Đấu đá quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ có thể đang diễn ra tại mật nghị Bắc Đới Hà
Kể từ đầu tháng Tám, 7 lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về một mật nghị hàng năm đang diễn ra tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà (Beidaihe) ven biển gần Bắc Kinh.
Tuy là cuộc tụ họp thường niên của ban lãnh đạo ĐCSTQ, nhưng những người được tham dự họp không được thông báo trước, không có thông cáo báo chí và không có liên hệ công khai.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tại Trung Quốc, nhiều thảm họa và xung đột xảy ra đã đặt ra những khó khăn to lớn cho chính quyền nước này, chẳng hạn như các cuộc đàm phán thương mại và sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán. Vì vậy, hẳn nhiên cuộc mật nghị ở Bắc Đới Hà của ĐCSTQ thu hút mọi sự chú ý từ giới công luận.
Sự vắng mặt của 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị
Kể từ ngày 1/8 tới nay, không ai trong số 7 thành viên thường vụ Bộ Chính trị xuất hiện trước công chúng hay trên đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV.
Tuy Tổng bí thư Tập Cận Bình được cho là đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Lebanon Michel Aoun vào ngày 5/8 về vụ nổ ở thủ đô Beirut của nước này, nhưng ông đã không xuất hiện công khai.
Sự vắng mặt bất thường này có thể là do cuộc họp bí mật hàng năm của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đang được tiến hành. Thông thường, trước cuộc họp khoảng 1 – 2 ngày, các chuyên gia về khoa học, y học và công nghệ sẽ được các cựu cán bộ cấp cao mời đến Bắc Đới Hà.
Ví dụ như cuộc họp bí mật ở Bắc Đới Hà năm 2003, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) đã mời các chuyên gia và nhà khoa học Trung Quốc đến Bắc Đới Hà để thảo luận về dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng).
Năm nay, với sự bùng phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán hoành hành, vẫn chưa biết ĐCSTQ có mời các chuyên gia đến khu nghỉ dưỡng bên bờ biển hay không.
Chương trình của cuộc họp kín năm nay
Cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà có thể sẽ thảo luận về nhiều thách thức, thảm họa trong nước và căng thẳng quốc tế vẫn chưa được giải quyết. Mối quan hệ Trung – Mỹ đã gần như tan vỡ hoàn toàn, bằng chứng là việc chính quyền Tổng thống Trump đóng cửa các lãnh sự quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đồng thời thực hiện một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và công ty Trung Quốc.
Tất nhiên, ĐCSTQ không phải là vô tội trong phản ứng dây chuyền ngoại giao này. ĐCSTQ đã khởi xướng nhiều cuộc tấn công nhằm gia tăng căng thẳng quốc tế, bao gồm: các hoạt động quân sự khiêu khích ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông; xung đột biên giới với Ấn Độ, sự suy giảm trong quan hệ với các nước láng giềng; từ bỏ Tuyên bố chung Trung – Anh để áp đặt Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong. Tất cả những hành vi này là nguyên nhân dẫn đến việc các quốc gia tự do áp dụng các lệnh trừng phạt với Trung Quốc.
Trong nước, ĐCSTQ đang phải đối mặt với các vấn đề bao gồm: lũ lụt ở miền nam; hạn hán ở miền bắc; các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác nhau bùng phát trên khắp Trung Quốc; giới tinh hoa Trung Quốc lên tiếng chống lại chính quyền ĐCSTQ – chẳng hạn như ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), ông trùm bất động sản và ông Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), giáo sư từ Đại học Thanh Hoa; nền kinh tế suy thoái; cuộc đấu đá giữa các bè phái trong nội bộ ĐCSTQ.
Một trường hợp điển hình về đấu đá nội bộ, đó là vào ngày 18/7, tập đoàn Tomorrow Group đã phản hồi lại thông báo của Bắc Kinh về việc tiếp quản 9 công ty con của tập đoàn này bằng một “tuyên bố long trọng” trực tuyến.
