Đau lòng cái chết trong trại tạm giam của em Đỗ Đăng Dư

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đau lòng cái chết trong trại tạm giam của em Đỗ Đăng Dư

Ảnh do gia đình em Dư cung cấp/ báo Đất Việt

Ls Trần Hồng Phong – Theo blog Bình Luận Án
Mấy ngày qua, đặc biệt trên mạng xã hội, râm ran chuyện em Đỗ Đăng Dư (17 tuổi, trú xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) bị tử vong trong khi đang bị tạm trong trại tạm giam công an thành phố Hà Nội. Theo tin từ công an, là nơi có trách nhiệm quản lý, bảo vệ em Dư trong giai đoạn tạm giam, điều tra, em tử vong vì bị một bị can cùng phòng đánh.
Bước đầu, Công an Hà Nội đã xác định bị can Đỗ Đăng Dư bị bạn tù đánh chết.
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết như sau:
Theo phía công an, ngày 5-8-2015 em Dư bị Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bắt quả tang về hành vi trộm cắp tài sản.
Cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dư, sau đó ngày 7-8-2015 Dư bị bắt tạm giam theo lệnh bắt đã được Viện KSND huyện phê chuẩn. Tức là theo công an thì việc bắt là đúng thủ tục.
Ngày 13-8-2015, Đỗ Đăng Dư được chuyển đến tạm giam tại Trại tạm giam số 3, Công an Hà Nội. Khi vào Trại tạm giam, Dư được bố trí tạm giam tại buồng C15 (dành cho người chưa thành niên), cùng buồng với 3 bị can gồm Vũ Văn Bình, Nguyễn Nam Trường, Lê Đức Anh (đều 17 tuổi).
Sáng 4-10-2015, các bị can ăn sáng xong và theo lịch phân công đến phiên Dư rửa bát. Thấy Dư rửa bát bẩn, Bình gọi Dư đến ngồi ở khu vực giữa hai bệ xi măng nơi bị can ngủ. Bình đứng đối diện Dư và dùng tay phải tát hai cái vào má trái, dùng chân trái đá ba, bốn lần vào đầu Dư theo hướng từ trên xuống dưới. Sau đó, Bình đứng dậy đi ra phía cửa ra vào, còn Dư vào đi vệ sinh.
Khoảng 5 phút sau, Dư đi ra khỏi khu vệ sinh thì bị ngã xuống sàn nhà. Bình, Trường và Đức Anh đã chạy lại đỡ Dư dậy.
Cùng lúc đó, cán bộ quản giáo Nguyễn Mạnh Cường phát hiện nên đã báo cáo Ban giám thị và đưa bị can Dư đi cấp cứu.
Sau khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã yêu cầu Giám đốc Công an Hà Nội phối hợp với Viện KSND TP chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, đồng thời phối hợp cơ quan y tế và gia đình tích cực cứu chữa, điều trị cho bị can Đỗ Đăng Dư.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, yêu cầu đặt ra đối với công tác điều tra là phải hết sức khách quan, rõ ràng, đánh giá chính xác, đầy đủ toàn bộ quá trình công tác quản lý tạm giam của cán bộ, chiến sĩ có liên quan đến vụ việc. Nếu có sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã vào cuộc, điều tra làm rõ và khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích”, khởi tố bị can đối với Vũ Văn Bình về tội danh trên.
Đối với bị can Đỗ Đăng Dư, mặc dù được các cơ quan chức năng tích cực cứu chữa nhưng đã tử vong chiều tối 10-10-2015 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Liên quan đến vụ việc này, một nhóm các luật sư cũng đã có văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng để làm rõ một số vấn đề chưa rõ trong việc bị can Đỗ Đăng Dư bị bắt tạm giam và bị đánh chết.
…………….
Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:
1. Mới đọc qua thông tin, thì có cảm giác như là phía công an làm cái gì cũng đã đúng, chặt chẽ, không có gì sai và cũng không liên quan gì đến cái chết của em Dương. Tất cả bị quy kết vào đối tượng có tên là Vũ Văn Bình, một bị can giam cùng phòng với Dư. Như vậy, bất luận là thế nào, dù sau này có xác định là ai hay nguyên nhân gì, thì có một thực tế là có tình trạng đại bàng, anh chị trong trại giam và vấn nạn này đang ở mức hết sức nghiêm trọng. Cụ thể là đã gây ra chết người như trong vụ án này. Đây là điều trái ngược với phát ngôn của công an về vấn đề này trong thời gian qua.
