Dân Tộc Sinh Tồn – Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học – Quyển Nhứt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dân Tộc Sinh Tồn – Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học – Quyển Nhứt

Lời Mở đầu

Vai Tuồng Của Tư-Tưởng Trong Xã-Hội Loài Người

I-            Sự Liên-Quan Giữa Tư-Tưởng Và Hành-Ðộng

‘’ Người chỉ là một cây sậy, cây sậy yếu nhứt của Tạo-vật; nhưng đó là một cây sậy biết suy nghĩ.’’  Câu nói trên đây của một nhà hiền-triết Tây-phương đã chỉ tỏ một cách rõ rệt đặc-tánh của con người.

Xét về phương-diện thể-xác, người không khác cầm thú bao nhiêu. Giác-quan của con người không hơn gì giác-quan loài súc-vật. Về thị-quan, thính-quan, và khứu-quan, người lại còn kém một vài giống như giống chó giống mèo.

Những hình-tượng người nhờ trí-thức cảm giác mà có cũng tồn-tại và liên-hợp nhau trong trí người y như trong trí loài thú, theo một cơ cấu tạo nên thói quen là điều rất trở ngại cho sự suy tưởng. Người vốn là nô-lệ của tập-quán, của não nhơn-tuần.

Ngoài ra, người còn là nô-lệ của khoái-lạc nữa. Hoạt-động của người luôn luôn bị quyền-lợi chi-phối. Người lúc nào cũng tự-nhiên hướng về phía thỏa mãn được quyền-lợi vật-chất hay tinh-thần mình.

Tuy vậy, người vẫn khác thú ở chổ người có ý-thức, có trí khôn. Người không phải lúc nào cũng hành-động theo những phản ứng tự-nhiên như loài súc-vật. Trừ ra những trường-hợp nguy-hiểm và cấp-bách  trong đó họ hoàn toàn tuân theo những bản-năng, những xúc-cảm của mình một cách vô-ý-thức, những con người trí óc bình-thường luôn luôn có xu-hướng suy-luận về những hành-động của mình. Ðối tượng của sự suy-luận này có thể là nguyên-nhân hay cứu-cánh của sự hành-động. Nhưng nó cũng có thể là sự tìm tòi những phương-tiện, cách thức hành-động để đạt mục-đích một cách dễ dàng và chắc chắn.

Như vậy, trong phần lớn những công việc làm của người, ta đều có thể nhận thấy một tư-tưởng làm gốc. Phát-sanh từ một ý muốn, tư-tưởng đưa người đến chỗ cân nhắc, đắn đo sự lợi hại, phải trái của công việc mình định làm một cách kỹ lưỡng. Chỉ sau khi nhận thấy rằng công việc ấy phải và không có không xong, người mới hăng hái đứng ra hành-động.

Tư-tưởng của người thật ra không phải hoàn-toàn hợp-lý. Trong đời sống ý-thức của người, tiềm-thức hãy còn có một ảnh-hưởng lớn lao và tư-tưởng người tùy-thuộc những bản-năng, những nhu-cầu của người một cách chặt chẽ. Lắm khi nó chỉ dùng để biện-chánh cho những hành-động vô-ý-thức của người.

Thêm nữa, dầu cho người có thoát-ly được ảnh-hưởng của tiềm-thức, sự suy luận của người cũng không sao đi đến chổ hợp-lý hoàn-toàn. Như thế là vì hệ-thống suy-luận nào cũng phải đặt nền tảng trên một định-đề tiên-quyết không chứng-minh được.

Trong tất cả những khoa-học, không khoa nào chánh-xác và có tính-cách thuần-lý bằng toán-học. Các định-đề toán-học liên-hợp nhau trong một hệ-thống suy-luận hết sức chặt-chẽ. Tuy nhiên, hệ-thống suy-luận này phải phát-xuất từ một công-ước hay một định-lý căn-bản không chứng-minh được.

Khoa hình-học cổ-điển đặt nền-tảng trên định-lý Euclide. Ðối với những người công-nhận định-lý này, khoa hình-học cổ-điển có một giá-trị tuyệt-đối. Nhưng nếu ta phủ-nhận định-lý Euclide thì tất cả hệ-thống hình-học cổ-điển đều sụp đổ hết. Khoa hình-học phi-Euclide do một nhà toán học cận-đại đưa ra, chính dựa vào một định-lý phủ-nhận định-lý Euclide.