Tomorrow Group do tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) thành lập vào năm 1999. Trong vòng 20 năm, công ty này đã mở rộng nhiều lĩnh vực như tài chính, công nghiệp, bất động sản, dịch vụ truyền thông, năng lượng và internet. Ông Tiêu bị cáo buộc “rửa tiền” cho các quan chức cấp cao, và bị điều tra vì có quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.
Một ví dụ khác về đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ là đoạn clip ghi hình buổi khai trương hệ thống định vị vệ tinh Beidou 3 vào ngày 31/7. Phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) – một đồng minh thân cận của ông Tập – là người chủ trì buổi lễ. Tại đó, ông Lưu đã công khai làm bẽ mặt thủ tướng Lý Khắc Cường bằng việc giới thiệu ông Lý một cách chóng vánh khiến ông không nhận được tràng pháo tay chào mừng. Điều này rõ ràng đã khiến ông Lý rất xấu hổ. Đoạn video được phát sóng trên kênh CCTV.
Tin đồn về việc ông Tập bị yêu cầu từ chức
Trong một bài báo gần đây của cây viết kỳ cựu của Nikkei – Katsuji Nakazawa – suy đoán rằng vì ĐCSTQ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, các lãnh đạo kỳ cựu của ĐCSTQ chắc chắn sẽ muốn nói chuyện với ông Tập trong mật nghị Bắc Đới Hà.
Cũng có nhiều thông tin tại Trung Quốc nói rằng các đối thủ của ông Tập đang cố gắng loại ông khỏi vị trí hiện tại.
Ví dụ, một bức thư ngỏ lưu hành trên mạng vào tháng Ba kêu gọi một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị để thảo luận về “vấn đề này”: liệu ông Tập có nên từ chức hay không. Chen Ping, một nhà tài chính nổi tiếng ở Trung Quốc đã chia sẻ bức thư lên mạng xã hội phổ biến WeChat của Trung Quốc.
Ngoài ra, một nhà quản lý quỹ đầu cơ, đồng thời là nhà phê bình thường xuyên ở Bắc Kinh Kyle Bass đã viết bài đăng trên twitter đề cập đến cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình và người đương nhiệm Tập Cận Bình. Bài đăng này đã được lan truyền trên mạng xã hội vào tháng Tư. Theo “các nguồn tin bên trong… giới tinh hoa Quảng Đông (gia đình của Bác Đặng) đang bắt đầu kêu gọi sự thay đổi để chống lại ngôi vị ‘hoàng đế trọn đời’”.
Cho đến nay, The Epoch Times vẫn chưa thể xác minh độc lập những tuyên bố này.
Trong một bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã kêu gọi thế giới tự do và người dân Trung Quốc cùng hành động để thúc đẩy sự thay đổi thực sự ở Trung Quốc.
Ông Pompeo nói: “Thay đổi hành vi của ĐCSTQ không thể là sứ mệnh của riêng người Trung Quốc. Các quốc gia tự do phải hành động để bảo vệ tự do. Nếu thế giới tự do không thay đổi … ĐCSTQ chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta”.
Có vẻ như ông Tập sẽ không bị lật đổ chỉ qua một cuộc họp ở Bắc Đới Hà. Xét cho cùng, ông Tập đã phát triển sức mạnh quân sự của mình trong 8 năm qua kể từ khi ông nắm giữ vị trí cao nhất của ĐCSTQ. Để loại bỏ ông Tập sẽ không dễ dàng như cách 2 cựu tổng bí thư Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) và Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) bị thanh trừng, do cả ông Hồ và ông Triệu đều không nắm giữ bất kỳ quyền lực thực sự nào trong quân đội.
Tuy nhiên, rất nhiều điều cho thấy một cuộc đấu tranh quyền lực chính trị có thể đang được tổ chức tại Bắc Đới Hà trong thời gian này.
Theo The Epoch Times – 12/8/20