Đại Việt sanh tồn, giải pháp Bảo Đại hay giải pháp Đại Việt*? – Nguyễn văn Trần
Trong lịch sử cách mạng tranh đấu giành Độc lập Việt nam gần đây, có 2 Đảng Cách mạng có tuồi thọ cao nhứt là Việt nam Quốc dân Đảng và Đại việt Quốc dân Đảng. Đảng cộng sản tuy xuất hiện năm 1930, sau Việt nam Quốc dân Đảng, nhưng không phải là đảng tranh đấu cách mạng cho Độc lập dân tộc, mà tranh đấu cho quyền lợi của phong trào cộng sản quốc tế. Vì người cộng sản không có dân tộc và không có đất nước riêng của họ.
Hai lãnh tụ của hai Đảng ái quốc, Việt nam Quốc dân Đảng và Đại việt Quốc dân Đảng, đều hi sanh sớm ở tuổi thanh niên. Nhơn đây, tưởng không nên quên lãnh tụ Đại việt Duy Dân, một nhà tranh đấu ái quốc, để lại một pho lý thuyết chánh trị khá đồ sộ hãy còn giá trị thực tế, cũng hy sanh ở tuổi 25. Đó là cái bất hạnh lớn của dân tộc, trái lại, là cái may mắn có một không hai của phe cộng sản phi dân tộc.
Mất lãnh tụ, ba Đảng ái quốc này vẫn tiếp tục tranh đầu chống cộng sản và thực dân pháp để khôi phục nền độc lập dân tộc. Riêng Đại Việt Quốc dân Đảng, chủ yếu là cánh Nam kỳ, chủ trương ủng hộ Cựu Hoàng Bảo Đại, vận động thực hiện giải pháp Bảo Đại, bước đầu thiết lập Quốc gia Việt nam không cộng sản để tạo thế tranh đấu cho tình hình mới, vừa để phủ nhận cái Việt nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh ra đời ngày 2/9 ở Hà nội do cướp được chánh quyền của chánh phủ Trần Trọng Kim đang bỏ ngỏ. Tích cực vận động giải pháp Bảo Đại, Đại Việt đã nhiều lần tham chánh. Mặc dầu phải đương đầu nhiều khó khăn, Đại Việt tái cơ cấu và vươn lên lớn mạnh. Giải pháp Bảo Đại thất bại nhưng Đại Việt vẫn kiên cường tồn tại và tiếp tục tranh đấu.
Đại Việt lưu vong
Thử nhìn lại Việt Nam vào thời điểm 1945. Ngày 9 tháng 3 chấm dứt 80 năm đô hộ thực dân pháp đem lại cho Việt nam sự độc lập, thống nhứt đất nước cho tới ngày 19 tháng 8. Sau đó, Việt nam lại bị phân chia và bị tái đô hộ do Hiệp ước 6 tháng 3 của Hồ Chí Minh ký với Pháp để Đô đốc d’Argenlieu trở lại Hà nội. Trước tình hình mới này, những người quốc gia thấy phải làm lại cuộc tranh đấu.
Trong hoàn cảnh Việt Nam, người yêu nước chơn chánh không có chỗ đứng. Họ không thể theo Việt minh cộng sản mà cũng không thể ngả theo Tây được. Tiếp tục chiến đấu chống Vìệt minh và chống Tây, Đảng Đại Việt sẽ phải tổ chức lại hàng ngũ, xét lại đường lối cho phù hợp với tình hình mới nhằm mục tiêu không thay đổi là khôi phục nền Độc lập Dân tộc.
