Đầu Xuân nặng trĩu âu lo
Đèn lồng đỏ Trung Quốc sản xuất tràn ngập các cửa hàng ở Hà Nội những ngày Tết.
Theo RFA
Thanh Quang rất vui mừng được gặp lại các bạn nhân dịp đầu Tân Niên Giáp Ngọ, và không quên kính chúc các bạn cùng gia quyết vạn sự an khang, mọi điều hanh thông, như ý trong năm mới.
Và, cũng nhân dịp đầu Xuân, blogger Bùi Công Tự từ Saigòn “khai bút” bằng “ lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho năm mới Giáp Ngọ với niềm hy vọng ‘mã đáo thành công’ ”.
Chúc cho con người có đầy đủ quyền con người
Qua bài “Cho đất nước một mùa Xuân đích thực”, tác giả Bùi Công Tự bày tỏ niềm vui rằng “ Vẫn còn đây cho chúng ta một mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân của Trời Đất, rực rỡ sắc hoa, mơn mởn cành non lộc biếc, ngọn gió xuân thấm đẫm hương đồng. Và trên cao kia bầy én xuân đang chao lượn những vòng xoay bất tận miên man”.
Trong tiết Xuân – cũng tương tự như Nguyễn Du Tiên Sinh từng mô tả – “ Cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa” ấy, nhà báo Bùi Công Tự đã cảm ơn thiên nhiên của mảnh đất quê hương VN này đã “tạm quên đi thương tích đầy mình” để mang lại cho người dân Việt một mùa xuân vẫn còn nhiều hương sắc. Như vậy là, theo tác giả, vẫn còn đây một quê hương ấm áp yêu thương của chúng ta, mà qua dịp Xuân Giáp Ngọ, biết đâu “thế thái nhân tình” hiện quá nhiều “phôi pha” này có thể trở lại “chia sẻ, kết nối tình yêu thương” ấy, vì, theo tác giả, “chỉ có tình yêu thương mới đem lại cho con người mùa Xuân cuộc đời”; Và, nhà báo Bùi Công Tư nhận thấy, cái ý nghĩa tuyệt đẹp, cao quý của Xuân khiến Xuân tô điểm cho thi ca, trong cả Thánh Kinh, rạo rực trong truyện Kiều, đắm say trong những vầng thơ trữ tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử…, khiến nhà thơ Xuân Diệu khi chưa theo bác và đảng đã tôn thờ nàng Xuân rằng, “ Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào người!”…
Dù “ma lực” và ý nghĩa của Xuân hấp dẫn đến thế, nhưng blogger Bùi Công Tự không khỏi “lấy làm lạ” rằng “thơ Xuân bây giờ nhạt hơn nước ốc ao bèo” ? – mà nói theo Nguyễn Công Trứ Tiên sinh, “Lạt như nước ốc, bạc như vôi!”.
Khi “ nhân lọai đã bỏ chúng ta tụt lại đằng sau, tụt khá xa so với ngay các nước trong khu vực” khiến người dân thắc mắc rằng các vị lãnh đạo có còn “chữ tín” với nhân dân không? “Các vị còn là công bộc hay tội đồ ?
blogger Bùi Công Tự
Tác giả Bùi Công Tự nêu lên câu hỏi, “vậy thì thực trạng xã hội ta như thế nào ?”, và rồi tác giả “xin thưa rằng đó là do sự suy thóai trì trệ trên mọi phương diện kéo dài nhiều năm. Một bầu không khí u ám bao phủ bầu trời đất nước”, khi thế cuộc cho thấy “những mâu thuẫn, những thủ đọan, những tội ác man rợ, những cấu kết làm ăn của các nhóm lợi ích, những dẫm đạp lên pháp luật…”; khi “ nhân lọai đã bỏ chúng ta tụt lại đằng sau, tụt khá xa so với ngay các nước trong khu vực” khiến người dân thắc mắc rằng các vị lãnh đạo có còn “chữ tín” với nhân dân không? “Các vị còn là công bộc hay tội đồ ?”. Và tác giả khẳng định:
Sự duy trì một hệ tư tưởng duy nhất, lại không phải là tư tưởng tiên tiến; thể chế toàn trị thiếu dân chủ, thiếu tự do tư tưởng; không có tam quyền phân lập nên không có cơ chế kiểm soát quyền lực, không có xã hội dân sự,… chính là nguyên nhân của những tình trạng nói trên.
