Đại tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất binh tiến đánh Trung Quốc
Với chiến lược “Tiên phát chế nhân”, Lý Tường Kiệt đã chủ động kéo quân sang Trung Hoa tấn công trước, căn cứ lớn nhất dùng cho việc xâm lăng Đại Việt của nhà Tống khi ấy là thành Ung Châu phút chốc bị đập tan, hàng vạn quân dân Tống bị xóa sổ…
Lý Thường Kiệt (1019-1105) tên thật là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt. Ông sinh ra trong gia đình danh tướng, cha là Sùng Tiết Tướng quân Ngô An Ngữ. Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Lý Thường Kiệt là hậu duệ của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập – con trưởng của Ngô Quyền…
Tên tuổi danh tướng Lý Thường Kiệt gắn với chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai của quân dân Đại Việt trong đó trận đánh “Tiên phát chế nhân” do đích thân ông xuất binh sang chinh phạt nước Tống được coi là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử nước nhà.
Bối cảnh lịch sử của trận đánh
Năm 1010, Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý. Để củng cố khu vực biên giới phía bắc, nhà Lý dùng chính sách gả công chúa cho các thủ lĩnh miền núi để gắn chặt mối quan hệ với họ. Trải qua 3 triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông, nước Đại Việt phát triển ổn định và khá vững mạnh.
Ở phương bắc, nhà Tống từ khi thành lập (năm 960) đã phải khắc phục những hậu quả do thời chia cắt Ngũ đại Thập quốc để lại. Ngoài việc đánh dẹp các nước cát cứ, nhà Tống phải đối phó với nước Liêu của người Khiết Đan lớn mạnh ở phương bắc. Đến thời Tống Thái Tông, dù dẹp hết các nước trong Thập quốc nhưng nguy cơ uy hiếp từ phía nhà Liêu vẫn luôn tiềm ẩn với nhà Tống.
Sang thời Tống Nhân Tông, nhà Tống lại bị thêm sự uy hiếp của nước Tây Hạ của người Đảng Hạng ở phía tây bắc mới nổi lên. Nhà Tống phải cống nộp nhiều của cải và bị mất nhiều phần lãnh thổ cho Liêu và Tây Hạ. Trong nước, triều Tống bị rối loạn bởi những cải cách của Vương An Thạch. Bởi vậy chủ trương tiến đánh các nước phía nam Trung Quốc để giải tỏa các căng thẳng trở thành một chiến lược của nhà Tống.
Kế hoạch Nam chinh của nhà Tống
Từ năm 1070, Vương An Thạch – Một viên quan chuyên đảm trách về Kinh tế – chính trị trong triều chú ý đến phương Nam và muốn lập công ở ngoài biên, tâu lên vua Tống rằng:
– Giao Chỉ vừa đánh Chiêm Thành bị thất bại, quân không còn nổi một vạn, bệ hạ có thể lấy quân Ung Châu sang chiếm Giao Chỉ (Đại Việt).
Năm 1073, vua Tống Thần Tông phái Thẩm Khởi làm Quảng Tây Kinh Lược Sứ truyền cho lo việc xuất quân chuẩn bị đánh chiếm Giao Chỉ. Thẩm Khởi liền cho đặt các doanh trại, sửa đường tiếp tế, phủ dụ 52 động thuộc Ung Châu sung công các thuyền chở muối để diễn tập thủy chiến, chuẩn bị Nam chinh.
Tuy nhiên sau đó Thẩm Khởi làm trái ý vua Tống, y bị điều đi nơi khác và Lưu Di thay chức. Lưu Di được lệnh tăng cường binh lực, tiếp tục điểm dân, tích lương, đóng chiến thuyền, luyện tập thủy binh và cấm người Đại Việt sang đất Tống buôn bán vì sợ bị do thám.