Ở Việt nam, Đại Việt bị Việt minh hãm hại. Một số đảng viên vâng lời Đảng trưởng tìm cách trốn qua miền nam nước Tàu. Trương Tử Anh nghĩ tới thành lập ở Tàu một «Trung tâm chánh trị» với Cụ Trần Trọng Kim và những cán bộ nồng cốt như Nguyễn Tôn Hoàn, Đặng văn Sung, Bùi Diễm, Nguyễn Quang Minh, Phạm Khải Hoàn, Hồ Nhựt Tân, Đặng Vũ Lạc, Mai văn Hàm,… Những người này chia ra làm 4 nhóm lần lược đi qua Tàu bằng 4 ngã khác nhau. Khi qua tới bên Tàu, họ sẽ tìm cách gặp lại nhau ở Hồng kông là điểm hẹn chánh và sẽ liên lạc với Cựu Hoàng Bảo Đại. Với điều kiện địa lý và cách đi riêng rẽ như vậy, việc gặp lại nhau không phải dễ dàng. Mặt khác, họ còn bị mật thám tây ở Tàu theo dõi. Nhưng dầu sao, họ vẫn bị nguy hiểm ít hơn những đồng chí của họ ở lại Việt nam, vừa bị Việt minh đàn áp, truy lùng, vừa bị Tây bố ráp, bao bố nhìn mặt.
Cho tới lúc giải pháp Bảo Đại thành hình, ngoài số thanh niên qua lại biên giới Việt-Tàu thường xuyên, đảng viên Đại Việt và VNQDĐ hoạt động dài hạn trên đất tàu có tới 2500 người vào năm 1948 trong số đó có lối 250 cán bộ Việt minh trà trộn theo.
Đảng viên Đại Việt và VNQDĐ ở Miền nam nước Tàu hằng ngày theo dõi diễn tiến của tình hình Việt Nam, tuy phương tiện thông tin và liên lạc với Việt Nam vô cùng khó khăn. Phần đông nôn nóng muốn trở về Việt nam để có điều kiện hoạt động dễ hơn.
Ở Quảng đông, VNQDĐ và Đại Việt vận động thống nhứt hai đảng để tăng cường sức mạnh, chỉ còn chờ đợi sự chấp thuận của hai đảng trưởng Vũ Hồng Khanh và Trương Tử Anh. Nhưng sáng kiến thống nhứt lực lượng đã trở thành không còn quan trọng nữa vì ở Hồng Kông, Cựu Hoàng Bảo Đại cũng đang vận động kết hợp người quốc gia chung quanh ông. Với tính chính thống, Cựu Hoàng có thể tạo được một tình hình mới để cho các đảng phái quốc gia có điều kiện hoạt động công khai cho một giải pháp chánh trị Việt Nam Độc lập không cộng sản và thoát ra khỏi Liên Hiệp Pháp.
Nguồn tin Đại Việt chọn ủng hộ Cựu Hoàng như giải pháp cho Việt Nam được Đặng văn Sung đính chánh. Tuy nhiên, sau đó, Đặng văn Sung nhận hai nhiệm vụ quan trọng từ Trương Tử Anh là báo cáo tình hình ở Tàu vừa tìm nguồn tài chánh cho Đại Việt và liên lạc với Trần Trọng Kim và Bảo Đại. Với Cụ Kim, giải pháp Bảo Đại vẫn được Cụ ưu ái.
Không cần vai trò Cố vấn tối cao làm kiểng của Bảo Đại nữa, Hồ Chí Minh gởi ông qua Tàu ngầm ý cô lập ông. Những ngày đầu khổ sở, túi không có một đồng xu, nhờ hảo tâm của bạn bè sống qua ngày, sau ông mới được Ngân hàng Đông dương giúp đều đặn tiền bạc nên ông mới tới ở Khách sạn Gloucester, Queen’s Road. Tại đây, ông gặp nhơn viên an ninh của Tòa Lãnh sự Pháp có nhiệm vụ theo dõi người Việt Nam tới đây, ông ngỏ ý muốn đi Quảng đông du lịch vài ngày. Sự thật, ông muốn gặp Cụ Trần Trọng Kim và những người Việt Nam quốc gia ở đây. Nhơn đó, nếu thuận tiện, ông xin gặp Tưởng Giới thạch để biết quan điểm của người tàu vể vấn đề Việt Nam hiện nay. Tới Quảng đông, Cựu Hoàng được Lãnh sự Pháp, một Giám mục và một nhơn viên Ngân hàng Đông dương đón tiếp. Ông cũng gặp Cụ Trần trọng Kim nhưng không có tin tức gì mới và quan trọng về tình hình Việt Nam. Cựu Hoàng đặc biệt để ý tới tình cảnh túng thiếu cực kỳ nghiêm trọng của gia đình Cụ Kim. Ông mời Cụ Kim theo ông tới Hồng kông. Ở đây, ông được một Linh mục của Phái bộ Truyền giáo Hải ngoại khuyên ông nên về Sài gòn và ở trong khu vực kiểm soát của pháp để được bảo vệ an ninh. Cụ Nguyễn Hải Thần, Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng và nhiều nhơn sĩ quốc gia khác cùng khuyên ông nên nhận lãnh nhiệm vụ thực hiện môt giải pháp quốc gia. Mọi người đều bày tỏ lòng ủng hộ ông.
