Đảo Guam và người Việt tị nạn
Bùi Văn Phú
2018-03-13
Trong những tháng tới đây, tại đảo Guam dự trù sẽ có tượng đài Lone Sailor được dựng lên, theo ban tổ chức là để nhớ đến và tỏ lòng biết ơn những thủy thủ của Hải quân Hoa Kỳ đã ra tay giúp đỡ người Việt được đưa đến tạm trú trên đảo này, cách đây 43 năm, qua cuộc di tản khỏi Việt Nam vào tháng 4/1975.
Khi xe tăng và bộ đội cộng sản tiến vào thủ đô Việt Nam Cộng hòa và Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trưa ngày 30/4/1975, hơn một trăm nghìn người Việt đã ra đi bằng máy bay và thuyền bè. Những người tị nạn đầu tiên rời Việt Nam hầu hết ai cũng đã phải qua Guam, một hòn đảo ở Thái Bình Dương. Nơi đó chính phủ Hoa Kỳ đã dựng lều trại để đón nhận và tiến hành các thủ tục nhập cư vào Mỹ cho người tị nạn Đông Dương, hầu hết là người Việt.
Trong số 130 nghìn người Việt rời Việt Nam ngay trong biến cố 30/4, khoảng 110 nghìn người đã được đưa đến Guam, số còn lại qua đảo Wake hay được đưa thẳng từ các trại tị nạn ở Thái Lan, Philippines đi định cư ở một quốc gia thứ ba ngoài Hoa Kỳ.
Chiến dịch “Đời sống mới” với mục đích chăm sóc người tị nạn trên đảo Guam do Hải quân Hoa Kỳ đảm trách. Ai từng ở Guam chắc còn nhớ những buổi xếp hàng dưới cơn nắng hải đảo để ăn cơm ngày hai bữa, nhớ buổi tối xem phim ngoài bãi biển, nhớ những ba-rắc ở Asan, những căn lều ở Orote Point hay nhà vòm trong căn cứ không quân Anderson Air Force Base đã là nơi tạm trú một vài tuần hay vài tháng trên đường định cư.
Hôm 10/2/2018 vừa qua, Đề đốc hồi hưu của Hải quân Hoa Kỳ Frank Thorp, hiện là giám đốc điều hành US Navy Memorial, đã đến San Jose nói về dự án xây dựng tượng đài Lone Sailor tại đảo Guam và ông đã có nhiều buổi tiếp xúc với người Việt tại đây.
Buổi sáng, Đề đốc Thorp đã được Nghị viên Nguyễn Tâm và ông Lê Thái Phúc, hội trưởng Hội Bạch Đằng chào đón tại tòa thị chính San Jose. Khoảng 40 khách có mặt, trong đó có Đề đốc Trần Văn Chơn, cựu tư lệnh Hải quân, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, giám đốc Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa; cựu Đại tá Trần Thanh Điền, cựu sĩ quan hải quân Vương Thế Tuấn, cựu sĩ quan không quân Trịnh Tùng cùng nhiều nhân sĩ, đại diện cộng đồng.
Sau buổi gặp gỡ tại toà thị chính do Hội Bạch Đằng và cô Phạm Thanh Nga tổ chức, khách và phái đoàn của Đề đốc Frank Thorp đã dùng cơm trưa thân mật tại nhà hàng Ta.
Ông Phạm Phú Nam, giám đốc Dân Sinh Media, nhận định về sự kiện người tị nạn Việt bày tỏ lòng nhớ ơn những thuỷ thủ của Hải quân Hoa Kỳ là điều nên làm, vì đọc lại lịch sử cuộc di tản tháng 4/1975 nếu không có sự giúp đỡ của Hải quân Mỹ, nhiều người có thể đã không đến được bến bờ tự do.
Là một cựu sĩ quan hải quân, ông Nam ở lại sau ngày 30/4/1975, đi tù cải tạo và vượt biển. Qua Mỹ, khi thực hiện những phim tài liệu về cuộc chiến Việt Nam, ông Nam nhận ra sự đóng góp của Hải quân Mỹ là rất to lớn vì đã hướng dẫn đoàn tàu di tản và cứu vớt hàng trăm nghìn người Việt lênh đênh trên biển, đưa họ đến bến bờ bình yên ở Guam.
Buổi chiều cùng ngày, Đề đốc Frank Thorp tham dự một buổi gặp mặt nữa do cựu sĩ quan không quân Tony Nghĩa Trần và cô Tana Thái Hà tổ chức tại tư gia của anh chị Nghĩa. Khách đến dự có ông bà Vũ Văn Lộc, có cựu phóng viên báo San Jose Mercury News Trần Đệ; bà Trương-Gia Vy, chủ nhiệm tuần báo Việt Tribune; luật sư Đỗ Quý Dân, nha sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, cựu sĩ quan cảnh sát Dư Quang Nê, ông bà Phạm Phú Nam, tất cả chừng 30 người.