Đặc biệt để dọn đường cho kế hoạch chinh phạt xuống phía Nam, nhà Tống đã biến Ung Châu thành một căn cứ quân sự để chuẩn bị cho việc xuất binh đánh Đại Việt và giao cho Tô Giám, một viên tướng dày dặn kinh nghiệm trong cuộc chiến chống đội quân của thủ lĩnh Nùng Trí Cao trước đây chỉ huy căn cứ này.
Lý Thường Kiệt đề xuất chiến lược ‘Tiên phát chế nhân”, chủ động đưa quân sang đánh nước Tống
Năm 1072 vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi, xưng hiệu là hoàng đế Lý Nhân Tông. Thái phi Ỷ Lan làm nhiếp chính, được sự phò tá của các đại thần, đặc biệt là hai rường cột của triều đình là Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành nên tình hình quốc gia vẫn khá ổn định.
Tuy nhà Tống cố gắng giữ bí mật, nhưng nhờ do thám thông tin, Đại Việt vẫn nắm được ý đồ của quân Tống. Đặc biệt, năm 1073, một tiến sĩ nhà Tống là Từ Bá Tường vì không được trọng dụng nên đã đem bí mật quốc gia trao đổi với nhà Lý. Bởi thế Đại Việt đã nắm được khá đầy đủ tình hình chuẩn bị chiến tranh của nhà Tống.
Lúc này bên Tống đang tập hợp và huấn luyện khoảng 10 vạn quân ở ba căn cứ là Ung Châu, Khâm Châu, và Liêm Châu, song chưa thể chinh chiến ngay được vì số quân này là tân binh vùng Hoa Nam vừa mới tuyển về. Nhà Tống dự định sẽ rút thêm 45 ngàn cấm binh thiện chiến ở phương Bắc đưa xuống bổ sung cho chiến trường phía Nam để lập đạo quân chủ lực, khi đó sẽ tiến đánh Đại Việt.
Trước tình hình đó danh tướng đương triều của Đại Việt – thái úy Lý Thường Kiệt bẩm tấu rằng:
“Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của nó. Đồng thời đề ra chủ trương thực hiện một chiến lược đánh đòn phủ đầu gọi là kế “Tiên phát chế nhân”, quyết định mở trận tiến công quy mô sang đất Tống.
Trận Khâm, Liêm: Đại Việt tốc thắng
Thực hiện chiến lược “Tiên phát chế nhân”, Đại Việt đã huy động 10 vạn quân sang đánh phá căn cứ Ung Châu của nhà Tống, bao gồm cả lực lượng chính quy của triều đình kết hợp với quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Theo kế hoạch, đạo quân của triều đình do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ huy, gồm cả thủy quân và lục quân xuất phát từ vùng Móng Cái ngày nay theo phía Đông tiến vào đất Tống, đánh chiếm Khâm Châu.
Còn đạo quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở phía Tây đặt dưới sự chỉ huy của Tông Đản chia làm 4 mũi tiến vào đất Tống: Lưu Kỷ từ Quảng Nguyên (Cao Bằng), Hoàng Kim Mãn từ Môn Châu (Đông Khê – Cao Bằng), Thân Cảnh Phúc từ Quang Lang (Lạng Sơn) và Vi Thủ An từ Tô Mậu (Quảng Ninh) tiến đánh Ung Châu. Đạo quân phía Tây sẽ “dương Tây” để đạo quân phía Đông bất ngờ “kích Đông”.
Lại nói về bên Tống, hệ thống Phòng ngự Ung Châu gồm hai phần, tổng số có 5.000 quân. Giữ biên thuỳ Đại Việt và đóng quân trong thành: 2.000 quân đóng ở thành Ung, 3.000 chia đóng ở 5 trại tiếp giáp biên giới Đại Việt là: Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long.
