Đàm phán Ukraine – Nga?
Cuộc chiến Ukraine và Nga kéo dài đã 10 tháng nay, các nước phương Tây và NATO kể cả Mỹ đều đặt câu hỏi “Phải chăng đã đến lúc Ukraine đàm phán hòa bình với Nga?”, nhưng theo giới quan sát khả năng đàm phán trong lúc này khó thực hiện, đòi hỏi phải có mối tương quan lực lượng trên lãnh vực quân sự, nghĩa là hai bên phải đạt được các mục tiêu của cuộc chiến.
Sự kiên định lập trường này khiến Mỹ và các nước đồng minh châu Âu lo lắng nguy cơ chiến tranh kéo dài sẽ gây khó khăn kinh tế cho đất nước.
Một mặt phía Nga không có dấu hiệu nào muốn đàm phán với Ukraine vì Tổng thống Vladimir Putin đã không đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 nhằm tìm kiếm cơ hội đàm phán với Ukraine.
Mặt khác Tổng thống Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh bác bỏ khả năng đàm phán với Putin trừ khi Nga rút hết quân đội ra khỏi lãnh thổ Ukraine và sau đó mở tòa án đặc biệt xét xử tội ác chiến tranh của Nga.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu và NATO đã cố gắng gặp gỡ Tổng thống Putin và Zelensky để hòa giải, nhưng đều không kết quả:
– Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Putin nhiều lần tại Moscow.
– Tổng Thống Mỹ Joe Biden cũng sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận với Putin trong vấn đề hòa giải cuộc chiến.
– Theo Reuters, ngày 21/3/2022 Tổng Thống Israel Naftali Bennett cũng đến gặp Putin trong việc hòa giải.
– Tổng Thơ Ký LHQ Guterres cũng đến gặp cả hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.
– Nhưng tích cực nhứt là Tổng Thống Tayipp Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cũng là láng giềng trong Biển Đen có mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine.
Kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga – Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ luôn quyết tâm làm trung gian hòa giải cân bằng.
Tổng thống Erdogan đã thành công trong vai trò trung gian cùng với Liên Hiệp Quốc đạt được các thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và Nga đi qua Biển Đen, được dư luận quốc tế đánh giá tích cực vì đã góp phần giải quyết mối đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Trước đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng góp không nhỏ cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tháng 3 vừa qua Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các nhà đàm phán Moscow và Kiev và các cuộc gặp khác giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Antalya.
Trong bài phát biểu mới đây tại Ankara, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang nổ lực để chấm dứt cuộc xung đột trong hòa bình.
Tiếp theo ông cố gắng vận động để Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau.
Hồi đầu tháng 8, Tổng thống Erdogan đã gặp Tổng thống Putin ờ Sochi (Nga) và vài ngày sau, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Ukraine đưa ra thông điệp sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán ngừng bắn.
Xe tank của Ukraine
Dĩ nhiên ngoài mục tiêu ngăn chặn cuộc xung đột có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, vai trò trung gian hòa giải cũng đem đến cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lợi ích khác.
Trước hết có thể duy trì liên hệ cả hai đối tác quan trọng là Nga và Ukraine:
– Nga là bạn hàng đứng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp 45% khí đốt tự nhiên và 70% lúa mì nhập khẩu.
– Còn Ukraine là địa bàn đầu tư hấp dẫn, hiện thu hút 4.5 tỷ USD của các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ.
Do đó việc làm này khiến cho NATO xem xét lại vị thế của Ankara từ trước đến nay đều tỏ ra “thiếu thiện chí”, nếu không nói là thường đối đầu với các thành viên khác trong khối, kể cả Mỹ, nhưng việc hỗ trợ này đã thể hiện tình đoàn kết với phương Tây và gia tăng quan hệ ngoại giao rất tốt.
Nhưng thời điểm đàm phán chưa đến lúc vì cả hai chưa đạt được mục tiêu quân sự như mong muốn.
Hơn nữa vấn đề chính yếu là do Putin. Chúng ta hãy xét đến cá tính và lập trường của Putin qua những thành tích mà Putin đã đạt được trong suốt 22 năm qua:
– Ngày 7/5/2000: Tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Nga.
– Ngày 7/5/2004: Tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống lần 2.
– 2008-2012: Putin giữ chức Thủ tướng Nga.
– Tháng 9/2011: Tổng Thống Dmitry Medvedev đề cử Putin làm Tổng Thống lần nữa.
– Tháng 3/2012: Putin đắc cử Tổng Thống trong cuộc bầu cử.
– Ngày 7/5/2012 Putin chính thức nhậm chức Tổng Thống lần 3.
Ngoài ra Putin luôn tạo cho mình hình ảnh một người đàn ông đích thực 100% với tính gia trưởng và phô trương sức mạnh. Putin rất ngưỡng mộ Nga Hoàng Đại Đế (1627-1725) từ lâu. Tên của Peter Đại Đế được đặt cho thành phố St. Petersburg, quê hương của Tổng Thống Putin, nơi
được xây dựng trên vùng đất chiếm được của Thụy Điển.
Putin đã từng phát biểu vào ngày 9/6/2022 tại cuộc triển lãm ở Moscow, nhân dịp kỷ niệm 350 năm ngày sinh của Nga Hoàng Đại Đế Peter.
