Đảng Tân Đại Việt và tiến trình Xây dựng Dân Chủ trong bối cảnh chánh trị Miền Nam Việt Nam trong hai thập niên 1955-1975 – Bs Mã Xái
Bác Sĩ Mã Xái
Chúng ta thường nghĩ Việt Nam Cộng Hoà như một định chế liên tục trong hai thập niên (1955-1975), thật sự những nỗi thăng trầm trong chánh trường Miền Nam đưa đẩy vận mệnh nền cộng hoà theo 3 giai đoạn: Đệ Nhứt Cộng hoà Việt Nam (1955-1963) và Đệ Nhị Cộng hoà Việt Nam (1967-75) với một khoảng giữa bốn năm (1963-1967) mà các sử gia gọi là giai đoạn “giao thời (interregnum period)” dưới quyền cai trị của các tướng lãnh chủ yếu là Hội đồng Quân nhơn Cách mạng,Hội đồng Quân lực, Uỷ Ban Lãnh đạo Quốc Gia. Trong ba giai đoạn lich sử đó, các chánh đảng và đảng Tân Đại Việt đã góp phần vào tiến trình xây dựng dân chủ cho Miền Nam trong bối cảnh chiến tranh ác liệt với đối phương là một nhà nước đôc tài toàn trị cộng sản Hà Nội ; đã vậy chánh phủ Miền Nam còn phải đối phó với một đồng minh khó tin cậy là Hoa Kỳ.
Trong giai đoạn 1955-1963 sự thành lập Việt Nam Cộng Hoà (1955-1963) thực sự là niềm hãnh diện dân tộc, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, chuyển mình từ Quốc gia Việt Nam ( Etat du Việt Nam) , và người có công sáng lập nền Cộng hoà đầu tiên chính là chí sĩ Ngô Đình Diệm. Người là vị tổng thống đầu tiên của Miền Nam Việt Nam, giành lại sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia khi tuyên bố rút ra khỏi Liên Hiệp Pháp và thiết lập nền Cộng Hoà dựa trên Hiến Pháp được Quốc Hội phê chuẩn ngày 26 -10-1956 dẫn tới sự khai sinh Việt Nam Cộng hoà , với đầy đủ thể chế tam quyền phân lập. Dù đất nước trong hoàn cản khó khăn, trước quyết tâm xâm lược Miền Nam của cộng sản Hà Nội, chánh phủ Ngô Đình Diệm, và tạo được một giai đoạn đất nước an bình, phát triển ổn định. Nhưng lịch sử lại sang trang với cuộc Đảo chánh ngày 1-11-1963
Giai đoạn “giao thời” hậu cách mạng ( 1963-67) là một thời kỳ xáo trộn chánh trị, an ninh, xã hội, đất nước được quản trị bởi các hội đồng quân nhơn với sự tham gia của các viên chức dân sự, đa số là thành phần lãnh đạo chánh đảng truyền thống hay tôn giáo. Chính trong thời kỳ quân quản này mà Đảng Tân Đại Việt xuất hiện ( 14-11-1964) mang đến một luồng gió mới trong sanh hoạt chánh trị, mở màng tiến trình xây dựng dân chủ tại Miền Nam Việt Nam, trong bối cảnh chiến tranh quốc cộng lan rộng (lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa hai tiểu doàng Thuỷ Quân Lục Chiến đổ bộ lên Đằ Nẳng, năm 1965, và đến năm 1967 số quân tham chiến tại Miền Nam tăng lên đến 500 ngàn) và năm 1967 cũng là năm phong trào phản chiến Mỹ nổ bùng khắp nước.
Đảng Tân Đại Việt thành lập một năm sau ngày Đệ Nhứt Cộng Hoà sụp đổ, tách ra từ Đại Việt Quốc Dân Đảng của nhà ái quốc Trương Tử Anh sáng lập từ năm 1939 tức trong năm Đại chiến Thế giới thứ II bùng nổ; đảng Đại Việt chủ trương chống cộng sản, chống Pháp, chống độc tài phong kiến, dưới ánh sáng của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, một hệ thống tư tưởng triết học và chánh trị do chính Đảng trưởng đề xuất nhằm chống lại chủ nghĩa Mác- Lênin. Đảng Đại Việt sớm phát triển rộng khắp ba miền Việt Nam với những Xứ Bộ Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam. Sau Hiệp định Genève 54,cùng chia sẽ nổi đau thương của dân tộc đảng Đại Việt phải tìm không gian sinh tồn dưới vĩ tuyến 17 trong môi trường mới ở Miền Nam tự do.
