Đảng Tân Đại Việt Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới
Chào mừng những ngày lễ lớn năm nay, Đảng Tân Đại Việt xin kính gởi lời thăm hỏi và kính chúc đến đồng bào trong nước và hải ngoại một Mùa Giáng Sinh vui tươi, an bình, hạnh phúc và một Năm Mới mọi sự như ý.
Kính thưa Đồng bào,
Thế giới đang đi vào năm mới với nỗi bi quan nhìn nhà cầm quyền CSVN đang khép dần cánh cửa hy vọng của người dân đã bao năm mong cầu một quê hương tự do, dân chủ thạnh vượng và quyền con người được tôn trọng. Thay vào đó, chuẩn bị cho Đại Hội Đảng CSVN XII, nhà cầm quyền cộng sản Viêt Nam mở hàng loạt vụ tấn công các nhà hoạt động nhân quyền chung quanh Ngày Nhân quyền Quốc Tế (10/12/1948-2015), và bỏ tù những nhà tranh đấu bất đồng chánh kiến, điển hình là vụ bắt luật sư Nguyễn văn Đài về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, khiến các nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền trong và ngoài nước quan tâm về đường hướng quản trị đất nước của tập đoàn lãnh đạo tân cử CSVN sau Đại hội XII. Không ít nhân sĩ trí thức với nhiều gương mặt nổi bật lên tiếng qua Thơ ngỏ cho đảng CSVN ngày 9/12/2015, trước ngày Hội Nghị Trung ương 13 khai mạc (14/12/2015) kêu gọi thay đổi chế độ chính trị, xây dựng tự do dân chủ để cứu nguy đất nước và dân tộc. Chào mừng những ngày lễ lớn, kính xin đồng bào nhìn lại bức tranh ảm đạm của hiện tình xã hội chánh trị quê hương dưới chế độ độc tài, độc đảng, toàn trị CSVN, cùng đóng góp suy nhĩ về Thư ngỏ của những nhân sĩ trí thức kêu gọi dân chủ hoá đất nước; ý chí đấu tranh cần được tiếp nối nuôi dưỡng cho đến lúc chế độ độc tài toàn trị CSVN phải giải thể, chủ nghĩa Mác Lê phải được vứt bỏ.
Liệu có triển vọng Thay đổi trong Năm Mới sau Đại hội ĐCSVN XII?
Lùi lại bốn thập niên, từ sau ngày cưỡng chiếm Miền Nam (30-4-1975) Đảng CSVN áp đặt chế độ toàn trị, độc tài, độc đảng dẫn dắt cả dân tộc theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Dù trải nghiệm qua mấy thập niên “đổi mới nửa vời” trên đường bước vào con đường toàn cầu hoá nhờ sự nâng đỡ của Tây Phương, nhứt là Hoa Kỳ, Đảng CSVN dưới trào Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định bám giữ thể chế độc tài toàn trị, đi ngược lại xu thế thời đại dân chủ nhân quyền. Chuẩn bị cho Đại Hội đảng Cộng sản toàn quốc XII dự trù vào cuối tháng 1/2016, theo lời TBT Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương ĐCSVN thứ 13 khai mạc hôm 14/12 để thảo luận và quyết định vấn đề bầu bán nhơn sự, nhất là vấn đề gai gốc “là bộ tứ quyền lực “- (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội). Dù không biết chắc ai sẽ là lãnh tụ đảng, là Dũng, là Trọng hay Sang, nhưng dựa vào Văn kiện trình cho Đại hội XII những điểm chánh vẫn bao gồm lại những gì Nguyễn Phú Trọng thường rao giảng: ĐCSVN lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nếu dự thảo