2. Là một người từng có nhiều năm, nhiều lần từng tiếp xúc, làm việc với các bị can bị tạm giam, tôi khẳng định nạn đại bàng trong các trại giam đã tồn tại từ rất lâu. Cách nay hơn chục năm, tôi khi vào làm việc với một bị can trong một trại giam ở TP.HCM, bị can đã hỏi tôi xin mượn 2 chỉ vàng và nói “ra ngoài gia đình em sẽ trả cho luật sư”. Tôi nhớ khi đó đã rất ngạc nhiên, nói là tôi đâu có đem vàng và làm gì mà phải mượn 2 chỉ vàng trong khi đâu có thể tiêu sài gì trong trại giam, thì được trả lời là “không đưa tụi nó đánh dữ lắm”. “Tụi nó” ở đây chính là đại bàng, nhưng tay “anh chị” du côn trong trại giam.
3. Tình trạng tồn tại “đại bàng” trong các trại tạm giam dẫn đến một thực tế là các bị can có thể bị bóc lột, tra tấn, hành hạ, thậm chí có thể bị xúc phạm nhân phẩm, cưỡng ép tình dục …ngay trong phòng giam – là nơi mà về nguyên tắc phải bảo đảm an toàn cho các bị can. Hay nói cách khác, nhân quyền, nhân phẩm của các bị can đã bị tước đoạt, xâm hại bởi nạn đại bàng. Trách nhiệm này trước hết và duy nhất thuộc về cơ quan quản lý trại tạm giam, quản lý các bị can đang bị tạm giam.
4. Chúng ta hãy hình dung một bệnh nhân điều trị ở bệnh viện bị chết do lỗi thiếu trách nhiệm hay sai sót chuyên môn của bác sỹ, thì gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện và yêu cầu bệnh viện phải bồi thường. Thì việc bị can chết trong trại tạm giam cũng vậy. Và thậm chí trách nhiệm còn cao hơn nhiều, vì các bị can đang là những người khỏe mạnh. Vậy thì tại sao họ lại bị mất mạng trong trại tạm giam của cơ quan công an một cách quá vô lý và bất nhẫn như vậy?
Ngành công an phải có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa nạn đại bàng trong trại tạm giam. Và trong trường hợp cụ thể này, phải chịu trách nhiệm về cái chết của em Đỗ Đăng Dư – ngay cả trong trường hợp em Dư thật sự đã bị chết do đối tượng Bình đánh.
5. Để xác định, kết luận về nguyên nhân tử vong của một nạn nhân trong một vụ án hình sự, theo quy định bắt buộc phải có kết luận giám định của cơ quan giám định pháp y hình sự. Hiện nay vẫn chưa có thông tin về kết luận giám định, nhưng nếu chỉ do những cú đá, tát tai … thì theo tôi cũng khó mà có thể tử vong. Ngoại trừ là đá vào những chỗ quá hiểm, bị giập lá lách chẳng hạn. Chúng ta cùng phải chờ một kết luận giám định và mong rằng kết luật này được dựa trên một kết quả làm việc thật sự khoa học, khách quan và không bị “sức ép” từ cơ quan hay cá nhân nào. (Theo quy định, thì nếu không đồng ý với kết luận giám định, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu giám định lại, tại cơ quan giám định khác).
6. Hiện còn có thông tin đặt ra nghi vấn là em Dương tử vong có khả năng là do bị công an tra tấn, bị đánh đập …vv. Do không/chưa có chứng cứ và cơ sở xác đáng (tính đến thời điểm này), nên tôi không có ý kiến hay bày tỏ quan điểm gì ở đây. Nhưng tôi nghĩ rằng khả năng em Dư bị đại bàng đánh không phải là không có. Cũng không muốn nghĩ theo chiều hướng quy kết vô căn cứ cho phía công an hay bất kỳ ai khác.
7. Bất luận thế nào, bất luận vì nguyên nhân gì, thì đây cũng là một cái chết vô cùng vô lý, không đáng có và thật đau lòng. Trong cái chết này, có trách nhiệm và lỗi của cơ quan công an.

– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151015/tran-hong-phong-dau-long-cai-chet-trong-trai-tam-giam-cua-em-do-dang-du#sthash.OasO0HjB.dpuf