Những suy nghĩ bước đầu
Năm 1947, Cựu Hoàng nghĩ phải quyết định tham dự vào cuộc tranh đấu cho nền độc lập của đất nước. Ông chọn dựa trên những người nồng cốt của Đại Việt như Nguyễn Tôn Hoàn, Đặng văn Sung, Nguyễn Xuân Việt và những người quốc gia độc lập để tạo thế ứng xử với những tham vọng của pháp. Ông tiếp môt đặc phái viên của chánh quyền pháp và đặt điều kiện với Pháp: «Pháp phải chấm dứt chiến tranh, phải trao trả độc lập và sự thống nhứt cho Việt nam; không có một giải pháp nào khác cả». Ngày 9/9/1947, Cựu Hoàng từ Hồng Kông đưa ra lời hiệu triệu các đảng phái và người Việt Nam quốc gia ở trong nước và ngoài nước để ông nói về một giải pháp và vai trò của ông tìm kiếm độc lập cho Việt Nam. Sự hưởng úng rất rộng rãi. Đảng phái tổ chức những buổi thảo luận về đề nghị giải pháp Việt Nam của ông đưa ra kéo dài cả tuần, sau cùng dẫn tới hai ý kiến có giá trị như kết luận: Việt Nam cộng hòa và Việt Nam quân chủ lập hiến.
Những người tham dự hội nghị, trước ý kiến mâu thuẫn chưa có giải pháp, không muốn Cựu Hoàng tự ý vội thương lượng sớm với Pháp, nhưng không thể để mất ông vì mất ông thì chỉ còn Việt Minh là lực lượng Việt Nam duy nhứt đối thoại với Pháp mà thôi.
Lo ngại sự tranh chấp kéo dài sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp, Cựu Hoàng đưa ra một bản tuyên bố gởi cho toàn dân việt nam, trong đó ông không quên lên án Việt Minh độc tài, bày tỏ ý kiến ông sẽ đứng ra giải quyết tình hình Việt Nam, đem lại sự thống nhứt và độc lập cho xứ sở. Qua lời kêu gọi này, người ta thấy Cựu Hoàng muốn xác định vị trí của ông là trên mọi đảng phái và mọi tranh chấp: «…Việt Nam thống nhứt, mọi người dân Việt Nam sẽ tái thiết đất nước xinh đẹp của mình trên những cơ sở mới, sức mạnh của chúng ta bắt nguồn từ những giá trị truyền thống dân tộc». Cũng qua lời kêu gọi, Cựu Hoàng muốn cho mọi người thấy ông không thừa nhận sự hiện diện của Việt Minh, không có một «giải pháp hồ chí minh» cho Việt Nam và kêu gọi cả những người Việt Nam còn kẹt trong hàng ngũ Việt Minh hãy trở về với hàng ngũ quốc gia.
Từ nay, Pháp có một người đối thoại đại diện thật sự cho chánh nghĩa Việt Nam. Cựu Hoàng tin tưởng rồi đây Pháp sẽ phải nhượng bộ cho Việt Nam độc lập.