cương lĩnh mà nội dung chỉ là bản sao chép từ Đại Hội XI thì viễn kiến cho tương lai đất nước sẽ phải vô cùng đen tối. Với mô hình phát triển như vậy, đất nước đã lùi vào thế tụt hậu, đứng sau những quốc gia mà trước năm 1975 kém hơn VNCH như Nam Hàn, Singapore nay trở thành những quốc gia phát triển. Và một tập đoàn trung thành với chủ nghĩa Mác Lê, một đất nước lệ thuộc vào đồng chí cùng ý thức hệ phương Bắc, thì họa mất nước vào tay Trung Cộng chắc đã gần kề: Hoàng Sa mất từ 1974 và lần lượt đến các đảo trong quần đảo Trường Sa mà biến cố nổi cộm là việc Trung Cộng xây đấp bảy đảo nhơn tạo, thiết lập cơ sở quân sự, đường băng, bến cảng; và Bắc Kinh còn cho biết họ có thể mở vùng nhận dạng phòng không và tuyên bố có chủ quyền không tranh cải trên Đường Chín đoạn. Còn các đảo trong Biển Động thuộc về Trung hoa từ thời xa xưa mà Tập Cận Bình đã nói thẳng với TT Obama tại Nhà Trắng (25/9/2015) và với Thủ tướng Singapore (7/11/2015), một thành viên của ASEAN. Và chưa hết, Thứ trưởng TC Ngoại giao Lưu Chấn Dân cũng đã tuyên bố TC không ngưng xây dựng ở Biển Đông “Trung Quốc đã kềm chế nhiều vì đã không thu hồi hết các đảo trên Biển Đông bị các nước chiếm đống”. Sự thể nhục nhã diễn ra vì cấp lãnh đạo CSVN đã tự nguyện làm thân thừa sai cho Trung Cộng, nhứt là kể từ sau Thoả thuận Thành Đô (1990). Trung Cộng sẽ không chùn tay xâm lược Biển Đông khi chế độ hèn với giặc ác với dân còn đó. Sau biến cố HD-981 (5/2014), Bộ chánh trị CSVN mới sáng mắt ra, thấy chỗ dựa ý thức hệ Mác Lê với đồng chí Trung Nam Hải đã thật sự lung lay; chỉ còn Hoa Kỳ là nơi cho chỗ dựa mới trong mối quan hệ đối tác toàn diện từ 2013 và sau những vận động ngoại giao con thoi, mối quan hệ Việt Mỹ đi vào thời kỳ mới ở tầm cao, đánh dấu bước ngoặc quan trọng mới trong bang giao Việt Mỹ (7/2014). Tình hình Biển Đông càng ngày trở nên căng thẳng trước động thái gây hấn, thay đổi nguyên trạng, quân sự hoá vùng tranh chấp, khiến Hoa Kỳ nhâp cuộc mạnh mẽ hơn cho quyền lợi quốc gia và quyết tâm hơn trong việc bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển trên không phù hợp với luật pháp quốc tế, với công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS); nhưng chánh phủ Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền biển đảo, trong đó có Việt Nam, Philippines, Bruinie, Indonesia Mã Lai, và cả Đài Loan. Một lần nữa tại thượng đỉnh APEC và thượng đỉnh Đông Á EAS và ASEAN (11/2015), TT Obama kêu gọi các bên ngưng cải tạo đảo, không xây dựng thêm và không quân sự hoá vùng có tranh chấp, kêu gọi gìn giữ hoà bình và ổn định trong khu vực; Hoa Kỳ kêu gọi ASEAN và TC thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm thực hiện bộ qui tắc ứng xử COC cho Biển Đông. TT Obama tái khẳng định tiếp tục chiến dịch tự do lưu thông trên biển trên không. Gần đây Úc cũng mở cuộc tuần tra vào vùng đảo nhơn tạo.