Khâm Châu và Liêm Châu sát biển tiếp giáp Quảng Ninh và Lạng Sơn ngày nay, đặt viên Phòng Biên tuần sứ cai quản đoàn quân Đằng Hải để hợp với quân của hai viên tuần kiểm, không quá 500 người, đóng ở hai trại: Như Tích giáp biên thuỳ châu Vĩnh Anh và Để Trạo ở cửa sông Khâm Châu.
Ngày 27 tháng 10 năm 1075, Vi Thủ An theo lệnh Lý Thường Kiệt dẫn 700 quân từ Tô Mậu vào đánh Cổ Vạn, chiếm được trại Cổ Vạn. Tin tức đến tận ngày 21 tháng 12 mới tới được triều đình nhà Tống. Tiếp theo, các mũi quân phía Tây lần lượt đánh chiếm trại Vĩnh Bình, Thái Bình và các châu Tây Bình, Châu Lộc, cùng trại Hoành Sơn
Đúng như dự đoán của Lý Thường Kiệt, Quân Tống bị thu hút vào phía Tây, nên lơ là ở phía Đông. Đã có người Khâm Châu phát hiện và báo cho tướng giữ thành là Trần Vĩnh Thái về nguy cơ quân Đại Việt tấn công nhưng Thái không tin. Khi có tin đạo quân phía Đông của Đại Việt đến tập kích, Thái vẫn thản nhiên bày tiệc uống rượu. Đến lúc cánh quân của Lý Thường Kiệt kéo vào, quân Tống đã không chống đỡ nổi. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, châu Khâm bị chiếm, Trần Vĩnh Thái và các thủ hạ Văn Lương, Ngô Phúc, Tưởng Cẩn, Tống Đạo đều bị bắt và bị giết.
Quân của Lý Thường Kiệt không phải giao chiến một trận nào, lấy hết của cải mang đi. Người dân địa phương của Bắc Tống dù sau này thương Trần Vĩnh Thái bị giết mà lập đền thờ nhưng vẫn chê cười Thái là người ngu muội; sau này hễ thấy ai không thông tuệ thì bị gọi là “Trần Thừa Chỉ” (Thừa Chỉ là hàm chức của Trần Vĩnh Thái).
Nghe tin Khâm châu thất thủ, quân Tống ở Liêm Châu cố phòng bị nhưng không chống nổi. Ngày 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu thất thủ chủ các trại Như Tích và Để Trạo đều tử trận. Phía Tống bị quân Đại Việt bắt tới 8.000 tù binh dùng để đưa đồ vật cướp được xuống thuyền sau cũng bị đem giết hết. Quan trấn thủ Khâm Châu lúc bấy giờ là Lỗ Khánh Tôn và các thủ hạ Lương Sở, Chu Tông Thích, Ngô Tông Lập đều bị giết.
Sau đó, Lý Thường Kiệt dẫn quân đến Ung Châu phối hợp cùng đạo quân phía Tây quyết tâm hạ thành châu Ung.
Đánh “văn” trước, đánh “võ” sau
Lý Thường Kiệt kéo quân tiến sâu vào nội địa. Phía Tống không còn quân cản đường, quân Lý kéo đến thành Ung Châu. Nhưng Lý Thường Kiệt vẫn lo ngại dân Tống sẽ cản đường về và gây khó dễ cho quân Lý, do đó nhằm phô trương danh nghĩa cuộc Bắc phạt, Lý Thường Kiệt viết “Phạt Tống lộ bố văn” và sai yết ở dọc đường để kể tội nhà Tống, đại ý lời văn công bố như sau:
“Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép “thanh miêu”, “trợ dịch”, khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thoả cái mưu nuôi mình béo mập.
Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!
Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!
Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!”
(Phạt Tống lộ bố văn – Lý Thường Kiệt).
Dân Tống thấy lời tuyên cáo đều mừng vui đồng tình, mang rượu thịt ra khao quân Lý. Từ đó mỗi khi dân Tống thấy cờ hiệu Lý Thường Kiệt từ xa đều nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam và cùng nhau bày án bái phục trên đường. Do đó uy danh quân Lý lan rất xa và không bị người dân nước Tống cản đường gây khó dễ.
