Đầu ghềnh cuối bãi tan hoang…

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đầu ghềnh cuối bãi tan hoang…
Thứ Ba, 10/04/2016 – 19:28 — VietTuSaiGon
Khái niệm đầu ghềnh cuối bãi mang đậm chất địa lý, trong đó, Việt Nam là một nước mà khái niệm này đậm đặc. Với địa hình phía Tây là núi, phía Đông là biển, trải dài từ Nam ra Bắc đều có những con sông chảy từ núi ra biển, sông suối đầu nguồn mang âm hưởng ghềnh thác chở theo núi non và phù sa đưa về cuối bãi, đưa về cửa biển. Đất nước như một bài thơ tự nhiên, sông núi quấn quýt, ôm lấy đồng bằng và cưu mang con người, cưu mang sự sống. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, công trình của triệu năm tạo hóa bỗng chốc tan hoang. Đầu ghềnh trở nên trơ trọi và cô độc, cuối bãi cũng thê lương bởi bàn tay tàn phá của con người. Cụ thể ở đây là con người Cộng sản.
Vì sao nói rằng đầu ghềnh cuối bãi trở nên tan hoang bởi bàn tay người Cộng sản? Bởi lẽ, chưa có thể chế chính trị, chế độ chính trị nào tàn phá đất nước Việt Nam trở nên tan hoang một cách mau chóng và đầy bạo lực như chế độ chính trị Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Đất nước trải qua cả ngàn năm phong kiến và Bắc thuộc, người ta cũng khai thác biển, khai thác rừng để xây dựng, hưởng thụ và cống nạp cho phương Bắc nhưng rừng vẫn là rừng, biển vẫn là biển.
Ngay cả thời thuộc Pháp, rồi chiến tranh Nam Bắc kéo dài hơn hai mươi năm, vì lý do chiến tranh, vì phải phá bỏ một số cánh rừng để tránh tình trạng đối phương xây dựng căn cứ, làm ổ chiến tranh và gây hậu họa lâu dài, miền Nam và Mỹ đã rải hàng ngàn tấn thuốc khai hoang Dioxin xuống dãy Trường Sơn nhưng nghe ra những thùng chất độc màu da camn rơi vào Trường Sơn chẳng khác nào hạt muối bỏ biển. Rừng vẫn um tùm cây cối và chẳng mấy chốc đã ngun ngút xanh.
Thế nhưng, trong vòng chưa đầy nửa thế kỉ, mà chính xác hơn là trong vòng chưa đầy hai mươi năm, kể từ khi người Cộng sản biết xài đồ gỗ và gỗ là nguồn xuất khẩu hái ra tiền, rừng trở thành những đồi trọc. Cả một dãy Trường Sơn xanh miên man từ Nam ra Bắc chỉ còn lại những quả đồi trọc lưa thưa, cây đã không cánh mà bay, cả rễ cây, gốc cây cũng tự di chuyển vào nhà quan, tự biến mình thành những bộ bàn ghế gốc cây, rễ cây mà người ta gọi là “bàn ghế mỹ thuật”.
Rừng chết, biển cũng chẳng yên thân, từ một vùng biển với nguồn hải sản phong phú, dồi dào, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, ngay từ tháng Giêng đến nay, biển miền Trung trở thành cái ao chứa độc của Formosa Hà Tĩnh và sắp tới đây là tôn Hoa Sen Cà Ná và còn nhiều dự án thép vẫn đang hăm he, chuẩn bị nuốt chửng môi trường xứ Việt.
Có người bảo rằng do lòng tham của con người, do ý thức con người kém nên đất nước mới trở nên như hiện tại. Tôi thì lại không nghĩ thế, tôi tin rằng người Việt Nam cũng giống như hàng tỉ người văn minh trên thế giới này và cũng chịu mọi tương tác giáo dục từ tấm bé cho đến ngày xuống mộ như hàng tỉ con người trên thế giới này.
Sở dĩ tôi nói như vậy vì trong thực tế, quá trình giáo dục và tiếp nhận giáo dục của con người không phải bắt đầu từ khi đi học mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, rồi đi làm, nhận đồng lương là xem như khép lại. Mà trên thực tế, giáo dục là chính trị và chính trị là giáo dục.
Vì sao? Vì ngay từ tấm bé, lúc còn trong bào thai, thai nhi đã thụ đắc một nền giáo dục tưởng như vô thức trong bụng mẹ thông qua thức ăn của người mẹ, thông qua tương tác xã hội, gia đình và ngũ giác, từ âm thanh đến hình ảnh, va chạm, cảm giác, tâm trạng… của người mẹ. Để rồi khi ra đời, những bài hát ru, những làn điệu (có thể là dân ca, cổ điển, cũng có thể là hiện đại) của bà, của mẹ chính là những bài học đầu tiên của bé. Và quá trình giáo dục từ trong bụng cho đến khi ra đời của em bé lại chịu tác động chính trị rất mạnh. Một người mẹ sống trong một đất nước có nền chính trị coi trọng quyền con người, có dân chủ sẽ có tâm hồn cởi mở, có sự hãnh tiến và có niềm tin vào ngày mai, có miếng ăn sạch sẽ, an toàn và ngon, có thời gian để đi ngắm thiên nhiên, lĩnh hội cái bao la của đất trời… Tất cả những yếu tố này hun đúc tâm hồn từ trứng nước.
