Đại nhảy vọt: Trung Quốc tìm cách đột phá về mặt chiến lược

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đại nhảy vọt: Trung Quốc tìm cách đột phá về mặt chiến lược
Chuẩn bị cho một giai đoạn mới và đầy nguy hiểm trong quan hệ quốc tế.
Ngày 25 tháng 2 năm 1956, trong một phiên họp kín của Đại hội Đảng XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Thủ tướng Liên Xô, Nikita Khrushchev, đã đọc “Diễn văn bí mật” nhằm tố cáo Stalin và tệ sung bái cá nhân ông ta. Cơn chấn động chính trị do thái độ nghi ngờ học thuyết Cộng sản gây ra đã vượt qua biên giới Liên Xô và tới được Bắc Kinh, và nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mao Trạch Đông, đã đáp lại bằng lời mời mọi người phê bình (“Trăm hoa đua nở”), với mục đích tăng gấp đôi việc đàn áp không ngừng kẻ thù bên trong và cách mạng không ngừng nghỉ. Trong quá trình tìm kiếm bước đột phá mang tính chiến lược, Mao bắt tay thực hiện Đại nhảy vọt – chương trình kinh tế sâu rộng, kinh hoàng, có mục đích là vượt qua những thành tựu của nền công nghiệp phương Tây trong giai đoạn ngắn (trong một vụ nổ “big bang”).
Bắt đầu với Đặng Tiểu Bình, năm 1978, Trung Quốc đã có một lộ trình khác hẳn, đấy là cải cách kinh tế và hiện đại hóa. Sự thay đổi từ bên trong như thế, kết hợp với các yếu tố bên ngoài như Chiến tranh Lạnh kết thúc và toàn cầu hóa lan rộng. Gần 40 năm sau, với hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi nạn nghéo đói, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bước đi của Bắc Kinh là một trong những đại tự sự quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đã được xếp loại và làm dịu đi khi so sánh với tính hỗn loạn và bi kịch của thời Mao.
Hình minh họa
Tuy nhiên, chúng ta đang thấy Bắc Kinh quay lưng lại với cách tiếp cận “dấu mình và chờ thời” trong giai đoạn Đặng Tiểu Bình. Nổi lên nhờ thành tích kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và với việc củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian gần đây, Trung Quốc có thể đang bước vào giai đoạn xét lại mới, lần này là trên sân khấu toàn cầu. Ngày 18 tháng 10 năm 2017, đứng trong Đại lễ đường uy nghi, Tập [Cận Bình] tuyên bố, ông sẽ đưa Trung Quốc bước vào “kỷ nguyên mới”.
 
Thời cơ chiến lược
Theo báo cáo thường niên, năm 2017, của Ủy ban Giám sát về Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC), lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc tin rằng họ đang ở trong giai đoạn “Thời cơ chiến lược”, trong đó Trung Quốc có thể mở rộng quyền lực quốc gia và đạt được các mục tiêu như thống nhất với Đài Loan và kiểm soát vùng lãnh thổ đang tranh chấp dọc theo biên giới Trung Quốc. USCC là cơ quan phi đảng phái của Quốc hội Mỹ, có nhiệm vụ điều tra về an ninh quốc gia liên quan tới quan hệ Mỹ-Trung, trong đó có kế hoạch, chiến lược và học thuyết quân sự của Trung Quốc.
Ba ủy viên USCC, trong đó có cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent, đã cung cấp một bản phụ lục kèm theo bản báo cáo này, nhằm rung hồi chuông báo động cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ: “Tóm lại, Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa không cân xứng hay thậm chí là đối thủ cạnh trang ngang hàng với Mỹ. Nước này đã trở thành cường quốc quân sự giữ thế thượng phong trong khu vực. Sự kiện này, hơn bất cứ sự kiện nào khác, cho thấy lí do vì sao các cuộc gây hấn của Trung Quốc trong năm năm qua đã thu được thành công”. Đấy là những hành như “Trường thành bằng cát” (great wall of sand) ở Biển Đông, vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, gây hấn chống lại Philippines bất chấp luật pháp quốc tế, lấn át Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, áp lực ngày càng tăng đối với Đài Loan, quấy rối Nhật Bản trên quần đảo Senkaku và những hành động khiêu khích khác. “Chúng tôi có thể thêm vào danh sách này vụ đối đầu với Ấn Độ trong vùng Doklam trên vùng biên giới đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan”.