CSVN không dám đưa Trung Cộng ra Toà án Trọng tài Quốc tế La Haye như Phi Luật Tân đã làm. Trong các va chạm xảy ra giữa Trung Cộng và Hà Nội, nhà cầm quyền CSVN chỉ phản đối lấy lệ, khuôn sáo, rồi giàn xếp ôn hoà nhưng bất lợi cho phía Việt Nam, trong khuôn khổ tình hữu nghị 16 chữ vàng, bốn tốt, theo các điều khoản trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Trung; điển hình là “thông điệp” chỉ đạo của Tâp Cận Bình đọc ngay trước Quốc hội CSVN trong chuyến viếng thăm Hà Nội (5-6/11/2015) và đàng sau hậu trường, có ai nghi ngờ gì về áp lực của Tập trên vấn đề nhân sự và định hướng cương lĩnh cho Đại Hội XII. Việc Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục 7/2015 Dục tại Nhà Trắng mở rộng cánh cửa cho quan hệ giữa ĐCSVN và chánh phủ Hoa Kỳ, coi Trọng như một nguyên thủ quốc gia khi cả hai cùng đưa ra Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Mỹ 7/2015 về các vấn đề giữa hai quôc gia, vấn đề an ninh khu vực đăc biệt là Biển Đông và vấn đề TPP. TT Obama cam kết tôn trọng thể chế CHXHCN và nói rõ hơn Hoa Kỳ không có kế hoạch lật đổ chế độ Hà Nội nhưng yêu cầu nhà nước CSVN cải thiện nhơn quyền, và sẽ phải tuân thủ các chuẩn mực của Hiệp Hội Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Lời cam kết của Obama có thể gây được “lòng tin chiến lược” để Trọng yên tâm bớt lo “theo Mỹ thì mất đảng”; về phần Hoa Kỳ Obama kết thúc được vòng đàm phán TPP, trong đó có Việt Nam mà Obama coi như một tiềm năng đối tác, sẽ mở rộng vòng đai kinh tế Á Châu – Thái Bình Dương sau khi được quốc hội phê chuẩn. TPP là sách lược hàng đầu trong chánh sách Tái Cân Bằng/Đổi Trục của chánh phủ Obama, mà Trung Cộng cho rằng Hoa Kỳ dùng đồng minh và đối tác thân hữu quân sự và liên minh kinh tế bao vây họ, và cản trở Tập thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa.
Dân Chủ hoá đất nước, cơ may cuối cùng cho ĐCSVN ở Đại Hội 12
Kính thưa đồng bào,
Sau những đợt Biển Đông dậy sóng, khung cảnh quan hệ Việt-Trung-Mỹ hiển lộ, bản chất CSVN lộ diện, thế nước lòng dân phơi bày, cường quốc Mỹ Trung tiếp tục cạnh tranh – cộng tác để sống còn, không xung đột không đối đầu. Hoa Kỳ đưa CSVN lên con thuyền TPP, để Việt Cộng giữ nguyên hành trang ý thức hệ, hỗ trợ Việt Nam có thế đứng kinh tế thị trường vững vàng trong khu vực Châu Á Thái Bìng Dương, mong cứu vãn nền kinh tế Việt Nam sắp rơi vào vực thẩm; nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa gỡ nổi “bí kiếp” Thành Đô nên Hà Nội vẫn tiếp tục tự nguyện làm kẻ thừa sai cho Đại Hán. Bắc Kinh khẳng định không chùn tay lấn chiếm Biển Đông, Hán hoá dân Việt, nhưng Trung Cộng chưa đủ thế, đủ lực, đủ mưu lược để đẩy siêu cường Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á Thái Bình Dương. Hoa Kỳ vẫn là siêu cường của thế giới và sẽ thành công trong Pivot về Châu Á-TBD. CSVN sẽ không chuyển hoá dân chủ sau Đại Hội XII, chánh sách ngoại giao sẽ không thay đổi nhiều, tỏ vẻ như giữ thế cân bằng giữa hai cường quốc Viêt Trung, nhưng sự thật vẫn gần gũi Bắc Kinh hơn và dùng quan hệ xích lại gần với Hoa Kỳ như để nhắc nhở Bắc Kinh bớt đi sự lấn hiếp. Theo cái nhìn của giáo sư Carl Thayer, CSVN sẽ đeo đuổi một chánh sách cân bằng đa cực-quan hệ đa dạng hoá, đa phương hoá, ngoài Hoa Kỳ và TC, còn bao gồm Nhựt, Ấn độ, Nga, Âu Châu, và Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Theo quan hệ giữa dân tộc, Trung tâm nghiên cứu PEW cho thấy 78% dân chúng Việt Nam có cái nhìn tích cực về Hoa Kỳ, quay lưng với TC.
Trước vận nước ngả nghiêng, trên một trăm vị nhân sĩ, trí thức, cựu lãnh đạo trung cao cấp và các nhà hoạt động xã hội hàng đầu ở Việt Nam ngày 9/12/2015 đã gởi Thư ngỏ lên Bộ chánh trị, Ban chấp hành TƯ, các đại biểu dự Đại Hội 12 và toàn thể đảng viên ĐCSVN kêu gọi từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lê, tiến hành cải cách chính trị triệt để và toàn diện theo con đường dân tộc dân chủ với các đề nghị cụ thể đổi tên đảng, tên nước, trả tự do các nhà khác chánh kiến, và kỳ vọng là Đại Hội XII dự trù vào tháng giêng 2016 có đủ quyền thẩm định và đề xướng các phương cải cách chính trị. Thực ra đây không phải là lần đầu có những đề xuất về dân chủ hoá đất nước, nhưng ĐCSVN từ trước tới nay vẫn quay lưng trước các ý kiến xây dựng của toàn dân.