Trận Ung Châu quân Lý vây thành
Dù bị bất ngờ và tổn thất nặng nề ở vùng biên thùy phía nam bởi cuộc tấn công của Lý Thường Kiệt, nước Tống vẫn còn tiềm lực rất lớn. Vua Tống và Vương An Thạch bàn nhau dựa vào sự kiên cố của thành Ung Châu để cầm chân quân Đại Việt, rồi cho một đạo quân lớn đi đường khác đánh thẳng vào lãnh thổ Đại Việt. Vương An Thạch thay vua Tống soạn tờ thư chiêu hàng gọi là: “Thảo Giao Chỉ chiếu” để dùng cho việc khuất phục tinh thần quân dân Đại Việt, cũng là đối đáp lại những lời lẽ trong bản “Phạt Tống lộ bố văn” mà Lý Thường Kiệt đã cho dán khắp dọc đường tiến quân. “Thảo Giao Chỉ Chiếu” có những lời lẽ thể hiện rõ tư tưởng của nước lớn, ra vẻ bề trên vừa xoa dịu dụ dỗ, vừa đe dọa vũ lực đối với quân dân Đại Việt. Lời chiếu như sau:
“Xét lại nước An Nam đời đời hưởng vương tước, các triều trước đối đãi khoan hậu, khi nào cũng bao dung tha thứ, mãi đến ngày nay. Nay lại xâm phạm thành ấp, sát hại quân dân, đã phạm pháp kỷ thì không thể tha thứ được. Vâng mệnh trời mà chinh phạt, tức là có danh nghĩa. Vậy sai Triệu Tiết sung làm chức An Nam đạo hành dinh, Mã Bộ Quân Đô Tổng Quản sung làm Kinh Lược Chiêu Thảo Sứ, Lý Hiến sung làm chức Phó Sứ, Yên Đạt sung làm chức Mã Bộ Phó Sứ Đô Tổng Quản, thuận theo thời lệnh mà dấy binh đường thuỷ và đường bộ tiến quân. Ý trời tỏ ra giúp thuận, hiện ra những điểm chỉ vẽ rõ ràng. Người nào biết hối hận, đều giữ khí khái đối địch quân thù, những nơi nào quân vua tới sẽ không tổn hại đến thường dân và tàn sát kẻ bại trận.
Hỡi nhân dân đã lâu ngày sống trong cảnh lầm than, nếu biết khuyên dụ chủ mình nội phụ, xuất chúng qui phục, bắt giặc hiến cống, đem mình hiếu thuận, thì sẽ được thưởng tứ tước lộc, vinh hiển bội phần, những tội lỗi trước đây đều được ân xá. Càn Đức đương còn ấu trĩ, chính lệnh không do y mà ra, khi nào lai triều cũng sẽ được tiếp đãi trọng hậu như trước. Lời ta không sai, chớ có nghe lầm. Gần đây, ta nghe nhân dân bị bóc lột cực khổ, ta đã căn dặn sứ thần truyền đạt ân chiếu của ta, sự tàn bạo và thuế nặng đều được tẩy trừ. Mong rằng một nước chư hầu của ta luôn được yên vui”.
Thành Ung Châu kiên cố và có nhiều quân lương, khí giới do đây là nơi tập kết của cải của nước Tống để đánh Đại Việt. Tô Giám lại là một tướng lão luyện của Tống. Y dùng tài sản phân phát cho dân chúng trong thành, dùng lời khích lệ tinh thần khiến cho cả thành đồng lòng cố thủ. Lý Thường Kiệt vây thành ngót hơn một tháng không thể hạ nổi. Quân Đại Việt nghĩ cách đào hầm xuyên qua hào sâu và tường thành để đột nhập vào trong thành. Quân Ung Châu phát hiện được hầm, Tô Giám cho phóng hỏa đốt ngay miệng hầm khiến quân Đại Việt lại bị thương vong. Quân Đại Việt dùng hỏa công, bắn các loại đạn gây cháy từ máy bắn đá và hỏa tiễn vào trong thành gây nhiều thương vong cho dân chúng và binh lính Tống. Thành Ung Châu bị cháy nhiều nơi, không đủ nước dập lửa.