Ngoài những khu vực biên giới đang tranh chấp, Bắc Kinh cũng bắt đầu thể hiện cơ bắp của mình trên sân khấu quốc tế. Ngày 1 tháng 8 năm 2017, Trung Quốc khai trương căn cứ quân sự thường trực đầu tiên ở Djibouti, có vị trí chiến lược, nằm gần vịnh Aden, bên cạnh biển Arab và từ đây, máy bay không người lái có thể bay tới Camp Lemonnier, trung tâm chống khủng bố lớn của Mỹ và là căn cứ quân sự thường trực duy nhất của Mỹ ở châu Phi. Tháng 5 vừa qua, Tập [Cận Bình] đã tổ chức diễn đàn với chủ đề “Một vành đai, Một con đường” (OBOR) của Trung Quốc, đây là hành lang đa phương kết nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Phi và Châu Âu, bao gồm khoảng 60 quốc gia. Tập [Cận Bình] cam kết bổ sung thêm 124 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của OBOR, trong đó có các khoản tài trợ của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), cũng như từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Năm 2017, Trung Quốc còn tham gia vào các hoạt động xây dựng thiết chế quốc tế quan trọng như mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) bao gồm các cường quốc (và đang tranh chấp với nhau) ở Nam Á, Ấn Độ và Pakistan, và tiếp tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Trong khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) thì Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàm phán Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP), tức là hiệp định thương mại tự do bao gồm 16 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chiếm khoảng một nửa dân số thế giới và gần một phần ba GDP toàn cầu.
Hiện đại hóa quân đội và vũ khí tiên tiến
Nền tảng của thái độ hiện nay của Trung Quốc là chương trình hiện đại hóa quân đội. Bắc Kinh tiếp tục cải thiện phần mềm của lực lượng vũ trang – cơ cấu chỉ huy và kiểm soát của nó. Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã tập trung và củng cố lực lượng chiến trang trên không gian, trên không gian mạng, chiến tranh điện tử, tín hiệu và khả năng tình báo của con người theo chương trình “Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược” trong Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Theo báo cáo của USCC, công việc này có thể gia tăng khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc thực hiện các hoạt động phối hợp tổng hợp, bằng cách cung cấp một loạt các khả năng thu thập, trong đó có thu thập thông tin tình báo, giám sát và hỗ trợ trinh sát. Trách nhiệm đối với hoạt động tình báo và trinh sát liên quan đến định vị và theo dõi các mục tiêu sẽ được tập trung vào Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược chứ không phân tán giữa các đơn vị khác nhau nữa. Trong trường hợp xảy ra xung đột, USCC cảnh báo rằng Washington phải thừa nhận rằng cải tiến này sẽ góp phần vào khả năng Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (Anti-Access/Area Denial, viết tắt là A2/AD) của Bắc Kinh liên quan đến việc triển khai lực lượng của Mỹ trong khu vực.
Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào các phần cứng của lực lượng quân sự, với ngân sách quân sự ngày càng gia tăng, lên tới 151,1 tỷ USD trong năm 2017 (dường như đã được nói giảm đi, nhưng vẫn cao hơn 7% so với năm trước) và vẫn thấp hơn so với chi tiêu quốc phòng của Mỹ cho năm 2016 (611 tỷ USD), đấy là theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế ở Stockholm. Nhưng ngân sách quốc phòng chỉ là một trong những thứ cần quan tâm mà thôi. Sự phát triển của vũ khí tiên tiến phản ánh mức độ phức tạp trên bình diện rộng lớn hơn trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm sự đổi mới của khu vực tư nhân. Đến lượt mình, USCC nhấn mạnh “cách tiếp cận toàn diện và do nhà nước hướng dẫn” của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các khoản tài trợ của chính phủ, trao đổi công nghệ thương mại, đầu tư và mua lại từ nước ngoài, và tuyển mộ nhân tài để thúc đẩy tiến bộ công nghệ, được sử dụng cả trong lĩnh vực dân sinh lẫn quốc phòng.