Sau hết, ta có thể nhận thấy rằng người ta lắm khi cùng dựa vào một định-lý như nhau mà lại đi về hai ngã chống chọi nhau; hay trái lại, dựa vào hai định-lý trái ngược nhau mà lại đi đến một kết-quả như nhau. Hệ-thống triết-lý nào cũng phát-xuất từ một giáo-tổ, nhưng sau đó, môn-đồ lại phân ra hai phe tả hữu xung-đột lẫn nhau, mà phe nào cũng tự xem mình là nhóm thọ được chơn-truyền. Trái lại, hai căn-bản triết-lý khác nhau có thể đưa đến một chủ-trương tương-tự. Mạnh tử quả quyết rằng người tánh thiện, Tuân tử, trái lại, cho rằng người tánh ác, nhưng cả hai đều đồng ý với Khổng tử công-nhận rằng nền-tảng của chánh-trị phải là sự giáo-hóa người theo nhơn nghĩa.

Vậy, tánh-cách hợp-lý của tư-tưởng con người thật là giới-hạn, nhưng dầu sao, nó vẫn là một yếu-tố quan-trọng của đời sống con người. Chính nó làm cho con người phân-biệt với thú, chính nó làm cho hành-động của người có tính-cách người.

Nơi những người cổ-sơ, tư-tưởng đến sau hành-động. Nhưng từ khi người thoát khỏi trạng thái cầm-thú để tiến đến trạng-thái nhơn-loại, tư-tưởng thường có trước hành- động và hướng-dẫn sự hành-động của người, ít nhứt là trong những biến-cố quan-trọng của đời người. Không có nó, người thiếu lòng tin tưởng và không hăng-hái trong sự hành- động, nhứt là khi sự hành-động này có tánh-cách nguy-hiểm hay lâu dài. Không có nó, hành-động người thiếu vẻ duy-nhứt, đã không đem đến kết-quả gì mà có khi lại còn mâu-thuẫn nhau nữa.

Bời vậy, muốn cho hành-động mình đưa đến một công-trình hữu-ích, người cần có một tư-tưởng làm nền móng,vạch sẵn mục-đích cho mình, và cần phải hết lòng tin nơi tư-tưởng ấy. Hành-động càng khó khăn, càng nguy-hiểm, càng lâu dài, thì tín-ngưỡng càng phải mạnh mẽ và tư-tưởng càng phải vững chắc. Có một tư-tưởng đúng đắn làm căn-bản và một lòng tín-ngưỡng nhiệt-thành nơi tư-tưởng ấy rồi, người sẽ tận-tâm, tận-lực hành-động bền gan chiến-đấu, dẫu gặp khó khăn nguy-hiểm cũng không chán nản, bỏ cuộc nửa chừng.

 

II-          Tư-Tưởng Chủ-Ðộng Và Sự Hoạt-Ðộng Chánh-Trị

 

Tư-tưởng có ảnh-hưởng rất nhiều đến sự hành-động của người; nó là một trong những điều-kiện quyết-thắng của người. Những nhà chánh-khách cổ-kim đã hiểu rõ sự quan-trọng của tư-tưởng nên đã luôn luôn dựa vào nó để giữ vững trật-tự xã-hội hay để lôi cuốn quần-chúng theo mình mà làm một việc gì.

Charles Morgan, một tiểu-thuyết-gia Anh, đã bảo: ‘’ Lịch-sử loài người là lịch-sử của trí-tuệ họ’’. Dầu không hoàn-toàn tán-đồng ý-kiến đó, chúng ta cũng phải công-nhận rằng tư-tưởng đã đóng một vai-tuồng chánh-yếu trong lịch-sử loài người. Những hoạt động chánh-trị của người, tức là những hoạt-động có liên-quan đến sự tổ-chức xã-hội, tổ-chức những cơ-quan cai-trị, tổ-chức sự liên-lạc giữa những người nắm chánh-quyền và dân-chúng, phần lớn đều bị sự chi-phối của những tư-tưởng chánh-trị.