Nhân Tân Niên “Mã đáo”, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội lên tiếng chúc Xuân:
Tôi là JB Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội xin gởi đến tất cả quý khán thính giả của Đài RFA cũng như quý khán thính giả trên tòan thế giới được đầy Hồng Ân, rồi được thành công, an khang, thịnh vượng cũng như có được những bước tiến bộ mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là người VN trong nước xứng đáng được cho làm con người – thật sự là con người với đầy đủ quyền con người của mình trong năm mới.
Blogger Hà Sĩ Phu từ Đà Lạt cũng “Mừng Xuân Giáp Ngọ”, mô tả rằng trong số 12 con giáp thì có tới bốn con tiêu biểu cho sức mạnh: Hổ mạnh nhưng ác, Trâu thì to xác nhưng chậm và đần, Rồng thì mạnh nhưng chỉ trong tưởng tượng, chỉ để mà thờ (như kiểu chủ nghĩa Xã hội), chỉ có Ngựa là mạnh, nhanh, hữu dụng với con người, là biểu trưng của sức mạnh, của tốc độ, của thành công và kinh doanh phát đạt; khiến con người “bổ sung” thêm những uy lực lý tưởng cho ngựa bằng cách thần thoại hóa thành ngựa nhiều đầu, chắp cánh bay…
TS Hà Sĩ Phu nhân tiện lưu ý về “cái đẹp” của giống lòai này không những về “ thể xác mà cả…tấm lòng”: Ngựa phi cũng đẹp, thong dong gặm cỏ cũng đẹp, thậm chí khi “đánh ghen” cũng đẹp; còn khi xông pha trận mạc thì “mềm mại như những vũ công”, để những chiến mã ấy góp phần mang lại chiến công cho các vị anh hùng dân tộc VN ngày xưa khi đánh đuổi kẻ thù xâm lược phương Bắc.
Về “cái đẹp tấm lòng”, TS Hà Sĩ Phu nhắc tới sự trung thành của Ngựa với chủ, tình thương đồng lọai “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”…Nhưng rồi TS Hà Sĩ Phu liên tưởng đến xã hội VN ngày nay:
Đáng tiếc thay, trong xã hội ta hiện nay, cán bộ ăn chặn tiền cứu nạn, con người hành hạ, chém giết nhau rất tệ, hành xử luật rừng, người giữ pháp luật cũng bất chấp luật pháp, thú tính lên ngôi…, con người như đang trỗi dậy nguồn gốc cầm thú của mình, những kẻ như vậy chẳng biết xấu hổ với loài Ngựa lắm sao?
“Đất nước lại bước sang Xuân Giáp Ngọ !” cũng mang lại thi hứng cho TS Đặng Huy Văn với bài thơ mang tên như quý vị vừa nghe, qua đó, tác giả không khỏi trăn trở cho đất Mẹ:
Xuân Giáp Ngọ đã về trên đất nước
Cùng Tự Do, Dân Chủ với Nhân Quyền
Như đã hứa trước Hội Đồng Liên Hợp Quốc
Sẽ nở hoa trên đất mẹ bình yên!