Hậu quả đặc biệt là chính sách ưu tiên của Bắc Kinh đối với các công nghệ “nhảy vọt” có thể tạo ra “bước đột phá đáng kinh ngạc”, làm thay đổi cân bằng chiến lược ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Cụ thể hơn, USCC trích dẫn sáu ví dụ: (1) tên lửa đạn đạo với đầu đạn có khả năng tự động theo dõi các mục tiêu trên mặt đất (maneuverable reentry vehicles), (2) vũ khí siêu thanh (hypersonic weapons), (3) Vũ khí năng lượng định hướng (Directed Energy Weapon-DEW), (4) súng điện từ (electromagnetic railguns), (5) vũ khí được trang bị trí tuệ nhận tạo và không cần người điều khiển (6) vũ khí chống tầu vũ trụ (counter-space weapons). Theo USCC, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược của shashoujian, (Shashoujian (杀手锏), gồm các chữ sát, là giết, thủ là bàn tay và mace có nghĩa là một hội – ND), trong đó, bên yếu hơn sử dụng khả năng đặc biệt nhằm đánh bại thế lực mạnh hơn. Xin mượn lời người tiên phong trong thuyết trò chơi, Thomas Shelling: Trung Quốc đang tìm kiếm một “động thái chiến lược” khiến Hoa Kỳ phải thực hiện lựa chọn bị hạn chế bởi mối đe dọa của vũ khí tiên tiến làm người ta suy nhược.
Ví dụ, USCC báo cáo rằng Trung Quốc đã phát triển các phương tiện không cần người điều kiển cả trên không và dưới nước và đang tiến hành nghiên cứu các phương tiện di chuyển trên mặt đất không cần người điều khiển với khả năng kiểm soát tự động. Ví dụ, tại cuộc triển lãm về hàng không ở Quảng Châu, tháng 2 năm 2017, Trung Quốc đã cho người ta xem 1.000 máy bay không người lái, có cánh quay được, trên các tuyến đường được lập trình trước. Theo USCC, những kỹ thuật này có thể được sử dụng để tạo ra hệ thống vũ trang phân tán, cùng với khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI), có thể được sử dụng để tràn ngập và áp đảo hệ thống vũ khí đắt tiền như hàng không mẫu hạm. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả của xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông.
Đối với công nghệ chống tàu vũ trụ, USCC dẫn chứng các hoạt động của vệ tinh nhỏ của Bắc Kinh có thể được dùng để chống lại các vệ tinh thương mại hoặc quân sự của Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể sử dụng các bệ phóng trên không gian nhằm tung ra những cuộc tấn công động học, phi động học hoặc điện từ. Chống lại và ngăn chặn “ưu thế trên không” của Hoa Kỳ là cực kì quan trọng trong cuộc xung đột tiềm tàng, ví dụ ở eo biển Đài Loan, trong đó có những vụ tấn công chính xác tầm xa. Điều này phù hợp với phát hiện trước đây của USCC nói rằng Bắc Kinh đã bác bỏ những nỗ lực quốc tế, như Bộ luật Hành xử Quốc tế do EU đề xuất cho các hoạt động ngoài không gian, có thể tước mất của họ vũ khí chống tàu vũ trụ, như các hệ thống chống vệ tinh, đồng quỹ đạo. Như tôi đã nhận xét trước đây, vũ trụ ngày càng trở thành khu vực cạnh tranh quốc tế, từ cạnh tranh kinh tế sang cạnh tranh chiến lược, chúng ta phải nghĩ rằng Trung Quốc và các cường quốc khác sẽ quân sự hoá công nghệ vũ trụ của họ, thậm chí dưới vỏ bọc dân dụng hoặc thương mại.
