Dân Philippines tin Mỹ, hoài nghi TC

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dân Philippines tin Mỹ, hoài nghi TC

Bất chấp những phát biểu ồn ào của tân Tổng thống Philippines, người dân nước này vẫn ủng hộ việc Philippines nhận viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, theo các cuộc thăm dò và các cuộc phỏng vấn tại Philippines mới đây.

Một số công dân Philippines lo ngại về đề nghị của Tổng thống Duterte sẽ tham gia một liên minh với TC trong bối cảnh cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Nhưng một số người khác tỏ ra sẵn sàng cho TC một cơ hội giữa lúc Tổng thống nước họ đi thăm Bắc Kinh trong tuần này để thảo luận vấn đề viện trợ kinh tế cho quốc gia nghèo khó này ở Đông Nam Á. Duterte hôm thứ Năm nói sẽ lèo lái nước, tách ra xa Hoa Kỳ về cả phương diện quân sự lẫn kinh tế.

Duterte tuyên bố như vậy sau khi Hoa Kỳ chỉ trích những vụ hành quyết không qua xét xử trong chiến dịch bài trừ tội phạm ma tuý của ông ở trong nước.

Nhưng kết quả một cuộc khảo sát do viện nghiên cứu bất vụ lợi Social Weather Stations (SWS) thực hiện trong tuần này cho thấy mức độ tin tưởng đối với Hoa Kỳ có lúc tăng tới mức cao nhất từ trước tới nay.

Hoa Kỳ từng cai trị Philippines như một thuộc địa từ năm 1898 cho tới năm 1946. Nhiều người dân Philippines nói họ vẫn cần tới sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, cường quốc đứng đầu các nước Tây phương, chống lại thành phần nổi dậy Hồi giáo và chống tàu bè TC lai vãng ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines.

Anh Kirk Nagac, 27 tuổi, đang tìm việc ở thành phố Cagayan de Oro ở miền Nam Philippines, vẫn hướng về Hoa Kỳ để cung cấp cho Philippines các thiết bị quân sự tiên tiến.

Anh nói: “Dùng viện trợ của Mỹ cho Philippines là điều tốt, tôi không biết Tổng thống Duterte có đồng ý như vậy không, nhưng riêng đối với tôi, tôi thấy không có vấn đề gì.”

Về TC, thanh niên này nói: “Tôi không chắc là chúng tôi cần tới Trung Quốc, bởi vì người Mỹ đang giúp nước chúng tôi.”

Theo Viện nghiên cứu Social Weather Stations, 76% người Philippines đặt niềm tin của họ vào Hoa Kỳ, trong khi 22% tin tưởng vào TC. Mức độ tin tưởng dành cho Hoa Kỳ đã tăng trong năm nay cho tới thời điểm này, theo viện nghiên cứu SWS.

Duterte từng tuyên bố cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp với Mỹ trước đây trong tháng sẽ là cuộc diễn tập cuối cùng giữa hai nước. Duterte đã yêu cầu các cố vấn Mỹ, sau 14 năm, ngưng yểm trợ các lực lượng quân sự Philippines đang chiến đấu chống các phần tử nổi dậy Abu Sayyaf ở vùng Tây-Nam bán đảo Philippines.

Nỗ lực của Duterte muốn thực thi một chính sách đối ngoại ‘độc lập’ hơn là điều hợp lý, nhưng đẩy người Mỹ ra xa có nguy cơ phản tác dụng, theo nhận định của ông Carl Baker, Giám đốc chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS). Ông Baker cảnh giác nhà lãnh đạo Philippines:

“Duterte có rủi ro đánh mất sự hậu thuẫn của một số đông thành phần có thế lực ở Philippines vốn có quan hệ lâu năm với Hoa Kỳ, cả trong cộng đồng quốc phòng lẫn trong giới doanh thương. Tôi nghĩ ông ấy thật sự cần giảm tốc một chút, và tham khảo ý kiến của chính nhân dân của ông.”

Người Philippines ủng hộ viện trợ Mỹ bởi vì Hoa Kỳ là cường quốc số 1 thế giới về mặt quân sự, và cũng là một nền dân chủ như Philippines. Trang mạng cung cấp các dữ liệu nghiên cứu Globalfirepower.com đánh giá quân đội Mỹ là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, trong khi quân đội Philippines được xếp hạng thứ 51.

Hoa Kỳ cũng giành được sự ủng hộ của nhiều người bằng cách hoạt động trong hậu trường, thể theo yêu cầu của Các Lực lượng Vũ trang Philippines, thay vì triển khai binh sĩ công khai là điều có thể gây bức xúc cho Philippines trong bối cảnh hiện nay, vì sự can thiệp quá lộ liễu có thể khiến Philippines cảm thấy như thể còn là một thuộc địa của Mỹ.

Washington và Manila đã ký Hiệp định Phòng vệ Hỗ tương vào năm 1951, theo hiệp định này mỗi bên phải nhảy vào yểm trợ nếu nước kia bị tấn công bởi một quốc gia thứ 3.

Hai năm về trước, hai nước ký kết Hiệp ước Tăng cường Hợp tác Quốc phòng cho phép Mỹ luân phiên đưa binh sĩ tới tham gia các cuộc tập trận hỗn hợp để chuẩn bị đối phó với các vụ xâm nhập lãnh hải của TC.

Duterte trong chuyến công du tới Bắc Kinh tuần này, nói với đài truyền hình nhà nước TC hôm thứ Tư rằng TC là “niềm hy vọng duy nhất về kinh tế cho Philippines.”

Hôm qua, thứ Năm 20/10 Duterte cam kết sẽ “dựa vào Trung Quốc trong một thời gian lâu dài”, đồng thời tuyên bố ông đã đổi lập trường để đi theo dòng tư tưởng và ý thức hệ TC.

Hai nước theo dự kiến sẽ ký các thoả thuận trị giá hơn 13 tỉ đôla, theo truyền thông Philippines. Hai bên còn đồng ý đặt sang một bên cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong Biển Đông.

TC đã hối thúc hai bên mở đối thoại từ khi Bắc Kinh thua kiện sau phán quyết của Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc hồi tháng Bảy. Tổng thống tiền nhiệm của Philippines, ông Benigno Aquino, đã nạp hồ sơ khiếu kiện TC và yêu cầu toà án quốc tế phân xử để ngăn chận tàu bè TC đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ông, trong phạm vi 200 hải lý cách bờ biển Philippines.

Người dân Philippines nói họ không tin tưởng vào các quan hệ gần gũi hơn với TC vì cuộc tranh chấp lãnh hải giữa hai bên kéo dài đã 4 năm nay, xâm phạm lãnh hải ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines nơi Manila tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, TC tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bao gồm cả khu đặc quyền kinh tế của Philippines. – Theo VOA