nghĩ, càng ngày các hình thức đó càng phát triển và nó biểu hiện trước khi có hiện tượng giàn khoan Trung Quốc đặt tại vùng biển Việt Nam. Đã có rất nhiều hình thức manh mún, chưa có được quy mô, nhưng đã biểu hiện trong các cuộc đấu tranh buộc Nhà nước phải chuyển đổi chính sách. Thí dụ như trước khi Nhà nước mở đèn xanh cho biểu tình, thì trước đó đã có những cuộc đấu tranh rất dữ, để mà đòi Nhà nước có một thái độ thích đáng trong việc Trung Quốc bành trướng, xâm lăng chẳng hạn. Cuộc biểu tình vừa qua biểu hiện sức mạnh đó.

RFI xin chân thành cảm nhà nghiên cứu Lữ Phương, dù đang đau bệnh, đã dành thời gian để chia sẻ với thính giả về chủ đề xã hội dân sự và xã hội dân sự tại Việt Nam.

Có thể thấy, xã hội dân sự mang hai vẻ mặt, vừa là một xã hội trong đời sống thường nhật thì hoạt động độc lập, không dính đến guồng máy chính trị, nhưng trong những thời điểm cần thiết lại là sức mạnh quyết định vận mệnh đất nước, ở thời điểm đó người ta thường nói đến một xã hội công dân hay toàn dân. Xã hội dân sự vừa là một bộ phận của xã hội, để phân biệt với Nhà nước, vừa là tuyệt đại đa số đông đảo người dân, những người mà – về nguyên tắc – nắm quyền quyết định vận mệnh đất nước, bằng việc cử ra những lãnh đạo tối cao điều hành quốc gia hay qua các cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam hiện tại, cả hai vai trò nói trên, xã hội dân sự Việt Nam đều chưa được đảm nhiệm thực sự (hay chưa đảm nhiệm được).

Quá trình mà một xã hội dân sự tồn tại và phát triển trong một chế độ độc đảng như Việt Nam hẳn có nhiều điểm khác với mô hình xã hội lý tưởng gồm ba thành tố Nhà nước, Thị trường và Xã hội dân sự mà ngày càng nhiều người kêu gọi thực thi ở Việt Nam.

Nỗi lo chia rẽ trong xã hội dân sự Việt Nam

Trong một đất nước mà xã hội dân sự đang một mặt ở trạng thái manh nha, phân tán, mặt khác bị hệ thống chính trị thao túng, nỗi lo chia rẽ trong xã hội dân sự Việt Nam, là một thực tế đầy ám ảnh, thì làm thế nào đi tới một xã hội lý tưởng như vậy ?

Trong thời gian hơn một năm gần đây, phổ biến một quan điểm trong giới những người hoạt động vì dân chủ-nhân quyền cho rằng Nhà nước Việt Nam vốn không thừa nhận và mới bắt đầu xem xét, nghiên cứu để vận dụng xã hội dân sự trong tương lai (một người tiêu biểu cho ý kiến này là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng) (xem chú thích 3). Cũng trong thời gian này, đã xuất hiện hàng chục hội nhóm bảo vệ nhân quyền, có điểm chung là thành lập không cần được Nhà nước cho phép, thường được gọi chung là « các tổ chức xã hội dân sự độc lập ».

Trên thực tế, giới khoa học Nhà nước ở Việt Nam đã chú ý đến các tổ chức xã hội dân sự từ hơn mười năm nay. Không kể các tổ chức quần chúng mang tính toàn quốc (như Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội cựu chiến binh…), được coi là các bộ phận ngoại vi của Đảng Cộng sản, còn có nhiều tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, Hội người cao tuổi… Nhất là một loạt các hình thức trung tâm, hội nhóm hết sức đa dạng, gần như không nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, đặc biệt trong các lĩnh vực thiện nguyện vì các nhóm yếu thế, dễ tổn thương, như người nghèo, trẻ em, người bệnh, người tàn tật,… các tổ chức hoạt động vì môi trường…. Nhiều tổ chức dân sự vốn nằm trong hệ thống do Đảng kiểm soát cũng hoạt động ngày càng độc lập hơn…

« Diễn biến hòa bình », điều mà các thành viên thủ cựu và độc đoán trong Đảng Cộng sản lo ngại trước đây, trên thực tế đã hiện hữu và âm thầm phát triển trong lòng thể chế toàn trị mục ruỗng, đang trong quá trình tìm cách lột xác. Chấp nhận các tổ chức của xã hội dân sự và tìm cách « quản lý » chúng là một đòi hỏi của chính bộ máy Nhà nước, cũng đang trên đường thay đổi.

