Đàm phán về Ukraine ‘không tiến triển’
Mỹ và Nga vẫn còn rất khác biệt trong vấn đề Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo không có đột phá nào về vấn đề Ukraine sau nhiều giờ nói chuyện ‘chân thành’ với người tương nhiệm Nga Sergei Lavrov ở Paris hôm Chủ nhật ngày 30/3.
Ông Kerry cho biết ông đã nói với Lavrov rằng Mỹ vẫn xem việc Nga chiếm vùng tự trị Crimea của Ukraine là ‘bất hợp pháp và không chính đáng’.
Ông nói ông đã nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định nào về tương lai của Ukraine cũng cần phải có sự tham gia của chính quyền Kiev.
‘Liên bang và trung lập’
Trước đó, Lavrov đã đặt ra những yêu cầu về một nước Ukraine liên bang và trung lập.
Phát biểu trước báo giới, ông Kerry nói: “Chúng tôi không chấp nhận một lộ trình đi tới mà không có sự tham gia của chính phủ hợp pháp của Ukraine.”
Ông cũng nêu lên ‘mối quan ngại sâu sắc’ về sự hiện diện của binh lính Nga tại biên giới với Ukraine mà ông cho rằng đã tạo ra một không khí lo sợ.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga bác bỏ hoàn toàn việc Nga tính đưa quân vào Ukraine.
Tại một cuộc họp báo riêng rẽ, Lavrov nói ông và người đồng cấp Mỹ đã đồng ý làm việc với Chính phủ Ukraine để đảm bảo quyền của người nói tiếng Nga ở quốc gia này và tước vũ khí ‘các lực lượng không chính quy’.
Trước đó, phát biểu trên truyền hình Nga, Lavrov nói rằng Ukraine cần phải có một Hiến pháp định hình thể chế liên bang và trung lập.
Bộ Ngoại giao Ukraine nói họ lấy làm tiếc một cách sâu sắc lời phát biểu ‘trịch thượng’ của Nga và cho rằng đây là nỗ lực của Moscow nhằm tan rã Ukraine.
Mỹ đang quan ngại về việc Nga đồn trú quân tại biên giới với Ukraine
Cuộc gặp Kerry-Lavrov đã được sắp xếp vội vã sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tối thứ Sáu ngày 28/3.
Tại cuộc họp báo, ông Kerry đã nhấn mạnh cần phải tìm ‘giải pháp ngoại giao’ cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Mỹ và Nga có sự khác biệt ý kiến về nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này – nhưng cả hai chúng tôi đều thừa nhận tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao,” ông nói.
Ông nói hai nước sẽ làm việc với chính phủ Ukraine về các vấn đề ưu tiên như quyền sử dụng ngôn ngữ thiểu số, giải giáp ‘các lực lượng không chính quy’ và cải cách Hiến pháp.
Phóng viên ngoại giao của BBC Bridget Kendall cho biết đến giờ dường như cả hai phía Mỹ và Nga đều đưa ra những tuyên bố qua mặt nhau về vấn đề Ukraine.
Mặc dù cuộc thảo luận ở Paris không đem đến đột phá nào, dường như lần đầu tiên cả hai phía đã tìm thấy một điểm chung – ngay cả khi điểm chung nào này là những vấn đề quan tâm của người Nga, phóng viên Kendall nhận định.