Cuối năm 1963, chấm dứt thời kỳ lưu vong, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy một thành viên cao cấp của Xứ Bộ Đại Việt Miền Nam từ Pháp trở về, với quyết tâm xây dựng một hệ thống chánh đảng trưởng thành, ông bắt tay ngay vào cuộc vận động với các Xứ Bộ Miền Bắc và Xứ Bộ Miền Trung, nhằm chuyển hướng công cuộc đấu tranh cho phù hợp với tình hình mới. Nhưng ông không tìm được sự đồng thuận của hai Xứ Bộ nhằm “biến cải” sách lược từ đấu tranh cách mạng bạo lực của Cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh sang đường lối đấu tranh chánh trị công khai hợp pháp, nên Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy quay ra vận động với Xứ Bộ Miền Nam; toàn thể đồng ý tách ra khỏi đảng Đại Việt, và quyết định thành lập đảng mới dưới danh xưng Đảng Tân Đại Việt ngày 14 tháng 11 năm 1964 với chủ trương sanh hoạt và tổ chức theo đường lối mới, theo nguyên tắc dân chủ, thay thế chủ trương quyền uy lãnh tụ chế, bỏ đường lối bí mật của thời cách mạng mà ra hoạt động công khai, hợp pháp, bất bạo động như một đảng chánh trị ở phương Tây .Về hệ tư tưởng, GS Nguyễn Ngọc Huy triển khai Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của Cố Đảng Trưởng Trương Tử Anh thành hai bộ sách Dân Tộc Sinh Tồn-Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa học, phù hợp với tình hình mới, làm kim chỉ nam cho đảng trong công cuộc đấu tranh chống cộng sản và việc xây dựng một Việt Nam Tự Do, Dân chủ, Pháp trị. Thực hiện chủ trương dân chủ hoá đất nước, Đảng Tân Đại Viêt cùng với các tôn giáo, đảng phái thúc đẩy Chánh quyền quân nhơn bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ; và một Hiến Pháp 1967 ra đời , được công bố chánh thức ngày 01-04-67 dẫn đến sự thành lập nền Đệ nhị Viêt Nam Cộng hoà ( 1967-1975). Lịch sử sẽ cũng không quên công trình của GS Nguyễn Ngọc Huy và GS Nguyễn Văn Bông ( lúc bấy giờ là Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh) thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến ( PTQGCT) ( 1969),sau Biến cố Mậu Thân, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chánh trị với cộng sản Hà Nội và tay sai trước viễn ảnh của Hiệp định Paris 73. PTQGCT thêm một lần nữa triển khai đường lối đấu tranh của Phong trào được trịnh trọng ghi trong HP-1967 : “quốc gia công nhận chánh đảng giữ vai trò thiết yếu trong chế độ dân chủ, khuyến khích tiến tới chế độ lưỡng đảng , quốc gia công nhận định chế hoá đối lập”. Ngày PTQGCT ra mắt quốc dân, Chủ tịch của Phong Trào- GS Nguyễn Văn Bông- tuyên bố vị thế đối lập chánh trị với chánh quyền. Nhiều người lúc bấy giờ vẫn còn lẫn lộn giữa đối lập và chống đối, phản kháng. Đảng đối lập là một tổ chức, môt tập thể sanh hoạt hợp pháp công khai, bất bạo động , và có vai trò vừa kiểm soát chánh quyền vừa có vai trò hợp tác vì quyền lợi tối thượng của quốc gia ( chú thich# 9 ) Chủ truơng này của Phong trào giải thích sự tham gia của cố GS Nguyễn Ngọc Huy tham dự phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc hoà đàm Paris, và cuộc thương thuyết La Celle Saint Cloud( Pháp Quốc). Dù trong hoàn cảnh chiến tranh, VNCH vẫn thực hiện gần như trọn vẹn việc thành lập các định chế tam quyền phân lập lại có thêm Giám Sát Viện. Đảng Tân Đại Việt có liên danh tranh cử Tổng thống , đưa đảng viên tranh cử vào hai viện Lập Pháp ( Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện ) theo qui chế bầu cử tự do trong một quốc gia đa đảng ( có 23 chánh đảng hợp pháp theo đạo luật chánh đảng 1969)Trong quốc hội cũng đã có những kết hợp dân biểu thành Khối thân chính, Khối đối lập, Khối độc lập…Khối Dân Quyền là tiếng nói chánh thức của Đảng Tân Đại Việt tại Hạ Nghị Viện.
