Dấu ấn ông Tập trong bài phát biểu 30.000 từ khai mạc Đại hội đảng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dấu ấn ông Tập trong bài phát biểu 30.000 từ khai mạc Đại hội đảng
Ngày đăng 21-10-2017 
BDN 
Qua bài phát biểu dài hơn ba tiếng, ông Tập Cận Bình dường như muốn lưu dấu ấn cá nhân trong đường lối phát triển của đảng và đất nước.
Trong bài diễn văn 30.000 từ đọc trong gần ba tiếng rưỡi tại lễ khai mạc Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19 ở Bắc Kinh ngày 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh về một “kỷ nguyên mới” của nền chính trị Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản và hình dung về một Trung Quốc là “cường quốc hàng đầu thế giới” vào năm 2050.
Theo các quan sát viên, bài diễn văn tổng kết các thành tựu Trung Quốc đã đạt được trong 5 năm qua và vạch ra hướng đi cho quốc gia này trong hàng chục năm tiếp theo thể hiện rất rõ nét dấu ấn cá nhân của ông Tập. Gần như không có bất cứ lĩnh vực đời sống xã hội nào của Trung Quốc mà ông không nhắc đến trong bài phát biểu.
Nhận xét về bài phát biểu này, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng “quyền lực đang được tập trung xung quanh Chủ tịch Tập Cận Bình ở một mức độ có lẽ chưa từng có”.
Ông Tập nói về dấu ấn cá nhân trong việc đóng góp về mặt lý thuyết cho tư tưởng của đảng khi nhấn mạnh “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang thời đại mới”.
“Tôi chú ý thấy ông ấy nhắc đến chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc và một hình thái tư bản nhà nước”, SCMP dẫn lời bà Bishop. Ngoại trưởng Australia cho rằng Trung Quốc đang nổi lên như một trong những cường quốc lớn trên thế giới có đủ khả năng để “thúc đẩy và hậu thuẫn hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế”.
Về kinh tế, ông Tập hứa sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Australia nhận định rằng “sức mạnh sẽ được tập trung vào tay các doanh nghiệp nhà nước” và bày tỏ nghi ngờ về cam kết rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường “mở, tự do, minh bạch và đáng tin cậy”.
Đề cập đến “kỷ nguyên mới” của nền chính trị Trung Quốc, ông Tập cảnh báo đảng Cộng sản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nạn tham nhũng và cần phải cải cách sâu rộng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ sao chép hệ thống chính trị của các nước khác. Tuyên bố của ông là một dấu hiệu rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không quan tâm đến những quan niệm về mô hình dân chủ kiểu phương Tây.
dau-an-ong-tap-trong-bai-phat-bieu-30000-tu-khai-mac-dai-hoi-dang-1
Toàn cảnh Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
“Dưới thời Tập Cận Bình, đảng Cộng sản Trung Quốc đi theo hướng lãnh đạo của một người cứng rắn”, New York Times dẫn lời David Lampton, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại trường Johns Hopkins, nhận xét.
Các nhà phân tích và quan sát cho rằng qua việc ghi dấu ấn cá nhân trong tư tưởng và đường lối của đảng, ông Tập có tham vọng “lưu danh thiên cổ”. Theo Christopher Johnson, một chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, với tham vọng đó, ông Tập sẽ không chấp nhận bất cứ sự chống đối nào.
Trong diễn văn, ông Tập nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi và săn cáo” nhằm chống lại nạn tham nhũng. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc sau Đại hội 19 do ông Tập chỉ huy sẽ được đẩy lên một tầng nấc mới, nhắm vào những “con hổ” lớn.
Cũng trong bài phát biểu này, ông Tập còn muốn truyền đi thông điệp rằng đảng Cộng sản Trung Quốc không thể coi nhẹ việc đảm bảo an ninh trong nước.
“Vấn đề phát triển và an ninh sẽ song hành cùng nhau, đề cao cảnh giác trong thời đại hòa bình là nguyên tắc chính của đảng chúng ta trong điều hành đất nước”, ông Tập nói.
Theo giáo sư Minxin Pei, nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại đại học Claremont McKenna College ở bang California, Mỹ, trong 5 năm qua, ông Tập nổi tiếng là nhà lãnh đạo có phong cách mạnh mẽ.
“Ông ấy đã tận dụng 5 năm đầu tiên trên cương vị lãnh đạo để phá vỡ hệ thống cũ mà theo ông là tràn lan tham nhũng và quá lỏng lẻo”, giáo sư Pei nói và nhấn mạnh rằng giờ đây ông Tập muốn xây dựng “một đất nước kỷ cương”.
“Kỷ cương với tất cả mọi người. Xã hội kỷ cương. Đảng kỷ cương. Và để áp dụng kỷ cương, anh phải có một nhà nước với an ninh hùng mạnh”, ông Pei khẳng định.
Giáo sư Joseph Fewsmith tại đại học Boston cho rằng bài phát biểu khai mạc Đại hội 19 là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục có những cải cách lớn trong hệ thống chính trị và kinh tế để đạt được mục tiêu trở thành “cường quốc hàng đầu thế giới” vào giữa thế kỷ 21.
Theo ông Fewsmith, mối quan tâm hàng đầu tại Đại hội đảng lần thứ 19 là ông Tập sẽ đi xa đến đâu trong việc định hình lại các nguyên tắc hoạt động của nền chính trị Trung Quốc. “Mọi người đều nín thở chờ đợi vì cảm nhận được có điều gì đó đang thay đổi”, ông nói.