Chúng ta có thể bảo rằng từ khi biết suy-nghĩ, biện-luận, người đã tìm lý lẽ để biện-minh cho sự tồn-tại của chánh-quyền. Họ đưa ra những tư-tưởng vạch rõ ý nghĩa của đời sống chung, nêu ra những qui-tắc mà người phải noi theo trong sự cư-xử với nhau, và trong sự đối-đãi với cơ-quan chỉ-huy đoàn-thể.

Những tư-tưởng này thường được lồng vào một hệ-thống triết-lý rộng rãi hơn, bao gồm cả võ-trụ-quan và nhơn-sinh-quan, làm nền-tảng cho mọi suy-luận. Vị-trí loài người trong võ-trụ cũng như vị-trí mỗi hạng người trong xã-hội đều được qui-định rạch ròi.

Nhà cầm quyền luôn luôn tìm cách giáo-hóa những người đặt dưới sự điều-khiển của mình, cho họ tin nơi những tư-tưởng được đưa ra, sống theo một quan-niệm, một ý hướng chung, và khép mình trong những qui-tắc nhứt-định. Nhờ đó, mọi người trong xã-hội có thể sống điều-hòa nhau và chấp-nhận oai-quyền của cơ-quan cai-trị. Trật tự xã-hội bởi đó mà được kính nể một cách đúng đắn và tự-nhiên

Toàn-thể những quan-niệm, ý-hướng và qui-tắc chi-phối đời sống một xã-hội hợp lại làm cái ý-thức-hệ của xã-hội ấy. Tất cả những lực-lượng vật-chất và tinh-thần của xã-hội, đều hướng đến chổ bảo-vệ và duy-trì ý-thức-hệ, cho nên thế-lực của ý-thức-hệ đối với xã-hội hết sức mạnh mẽ.

Người bị nhào nắn trong khuôn khổ một xã-hội từ bé đến lớn tự-nhiên có một nếp sống phù-hợp với ý-thức-hệ của xã-hội ấy. Thói quen làm cho mọi người công-nhận rằng nếp sống đó là một nếp sống hợp-lý, và những người muốn thoát-ly khỏi khuôn khổ ấy đều bị xem là hạng người quái-đản. Thái-độ chiều theo thói tục của đại-đa-số người trong xã-hội làm cho ý-thức-hệ có một sức mạnh vô-hình mà thật là hùng-hậu.

Áp-lực của ý-thức-hệ đối với cá-nhơn trong xã-hội rất mãnh-liệt, và đồng-thời cũng rất có hiệu lực, vì người không nhận thấy nó. Thế-lực của ý-thức-hệ đối với xã-hội mạnh mẽ đến nỗi nhà cầm quyền cũng phải noi theo nó mới tồn-tại được.

Trong lịch-sử, nhiều người đã nắm được đại quyền trong tay mà đã phải nếm mùi thất-bại trong việc cố gắng sửa chữa lại xã-hội, vì họ đã vi-phạm ý-thức-hệ lưu-hành. Vương An Thạch ờ Tàu, Hồ Quí Ly ở Việt Nam, Joseph II ở Áo đều không thực-hiện được chương-trình cải-cách của mình, mặc dầu đã ở trên tột đỉnh của quyền-thế.

Bởi đó, nhà cầm quyền thường phải noi theo ý-thức-hệ của xã-hội. Trong mọi công cuộc kinh-dinh, mọi chương-trình kiến-thiết, mọi phương-lược, chánh-sách, họ đều phải dựa vào nó mới lôi kéo được quần-chúng theo họ.

Muốn đánh đổ nhà cầm quyền của một xã-hội, người ta không thể chỉ dựa vào võ-lực suông, trừ ra khi nào sự chênh lệch lực-lượng quá lớn lao khiến cho người ta có thể chế-ngự được đối-phương một cách nhanh chóng.

Những kẻ đi chiếm nước người muốn thành-công dễ dàng bao giờ cũng phải đưa ra những lý lẽ biện-chánh cho hành-vi xâm-lược và sự đô-hộ của họ, để cho dân nước bị công-kích tán-thành họ, hay ít nhứt, cũng chap-nhận sự ngự-trị của họ.