Trong khuôn khổ Hiến pháp 1967, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng Thống ngày 3 tháng 9 năm 1967 do dân trực tiếp bầu . Một quốc gia do nhơn dân làm chủ đất nước, một chánh quyền của dân, do dân và vì dân với một nền dân chủ pháp trị được khai mở .TT là người có quyết tâm chống cộng,dưới sự lãnh đạo của ông tình hình chánh trị Miền Nam được lần lần ổn định trở lại và Đệ nhị VNCH đạt được những thành tựu đáng kể trong nổ lực xây dựng dân chủ và phát triển đất nước ngay trong thời chiến . Nhưng rồi tình thế chuyển biến đi vào một bước ngoặt mới khi người đồng minh Hoa kỳ vì quyền lợi quốc gia lại thay đổi chiến lược, phản bội mục tiêu ban đầu là ủng hộ Miền Nam Việt Nam trong vai trò tiền đồn bảo vệ tự do dân chủ ,ngăn chận làn sóng cộng sản bành trướng nhuộm đỏ Đông Dương , và tệ hại hơn nữa Hoa Kỳ còn toa rập với Bắc Kinh và Hà Nội bán đứng VNCH cho cộng sản Bắc Việt thông qua Hiệp Định Paris 73 , bắt đầu bằng những mật đàm giữa Kissinger và Xuân Thuỷ vào năm 1968, sau Biến cố Mậu Thân. Lần lần, Hoa Kỳ cũng rút hết quân đội về, cắt ngoại viện , quân viện trong khi Bắc Việt tiếp tục được viện trợ dồi dào liên tục từ các đồng minh cộng sản..Trong hoàn cảnh khó khăn đó, TT Thiệu vẫn tin là Washington sẽ can thiệp khi CSVN vi phạm Hiệp định Paris . Qua Hiệp định Paris, thái độ trịch thượng của đồng minh Hoa kỳ hiển lộ hơn trong việc tự tiện qua mặt VNCH để thương thảo và ký kết với Bắc Việt là một vi phạm đối với chủ quyền của VNCH, và Hoa Kỳ còn đe doạ và ép buộc TT Thiệu chấp nhận điều khoản bất lợi cho Miền Nam. Trong hai lần sụp đổ chế độ VNCH đều có bàn tay của Hoa Thanh Đốn.Đây cũng nên rút tỉa cho bài học về đồng minh trong vận động quốc tế hổ trợ cho công cuộc đấu tranh.
Sau Hiệp định Ba Lê 1973, người Mỹ rút hết quân khỏi Miền Nam, sự tồn tại của VNCH rõ ràng bị đe doạ, cuộc tranh đấu chống cộng sản mang một hình thái mới cho chánh phủ VNCH, cho đảng phái, đoàn thể, tôn giáo, quầnchúng. Tổng thống Thiệu cương quyết không thi hành hiệp định Paris và đưa ra chủ trương 4 Không để đối phó với sự xâm lăng của CSVN . Lập trường các chánh đảng, tôn giáo, tổ chức xã hội lại một lần nữa thể hiện một cách rõ rệt qua các Khối trong Quốc Hội VNCH ; nhóm “đối lập quá khích” do sự thúc đẩy của phía Phật Giáo Ấn Quang, đòi tổng thống Thiệu phải ra đi, làm lại Hiến pháp mới , thậm chí còn rủ rê Đảng Tân Đại Việt làm cuôc đảo chánh; nhóm này còn chủ trương hoà giải với cộng sản,và là tiếng nói của “thành phần thứ ba” dự liệu trong Hội Đồng Hoà Giải Hoà Hơp Dân Tộc ; một số trong nhóm này ủng hộ” giải pháp Dương Văn Minh “. Về phía Công Giáo Việt Nam cũng có một số ít chủ trương hoà giải với Cộng Sản và cũng đòi thi hành hiệp định Paris, hoặc chủ trương ủng hộ“ lực lượng thứ ba”mà đa số do cộng sản cài vô. Trong những năm tháng cuối cùng của chế độ Cộng hoà, tình hình nội tình Miền Nam chia rẻ quá độ giữa những người quốc gia với nhau mà Tổng thống Thiệu vẫn còn hi vọng Mỹ sẽ can thiệp khi cộng sản vi phạm hiệp định Paris như họ đã hứa, trong lúc vị lãnh đạo quốc gia không còn đủ thời gian và cơ hội để huy động sự đoàn kết toàn dân trước nguy cơ của đất nước để đối phó với tinh thế.Ông chủ trương“ Làm chánh trị phải lì” với khuynh hướng cũng cố quyền lực và trở nên độc tài trong cái khung hiến pháp, bắt đầu từ nhiệm kỳ (1971-75) ông chi phối cả hai viện quốc hội và tư pháp, vận động quốc hội kéo dài nhiệm kỳ và được tái ứng cử tổng thống kỳ ba.