Trong thành lại bị thiếu nước uống, dân chúng phải uống nước dơ bẩn, dịch bệnh do đó mà bùng phát khiến rất nhiều dân chúng bị chết. Dù vậy tường thành vẫn không hạ được. Đạn từ máy bắn đá thời kỳ này tỏ ra không đủ sức đánh thủng tường thành Ung Châu. Cuối cùng, Lý Thường Kiệt dùng kế thổ công. Ông sai quân lấy đất xúc vào bao, làm đến hàng vạn bao đất rồi bắt tù binh người Tống liều mạng vượt qua mưa tên khiên bao đất xếp dưới chân thành để tạo thành bực thềm. Chẳng mấy chốc đã làm được một đường dốc cao tới mặt thành.
Quân Đại Việt theo đó tràn vào thành như nước vỡ bờ, thế không ai địch nổi. Tô Giám vẫn liều chết lãnh đạo quân và dân chúng thành Ung Châu chống cự, khi thấy không còn hy vọng bèn quay về nhà giết hết người nhà tổng cộng 36 người, chôn xác xuống hố rồi tự thiêu chết. Tô Giám liều mình như vậy khiến dân chúng thành Ung Châu cảm kích mà không chịu đầu hàng, họ đã chiến đấu đến cùng trong tuyệt vọng. Tai ương đã ập lên tất cả họ, một cuộc thảm sát đã diễn ra.
Lý Thường Kiệt để hoàn thành cuộc chiến tiêu hao đã hạ lệnh giết tất cả người trong thành. Ngày mùng 1 tháng 3 năm 1076, thành Ung Châu bị quân Lý triệt hạ sau 42 ngày cố thủ. Số người trong thành Ung Châu bị giết lên đến 58.000 người. Về phía quân Đại Việt cũng có tổng thiệt hại đến hơn vạn người và một số voi chiến trong chiến cuộc Ung Châu.
Trước đây, Tô Giám là người đã từng khuyên Lưu Di, Thẩm Khởi không nên khiêu khích Đại Việt vì sợ quân Đại Việt sẽ tràn sang đánh Tống trước nhưng bị gạt bỏ ngoài tai, lại còn bị khiển trách. Nay quả thật quân của Lý Tường Kiệt đã chủ động tấn công trước, căn cứ chiến lược dùng cho việc xâm lăng của nhà Tống là thành Ung Châu phút chốc bị đập tan, hàng vạn quân dân Tống bị giết. Với việc thành Ung Châu bị hạ, mọi toan tính chiến lược của nước Tống về sau đều bị đảo lộn.
Dù cuộc tấn công này đối với quân Đại Việt mang mục đích tự vệ chính đáng, cũng phải nói rằng trong số những người nước Tống bị giết có nhiều người oan uổng. Họ cũng như quân dân Đại Việt, là nạn nhân trong tham vọng bá quyền của Tống triều.
Lý Thường Kiệt hay tin quân Tống sắp đưa quân sang đánh Đại Việt, liền chuẩn bị một kế hoạch rút quân hoàn hảo. Ông sai lấy đá lấp sông Ung Giang, một tuyến đường thủy huyết mạch ở phía nam nước Tống. Để đánh lạc hướng quân Tống trước khi rút về nước, Lý Thường Kiệt phao tin là sắp đem quân đánh Tân Châu. Quan giữ thành Tân Châu là Cổ Cắn Lặc nghe tin bỏ cả ấn tín mà chạy trốn. Quân Đại Việt chủ động rút lui về nước lo chuẩn bị về phòng thủ một cách nhanh gọn.