Những tư-tưởng mà bọn người xâm lược đưa ra có thể tôn-trọng ý-thức-hệ cũ của xã-hội họ chiếm-đoạt. Và sau khi xây dựng xong chủ-quyền của họ, bọn người xâm-lược này để cho dân chúng, xã-hội bị chiếm-đoạt sống theo nền nếp cũ, chỉ cố gắng hướng về phía họ sự tôn-trọng mà trước kia dân-chúng đó dành cho nhà cầm quyền cũ.

Nhưng bọn người xâm-lược cũng có thể đem một ý-thức-hệ mới thay vào ý-thức-hệ cũ. Sau khi xây-dựng được chủ-quyền của mình và tổ-chức được một chế-độ cai-trị vững chắc, họ đem phổ-biến những tư-tưởng chánh-trị của họ, và lần lần uốn nắn đời song của nhóm người họ chinh-phục theo những quan-niệm, ý-hướng và qui-tắc của họ.

Những nhà cách-mạng muốn cướp được chánh-quyền cũng phải tìm cách chứng tỏ rằng công cuộc hoạt động của mình hợp với chánh-nghĩa. Họ có thể là những người tôn thờ ý-thức-hệ cũ, và lấy cớ nhà cầm quyền không xứng đáng với nhiệm-vụ hay thi-hành sai những nguyên-tắc chánh-trị do ý-thức-hệ cũ nêu ra, để hô hào dân-chúng theo họ mà lật đổ nhà cầm quyền. Trong trường-hợp đó, khi nắm được chánh-quyền, những nhà cách-mạng này tiếp tục duy-trì ý-thức-hệ cũ, chỉ sửa chữa một vài điểm mà họ cho là sai lầm, và bài trừ những tệ-chánh mà nhà cầm quyền trước lưu lại.

Quan-niệm cách-mạng này là quan-niệm cách-mạng cổ ở nước ta và nước Tàu. Trong hơn hai mươi thế-kỷ, người Việt-Nam và người Trung Hoa đã làm cách-mạng theo lối Võ Thang, nghĩa là chỉ nghĩ đến việc thay đổi chánh-sách và nhà cầm quyền chớ không nghĩ đến việc thay đổi cả ý-thức-hệ của xã-hội.

Nhưng cũng có khi sự bất-bình của những nhóm người sống trong một chế-độ bất-công đưa đến những kết-quả tai-hại cho ý-thức-hệ chi-phối xã-hội. Không những oán ghét người thống-trị, người bị thống-trị còn ghét luôn đến những tư-tưởng, những quan-niệm mà người thống-trị đưa ra để biện-chánh và duy-trì quyền lực của mình. Họ cho rằng tất cả những sự cơ-cực, khổ sở của họ đều do ý-thức-hệ cũ gây ra. Những nhà cách-mạng có thể đưa ra những tư-tưởng mới, bày tỏ một quan-niệm tổ-chức xã-hội mới, dựa vào những nguyên-tắc khác với những nguyên-tắc làm căn-bản cho ý-thức-hệ cũ.

Những tư-tưởng chánh-trị mới này, nếu thích-hợp với nguyện-vọng của dân-chúng, thì sẽ được họ hoan-nghinh và chấp-nhận. Những người mê say nó thì noi theo nó mà tranh-đãu chống lại nhà cầm quyền dựa vào ý-thức-hệ cũ, và chống lại những nhóm cách-mạng khác, theo những xu-hướng chánh-trị khác.

Nhóm cách-mạng nào thành-công trong cuộc chiến-đãu này cũng tìm cách hủy-diệt ý-thức-hệ cũ và những xu-hướng chánh-trị cạnh-tranh với lý-tưởng mình. Cùng với sự củng-cố chánh-quyền bằng võ-lực, họ phổ-biến lý-tưởng đó ra. Bằng sự tuyên-truyền, bằng sự giáo-dục, họ tìm cách gột rửa hết ảnh-hưởng của ý-thức-hệ cũ và của những xu-hướng chánh-trị khác để cho tư-tưởng chánh-trị họ phụng thờ được hưởng địa-vị độc-tôn. Nhờ địa-vị độc-tôn này, tư-tưởng chánh-trị đó lần lần uốn nắn đời sống xã-hội theo quan niệm nó đưa ra, và tạo cho xã-hội một ý-thức-hệ mới thích-hợp với nó. Ðó là quan-niệm cách-mạng thời cận-đại được thực-hiện một cách triệt-để ở nước Pháp năm 1789 và nước Nga năm 1917.