Trong quá trình lãnh đạo đất nước trong tám năm, TT Nuyễn Văn Thiệu không coi trọng vai trò thiết yếu của chánh đảng trong mục tiêu xây dựng dân chủ hợp hiến trong thời chiến; cố Giáo sư chủ tịch Đảng Tân Đại Việt đã đề nghị với Hành pháp cần tu chính lại qui chế chánh đảng 1972 để tạo môi trường thuận lợi cho các chánh đảng quốc gia phát triển và tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chánh trị, khuyến khích thành lập chế độ lưỡng đảng, tiến tới việc định chế hoá đối lập như HP-1967 qui định; những điều kiện khắc khe trong sắc luật chánh đảng thời đó ( sắc luật 1972) dẫn tới kết quả là chỉ còn một đảng cầm quyền hợp pháp là đảng Dân Chủ do chính ông thành lập từ năm 1967. Trong hoàn cảnh chánh trị khó khăn, sáu chánh đảng dự định thành lập một Liên Minh Quốc gia Dân chủ Xã Hội, nhưng cũng không hội đủ điều kiện về số 20 ngàn đảng viên để được hợp thức hoá.
Nhưng rồi Miền Nam sụp đổ 30-04-1975 vì những sai lầm của người Mỹ ;cách thức can thiệp và tháo chạy của người Mỹ làm hại đến tiềm lực đấu tranh của người Việt quốc gia, nhưng chính người quốc gia cũng chia rẻ quá mức lúc bấy giờ , mà chánh quyền thì chưa có sách lược hữu hiệu để đoàn kết toàn dân.
Tạm kết:
Tuy nhiên, trong hai thập niên ngắn ngủi, Đảng Tân Đai Việt cùng các chánh đảng quốc gia và toàn dân Miền Nam đã có những đóng góp đáng ghi nhận trong việc xây dựng dân chủ Miền Nam Việt Nam ngay trong thời chiến sau khi nước nhà giành lại nền độc lâp không lâu; dưới thời Đệ nhị Cộng hoà , các định chế hợp hiến dân chủ được thành lập ( hành pháp, lập pháp, tư pháp); chánh đảng được hiến pháp công nhận có vai trò chủ yếu trong quốc gia dân chủ; sinh hoạt dân chủ trong quốc hôi lưỡng viện phản ảnh trung thực của dân, của các đoàn thể áp lực đảng phái bên ngoài với tiếng nói bất đồng chánh kiến.
Thêm vào đó, các buổi Hội luận gần đây tại các Đại học Cornell, Đại học Berkeley cũng nói lên thành tựu xây dựng quốc gia trong thời chiến của VNCH, đánh bạt những vu khống của phong trào phản chiến ở Mỹ trong giửa thập niên 1960s.
Sự thực không thể chối cải là dân chúng dưới chế độ VNCH có đời sống hạnh phúc, thoái mái, tự do , dân chủ, quyền con người được tôn trọng( tự do báo chí, tín ngưỡng, hội họp, thành lập nghiệp đoàn, bầu cử tự do …hơn hẳn chế độ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Viêt Nam sau hơn bốn mươi năm Đảng CSVN cưởng chiếm Miền Nam.
Nếu buổi Hội thảo chánh trị hôm nay , đem lại cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm về VNCH và nếu có thể rút ra những bài học kinh nghiệm hửu ích cho việc tranh đấu xây dựng một thể chế dân chủ pháp trị, một quê hương thạnh vượng và phú cường,, một xã hội tự do cho tương lai thì hy vọng và mục tiêu của buổi luận hôm nay đã đạt được .
Đảng Tân Đại Việt, dưới ánh sáng của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, tiếp tục hổ trợ đồng bào trong nước cùng toàn dân trong công cuộc đấu tranh cho đến khi chế độ độc tài toàn trị CSVN bị giải thể./.
Bác Sĩ Mã Xái – Cựu Dân Biểu VNCH
Chú thích và Tài liệu tham khảo:
1-“DÂN TỘC SINH TỒN Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học” do Hùng Nguyên Nguyễn Ngoc Huy Quyển I và II xb 1964.