Ông Nguyễn Tường Tam ở lại Hồng kông để theo dõi Ông Bảo Đại vì không đồng ý Ông Bảo Đại chọn Tướng Nguyễn văn Xuân làm Thủ tướng vì cho rằng đó là người của Tây hoàn toàn. Do sự khám phá của cảnh sát Anh, nhiều người mới biết phe Ông Nguyễn Tường Tam có âm mưu hạ bệ Ông Bảo Đại để chuẩn bị cho giải pháp một Việt Nam Cộng hòa khi thấy Ông Bảo Đại được sự ủng hộ rộng rãi và vai trò của ông trở thành quan trọng cho vấn đề Việt Nam. Ông Nguyễn Tôn Hoàn tuy không đồng ý Ông Bảo Đại có ý chọn Tướng Nguyễn văn Xuân lập chánh phủ nhưng ông lo ngại sự xung đột giữa phe quốc gia với nhau rất nguy hiểm trong lúc này nên đứng ra giàn xếp. Có thể nghĩ Ông Nguyễn Tôn Hoàn thấy vai trò của Nam kỳ quan trọng trong việc thống nhứt quốc gia? Không đưa đuợc Nam kỳ vào một chánh phủ Trung ương thì làm sao thực hiện một Việt Nam thống nhứt. Hơn nữa, Ông Bảo Đại, trước quốc tế, còn giữ được tính chính thống quốc gia. Ông đã tuyên bố hủy bỏ tất cả Hiệp ước bất bình đẳng với Pháp, khôi phục lại nền độc lập cho Việt Nam, ít nhứt trên pháp lý quốc tế.
Đến đây, người Pháp bắt đầu hiểu được những toan tính kín đáo của Ông Bảo Đại nhờ cảnh sát lượm được mấy chữ viết tay của Cụ Trần Trọng Kim về Cựu hoàng: «Cựu Hoàng không bao giờ nghĩ sẽ trở lại ngôi vua vì trở lại ngôi vua không có gì khác hơn là làm vua bù nhìn dưới sự đô hộ của thực dân. Nếu ông trở lại là trở lại theo tiếng gọi của quốc dân. Sự trở lại của ông phải đồng nghĩa với sự độc lập của Việt Nam».
Năm 1947, mặc dầu nhiều khó khăn vì đang sống lưu vong trên đất tàu, Đại Việt vẫn giữ quyết tâm, tái cơ cấu từng phần để có thể lấy những quyết định quan trọng và tham gia tranh đấu cho vận mạng đất nước. Về phần Cựu Hoàng, ông chọn cái nhìn của Đại Việt mà không theo quan điểm của bộ phận Việt Nam Quốc dân Đảng lưu vong.
Đại Việt ủng hộ Cựu Hoàng, sửa soạn cho ông về Việt Nam bằng 3 dự án: tạo một phong trào quần chúng chánh trị ủng hộ Bảo Đại, tổ chức một phong trào thanh niên ủng hộ Bảo Đại và giữ một chơn trong kháng chiến để nhằm kéo những người kháng chiến không cộng sản trở về. Nhưng qua năm 1948, Ông Bảo Đại quyết định chọn Tướng Nguyễn văn Xuân lập Chánh phủ Trung ương Lâm thời. Đại Việt đành phải đứng ra ngoài và chờ cơ hội khác. Trong lúc đó, Việt Minh gia tăng khủng bố, ám sát để tố cáo chánh phủ Bảo Đại tay sai của thực dân, bất lực không giữ được an ninh cho dân chúng, vừa tiêu diệt những người yêu nước giành độc lập thật sự. Những cái chết của Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo, Nguyễn văn Sâm, Hồ văn Ngà,… đủ tố cáo cái dã tâm của Hồ Chí Minh là không bao giờ từ bỏ khủng bố nhơn dân.
Quốc gia Liên hiệp
Quốc gia Liên hiệp là một tập họp những người quốc gia nhằm ủng hộ giải pháp Bảo Đại. Ở Trung, từ năm 1946, hai ông Trần văn Lý và Ngô Đình Diệm thành lập một tổ chức cùng danh xưng và cùng mục tiêu. Qua năm sau, Quốc gia Liên hiệp ở Trung sáp nhập vào Mặt trận Quốc gia Liên hiệp trong Nam do Bs Lê văn Hoạch, người Cao Đài, thành lập. Trong lúc đó, cũng có một Mặt trận Quốc gia Liên hiệp do Ông Vũ Tam Anh thành lập trong kháng chiến và tách ra. Nhưng tổ chức này không tồn tại lâu khi rút về Sài gòn.