Trong một nghiên cứu của Viện khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ Việt Nam), năm 2010, về các tổ chức xã hội dân sự, có đoạn : « Ngày nay, dân chủ hóa đời sống xã hội đang trở thành xu thế phổ biến ở hầu hết các quốc gia dân tộc, cường quyền và áp đặt bởi quyền uy đang ngày càng bị phủ nhận và bị đẩy lùi. Đặc điểm đó mở ra một triển vọng rộng lớn cho hoạt động của các tổ chức xã hội ». Trước đó, năm 2006, nghiên cứu« đánh giá ban đầu về xã hội dân sự tại Việt Nam » (do Civicus – Liên minh thế giới vì sự tham gia của các công dân) được công bố. Cũng vào năm này Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, đồng chủ trì chương trình trên, có lời kêu gọi được lưu truyền : « Đừng sợ xã hội dân sự ! ». Đối tượng của lời kêu gọi này có lẽ không ai hết ngoài thành phần sợ thay đổi trong Đảng.

Gần 10 năm trôi qua, nỗi lo ngại dường như vẫn còn ám ảnh một bộ phận giới lãnh đạo. Với sự xuất hiện của các hội nhóm dân sự độc lập, bức tranh của xã hội dân sự Việt Nam giờ đây trở nên đa dạng hơn và sự đối kháng giữa các nhóm xã hội dân sự khác nhau có vẻ là một thực tế gây lo ngại ở một số người trong cuộc. Mới đây, Tiến sĩ Phạm Gia Minh (xem chú thích 2), một trong 72 trí thức nhân sĩ ký kiến nghị về Sửa đổi Hiến pháp 1992, trong bài viết « Những ước vọng của một người dân », trong phần đề nghị cải cách thể chế chính trị có một nhận định rất đáng suy nghĩ về tình trạng hiện nay của xã hội dân sự Việt Nam.

« Ở Việt Nam XHDS (Xã hội dân sự) đang bị chính trị hóa bởi cả hai phía – Nhà nước thì quản lý chặt chẽ một hệ thống các Hội và Hiệp Hội nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra, trong khi đó phong trào tự phát trong dân thành lập các tổ chức như Diễn đàn XHDS, Hội các bloger, Hội Dân oan v.v… nhìn chung cũng mang nặng màu sắc chính trị và bầu không khí chung là nghi kỵ và đối đầu nhau một cách không đáng có ».

Một vấn đề hệ trọng mà Tiến sĩ Phạm Gia Minh đặt ra là có một không khí nghi kỵ và đối đầu giữa hai phía XHDS. Về vấn đề này, trả lời RFI, TS Phạm Gia Minh cho biết :

Tiến sĩ Phạm Gia Minh

21/05/2014

 

TS Phạm Gia Minh : “Phản bác sự ra đời của các tổ chức tự phát thường là cơ quan truyền thông, cơ quan tuyên truyền. Còn các hiệp hội ngành nghề, tôi không thấy là họ phản bác các tổ chức như thế này. Lập ra diễn đàn để góp ý về kinh tế, hay là giúp những người tàn tật. Tôi chưa thấy có một tổ chức chuyên môn nào của Nhà nước lập ra mà lại lên tiếng phản bác người anh em của mình, thuộc diện ngoài quốc doanh. Hoặc có thể có nhưng hiếm. Chủ yếu (phản bác) là trên báo chí“.

Nguồn gốc gây nghi kỵ giữa hai phía XHDS trước hết và chủ yếu do hệ thống truyền thông do Đảng kiểm soát như nhận định của TS Phạm Gia Minh và các quan sát cho thấy. Tuy nhiên, hệ quả của việc tuyên truyền dẫn đến các nghi kỵ và đối đầu ở các tổ chức thuộc hai phía XHDS (như nhận định của TS Phạm Gia Minh) cụ thể như thế nào, đến mức nào là một hiện tượng rất cần được soi tỏ.