2-Việc thành lập Việt Nam Cộng Hoà : Ngày 16/6/1954,Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng Chánh phủ ;nội các thành lập ngày 06-07-1954-Thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý” 23-10-1955 , truất phế Bảo Đại, chấm dứt chế độ quân chủ ở Việt Nam và thành lập quốc gia VNCH ở phía nam vĩ tuyến 17; Hiến pháp Đệ Nhứt VNCH được phê chuẩn 26-10 -1956, đưa tới việc chọn Ngô đình Diệm làm Tổng thống.. Trong việc truất phế Quốc trưởng Bảo Đại , Ông Diệm được Hội Đồng Nhơn Dân Cách Mạng hậu thuẩn, gồm các chánh đảng ,tổ chức,đoàn thể, như Việt Nam Dân chủ Xã Hội Đảng , Việt Nam Phục Quốc Hội , Việt Quốc…với sự có mặt của các nhơn vật lãnh đạo các chánh đảng như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Nhị Lang. Hội Đồng Nhân dân Cách Mạng mở đại hội ngày 29-04-1955, trong Dinh Độc Lâp.
3-NHÓM CARAVELLE tức Nhóm Tự Do Tiến Bộ gồm 18 chánh khách thuộc nhiều khuynh hướng chánh trị khách nhau, chống cộng và có khuynh hướng đối lập với chánh quyền Ngô Đình Diệm. Nhóm đưa ra Tuyên cáo Carawelle ( ngày 26-04-1960)chỉ trích chánh sách sai lầm của chánh quyền về chánh trị, kinh tế quân sự, xã hội, gây sự bất mãn trong dân chúng, làm suy giảm tiềm lực đấu tranh diệt trừ công sản….” chúng tôi thỉnh cầu chính quyền gấp thay đổi chánh sách để cứu vãn tình thế , bảo vệ chế độ Công hoà và bảo vệ sự sống còn của Quôc gia…” Tuyên ngôn của nhóm Caravelle là mốc dấu tranh dân chủ của môt tập hơp phản ảnh tinh thần đoàn kết giữa những chánh đảng ( Đai Viêt, Viêt Nam Quốc Dân Đảng,Nhóm Tinh Thần, đảng Phục Hưng, Mặt Trân Đoàn Kết quốc Dân…)và những đoàn thể tôn giáo có ảnh hưởng lớn như Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài, Phật Giáo, Công giáo, với sự có mặt cùa những gương mặt lớn : Trần Văn Văn, Phan Khắc Sữu, Trần Văn Tuyên, Phan Huy Quát, Lương Trọng Tường, Trần Văn Hương, Trần Văn Đỗ, Hồ Văn Vui…
4-“VOICE FROM THE SECOND REPUBLIC of SOUTH VIETNAM “( 1967-1975) K.W Taylor, Editor, Cornell Southeast Asia Program Publications; ấn hành năm 2014.Tôi có bài tham luận đăng trên ấn bản này “ The Tan Dai Viet Party and its Contribution to Building Democracy in the Second Republic of Vietnam.” Sách hiện có bán trên website Amazon.com. Tháng Tư/năm 2016 một buổi Hội Luận The VIETNAM WAR SUMMIT được tổ chức tại Thư Viện LBJ , Đai Học Texas ở Austin.
5.Tài Liệu về buổi hội thảo tại trường đại học UC Berkeley ngày 17-18 tháng 10 năm 2016 “ Nation-Building in War: The Experience of the Republican Vietnam”. Việt Báo, Báo Người Việt, WEB Việt Thức có phổ biến tin tức về Hội thảo này có sự đóng góp kkhá đầy đủ các giới tinh hoa của hai chế độ Đệ Nhứt và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà với các đề tài chánh trị, quân sự,kinh tế, xã hội , giáo dục, nghệ thuật.
6- “ GỌNG KÌM LỊCH SỬ” cựu Đại Sứ Bùi Diễm, do Cơ sở xuât bản Phạm Quang Khai năm 2000.
7._” ĐẤT NƯỚC TÔI” Nguyễn Bá Cẩn; CựuThủ Tướng VNCHHồi Ký Chánh trị- 2003
8- “ VIỆT NAM NHÂN CHỨNG“.Trần Văn Đôn Xuân Thu xb năm 1989
9-“VẤN ĐỀ ĐỐI LẬP TRONG CHÁNH THỂ DÂN CHỦ. Diễn văn khai mạc tại Trường Luật của GS NGUYỄN VĂN BÔNG,Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh-VNCH,. ngày 1-8-1963. Di Cảo. Mêkong-Tỵ Nạn xb 2008
* Ghi chú: Bài tham luận n cũng là Diễn văn Khai Mạc Chào Mừng Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt (14/11/1964-2016) BBT