Cuối năm 1947, một Ủy Ban Chỉ đạo gồm mười người: Nguyễn Tôn Hoàn làm Tổng Thư ký, Tướng Nguyễn văn Xuân làm Cố vấn Danh dự, thành viên là Đại diện Công giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo, Liên Minh Dân chủ của Bs Đỗ Dư Ánh, Khối Quốc gia Kháng chiến, Phân bộ Quốc gia Liên hiệp ở Trung do Ngô Đình Luyện đại diện, Đại diện Tin Lành,… được thành lập để hướng dẩn hoạt động của Quốc gia Liên hiệp ủng hộ giải pháp Bảo Đại.
Lực lượng ủng hộ giải pháp Bảo Đại đưọc thống nhứt trong đó 2 nhơn vật tích cực ủng hộ Cựu Hoàng là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Tôn Hoàn. Đây là thời điểm mà 2 người này khắn khít với nhau và hợp tác với nhau chặt chẽ. Nhờ đó, Ông Bảo Đại được một lực lượng chánh trị mạnh ủng hộ để ông về nước lập một chánh phủ quốc gia.
Qua tháng giêng 1948, Tổ chức Quốc gia Liên hiệp gởi Cựu Hoàng một bản kiến nghị ủng hộ ông và đồng thời yêu cầu ông dẹp bỏ Phái đoàn Đại diện Việt Nam ở Paris vốn thân Việt Minh.
Phía Pháp, với Bollaert, nhìn nhận chánh thức Bảo Đại là người đối thoại giàn xếp vấn đề Việt Nam, nhưng quan điểm của pháp vẫn nhằm hạn chế chủ quyền của Việt Nam. Để biết ý kiến của Quốc gia Liên hiệp, tức ý của các tổ chức chánh trị, Cựu Hoàng triệu tập các ông Trần văn Lý, Ngô Đình Diệm và Tướng Nguyễn văn Xuân tới Hồng kông. Hai ông Trần văn Lý và Ngô Đình Diệm phản đối đường lối của Pháp quyết liệt. Sau khi nghe ý kiến của Đại diện Quốc gia Liên hiệp, Cựu Hoàng qua Luân đôn, rồi Genève. Lúc này, ông biết chánh phủ hữu phái ở Paris, với một bộ phận đảng De Gaulle (gaulliste) tỏ ra khó chịu vì ông đã loại Việt Minh ra khỏi chánh trường Việt Nam. Trước dư luận pháp, trong một buổi họp báo ở Genève, ông lập lại quan điểm của ông về một giải pháp cho Việt Nam «… Pháp phải trao trả lại cho tôi quyền lãnh đạo Việt Nam độc lập, ba kỳ thống nhứt, với các sắc tộc thiểu số Miền Bắc, Trung và Nam. Có như vậy vấn đề Việt Nam mới được giải quyết và việc này làm được».
Được tin Cựu Hoàng sắp về, tháng 2/1948, các ông Nguyễn Tôn Hoàn, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Hữu Trí, Ngô Đình Diệm đều vội vã qua Hồng kông chờ đón Bảo Đại từ Genève trở lại. Ông Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ là người được hiểu sẽ được Cựu Hoàng chỉ định lập chánh phủ. Ông Diệm giữ sẵn một dự án chánh trị chờ có cơ hội áp dụng. Dự án gồm 5 điểm: 1/ chánh thể quân chủ nghị viện, 2/ thiết lập nền độc tài quốc gia, 3/ tuyển mộ và canh tân cán bộ chọn lựa trong những chiến sĩ quốc gia và công giáo, 4/ chống hối lộ, 5/ dẹp bỏ tận gốc Việt Minh.
Vìệt Nam Quốc gia
Dựa thế của Quốc gia Liên hiệp trong chánh phủ Nguyễn văn Xuân, Ông Nguyễn Tôn Hoàn tổ chức lại Đại Việt trong Nam cho phù hợp với đường lối cách mạng của Đại Việt. Ông thành lập Thanh niên Bảo quốc Đoàn như Thanh niên Tiền phong trước kia làm lực lượng xung kích đánh cộng sản ngay trên mặt trận thanh niên và cách mạng.