Một nhận định quan trọng khác của Tiến sĩ Phạm Gia Minh là « Về bản chất XHDS là “khoảng đệm” hay không gian trung lập giữa Nhà nước và nhân dân nên chỉ khi nào phục vụ mục đích dân sinh và phi chính trị thì XHDS mới thực sự phát huy chức năng vốn có của nó ».

Tuy nhiên, bản thân các tổ chức ngoại vi của Đảng lại đứng trước thực trạng bị tha hóa trầm trọng. Sau đây là một số nhận định của Tiến sĩ Phạm Gia Minh :

Tiến sĩ Phạm Gia Minh (Hà Nội)

21/05/2014

 

TS Phạm Gia Minh : “Về mặt nguyên tắc, các hiệp hội do Nhà nước lập ra cũng là những hội ngành nghề, hội giải quyết các vấn đề cuộc sống bình thường, nghe thì đều là vì Dân sinh, về mặt nguyên lý là như thế, về mặt điều lệ đều là như thế cả. Thế nhưng hình như các tổ chức này bị xơ cứng, bị xơ cứng theo mô hình chính trị xô viết, thiếu tính dân chủ, thiếu hơi thở cuộc sống. Nó mang tính chất quan liêu nhiều. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà những vấn đề thực tiễn cuộc sống, như giống lúa ra sao, vấn đề nông thôn, nông nghiệp (hiện giờ tại sao người nông dân không đưa khoa học, kỹ thuật vào cuộc sống được), rồi là tại sao để thương lái Trung Quốc sang tung hoành mua bán lung tung, gây ra các thảm họa về nông nghiệp như thế… Vai trò của các hội khoa học về nông nghiệp tại sao không thấy đâu cả ? Bởi vì cách hoạt động của các hội đó nó xơ cứng ! 

Hay là vấn đề người nông dân bị mất đất, tại sao không thấy họ lên tiếng bảo vệ ? Rồi vụ anh Đoàn Văn Vươn hay rất nhiều vụ người dân mất đất khác, sao không lên tiếng ? Hay các vấn đề dân sinh trong các khu công nghiệp họ lương bị thấp, rồi chủ nó cúp tiền, rồi là vấn đề tệ nạn trong công nhân, vấn đề an sinh xã hội cụ thể của họ, ký túc xá… Tổ chức Công đoàn cũng xơ cứng không bảo vệ họ được đúng nghĩa của nó ! “.

Một khi đã bị xơ cứng, quan liêu hóa, các tổ chức được mệnh danh là XHDS làm thế nào có thể được coi là thuộc về XHDS, các tổ chức bị Nhà nước hóa là tên gọi chính xác nhất để nói về những trường hợp như vậy.

Cần phải nhấn mạnh là điểm mới của làn sóng các phong trào dân sự-dân chủ độc lập với Nhà nước ra đời gần đây là đối lập trực diện với không những nhiều « chủ trương lớn » của Đảng, bị đánh giá là sai lầm tai hại, mà nhiều lúc còn đối lập thẳng với nền tảng căn bản của chế độ độc tài độc đảng. Sự ra đời của phong trào này là để trả lời cho các thách thức xã hội, mà nhiều tổ chức dân sự trước đây đã bất lực hoặc không dám đề cập tới : như dân oan mất đất, người dân bị công an bức hiếp, những người có tiếng nói trái với chính quyền bị bỏ tù, bị hành hạ, bộ máy tư pháp không đủ năng lực để bảo vệ công lý…

“Dân sinh” phải đi cùng cải cách chính trị

Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức dân sự tồn tại trước làn sóng xã hội dân sự độc lập một hai năm mới đây, đều bị Nhà nước hóa. Một số thực tế cho thấy, cũng có không ít tổ chức đã đi theo được tôn chỉ phục vụ mục tiêu Dân sinh, mà Tiến sĩ Phạm Gia Minh mong muốn.

