Đại sứ Anh dùng câu nói của ông Hồ để dạy lãnh đạo VN về dân chủ
15/09/2017
LTS: Nhân ngày Quốc tế về Dân chủ 15/9, ông Giles Lever, Đại sứ Anh ở Việt Nam có bài: “Dân chủ không chỉ là hình thức“. Trong bài viết này, Đại sứ Lever đã sử dụng câu nói của ông Hồ Chí Minh: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Tác giả kết luận: “Tôi nghĩ không có tuyên ngôn nào mạnh mẽ và phù hợp hơn cho Ngày Quốc tế dân chủ năm nay“.
____
Dân chủ không chỉ là hình thức
Giles Lever, Đại sứ Anh ở VN
15-9-2017
Hôm nay là ngày Quốc tế về Dân chủ (QTDC) của Liên Hiệp quốc. Thời gian trôi thật nhanh – mới đấy mà đã gần hai năm khi tôi kỷ niệm ngày QTDC 2015 bằng cuộc gặp mặt với các đại diện xã hội dân sự và thảo luận sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt nam.
Năm nay, ngày QTDC lại là dịp mỗi người dành một khoảng lặng giữa những công việc hàng ngày để nhắc nhở bản thân về những lý do chúng ta cần một chính phủ minh bạch và có trách nhiệm, một nền báo chí hiệu quả và bám sát cuộc sống, một chế độ pháp quyền và tôn trọng quyền con người để xây dựng một xã hội cởi mở và thịnh vượng.
Tuần trước Nghị viện Anh đã tổ chức một buổi thảo luận, với tên gọi Westminster Hall (thảo luận Hội trường Westminster) để kỷ niệm ngày QTDC và nêu bật lý do vì sao Vương quốc Anh luôn chú trọng đến việc cổ vũ những nguyên tắc cơ bản của dân chủ ở trong nước và ở nước ngoài. Mỗi nhà nước sẽ có những cách tiếp cận khác nhau nhưng những nền tảng dân chủ là những giá trị mang tính phổ quát của toàn nhân loại. Người dân có quyền lên tiếng về nền quản trị quốc gia và chính phủ cũng phải tôn trọng những quyền con người căn bản của mỗi công dân. Liên hiệp quốc đã tóm gọn những nguyên tắc này và thể hiện trong những Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG), đặc biệt là Mục tiêu 16. Mục tiêu này kêu gọi các nhà nước xây dựng xã hội hòa bình và công bằng cho tất cả mọi người vì sự phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng về công lý cho mỗi người dân, và xây dựng chính phủ ở tất cả các cấp đều hiệu quả, trách nhiệm, và công bằng.
Chủ đề của ngày QTDC năm nay được lựa chọn là dân chủ và ngăn chặn xung đột. Thật may là Việt Nam đã không còn bạo lực và xung đột trong nhiều năm qua và kết quả là đã có thể đạt được những tiến bộ đáng kể cả về kinh tế và xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là những giá trị của ngày QTDC không thể áp dụng cho Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố sẽ xây dựng chính phủ liêm chính, hành động vì nhân dân. Đây là mục tiêu rất tốt đẹp và theo tôi để thực hiện được điều này chính phủ sẽ cần đưa ra những biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đồng thời nâng cao sự tham gia của người dân vào quá trình đưa ra các quyết sách – tất cả những điều này chính là các giá trị cơ bản của dân chủ.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp ngoại giao, tôi có may mắn được làm việc ở Việt Nam vào những năm đầu thập niên 1990s. Khi quay lại Việt Nam ba năm trước với cương vị Đại sứ, tôi đã thật bất ngờ nhìn thấy một đất nước Việt Nam hoàn toàn khác! Giới trung lưu đang ngày càng nổi bật và tự tin vì họ được học hành tốt hơn, hiểu biết hơn và có cuộc sống khá giả hơn, vì vậy họ cũng có nhiều mong muốn khác thế hệ trước và ngày càng nhiều người mong muốn được tham gia vào những cuộc thảo luận về chính sách Nhà nước. Họ mong muốn được chia sẻ suy nghĩ của mình, cho dù đó là về vấn đề môi trường hay đất đai; an toàn thực phẩm hay tham nhũng. Một con số đáng kinh ngạc là 75% dân số từ 18 tới 34 tuổi của Việt Nam hiện đang sử dụng tài khoản Facebook và con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Mạng xã hội đã tạo ra một không gian mới cho mọi người thảo luận về những chủ đề thiết thực với họ và đây đang tỏ ra là một nguồn tham khảo ngày càng quan trọng với những người lập chính sách quốc gia. Chỉ mới vài tháng trước, dư luận đã bày tỏ bức xúc về kế hoạch đổ chất thải của Nhà máy điên Vĩnh Tân 1 ra biển Bình Thuận, các cơ quan báo chí, các tổ chức phi chính phủ và các hội đoàn cũng nhanh chóng vào cuộc để kêu gọi thành công chính phủ hủy bỏ kế hoạch này.
Trong phiên họp mùa thu sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận Dự thảo Luật An ninh mạng lần đầu tiên. Đây là bộ luật cần thiết vào thời điểm này để giúp bảo vệ Việt nam trước những vụ tấn công trên mạng ngày càng gia tăng. Nhưng để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành một chính phủ vì dân, chính phủ nên khuyến khích những cuộc thảo luận trên mạng.
Đại sứ quán Anh vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự để ủng hộ tầm nhìn của Thủ tướng Phúc. Vừa mới tuần trước, Vương quốc Anh đã tài trợ cho một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), tổ chức khóa đào tạo một nhóm các bạn trẻ về Luật Tiếp cận thông tin. Bộ luật này là một bước tiến dài theo đúng hướng tăng cường sự minh bạch và trao cho người dân những công cụ đòi hỏi nhà nước thực hiện nghĩa vụ giải trình. Hồ Chí Minh từng nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Tôi nghĩ không có tuyên ngôn nào mạnh mẽ và phù hợp hơn cho Ngày Quốc tế dân chủ năm nay.
baotiengdan.com/2017/09/15/dai-su-anh-dung-cau-noi-cua…