Ông Đỗ văn Năng thông báo Tướng Xuân Đại hội đầu tiên của Thanh niên Bảo quốc Đoàn sẽ tổ chức ở rạp hát Tân định và được chánh phủ nhìn nhận và ủng hộ. Từ 200 thanh niên đoàn viên với 70 cán bộ lãnh đạo, tăng lên 2000 chỉ trong vài ngày. Năm tháng sau, khắp các tỉnh Miền Tây đều có Thanh niên Bảo quốc Đoàn ra đời trước sự hưởng ứng nồng nhiệt của dân chúng.
Cựu Hoàng ủy nhiệm Tướng Nguyễn văn Xuân lập Chánh phủ Trung ương Lâm thời. Đại Việt không mặn mà với chánh phủ nhưng cần vai trò của chánh phủ. Trước biến cố quan trọng này, cuối năm 1948, Đại Việt ra chỉ thị cho cán bộ lãnh đạo đảng:
Đối với Cựu Hoàng, hiện là người duy nhứt có thể chánh thức tranh đấu cho nền Độc lập và Thống nhứt quốc gia;
Đối với Chánh phủ Trung ương Lâm thời, vì gồm nhiều phần tử phức tạp, chúng ta không ủng hộ nhưng không phê phán để lật đổ, phê phán hành động của nhơn viên chánh phủ nhưng không đụng chạm tới đời tư;
Đối với Pháp, Đại Việt chủ trương một nền độc lậo và Việt Nam thống nhứt trọn vẹn, từ Ải nam quan tới mũi Cà mau.
Trên phương diện tranh đấu chánh trị Việt Nam, những năm 1947 và 1948 có tính cách quyết định của Đại Việt. Sau 1946, Đại Việt bị phân hóa và suy yếu do Việt Minh tấn công. Chính nhờ một nhóm nhỏ cán bộ giỏi mà Đại Việt đã tìm lại được cho mình thế đứng vững vàng. Thay vì chạy qua Tàu và ở lại bên đó, Đại Việt đã khéo léo xử dụng con bài Pháp để tồn và tại tiếp tục tranh đấu nhưng vẫn giữ lập trường chống thực dân để giành độc lập.
Trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp và khó khăn của Việt Nam từ 1947 tới 1954, khó khăn về mặt chánh trị vì bị áp lực từ hai phía Pháp và Việt Minh cộng sàn, về mặt tâm lý, khi tránh Việt Minh chì có con đường rút về Thành, công khai tranh đấu, thì bị lên án đầu hàng giặc, Đại Việt đã tham gia chánh quyền, khai sanh ra một Việt Nam Quốc gia và xây dựng nó vững mạnh cho tới 30/04/75. Phải nhìn nhận đó là một thành công lớn của Đại Việt và Đại Việt Miền nam.
Pháp vẫn trì huỡn trao trả độc lập cho Việt Nam như đã hứa hẹn đã không tránh khỏi làm cho những người quốc gia có quan điểm đối nghịch. Có nên ủng hộ Bảo Đại tiếp tục những cuộc thương thảo kéo dài vô tận với Pháp nữa không? Một bộ phận Đại Việt chán nản, chủ trương dẹp giải pháp Bảo Đại. Việc chậm có độc lập trọn vẹn làm cho chiến tranh kéo dài chỉ có lợi cho cộng sản. Nhưng phải làm sao bây giờ? Thỏa hiệp với tất cả phe phái, kể cả Việt Minh, để chỉ đòi cho được Pháp phải cụ thể hóa nền độc lập cho Việt Nam hay dựa Pháp, theo đuổi tranh đấu chống Việt Minh để thanh toán cái đảng của Hồ Chí Minh? Hay vừa đánh Pháp, vừa đánh Việt Minh như con đường thứ ba?