Lập trường của đảng Tân Đại Việt đã nhiều lần góp ý với đồng bào trong nước và hải ngoại, rằng công cuộc dân chủ hoá phải do người dân trong nước chủ động, cộng đồng hải ngoại là hậu phương hỗ trợ và cùng quốc nội đẩy mạnh công việc quốc tế vận. Mục tiêu kiên định của cuộc đấu tranh của toàn dân, của Đảng Tân Đại Việt là giải trừ chế độ cộng sản Việt Nam, nhổ bỏ tận gốc chủ nghĩa Mác Lê bằng sức mạnh dân tộc, dựa trên ý thức hệ dân tộc, chủ nghĩa Dân tộc Sinh Tồn, huy động sức mạnh của toàn dân trong và ngoài nước, để đánh đuổi giặc ngoại xâm với sự yểm trợ của thế giới tự do; cùng toàn dân xây dựng nền dân chủ pháp trị, dân giàu nước mạnh, bảo vệ sư toàn vẹn lãnh thổ bảo vệ độc lập và chủ quyền Việt nam. Đảng Tân Đại Việt không chủ trương hoà giải hoà hợp với cộng sản.
Mô hình dân chủ hoá từ trên đi xuống theo kiểu Miến Điện như bức Thư ngỏ có đề cập, rất khó khả thi, ai cũng biết và cũng thấy CSVN đã thủ tiêu, triệt hạ, cô lập, bỏ tù hay tống xuất những nhà dân chủ, những nhà bất đồng chánh kiến, Trọng cũng đã từng nói ở Viêt Nam đâu có đảng đối lập, như ở Myammar để xoay chuyển tư duy những chiếc đầu cộng sản bảo thủ ở Hà Nội; cũng nên đánh giá cách” tiếp cận đến dân chủ bằng xã hội dân sự” theo ý kiến của TS Nguyễn Quang A trong nước, thành viên của bức Thư ngỏ, chủ trương thực hiện dân quyền, nâng cao dân trí để làm cho người dân biết được quyền của mình mà nhà cầm quyền cộng sản đã tước đoạt, và cứ thế mà thực hiện, để chuẩn bị 5 đến 10 năm, trước khi bước qua “giai đoạn chuyển đổi” và “giai đoạn củng cố” sau cùng. Bức Thư ngỏ cũng nói đến vận động đảng viên để kích động đảng viên (các cấp) tự diễn biến tự chuyển hoá; tất nhiên tân ban lãnh đạo ĐCSVN sau Đại Hội 12 vì cái gene bám giữ quyền lực chưa đủ “ngộ” để làm cuộc đột biến canh tân hay cách mạng. Đảng Tân Đại Việt chủ trương một sự thay đổi toàn diện, cần có một lớp lãnh đạo cấp tiến do dân vì dân cho dân, là một đòi hỏi thúc bách một cuộc cách mạng toàn diện, một mô hình từ dưới lên trên, nhưng ôn hoà tránh bạo lực. Tất nhiên một cuộc đấu tranh bất bạo động như vậy đòi hỏi thời gian, một chuẩn bị, một lộ trình trong đó không thể bỏ qua phần bảo toàn thành quả cách mạng hậu cộng sản. Dân chủ hoá đòi hỏi sự kiên trì và ý chí quyết thắng của toàn dân. CSVN rồi sẽ bị giải thể, cuộc đấu tranh cho nền dân chủ pháp trị sẽ phải thành công.
Một lần nữa, kính chúc quý đồng bào một Mùa Giáng Sanh nhiều Ơn lành, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, một Năm Mới Thắng lợi trong quyết tâm xây dựng quê hương hùng mạnh, cất cánh bay cao vào thế giới văn minh tiến bộ.
Bác Sĩ Mã Xái