Ðảng mất mặt
22/04/2017
Ông Cảnh được đưa ra khỏi khu vực tạm giữ và đang ngồi trong lều dựng bên cạnh nhà văn hoá – Ảnh: Thân Hoàng |
Trước đây không ai tưởng tượng được có cảnh dân chúng Việt Nam bắt giam cán bộ nhà nước làm con tin, rồi cho điều đình trao đổi. Chưa hết, người được thả còn phải đứng ra cầm loa long trọng cảm ơn! Dân xã Ðồng Tâm đã trả tự do cho ông Ðặng Văn Cảnh, trưởng Ban Tuyên Giáo Huyện Ủy Mỹ Ðức sau 6 ngày giam cầm; và ông này còn phải đọc một “Bản tường trình,” ngỏ lời “thay mặt anh em, cảm ơn bà con,” là những người dân đã bắt giam mình! Nếu có óc hài hước, phải gọi đó là “bản thu hoạch,” giống như những tù nhân bị đi “cải tạo” vẫn phải viết.
Ông Nguyễn Ðức Chung vốn là một tướng công an, là ủy viên Trung Ương Ðảng, giữ chức chủ tịch Hà Nội. Vậy mà câu ông nói qua điện thoại, hỏi một người dân Ðồng Tâm: “Nếu tôi xuống Ðồng Tâm, liệu người ta có bắt tôi không?” bây giờ người Việt Nam ai cũng biết. Bao giờ đến lượt ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải hỏi: “Nếu tôi tới…, liệu người ta có bắt tôi không?”
Ông Nguyễn Ðức Chung tuyên bố sẽ “xuống” để “đối thoại” với dân xã, rồi lại rụt rè không dám xuống. Ðến khi ông tin tưởng các lực lượng bảo vệ, lấy hết can đảm “xuống” để “đối thoại với dân,” thì người dân Ðồng Tâm lại không ai thèm đến nhìn cái mặt ông! Còn mặt mũi nào nữa!
Trong khi ông chủ tịch thành phố mất mặt như thế thì tất cả mọi người trong nước theo dõi tim tức đã phải kính phục cụ Lê Ðình Kình. Ông cụ 82 tuổi, một đảng viên Cộng Sản suốt 60 năm, bây giờ được coi là người lãnh đạo “cuộc nổi dậy” chống lại chính sách cướp đất của đảng.
Cụ Lê Ðình Kình sẽ là hình ảnh khích lệ người dân nơi khác, trong những vụ dân chúng chống cướp đất đang diễn ra khắp nước. Sẽ còn xuất hiện những cụ Lê Ðình Kình khác.
Dân làng Vọng Ðông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, đang theo gương dân xã Ðồng Tâm, đứng lên chống “cưỡng chế” đảng cướp đất mà không bồi thường cho dân thỏa đáng. Một người đơn độc ở xã Gành Dầu, tỉnh Kiên Giang, là ông Lê Văn Bé cũng dám chống lại lệnh “cưỡng chế” chiếm đất của mình, để đảng giao cho tư bản khai thác khu du lịch. Chỉ một gia đình ông Lê Văn Bé mà chính quyền Phú Quốc phải kéo tới hàng trăm cảnh sát, công an đàn áp! Chắc đảng ta đã rút ra bài học ở xã Ðồng Tâm, cần hàng trăm tay súng vì sợ một mình ông Bé cũng có thể bắt giam cán bộ nhà nước!
Tại thành phố Lai Châu thì bốn gia đình bị cướp đất chống cự, họ không bắt giam được ai cả. Tờ báo Nhân Dân mô tả: “Khi cơ quan chức năng tiến hành các bước cưỡng chế, các hộ gia đình trên đã không chấp hành, dùng vũ lực và các dụng cụ, vũ khí tự chế để chống lại người thi hành công vụ làm hơn chục người của lực lượng chức năng bị thương.” Khi tờ báo chính thức của đảng loan tin có tới hơn chục cảnh sát công an an bị thương, họ tưởng như vậy là kết tội những người dân bị cướp đất dám chống cự lệnh nhà nước. Nhưng ai đọc tờ báo đảng cũng tự hỏi: Bốn gia đình gồm có bao nhiêu người? Bao nhiêu người là các cụ già, phụ nữ, trẻ em? Nhà nước đã đem xe vòi rồng xịt nước đàn áp họ, mà những người này tay không vũ khí, làm sao chống cự? Báo đảng tính chửi bới dân nhưng chỉ để lộ bộ mặt nói dối trắng trợn, vu oan giá họa cho những người dân bị đảng ăn cướp!
Nhưng tại sao bốn gia đình này còn làm cho hàng chục “chiến sĩ công an cảnh sát” bị thương? Bộ cảnh sát công an của chế độ bây giờ toàn những bọn yếu như sên, nhát như cáy cả hay sao? Báo Nhân Dân, trong lúc hăng hái làm bổn phận bôi nhọ và chửi bới dân, đã vô tình bêu riếu cả lực lượng công an cảnh sát đang phục vụ chế độ! Báo Nhân Dân càng cố bôi xấu dân chúng thì chế độ càng mất mặt, vì người dân thấy nhà nước yếu quá!
Người ta phải tự hỏi tại sao một tờ báo đã kiên trì phục vụ đảng suốt 60, 70 năm mà lại phạm một lỗi lầm sơ đẳng như vậy?
Có thể giải thích rằng ngay các cán bộ tuyên truyền của đảng Cộng Sản cũng chán cái công việc “nói láo ăn tiền” của họ rồi! Họ thuộc lòng những chỉ thị, cố thi hành đầy đủ: Phải mô tả dân chúng chống cướp đất thật xấu, bịa đặt để bôi nhọ bằng mọi cách. Phải đề cao đảng và nhà nước đầy hình ảnh tử tế, thương dân, yêu dân, phục vụ dân. Ðám cán bộ văn hóa tư tưởng đã theo đúng sách đó mà làm một cách máy móc, không còn dùng tới đầu óc suy nghĩ nữa.
Tình trạng các cán bộ làm công việc tuyên truyền theo đúng công thức cũng giống như tình trạng các cán bộ trong bộ máy đàn áp tại Biến Cố Ðồng Tâm. Người ta phải hỏi: Tại sao mấy chục cảnh sát, công an đã để cho người dân xã Ðồng Tâm bắt giam, không chống cự, cũng không bỏ chạy? Nếu họ thực tình muốn tự vệ, dân nào có thể bắt và giam giữ họ?
Chế độ Cộng Sản dựa trên hai nền móng: Tuyên truyền và bạo lực. Một bộ máy nói dối thuần thục, và một bộ máy kìm kẹp, đàn áp chuyên nghiệp, đó là những vũ khí giúp đảng Cộng Sản còn tồn tại.
Nhưng cả hai bộ máy trên đều dùng đến con người. Mà con người thì không phải máy móc. Khi chính những con người trong hai guồng máy đó cảm thấy họ đang sống trong cảnh lo sợ vì chế độ thoái trào, suy sụp không cách nào trốn tránh, thì tinh thần họ bị giao động, chán chường.
Tình trạng này thể hiện trong Biến Cố Ðồng Tâm. Hàng chục cảnh sát cơ động để yên cho người dân bắt giữ mình. Một trưởng Ban Tuyên Giáo cấp huyện ủy chịu đứng ra đọc “bản thu hoạch” và cảm ơn người dân đã bắt giam mình, hoàn toàn không theo pháp luật. Cả hai hình ảnh đó làm mất mặt cả chế độ, cả đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)