Mặt Trận Quốc gia Liên hiệp
Năm 1948, Vũ Tam Anh đã có sáng kiến thành lập một Mặt Trận kết hợp rộng rãi người Quốc gia để tranh đấu cho độc lập. Ông đi tiếp xúc Giám mục Ngô Đình Thục ở Vĩnh long, hai ông Lê Trung Nghĩa, Trần văn Quế, người Cao đài. Đại hội sẽ họp ở một nơi trung gian trong Miền nam, như Mỹ Tho chẳng hạn, và dưới sự chủ tọa của Hộ pháp Phạm Công Tắc. Cựu Hoàng qua Nguyễn Hữu Trí, Đại Việt, và Tướng Nguyễn văn Xuân, chấp thuận dự tính này vì Mặt Tận Quốc gia Liên hiệp biểu hiện ý chí toàn dân ủng hộ Cựu Hoàng thảo luận với Pháp về một Việt Nam hoàn toàn độc lập, thoát ra khỏi Liên hiệp pháp. Tháng 7/1948, thừa lệnh Bảo Đại, Bs Nguyễn Xuân Chữ mở nhiều cuộc thăm dò quan điểm và tầm quan trọng các lãnh tụ đảng phái quốc gia trong Nam. Nhiều buổi tiếp xúc tổ chưc tại tư gia của Ls Lê Ngọc Chấn, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng. Trong việc thăm dò này, Bs Nguyễn Xuân Chữ đã gặp gỡ và quen biết Tướng Cao đài Nguyễn Thành Phương, Bs Nguyễn Tôn Hoàn, Đại Việt Miền nam, Ngô Đình Nhu, lãnh tụ đảng Xã hội Thiên Chúa giáo, Xuân Tùng, Việt Nam Quốc dân Đảng Sao trắng, Ông Trần văn Ân (Cựu Tổng trưởng Thông tin cúa chánh phủ Nguyển văn Xuân) và một số Đại diện Phật giáo Tịnh độ cư sĩ.
Sự tập họp các xu hướng chánh trị với những nhơn vật lãnh đạo đảng phái quốc gia nói lên ý muốn mạnh mẽ của dân từ khước chủ trương tiếp tục chánh sách thực dân của Pháp và chống lại mưu đồ thâm độc cộng sản. Tập họp này, mặt khác, còn xác định cụ thể sự sáp lại gần nhau giữa Đại Việt Miền nam với cánh công giáo của Ngô Đình Diệm. Tất cả những người này đồng ý sẽ tham dự Đại hội để vận động thành lập một Chánh phủ Quốc gia đoàn kết và một Quốc Hội tương lai.
Như vậy, mọi người đã không còn tín nhiệm Ông Bải Đại và chánh phủ Nguyễn văn Tâm nữa.
Ngày 3/7/1953, Thủ tướng Joseph Laniel của Chánh phủ Pháp mới thành lập muốn giải quyết cho xong vấn đề Việt Nam, đưa ra lời tuyên bố rõ ràng «kiện toàn nền độc lập cho Việt Nam». Lời tuyên bố này đã làm thay đổi thái độ của các lãnh tụ đảng phái trong Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp đối với Cựu Hoàng. Họ đồng thanh ủng hộ hoạt động của Cựu Hoàng ở Pháp.
Tháng 4/1954, nhận thấy mối nguy cộng sản trước mắt, năm Đoàn thể lớn Miền Nam có cả võ trang, Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Đại Việt và cả Phong Trào Đại Đoàn Kết của Ngô Đình Nhu, thay đổi thái độ, đưa ra một bản tuyên bố tái xác nhận ủng hộ Bảo Đại và thuộc Liên Hiệp Pháp để có thể bảo vệ quyến lợi Việt Nam trên trường quốc tế.
Bản tuyên bố chứng tỏ lực lượng quốc gia, cả Đại Việt, nay thấy bị bất lực trước tình hình đất nước ngày càng bi đát. Pháp đã muốn rút lui nhường lại mặt trận chống cộng ở Đông Dương cho Huê kỳ. Việc cắt đôi Việt Nam đã được các cường quốc thỏa thuận không cần ý kiến của Việt Nam.
Đến đây, Bảo Đại xử dụng con bài cuối hy vọng tập họp được hàng ngũ đảng phái quốc gia sau một chánh phủ đã bị suy yếu. Tháng 6/1954, ông thay hoàng thân Bửu Lộc, chỉ định Ông Ngô Đình Diệm lập chánh phủ. Đây là cơ hội mà Ông Ngô Đình Diệm đã chờ đợi từ năm 1945. Được sự ủng hộ mạnh của Phong Trào Đại Đoàn Kết và Huê kỳ, Ông Ngô Đình Diệm quả thật là «người của tình thế».