Muốn tiêu-diệt những tư-tưởng nghịch với mình, nhà cầm quyền cũng phải dùng một tư-tưởng khác làm căn-bản. Tư-tưởng này có thể dựa vào ý-thức-hệ cũ của xã-hội hay dựa vào một ý-thức-hệ mới. Nhưng dầu sao, nó cũng phải chỉ rõ chổ sai lầm của tư-tưởng kia, để cho những kẻ thừa-hành việc đàn-áp tư-tưởng kia và những người trung- lập có cảm-tưởng rằng việc đàn-áp ấy là một việc làm chính-đáng.

Một chánh-sách đàn-áp chỉ dựa vào võ-lực suông thế nào cũng đưa đến sự thất-bại. Mà nếu nó có thành-công đi nữa, thì sự thành-công ấy cũng phãi trả một giá rất đắt. Vì những người bị đàn-áp vẫn tin rằng tư-tưởng mình là đúng, và vui lòng chết về nó; người trung-lập cũng bất-bình vì sự tàn-bạo của chánh-phủ và có cảm-tình với nạn-nhơn của sự tàn-bạo ấy. Như thế uy-tín của chánh-phủ thế nào cũng phải bị lung lay.

Những tư-tưởng làm căn-bản cho hành-vi những người cầm vận-mạng các dân-tộc từ trước đến giờ có khi thành thật, có khi chỉ là một tấm màn che đậy những lý do ẩn-áo khác. Nhưng trong trường-hợp nào, nó cũng phải được tín-nhiệm mới thành-công được, và mới chủ-trương được sự hành-động của một số đông người trong xã-hội.

Lúc con người còn ở trong trạng-thái bán-khai thì những tư-tưởng chủ-động có vẻ thô-sơ giản-dị lắm. Những vị tù-trưởng gây sự cố-kết trong bộ-lạc mình bằng tư-tưởng cho rằng tất cả mọi người  trong bộ-lạc đều do một ông tổ mà sanh ra. Những vị giáo-chủ đã xây-dựng tôn-giáo mình trên một thuyết khởi-nguyên và một võ-trụ-quan huyền-bí. Những nhà vua cổ-thời thì duy-trì thế lực của dòng họ mình bằng thuyết thiên-mạng.

Trong tất cả những tổ-chức cổ-sơ ấy, tư-tưởng thường hay hỗn-hợp với cá-nhơn chủ-trương nó. Vì thế, nhiều nhà hướng-dẫn quần-chúng đã tìm cách làm cho người ta tín-ngưỡng nơi mình trước khi bắt họ thi-hành tư-tưởng của mình. Do đó mà phát-sanh những câu sấm-ngữ, những câu chuyện huyền-hoặc, những mưu-mẹo kỳ-khôi của những nhà cầm quyền thuở trước.

Nhưng con người càng ngày càng tiến-hóa, khoa-học mở mang thêm mãi, óc phê-bình cũng lần lần phát-triển, những tư-tưởng mộc-mạc thô-sơ, những mưu-mẹo ngây thơ không đủ sức gây sự tin- tưởng cần-thiết nữa. Muốn tạo ra một phong-trào mạnh mẽ, những chánh-khách phải nêu ra nhiều tư-tưởng sắp đặt thành hệ-thống, luận-điệu chặt chẽ, mạch-lạc phân-minh. Ðó là những lý-thuyết chánh-trị được nhiều người tôn thờ làm chủ-nghĩa, và làm nền-tảng cho những ý-thức-hệ của những xã-hội văn-minh.

 

III-        Ðiều- Kiện Quyết-Thắng Của Một Tư-Tưởng Chủ-Ðộng

 

Dầu cho tư-tưởng chủ-động là một ý-tưởng thô-sơ hay là một lý-thuyết có căn-bản vững chắc cũng thế, muốn nắm phần thắng-lợi, nó phải có một số điều-kiện thiết-yếu.