Một số thám tử Đại Việt được phái cải trang thành nhà sư, nạn dân, lái buôn người Tống, đi khắp nơi do thám. Quân Đại Việt đốt trại, thiêu hủy lương thực, phá thành, phá các đồn lũy, mang theo nhiều của cải và tù binh rút về nước. Không một đội quân Tống nào dám đuổi đánh do trúng kế của Lý Thường Kiệt và vì lo quân ta tiếp tục đánh Tân Châu nên các đội quân chính quy của nhà Tống vẫn ở trong thế thủ.
Những của cải không đem theo hết được đều bị quân Đại Việt thiêu hủy. Những tù binh không đem theo được cũng bị giết. Đó cốt là để tàn phá bàn đạp mà nước Tống định dùng cho cuộc xâm lược Đại Việt. Cả một vùng rộng lớn thuộc lộ Quảng Tây tiêu điều xơ xác. Tổng cộng trong toàn bộ chiến dịch đánh Tống, quân Đại Việt đã giết hơn 10 vạn quân và dân nước này.
Khoảng cuối tháng 3 năm 1076 Lý Thường Kiệt đã an toàn rút hết quân về nước. Đội quân thiện chiến đã theo ông Bắc phạt không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hay mừng chiến thắng. Bởi mọi người hiểu rằng cuộc chiến sắp tới sẽ còn rất cam go. Triều đình nhà Lý bắt tay ngay vào việc điều động quân dân Đại Việt chuẩn bị bước vào giai đoạn chiến đấu mới mang ý nghĩa quyết định vận mệnh dân tộc – đón đánh đội quân viễn chinh Tống trên lãnh thổ Đại Việt.
Ý nghĩa lịch sử của cuộc tấn công chiến lược “Tiên phát chế nhân”
Nhà Tống chủ trương tập trung căn cứ hậu cần tại các cứ điểm phía nam để chuẩn bị đánh Đại Việt, nhưng Nhà Lý dưới sự lãnh binh tài tình của Lý Thường Kiệt đã đánh phá các Châu: Liêm, Khâm và Ung, đốt hết các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Thiên Long, Cổ Vạn đã đạt được mục tiêu ra quân chặn thế mạnh của bên Tống.
Sau thất bại này, cả Tống Thần Tông và Vương An Thạch đều quy lỗi cho các tướng dưới quyền. Thẩm Khởi và Lưu Di bị truy xét tội trạng. Vương An Thạch viết trong Tư kỷ:
“Vua sai Khởi Kinh Chế giữ kín việc đánh Giao Chỉ, các đại thần không hay, phàm Khởi tâu xin gì vua cũng nghe”.
Nhưng Tống Thần Tông từ chối việc từng sai Thẩm Khởi chuẩn bị đánh Đại Việt, tự tay viết chiếu, trong ấy có đoạn nói:
“Trước Thẩm Khởi ở Quảng Tây nói dối là nhận được mật chỉ của triều đình bảo soạn đánh Giao Chỉ”.
Cả Tống Thần Tông và Vương An Thạch đều hối tiếc vì không đánh Đại Việt sớm ngay từ khi vua Lý Nhân Tông bên Đại Việt mới lên ngôi. Sau khi Ung Châu thất thủ, phía nhà Tống thừa nhận không còn cơ hội “đánh úp Giao Chỉ” nữa, nhưng vẫn chuẩn bị kế hoạch phục thù.
Sau này, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Xuân Hãn có nhận xét rằng:
Nhà Tống tiếc rẻ không đánh Đại Việt trước, nhưng không biết rằng sở dĩ Tống bị đánh trước vì dự định đánh Đại Việt. Trong cuộc chiến này, phía Đại Việt nhờ có Lý Thường Kiệt chủ động đi bước trước nên đã giành thắng lợi hoàn toàn và tránh khỏi được thất bại về sau.
Đường Tân