Dân là gì trong mắt chính quyền?
Theo VOA Blog – Cao Huy Huân – 05.05.2015
Sài Gòn đang bước vào những ngày bận rộn để “chào mừng” cái gọi là “đất nước tròn 40 năm giải phóng và hòa hợp hai miền Nam-Bắc”. Nhiều khi bắt gặp vài ba câu chuyện hồi tưởng của các vị gắn bó với chiến trường Việt Nam suốt mấy chục năm ròng. Không ít trong số họ với những bộ đồ bạc màu cần cù lao động sau chiến đấu. Nhưng cũng kịp ngồi lại mời khách vài ly trà, lục lại ký ức như mới hôm qua về những nỗi khổ nếm mật nằm gai, về những khoảnh khắc chiến đấu không mệt mỏi bên nòng súng đến điếc cả tai, và cả những vết thương lòng khi đồng đội lần lượt nằm xuống ngay bên cạnh mình. Tất nhiên họ không quên kể, bằng ánh mắt rực sáng của những người chiến thắng.
Tôi cảm thấy thương hại vì hy sinh của họ là vô nghĩa, và vì họ là những người cầm súng chiến đấu vì một lý tưởng xa vời và không tưởng. Tôi lại thêm phiền lòng không ít trước những việc làm của Nhà nước này liên quan đến sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày độc lập. Một sân khấu hoành tráng được dựng ngay trước Dinh Độc Lập cùng với đông đảo cơ quan an ninh, nhà chức trách, công nhân thi công, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tham gia tập luyện cả tháng ròng. Ban tổ chức phấn khởi bao nhiêu, không ít người dân chỉ biết hồi hộp bấy nhiêu.
Hồi hộp vì sáng nay đi làm đường nào, và tối về như thế nào cho tiện khi hàng loạt các tuyến đường trung tâm bị cấm. Đất Sài Gòn nói nhỏ thì không nhỏ, nhưng kẹt xe cũng không phải là chuyện khó tìm. Vậy mà giới chức trách cấm đường, khiến hàng loạt các tuyến đường giao thông tê liệt bởi hàng triệu chiếc xe ngược xuôi không biết đường ra. Có người đưa người nhà đi khám bệnh phải chạy lòng vòng rồi lạc theo những dòng người xô bồ, nóng bức, chật chội, khói bụi và ồn ào. Công an xuất hiện phân luồng cũng bất lực vì lượng xe quá khủng nối đuôi nhau đi vào bế tắc. Dân vừa đi vừa uất ức lẫn bực bội. Có người tức tối chửi trời, chửi đất, chửi luôn cái sự kiện 30/4 này.
Đó là chưa kể những đợt duyệt xe diễu hành chật kín cả mấy tuyến đường trọng yếu, với dàn âm thanh khủng cứ vọng lên ngay các cơ quan nhà nước, trường học lẫn các cơ quan ngoại giao quan trọng vào giờ cao điểm. Phía bên kia của những “đoàn xe độc lập”, người dân lũ lượt vượt cạn giữa biển người sau một ngày bận rộn làm việc vì miếng cơm manh áo và hối hả về nhà để kịp chuyện cơm nước, gia đình. Chẳng ai còn tâm trí để ý đến những dàn xe khủng, những dàn đèn màu đã được bật sáng rực các con phố. Sự tương phản giữa lễ hội và đời sống khiến người nhìn toàn cục phải cười buồn thấm thía.
Chưa dừng ở đó, dân còn hồi hộp chờ xem lễ hội năm nay Nhà nước phải chi ra bao nhiêu tiền ngân sách. Thường thì việc thu chi các chương trình lễ hội nên được công bố trước khi chương trình diễn ra để né “chuyện đã rồi”. Bài học lãng phí từ nhiều sự kiện vốn phải được các nhà chức trách hiểu hơn ai hết sau hàng loạt các vụ bê bối lãng phí bị dân lên án. Gần nhất là vụ xây dựng tượng đài hơn 400 tỷ đồng ở vùng đất nổi tiếng nghèo khó Quảng Nam chỉ để “ghi ơn” mẹ Việt Nam anh hùng – nhiều người trong số họ đang vật lộn từng ngày với cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ vì ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa an.
Nhưng mọi thứ thu chi đều chỉ được báo cho dân sau khi kết thúc chương trình. Để rồi dân phải giật mình khi nhìn số tiền trăm, nghìn tỷ bị “đốt” trong vòng một vài ngày – số tiền lẽ ra có thể được dùng để làm biết bao điều ý nghĩa cho dân (điện đường, trường học, bệnh viện, nhà ở, hạ tầng…) vốn còn nghèo khổ, chật vật, tùng thiếu nhưng lúc nào cũng “sòng phẳng” trong thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với quốc gia.
Khi Lý Quang Diệu mất, chính phủ Singapore quyết định tổ chức đám tang tại tòa nhà quốc hội trong nhiều ngày để dân vừa thuận tiện lại có thời gian đến thăm ông lần cuối. Việc tổ chức quốc tang cho vị cha đẻ của Singapore được tính toán kỹ đến mức: tránh hiện tượng quá tải dân gây mất trật tự, kẹt xe hay tệ nạn; tránh gây phản cảm; tiết kiệm và ý nghĩa. Đó là một Singapore đầy nhạy cảm với cảm xúc và sự an tâm, thuận tiện của người dân.
Rất nhiều người thắc mắc: “Mục đích của việc diễu hành ngày 30/4 này để làm gì?” Nếu họ xem người dân là chủ của đất nước, tại sao dân hoàn toàn bị động trong việc tổ chức diễu hành này? Tại sao dân không được phép vào khu vực diễn ra diễu hành để theo dõi? Vậy diễu hành là để cho ai? Thiết nghĩ ở Việt Nam, trước khi tổ chức lễ, hội trọng đại của quốc gia, các nhà chức trách cũng cần có sự “nhạy cảm” như vậy, để dân vừa thuận tiện, thoải mái, hết lòng hưởng ứng. Không nhạy cảm với nỗi khổ của dân, như việc cấm đường không đúng lúc hay không tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, thì sự đồng thuận chính trị từ dân sẽ là một điều xa xỉ.