Ngược lại, một bà mẹ sống trong một chế độ chính trị mất tự do, quay cuồng trong cơm áo gạo tiền và tham vọng thì e rằng khó hứa hẹn một tâm hồn trẻ khoáng đạt và sâu sắc. Đó là chưa muốn nói đến khi ra đời, tuổi thơ đứa bé đã học được gì. Nói cho cùng, những bài học vỡ lòng của nền giáo dục Cộng sản xã hội chủ nghĩa bị khuôn chặt trong ba yếu tố: Bạo lực; Dối trá và; Tham lam. Càng ngày yếu tố bạo lực, dối trá và tham lam càng cô đặc trong giáo dục Việt Nam.
Từ câu chuyện chú Cuội không dưng thấy ba cọp con thì vác rìu chém chết sau đó thấy cọp mẹ về nhai lá cây đắp cho con và cọp con sống lại thì lén lút chờ bốn mẹ con nhà cọp bỏ đi liền bứng cây mang về nhà trồng. Trong câu chuyện chú Cuội đã hội tụ đủ yếu tố tàn bạo, cọp con cũng chẳng làm gì Cuội, vậy mà Cuội nỡ vung rìu chém chết. Thấy cọp mẹ về thì bỏ chạy, trèo lên ngọn cây, đây là tính hèn nhát, hiếp yếu mà sợ mạnh. Rồi lại bứng cây rừng mang về trồng khi biết đây là cây thuốc quí, điều này dạy cho con người tính tham lam, cứ thấy quí là bê về nhà, không cần biết phải quấy. Và đây cũng là khóa huấn luyện lâm tặc từ tấm bé cho học sinh Việt Nam. Đừng trách tại sao Việt Nam ngày càng nhiều lâm tặc và lâm tặc là chính những đảng viên, quan chức, họ là lâm tặc giỏi giang nhất. Bởi họ hiểu thế nào là “rừng vàng biển bạc” thông qua tập khí ăn cắp thiên nhiên mà họ được nhồi nhét, đào luyện từ tấm bé!
Và những bài học ca ngợi đảng Cộng sản, ca ngợi những tấm gương giết người, ám sát, khủng bố như Nguyễn Văn Trỗi, hay mách mách tàn tàn vung lựu đạn giữa chợ như Võ Thị Sáu, kể cả tấm gương điên rồ tự biến mình thành ngọn đuốc sống mà các tay bồi bút chế độ đã tự nhào nặn, tự biến thành nhân vật điển hình, lừa dối lịch sử suốt bao nhiêu năm nay đều dạy cho con người trở nên tàn ác, coi thường mạng sống bản thân và đạp lên sinh mệnh đồng loại.
Khi cái ác, sự dã man được cổ xúy, nhào nặn thành những biểu tượng lịch sử, tấm gương thế hệ, anh hùng dân tộc thì đương nhiên, cả dân tộc trở nên man rợ là lẽ tất yếu. Và ở đây, vấn đề thứ hai là con người được giáo dục cho đến khi sáu tấm ván quan tài khép lại. Sở dĩ nói như vậy bởi giáo dục là chính trị và chính trị là giáo dục lại có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn con người thụ đắc giáo dục thông qua công việc, tương tác xã hội và tự khẳng định mình sau khi rời ghế nhà trường. Một con người khó có thể giữ được sự tử tế và liêm khiết khi người đó đang bị chính cái thể chế chính trị đè đầu cưỡi cổ, hàng ngày đang xâm thực họ trên mọi nghĩa. Mọi tương tác về chính trị, xã hội và công việc trong độ tuổi này chính là quá trình giáo dục và thụ đắc giáo dục của con người cho đến lúc chết.
Trong một đất nước thiếu tự do, dân chủ và đầy rẫy tội ác, bạo lực, tham nhũng, đè đầu cưỡi cổ thì bài học của bất kỳ cá nhân nào không thể là tự do, yêu thương và sáng tạo mà là bằng mọi giá phải đạp lên mọi thứ để tồn tại. Không ngoại trừ đạp lên sinh mệnh đồng loại, thậm chí cả sinh mệnh người thân!
Rừng chết, do con người đã quên mất giá trị tự nhiên, cũng như hình ảnh tự nhiên trong tâm hồn con người đã chết khô và ý thức thực dụng, lợi dụng tự nhiên để làm giàu, tùng xẻo tự nhiên đã thế chỗ. Biển chết do sự phóng khoáng và yêu tự nhiên của con người đã cạn, đã thành ao tù của lòng tham, sự ích kỉ và mưu toan thâu tóm cả biển trời vào bàn tay quyền lực.
Và đó là nguyên nhân của hàng triệu hệ quả đang hiện rõ nét từ Formosa Hà Tĩnh cho đến nhiệt điện Vĩnh Tân, thủy điện Sông Tranh, Sông Bung, đồng bằng sông Cửu Long ngập mặn và sắp tới đây sẽ là tôn Hoa Sen Cà Ná, cán thép Quảng Nam… Và sẽ còn hàng triệu ung nhột sắp vỡ, làm lộ rõ cơ thể Việt Nam đang hủy hoại một cách khủng khiếp!
Và đầu ghềnh cuối bãi không còn thơ như đã từng, mà đầu ghềnh là nơi xả độc, là mối đe dọa, cuối bãi là hố chứa độc, là ao chết chócc, và rồi đồng bằng tự xâu xé nhau như bầy thú thèm thịt đồng loại, và rồi mọi thứ dần tan hoang cho đến khi không còn cái cây, không còn ngọn cỏ, không còn con cá, không còn con chim, không còn màu xanh. Lúc này, liệu người Cộng sản có đủ tỉnh táo để nhận ra rằng tiền, vàng, thép không thể nào ăn được?! E rằng đây là câu hỏi mà câu trả lời lại tùy thuộc và hệ thống giáo dục mà họ đã và đang thụ đắc!