Theo lời ông Phạm Phú Nam, một người đã tham dự tất cả các buổi gặp gỡ với Đề đốc Frank Thorp tại San Jose thì kết quả tài chánh khả quan.
Công ty US Money Reserve tặng 50,000 đô la. Chị Phạm Thanh Nga và anh Roger Quan đóng góp tiên khởi 50,000 đôla.
Còn cô Thái Hà cho biết đã gây quỹ được 31,550 đôla trong buổi gặp gỡ tại nhà anh chị Nghĩa. Nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh cũng ủng hộ cho dự án xây dựng tượng đài này.
Tổng cộng số tiền gây quỹ cho việc xây dựng tượng đài Lone Sailor trên đảo Guam tính đến nay đã được 141,000 đôla, gần một nửa số kinh phí dự trù cho dự án là 300,000 đôla.
Cô Thái Hà cho biết vào ngày 13/4/18 tới đây sẽ có bữa tiệc gây quỹ tại nhà hàng Dynasty trong khu Little Saigon, San Jose. Ngoài ra cũng còn có những sinh hoạt nhóm tiếp tục gây quỹ ở hai miền nam, bắc California để đạt được kinh phí cần có.
Dự trù ngày 30/4/2018 tới đây tượng đài Lone Sailor sẽ được đặt trong khuôn viên của dinh thống đốc Guam, lúc nào cũng mở cửa cho công chúng tới thăm. Tượng đứng ngó về hướng khu vực bãi biển nơi lều trại đã được dựng lên để đón tiếp người tị nạn đến từ Việt Nam năm 1975.
Nhắc đến lịch sử di dân của Hoa Kỳ, những thế kỷ trước Ellis Island ở New York đã là trung tâm làm thủ tục nhập cư cho hàng triệu di dân đến Mỹ từ châu Âu, hay Angel Island trong Vịnh San Francisco là nơi tiếp nhận người nhập cư từ Trung Hoa, thì Guam được coi như Ellis Island ở Thái Bình Dương của người Việt tị nạn.
Cô Thái Hà kêu gọi người Việt đóng góp cho dự án này với tâm tình sau:
“Tất cả chúng ta, đã từng có lúc lênh đênh trôi dạt trên biển, lạc mất phương hướng, đau đớn với thân phận VÔ TỔ QUỐC, chỉ biết tuyệt vọng cầu xin được cứu vớt, được an toàn đến bến bờ tự do. Chỉ biết trông chờ, tin tưởng vào tấm lòng bác ái của Hải Quân Mỹ, và niềm tin đó không sai.
Vậy, xin hãy nhiệt tình đóng góp vào việc xây dựng bức tượng. Người đóng góp một trăm, người hai trăm, hoặc năm trăm, một ngàn để đặt tên mình trên một viên gạch kỷ niệm xung quanh tượng, trên con đường lát gạch mang toàn tên người Việt, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn hay Vũ, Phạm, Hoàng, Bùi, Hồ, Đặng, Đoàn, Trương v.v…
Hãy cùng lát đầy khắp nơi trong khuôn viên và in dấu những bước chân Việt Nam. Hãy cùng góp phần xây dựng The Lone Sailor tại Guam, như một lưu dấu của những người Việt tị nạn luôn thiết tha tri ân đất nước Hoa Kỳ về những cưu mang giúp đỡ trên bước đường tìm tự do của chúng ta. Hãy cùng cất cao lời hát tri ân, vốn là bản sắc văn hóa, là truyền thống lễ nghĩa của người Việt Nam.”
Vậy, xin hãy nhiệt tình đóng góp vào việc xây dựng bức tượng. Người đóng góp một trăm, người hai trăm, hoặc năm trăm, một ngàn để đặt tên mình trên một viên gạch kỷ niệm xung quanh tượng, trên con đường lát gạch mang toàn tên người Việt, từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn hay Vũ, Phạm, Hoàng, Bùi, Hồ, Đặng, Đoàn, Trương v.v…
Hãy cùng lát đầy khắp nơi trong khuôn viên và in dấu những bước chân Việt Nam. Hãy cùng góp phần xây dựng The Lone Sailor tại Guam, như một lưu dấu của những người Việt tị nạn luôn thiết tha tri ân đất nước Hoa Kỳ về những cưu mang giúp đỡ trên bước đường tìm tự do của chúng ta. Hãy cùng cất cao lời hát tri ân, vốn là bản sắc văn hóa, là truyền thống lễ nghĩa của người Việt Nam.”
© 2018 Buivanphu.wordpress.com