Đảng sống nhưng đất nước và dân tộc chết dần

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đảng sống nhưng đất nước và dân tộc chết dần

FB Trương Nhân Tuấn – 12-12-2015

Tôi không phải là «chuyên gia kinh tế», nhưng những điều cơ bản về «kinh tế», người phàm ai cũng có thể hiểu dễ dàng. Chính vì vậy mà hầu hết các triệu phú, tỉ phú trên thế giới ít ai có bằng cấp tiến sĩ kinh tế.
Tỉ lệ tốt nghiệp tiến sĩ của sinh viên đại học tại các nước tiên tiến là dưới 2,5% (Pháp chỉ có 0,8%). Trong số này tiến sĩ về kinh tế ít hơn hết nhưng lại có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn hết. VN không có tên trong danh sách « các nước tiên tiến » (tức OCDE), nhưng lại có muôn trùng tiến sĩ kinh tế. Phải chăng đây là lý do khiến VN là một nước nghèo ?
Status này tôi viết từ ngày 2 tháng 11 năm 2014, cho thấy mặc dầu « mù chữ về kinh tế », nhưng nghệ thuật « bói toán » của tôi cũng thuộc loại cao siêu. Trong khi ý kiến của những « nhà kinh tế VN » phun ra hầu hết là sai. Nợ của VN gia tăng nhanh ba lần hơn tăng trưởng GDP. Giải thích (hay bênh vực) thế nào cũng không che dấu được sự bất tài của người lãnh đạo.
Đăng lại cho vui.
Vấn đề thâm thủng ngân sách.
Phát biểu của ông Trương Tấn Sang vừa rồi về « nợ công » cho thấy ngân sách VN đang có vấn đề. Có thể sắp tới nhà nước sẽ không có khả năng hoàn nợ, cũng như chi trả tiền lương, tiền hưu… cho cán bộ, công chức… Dĩ nhiên ông Dũng có thể vay nợ để… trả nợ, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài.
Nguyên nhân VN thâm thủng ngân sách là giá dầu đã giảm mạnh. Giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt 20% trong một thời gian ngắn. Việc giá dầu sụt giảm là do từ việc các nước Âu, Mỹ trả đũa Nga trong vụ xâm lược Ukraine. Kinh tế của Nga rồi sẽ gặp khủng hoảng, mà VN là « nạn nhân collatéral ».
Cách đây không lâu, ông Dũng có nói (rất sai) rằng trọng lượng của « khai phá hầm mỏ » chỉ còn khoảng 3% GDP, tức là dầu hỏa (và các khoáng sản khác) chỉ đem lại khoảng 3% GDP mà thôi. Trong khi ngân sách quốc gia, với con số của Thống kê VN (đã được chỉnh sửa cho hài lòng lãnh đạo), từ con số khoảng 50% (thập niên 90) cho đến khoảng 25, 30% những năm gần đây. Điều này cho thấy ông Dũng đã nói do « ngẩu hứng » chứ không dựa lên sách vở, tài liệu.
Giá dầu sụp giảm đột ngột đưa đến ngân sách sụt giảm đột ngột. Đóng góp của xí nghiệp nhà nước vào GDP có nhiều nhưng cũng như không, nếu ta phải tính « dầu ra », ngân sách nhà nước phải « rót tiền » bù lỗ cho các xí nghiệp này.
Kinh tế đình đốn vì « đầu tàu » phát triển trong khu vực là TQ đang gặp khó khăn. Hàng hóa VN ngày càng khó tìm được thị trường (do phẩm chất xấu, hay không có thuơng hiệu uy tín). Nhân công VN cũng không cạnh tranh được với công nhân các nước khác. Sô kiều hối do đó có khuynh hướng giảm mạnh theo thời gian. Thất nghiệp gia tăng, tệ nạn xã hội do đó có nguy cơ bùng nổ lớn…
Đâu là giải pháp trước mắt ?
Có đề nghị rao bán của cải đất nước, như hệ thống đường xa lộ mới xây được (mà dân trả nợ chưa xong), hy vọng bù được thâm thủng ngân sách. Có đề nghị xây cất những công trình lớn (như sân bay Long Thành), bề mặt là để « phát triển », nhưng bề trong là muốn thổi phồng con số GDP khu vực cho năm tới…
Thực ra giải pháp hữu hiệu có thể cần làm ngay để cân bằng ngân sách là « giảm chi » (như các nước khác đã làm).
Giải tán ½ cán bộ nhà nước là điều cần phải làm, nếu không nói là giải tán đến 2/3. Bộ máy hành chánh VN quá cồng kềnh. Công chức càng nhiều, nạn tham nhũng càng lớn, phát triển kinh tế càng đình đốn. Thử hỏi chủ các xí nghiệp nước ngoài (không phải gốc TQ) xem họ nói thế nào ? Không phải là nạn « giấy tờ » và tham nhũng ở VN đã khiến họ không dám đầu tư lớn lao hay không ? Đi đóng thuế cũng phải chi ba bốn chặn. Để xí nghiệp hoạt động thông suốt thì phải chi đều, từ xã đến huyện, thậm chí đến đội cứu hỏa cũng phải chi. Vậy thì ai có chí thú bỏ vốn làm ăn ?
Kế đến là hủy bỏ ngân sách dành cho đảng CSVN. Không có lý do nào đảng viên CSVN lại được lãnh lương cả. Bỏ hệ thống « đảng ủy » trong các cơ quan làm việc.
Trong lâu dài là tư hữu hóa các xí nghiệp quốc doanh, nhưng chỉ sau khi xây dựng thành công « nhà nước trọng pháp ». Mục đích để trách việc cán bộ « dĩ công vi tư », biến của cải toàn dân thành của cải của cá nhân.
Làm được chuyện này là khắc phục được thâm thủng ngân sách.
Nhưng về lâu dài, muốn VN phát triển bền vững, là phải : 1/ dân chủ hóa chế độ, 2/ xây dựng nhà nước pháp trị (hay nhà nước trọng pháp) và 3/ tôn trọng nhân quyền.
Thử nhìn các nước phát triển (bền vững) trên thế giới, ba yêu tố trên là ba trụ cột làm nền.
Ngoài ra không có cách nào khác.
Ngắc ngoải (như hiện nay) cũng là một cách kéo dài thời gian, đảng sống nhưng đất nước (và dân tộc) chết dần. Cuối cùng thì đảng cũng phải chết, nhưng hệ quả VN phân hóa, không cách nào xây dựng lại được.