Hay lời hứa, vẫn chỉ là lời hứa? …
Blogger Hùynh Ngọc Chênh, dù rất hy vọng đất nước có đổi mới trong năm nay, nhưng ông không giấu được nỗi buồn:
Tôi hy vọng trong năm 2014 này thì phải có thay đổi gì đó để đất nước mình tiến lên. Điều này không phải vì chủ nghĩa, không phải vì đường lối chính trị…, nhưng tất cả chỉ vì đất nước – đất nước mình không tiến lên được thì mình buồn ! Đó là nỗi buốn lớn nhất và dai dẳng từ hồi năm 1975 tới giờ. Năm nào cũng thấy buồn. Nhưng hy vọng có thay đổi.
Tôi cũng hy vọng rằng tất cả nhà lãnh đạo VN được khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn để biết nhận trách nhiệm của mình hướng dẫn, lãnh đạo đất nước này đi đúng con đường phát triển của dân tộc và mong muốn của người dân
blogger JB Nguyễn Hữu Vinh
Và, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh mong mỏi ở giới lãnh đạo:
Tôi cũng hy vọng rằng tất cả nhà lãnh đạo VN được khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn để biết nhận trách nhiệm của mình hướng dẫn, lãnh đạo đất nước này đi đúng con đường phát triển của dân tộc và mong muốn của người dân.
Blogger Cánh Cò từ trong nước nhận được thư của người bạn ở Mỹ gởi về, tâm sự rằng 23 năm ở Mỹ chị bạn này “ không bao giờ ăn Tết” vì “ có gì là Tết đâu mà ăn!”; và “Tết nhưng vẫn lò mò tới sở làm nếu không muốn ngày mai ăn Tết không lương”. Đó là chưa kể “sáng ra, con cái tới trường nếu Tết rơi vào Thứ Hai”, hoa thì hầu hết là ni-lon, bánh chưng mua ở chợ khiến người Việt tha hương lâm cảnh “Không biết từ năm nào mình đã mất hẳn thú vui may áo mới cho con vào những ngày cuối năm. Cũng mất luôn thói quen không thể thiếu là nấu bánh vào ngày 30 tết” !
Nhưng, Cánh Cò kể tiếp, năm nay, chị bạn ấy quyết định “ăn Tết như người ta” “như một khởi đầu về nguồn trong tâm hồn” sau khi chị “bất chợt gặp một thứ trái cây rất lạ đối với Mỹ nhưng lại rất quen thuộc với người Việt mình”: Trái sung ! “Nó lưu lạc từ quê nhà sang đây vì cái Tết của người Việt xa xứ”; và trái sung ấy mang lại cho khách Việt tha hương “một cảm giác gần gũi, ấm áp và gợi mở biết bao nhiêu nỗi niềm”.
Bức thư từ người bạn bên Mỹ ấy khiến blogger Cánh Cò “ngơ ngẫn suốt một buổi chiều”, và tâm sự rằng:
Bạn tôi ra đi với một tinh thần luôn luôn cảm thấy cạn kiệt còn chúng tôi ở lại với một cuộc sống đầy ắp những lo toan và chắc gì tinh thần không thiếu thốn, tổn thương? Trái sung nhỏ bé hiền lành và còn dính đầy đất cát phù sa mà bạn tôi gặp ở xứ người đã gợi cho bạn ấy một nỗi nhớ nhà gay gắt. Trong khi người ở lại như chúng tôi cũng gay gắt không kém khi mỗi năm màu đỏ của ngày tết càng đỏ thêm. Cái màu đỏ không còn tượng trưng cho thịnh vượng nữa mà nó gợi lên sự phân tán trong lòng mỗi người Việt Nam. Màu đỏ của máu thắm Hoàng Sa Trường Sa. Màu đỏ của đèn lồng Trung Quốc tràn ngập các tỉnh phía bắc. Màu đỏ ấy còn ám ảnh chúng tôi lâu lắm khi mà hàng hóa lẫn con người Trung Quốc hiện diện một cách kiêu hãnh mọi nơi trên dải đất này…Chúng ta trong hay ngoài gì cũng như nhau, cái mất lớn nhất không phải là tết hay không tết mà là tương lai.