Ông Ngô Đình Diệm không hợp tác với Đại Việt Quan lại vì cho rằng cánh này đã quá gần gũi Bảo Đại. Còn Đại Việt xứ bộ Miền Nam của Nguyễn Tôn Hoàn, từng sát cánh với Ngô Đình Nhu trong Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp cho tới cuối năm 1953? Từ tháng 6/1954, hai người không còn tương đắc với nhau nữa. Trong một lần nói chuyện với Ông Ngô Đình Nhu, Ông Nguyễn Tôn Hoàn vụng về phê bình Ông Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Nhu trả lời thẳng thừng với Ông Nguyễn Tôn Hoàn về chánh phủ thiếu tính đoàn kết «Mỹ đã quyết định đem Ông Diệm về Việt nam nhưng không có đặt vần đề dân chủ, cũng không có vấn đề đoàn kết với các đảng phái quốc gia».
Từ năm 1949 tới năm 1955, Cựu Hoàng đã lần lượt lập không dưới 5 chánh phủ kế tiếp nhau và ông giữ chức vụ Quốc trưởng. Một sự kiện khá nổi bật trên chánh trường Việt Nam. Đại Việt có nhiều cơ hội tham gia chánh phủ, nắm giữ nhiều Bộ trong suốt thời gian này.
Hôm nay chưa có thể làm bảng tổng kết thành tích đầy đủ của Đại Việt. Cựu Hoàng được chọn để đại biểu cho một Việt Nam trong một giai đoạn mới. Đại Việt ủng hộ mạnh mẽ Ông Bảo Đại hy vọng sẽ làm thay đổi tình thế tốt hơn, lèo lái được một Quốc gia mới. Nhưng qua các chánh phủ có Đại Việt tham gia, Đại Việt lại bị kẹt trong thế «theo chánh phủ và chống chánh phủ, ủng hộ Bảo Đại và phản đối Bảo Đại» chỉ vì Pháp không thể tháo gỡ não trạng thực dân, không tôn trọng chế độ pháp trị của chính họ, làm mất đi tính chính thống của Cựu Hoàng, sau cùng bị mất hết theo giải pháp Bảo Đại.
Cho tới 1955, dưới áp lực mạnh của Pháp và sự truy lùng, ám sát, khủng bố của cộng sản, Đại Việt vẫn còn hoạt động với tư cách một đảng cách mạng nguyên vẹn. Sau đó, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Đại Việt bị tiêu diệt. Các lãnh tụ đảng phái trong Mặt Trận Quốc gia Liên hiệp kẻ bị ám sát, người đi tù hoặc phải chạy ra ngoại quốc tỵ nạn chánh trị.
Mặc dầu có những khó khăn, Đại Việt vẫn tiếp tục tranh đấu. Đại Vìệt tranh đấu cho tới sau 30/04/75, ở Việt Nam và ra nước ngoài. Không phải chỉ để duy trì và bảo vệ tôn chỉ tối thượng «Dân tộc sanh tồn» mà còn quyết tâm gìn giữ cho «Đại Việt sanh tồn» nữa!
Nguyễn văn Trần
Ghi chú:
(*) Đại Việt, Indépendance et révolution au Việt nam. L’échec de la troisiềme voie (1938 – 1955) de François Guillemot, Ed Les Indes savantes, Paris, 2012.
Luận án Tiến sĩ Sử học ở Trường Cao đẳng Thực hành, Paris (Eole Pratique de Hautes Etudes) đuợc tác giả thực hiện rất công phu. Nhứt là về mặt tài liệu gốc vô cùng phong phú. NVT biên soạn dựa trên đó, không trích dẫn tài liệu vì thấy quá phức tạp. Tài liệu được tác giả François Guillemot lấy ở những Trung Tâm Văn Khố dân sự và quân sự.
Xin cáo lỗi độc giả và tác giả. Vô cùng cảm ơn Ông François Guillemot.
Gọng Kìm Lịch sử của Bùi Diễm, xb Phạm Quang Khai, Huê kỳ, 2000.
Việt Nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ, xb Xuân Thu, Huê kỳ, 1989.