Làm thế nào để các tổ chức xã hội dân sự có vị thế « độc lập » rất lớn với Nhà nước này có thể tìm được tiếng nói chung với các tổ chức dân sự khác ?

Tiến sĩ Phạm Gia Minh nhấn mạnh đến việc cần đề cao các mục tiêu dân sinh, thay vì các mục tiêu xa vời khác, đây là điều mang lại cơ may cho việc xích lại gần nhau giữa hai phía XHDS. Tuy nhiên, thực trạng Việt Nam hiện nay cho thấy, để làm được tốt những việc Dân sinh dù là đơn giản, thường thì không thể không tác động đến thể chế (trong trường hợp không nhận được bảo trợ từ phía chính quyền), và đó không phải chỉ là việc của giới trung gian, có chức quyền, hay các nhân sĩ, trí thức, mà đó còn là công việc của toàn dân, của toàn thể xã hội dân sự. Phong trào chống dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên theo cam kết của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với Trung Quốc, sở dĩ có được tiếng vang và đã thuyết phục một phần giới lãnh đạo, chính là vì vừa cụ thể, vừa nhằm vào cái gốc rễ thể chế này.

Việc thay đổi luật chơi, cụ thể là khẩn trương ra các luật để thực thi các nguyên tắc về nhân quyền và quyền công dân trong Hiến pháp là công cụ hữu hiệu để tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội dân sự thực hiện được các mục tiêu Dân sinh, điều này cũng sẽ đồng thời giúp cho việc tiến hành nhanh chóng các cải cách thể chế chính trị mong muốn.

Trước các đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và thái độ cho đến nay vẫn tỏ ra là không xứng tầm của chính quyền để giải quyết mâu thuẫn một cách căn bản, sự tự thức tỉnh và hướng đến đoàn kết của mọi thành phần trong xã hội dân sự Việt Nam ắt hẳn là vấn đề cấp thiết, « Mồi lửa đã ở dưới đống củi » như lời nhà báo Huy Đức trong một bài viết mới đây.

RFI xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Phạm Gia Minh và nhà nghiên cứu Lữ Phương.

(1) Học giả Lữ Phương nguyên là một thứ trưởng trong chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam, ông đã từ bỏ chính quyền cộng sản, để dành toàn bộ phần còn lại của cuộc đời để nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lê nin, cột trụ trong hệ tư tưởng chính thống của đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là của chế độ Việt Nam hiện hành. Xã hội dân sự là đề tài mà ông hết sức quan tâm.

(2) Tiến sĩ Kinh tế học Phạm Gia Minh là Phó Tổng thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

(3) Có thể tham khảo hai bài “Phạm Chí Dũng: Đảng Cộng sản VN đang dần phải thừa nhận xã hội dân sự” và “Nhà báo Phạm Chí Dũng: Phong trào dân sự tại Việt Nam đã chín muồi“.

 

Tin bài liên quan

Thủ tướng Việt Nam tuyên bố công khai : Trung Quốc đe dọa hòa bình

Trên 3.000 chữ ký yêu cầu lãnh đạo Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế

Người Việt trong và ngoài nước biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lăng

Trung Quốc lên giọng đòi Việt Nam dẹp biểu tình

Crimée và giàn khoan HD 981 : Gọng kìm Nga – Trung chống Mỹ ?

Chống Trung Quốc tại Việt Nam : Hơn 500 nhà máy của Đài Loan bị thiệt hại

Biểu tình chống Trung Quốc : Phong trào lan rộng

Tẩy chay hàng Trung Quốc : Cần phải tỉnh táo và ứng xử có trách nhiệm

Chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, cơ hội hòa giải dân tộc ?

Tàu Trung Quốc và Việt Nam đấu vòi rồng tại nơi có giàn khoan của Bắc Kinh ở Biển Đông Lần đầu tiên tại 

Thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo Việt Nam công khai tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

Giàn khoan xâm nhập Biển Đông, Việt Nam phải ”dứt khoát” với Trung Quốc

Biển Đông : Tàu Việt Nam tìm cách ngăn chận Trung Quốc đặt giàn khoan

Hà Nội phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan nổi vào vùng biển Việt Nam