Màu đỏ của máu thắm Hoàng Sa Trường Sa. Màu đỏ của đèn lồng Trung Quốc tràn ngập các tỉnh phía bắc. Màu đỏ ấy còn ám ảnh chúng tôi lâu lắm khi mà hàng hóa lẫn con người Trung Quốc hiện diện một cách kiêu hãnh mọi nơi trên dải đất này
blogger Cánh Cò
Trong khi nhân dịp đầu Xuân, blogger Cánh Cò vẫn trĩu nặng nỗi âu lo cho quê hương, dân tộc thì blogger Văn Công Hùng tìm thấy niềm vui khi ông từ Miền Bắc theo chân bạn bè “phượt một chuyến phương Nam đúng nghĩa” – nơi gọi là miền Tây để “Ăn Tết đồng bằng” (sông Cửu Long).
Qua bài “Ăn Tết đồng bằng”, tác giả Văn Công Hùng thố lộ rằng “câu hẹn của một anh bạn Bến Tre khiến mình cầm lòng không đậu nên ‘phịa’ lý do với vợ và…bay”.
Khi về tới “đồng bằng”, nơi “nắng miên man nhưng không đến nỗi thiêu đốt, nó óng ả lâng lâng…, những cánh cò trắng vô định”, tác giả nhận thấy “người đồng bằng ăn Tết đơn giản, chủ yếu là chơi”; và vào ngày Tết ở đây không thể thiếu những món như “ thịt kho chung với (cá), hột vịt, rồi bánh tét, tôm khô củ kiệu”, (dưa cải), cũng thường có canh khổ qua. Rồi mâm ngũ quả “cầu dừa đủ xài sung”, rồi nhiều lọai cây cảnh, hoa Tết, nhất là hoa mai vàng (và bông vạn thọ). Theo tác giả thì “món mà gần như không thể thiếu là món lẩu”; Đặc sản phải kể đến rắn, rùa, chuột, cá linh…Và “xong phần ăn uống thì đến chơi. Món không ở đâu có là đờn ca tài tử”. Tác giả từ miền Bắc này xem chừng như hãy còn “lưu luyến” một buổi “ăn chơi” ở miền Tây:
Nồi lẩu nghi ngút. Đặt mấy con nghêu ấy trong cái môi, phơ phất vài lượt trong cái thứ nước đầy đủ gia vị đang sùng sục kia, đặt vào chén, nhặt các thứ rau, cũng cho vào chén, rồi vẫn cái môi ấy, một môi nước cho vào, mấy cọng bún. Khoan hẵng và vội, vì đang rất nóng. Cầm ly rượu chuối Phú Lễ lên, trìu mến nhìn người bên cạnh: tôi với ông hén, uống 1 nửa ly, trao cho bạn nửa ly còn lại, xong ta thong thả bê cái chén lên, và làm một nhát sao cho có cả nghêu, rau, nước, bún… xong vừa nhai vừa nghe…
Nhưng ở miền Tây đâu chỉ có “ăn chơi”, “khách biên đình” Văn Công Hùng từ miền Bắc này tâm sự tiếp rằng:
Cứ thế Tết phương nam bồng bềnh với kênh rạch, với những giọng ca chân chất, với đặc sản, với những eo thon căng mướt áo bà ba nhiều màu. Xứ gạo trắng nước trong, con gái đều xinh như người mẫu, mà lại hiền dịu đảm đang… Cũng chưa nghe ai giải thích một cách thấu đáo, rằng tại sao mà con gái đồng bằng lại đẹp thế. Ở xứ nước phèn mà ai cũng trắng nõn, tóc dài môi đỏ, dáng cứ như hoa khôi…
Và, trong cái cảnh “lâng lâng” ấy, blogger Nguyễn Trọng Tạo mời quý vị uống tiếp “Rượu Tết”:
Nào rót thêm ly nữa
Uống cùng Đất cùng Trời
Ngỡ Lưu Linh sống lại
Cũng uống ngần ấy thôi …