Trước hết, tư-tưởng chủ-động phải có tánh-cách thiết-thật, đi sát tâm-lý và quyền-lợi quần-chúng. Một lý-thuyết chánh-trị hoàn-toàn không-tưởng không sao có thể thành-công được. Tuy nhiên, sự thật phũ phàng rất khó cám dỗ con người. Ngay đến những kẻ chỉ tranh-đấu vì quyền-lợi thiển-cận cũng không mấy khi dám vỗ ngực tuyên-bố rằng mình chỉ nhắm một mục-đích ích-kỷ. Vì đó, muốn cho người hoạt-động một cách hăng hái bền bỉ và sẵn sàng hy-sinh cho một công-nghiệp chung, cần phải có một lý-tưởng cao-siêu có thể hấp-dẫn quần-chúng.

Những lý-thuyết chánh-trị đã thành-công trên thế-giới từ trước đến nay là những lý-thuyết đã dung-hòa được tánh-cách thiết-thật và không-tưởng. Ở Trung-Quốc, tư-tưởng Ðạo gia và Mặc gia đã thất-bại vì quá không-tưởng, trong khi tư-tưởng Pháp gia thất-bại vì quá thiết-thật. Chỉ có tư-tưởng Nho gia, nhờ dung-hòa được lý-tưởng và thật-tế một cách đồng đều, nên mới thành-công được lâu dài.

Ngoài ra, tư-tưởng chủ-động còn phải có tánh-cách giản-dị, dễ hiểu, để cho người tầm-thường thấy rõ sự cần-ích và chánh-đáng của nó mà hưởng-ứng theo.

Những chánh-khách cận-đại đã nhận thấy những điều-kiện quyết-thắng của tư-tưởng chủ-động. Do đó họ tìm cách đơn-hóa những lý-thuyết khó hiểu của họ. Lược bỏ hết những phần luận-lý cao-siêu, họ tóm tắt chương-trình và chủ-nghĩa của họ trong một vài tiêu-ngữ làm khẩu-hiệu tranh-đấu. Những tiêu-ngữ ấy là kết-tinh của lý-thuyết. Nó phản-chiếu một hình-ảnh lý-tưởng và gọn gàng, dễ hiểu đủ sức kích-thích một người trí óc tầm-thường.

Nhờ một phương-pháp tuyên-truyền nhồi sọ, những khẩu-hiệu ấy có thể phổ-biến trong dân chúng. Nếu những yêu-sách nó gợi ra phù-hợp với nguyện-vọng nhiều người, nó có thể tạo ra một hạng người nhiệt-tin, phụng thờ lý-thuyết như là một tôn-giáo, mặc dầu nhiều khi không ai hiểu phần hình-nhi-thượng của lý-thuyết ấy ra sao, và cố-nhiên không biết luận-lý của nó đúng hay sai. Vì thế, ta thấy rất nhiều lý-thuyết chánh-trị dựa vào những tư-tưởng không thể giải thích được bằng khoa-học hay kinh-nghiệm, luận-lý rất sai lầm mà được một số người xem như là một chơn-lý cao-siêu, thần thánh, bất khả xâm phạm.

 

IV-          Sự Xung-Ðột Giữa Những Tư-Tưởng Chánh-Trị Trong Thế-Giới Hiện Ðại

 

Thế-kỷ thứ 20, các lý-thuyết chánh-trị đã được mờ mang đến một mực độ chưa từng thấy trong lịch-sử và mọi cuộc chiến-đấu chánh-trị hiện giờ đều mang dấu hiệu của một cuộc xung-đột tư-tưởng. Trong trận thế-chiến thứ nhứt, hai bên đối-lập đã bắt đầu lưu tâm đến việc phổ-biến ra quần-chúng những lý-luận biện-chánh cho mục-đích mình đeo đuổi. Về phương-diện này, việc tổng-thống Mỹ Wilson nêu ra 14 điểm làm nền-tảng cho công cuộc tổ-chức thế-giới thời hậu-chiến đã đánh dấu cho một kỷ-nguyên mới.

Với sự thành-công của đảng cộng-sản ở nga năm 1917 và sau đó, của các đảng phát-xít ở Ý và quốc-xã ở Ðức, công tác tuyên-truyền đóng một vai tuồng quan-trọng trong đời sống chánh-trị các nước. Trong trận thế-chiến thứ nhì, hai khối đối-lập nhau đã vận dụng những phương-tiện khổng lồ để giành phần phải về mình trước dư-luận quốc-tế.