Putin muốn gắn cho mình chữ “vĩ đại” giống như Đại Đế Peter.
Putin lập luận rằng ngày xưa Peter Đại Đế không chiếm đất của ai, chỉ “giành lại lãnh thổ” cho Đế chế Nga.
Peter Đại Đế đã xây dựng quân đội, hải quân và lãnh đạo nước Nga, mở mang lãnh thổ chống lại Thụy Điển vào thế kỷ 18, cuộc chiến mà Putin đang so sánh với cuộc xâm lược Ukraine.
Từ đó Nga vẫn đặt cược vào thắng lợi quân sự ở Ukraine trong khi cương quyết không nhượng bộ khiến khả năng đàm phán đi vào ngỏ cụt.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitri Peskov hôm 17/11/2022 khẳng định “Ukraine chưa muốn đàm phán”. Bằng chứng trước đó vào ngày 15/11/2022 trong bài phát biểu qua Video tại thượng đỉnh G20, Tổng thống Zelensky đưa ra bản kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó đòi hỏi toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine. Đương nhiên bản kế hoạch bị bác bỏ, và quân đội Nga đã bắn vào lãnh thổ Ukraine 100 hỏa tiển giữa lúc diễn ra thượng đỉnh G20.
Theo giới quan sát khả năng đàm phán lúc này hoàn toàn thất bại vì Nga không có dấu hiệu nào muốn đàm phán với Ukraine; và trên thực tế Ukraine đang trên đà thắng thế quân sự, do đó không có lý do gì mà đàm phán trong khi chiến thắng trong tầm tay.
Thật ra bản kế hoạch 10 điểm không phải là kế hoạch hòa bình, mà là 10 mục tiêu chiến tranh, là điều kiện chấm dứt chiến tranh.
Theo nguồn tin từ các phóng viên báo Pravda tại Ukraine cho biết một ngày trước thượng đỉnh G20, một cuộc “mặc cả” hòa bình đã được đi đêm với Tổng Thống Putin từ một quốc gia trong số các nước trung gian: Nga trao trả toàn bộ các vùng lãnh thổ đã bị sáp nhập cho Ukraine; đổi lại Ukraine tạm thời “đóng băng” trong 7 năm mọi đàm phán về bán đảo Crime’e, tạm ngưng 7 năm xin gia nhập vào NATO và Nga ngưng tấn công bằng hỏa tiển vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine; thì ngay lập tức Nga pháo kích ồ ạt vào Ukraine, và đề nghị này xem như chấm dứt. Sự kiện này nói lên thời điểm cho cuộc đàm phán hòa bình chưa chín muồi.
Tóm lại cả Nga và Ukraine quyết định giữ vững lập trường của mình khiến cho Hoa Kỳ và đồng minh Châu Âu lo lắng. Thời gian gần đây trong hậu trường, nhiều quan chức Mỹ và Châu Âu hối thúc Ukraine nên để ngỏ cánh cửa đàm phán dù họ không gây áp lực với Kiev.
Đáng chú ý với lời phát biểu của Tướng Mark Milley, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ: “Khi có cơ hội đàm phán, khi hòa bình có thể đến thì hãy nắm lấy, hãy nắm bắt thời điểm đó”.
Đương nhiên lý luận này của ông không được phía Ukraine và phe diều hâu tại Mỹ hài lòng. Trước những phát biểu này, chính quyền Biden phải lên tiếng xoa dịu mối lo Hoa Kỳ chuyển hướng.
Những thông tin này đưa ra là một phần trong chiến lược “đánh động”, chứng tỏ có một sự thay đổi trong lập trường của Mỹ để tập cho Ukraine quen dần với việc đàm phán; đây cũng có lẽ là một cách Washington dọ dẫm tìm kiếm cho một khả năng ngoại giao.
Mỹ và Châu Âu bắt đầu cảm thấy lo lắng hậu thuẫn lâu dài gánh nặng chiến tranh bắt đầu tác động đến nền kinh tế các nước phương Tây.
Chiến tranh càng kéo dài thì mặt trận hậu thuẫn Kiev càng có nhiều nguy cơ sụp đổ cả trên bình diện quốc tế lẫn trong nội bộ các nước, đặc biệt là Mỹ vốn dĩ đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine cả về tài chánh lẫn quân sự.
Điều nghịch lý là phương Tây lo lắng cho một chiến thắng lớn của Ukraine và đó cũng là điều sỉ nhục cho ông Putin, có thể đưa đến những hành động trả đũa như tấn công nguyên tử chẳng hạn.
Tướng Mark Milley luôn cảnh báo: Nga vẫn luôn có một sức mạnh chiến đấu phi thường bất chấp những thất bại.
Tuy nhiên vẫn còn một chút hy vọng liên quan đến một điểm trong bản kế hoạch 10 điểm của ông Zelensky, đó là việc Ukraine ứng viên gia nhập NATO.
Liệu một tín hiệu cho biết Ukraine rất có thể từ bỏ là thành viên của NATO chăng?
Đây sẽ là một bước ngoặt ngoại giao trong cuộc chiến Ukraine!
Hoàng Đình Khuê.
Ngày 10/12/2022