Sau khi chiến-tranh kết-liễu, các nước chiến-thắng lại phân ra làm hai khối xung đột nhau. Giữa hai khối này, chiến-tranh thật sự chưa nổ bùng ra, nhưng trận giặc tuyên-truyền đã thấy diễn ra một cách vô cùng ráo riết.

Ghép vào cuộc xung-đột giữa hai khối Mỹ Nga, lại còn có những cuộc xung-đột khác nữa. Những dân tộc bị trị đứng lên giành độc-lập phải đương đầu lại các đế-quốc xâm-lược. Ngoài ra, những nước ban đầu cùng ở trong một khối với nhau, sau lại đâm ra chống chọi lẫn nhau. Nhiều quốc-gia thân Mỹ trước đây nay quay ra chủ-trương trung-lập. Và trong khối cộng-sản thì sau Tito lại đến Trung-Cộng đứng lên chống lại Nga.

Trong những nguyên-nhơn gây ra những cuộc xung-đột trên này, tất-nhiên là quyền-lợi đóng một vai tuồng không nhỏ. Nhưng trong tất cả những nhóm đứng lên tranh-đấu, không nhóm nào là không dựa vào một lý-thuyết chánh-trị. Trong cuộc chiến-đấu gay go này, những nhóm nắm lấy ưu thế là những nhóm khéo léo trong sự tuyên-truyền và dựa vào một hệ-thống tư-tưởng hấp-dẫn được quần-chúng.

Nước ta cùng ở trong một trào-lưu chung tràn ngập cả thế-giới, nên cũng bị ảnh-hưởng lây. Cuộc đấu-tranh tự giải-phóng của dân-tộc ta đã bị bọn cộng-sản lợi-dụng để phụng-sự cho khối Nga. Nhờ một tổ-chức chặt chẽ, một bộ máy tuyên-truyền tinh-xảo và một chánh sách khéo léo, họ đã lôi kéo được một phần quần-chúng theo họ. Những nhóm chánh-trị khác đã đứng lên chống chọi lại cọng-sản, nhưng lại theo nhiều xu-hướng khác nhau nên không cố kết nhau được.

Sự xung-đột giữa người Việt-nam với thực-dân cũng như của các nhóm chánh-trị Việt-Nam với nhau đã bị ảnh-hưởng nặng nề của thời-cuộc quốc-tế. Vì không nhóm nào nắm phần thắng-lợi hoàn-toàn nên đất nước Việt-Nam bị phân đôi, và ở mỗi phần, sự xung-đột giữa hai phe cọng-sản và quốc-gia, giữa các phe phái cọng-sản với nhau, và giữa các xu-hướng quốc-gia khác nhau, cũng không kém phần mãnh-liệt. Kết-quả là dân-chúng Việt-nam bị điêu-đứng khổ-sở, và sống mãi trong một bầu không-khí chiến-tranh, không thể kiến-thiết xứ sở được.

Tình-trạng này không thể kéo dài ra mãi. Muốn thoát khỏi sự bế tắc hiện nay, người Việt-Nam cần phải cố kết nhau lại làm một khối tranh đấu cho quyền lợi chung. Mà muốn được như thế, chúng ta cần phải có một nền tư-tưởng chánh-đáng làm gốc.

Quyển sách này ra đời là để đóng góp một phần công-nghiệp vào việc đả-phá những tư-tưởng sai lầm và xây-dựng một lý-thuyết thích-hợp cho dân-tộc Việ-Nam. Vì đó, nó chia ra làm hai phần. Phần đầu nghiên-cứu về những chủ-nghĩa chánh-trị danh tiếng đã ra đời; phần sau trình bày một chủ-nghĩa quốc-gia đã được một nhà lãnh-tụ cách-mạng nêu ra từ năm 1939 và sau đó được nhiều anh em chiến-sĩ vun bồi tu-bổ thêm. Tác-giả mong ước rằng những bạn độc-giả của quyển sách này sẽ không ngần ngại phê-bình sửa-chữa nó và nêu thêm ý-kiến để cho người quốc-gia Việt-Nam có được một nền tư-tưởng căn-bản khả dĩ dùng làm một lợi-khí tranh-đấu cho sự sống còn chung của toàn thể dân-tộc Việt Nam.