USCC kết luận với lời cảnh báo thẳng thừng: “Lần đầu tiên Hoa Kỳ gặp phải đối thủ cạnh tranh ngang sức ngang tài về công nghệ – quốc gia cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình và buôn bán với các cường quốc công nghệ cao khác – trong thời đại, trong đó nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực tư nhân có thể sử dụng cả trong quân sự lẫn dân sự ngày càng diễn ra nhanh hơn và góp phần vào sự phát triển của lực lượng vũ trang”. Trong môi trường quốc tế bao gồm chiến tranh đa chiều (đất, biển, bầu trời, không gian và không gian mạng), cuộc đua hiện nay nhằm phát triển công nghệ hàng đầu có thể quyết định cán cân.
Sự vĩ đại quốc gia và cân bằng khó tìm
Tình trạng đối đầu trong an ninh quốc tế vẫn còn căng thẳng và không thể đoán trước được. Với những lời kêu gọi hướng tới chủ nghĩa dân tộc, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều đã làm gia tăng tình trạng không chắc chắn. Tập [Cận Bình], nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ thời Mao, thề sẽ thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” mới – khôi phục quyền lực vĩ đại và những vùng “lãnh thổ” đã mất của Trung Quốc – đang lôi kéo đám đông vào những cuộc tập họp của Đảng Cộng sản.
Nhưng, sức mạnh của Mỹ đang chắn ngang con đường phục hung Trung Quốc của Tập Cận Bình. Về phần mình, Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, đã xây dựng được làn sóng dân túy mà ông ta đã trui rèn trong cuộc bầu cử năm 2016 bằng cách kêu gọi giữ gìn chủ quyền và lòng yêu nước, được hậu thuẫn bằng việc gia tang đáng kể những khoàn chi cho quốc phòng. Ông cũng đe doạ tiến hàng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, tức là ngay trước ngõ Trung Quốc và chiến tranh thương mại chống lại hoạt động thương mại của Trung Quốc, từ nhập khẩu thép, nhôm đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” của Trump, Nhà Trắng tiếp tục chiến đấu nhằm tìm bằng được sự cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung.
Thật vậy, khó tìm được cân bằng khi hai bên có những tầm nhìn đối nghịch nhau về sự vĩ đại của quốc gia. Như Henry Kissinger nhận xét, “Không có quyền lực nào dù cân bằng và “an toàn” đến đâu – nhưng lại phủ nhận hoàn toàn tầm nhìn của chính nó về nó – chấp nhận dàn xếp”. Nhà nghiên cứu chính trị Robert Gilpin nói thêm rằng quốc gia sẽ “không bao giờ ngừng” áp lực nhằm đạt được điều mà họ coi là “đòi hỏi chính đáng đối với hệ thống quốc tế”.
Đối với Trung Quốc và Tập [Cận Bình], điều đó có nghĩa là áp lực nhằm giải quyết các yêu sách lãnh thổ còn tồn đọng và tiếp tục thiết lập trật tự mới trong khu vực, phản ánh hình ảnh của chính Trung Quốc. Đối với Hoa Kỳ và Trump, điều đó có thể dẫn đến việc điều chỉnh các thỏa thuận thương mại và tái khẳng định quyền lực cứng của Hoa Kỳ trong khu vực “Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương” – trong đó có đòn ra tay trước để tự vệ trước Bắc Triều Tiên, nếu cần. Không cần phải là Thucydides mới công nhận rằng, trong bối cảnh bất ổn hiện nay, bước nhảy vọt của Trung Quốc, thông qua hiện đại hóa quân đội và công nghệ tiên tiến, sẽ dẫn tới giai đoạn mới và nguy hiểm trong quan hệ quốc tế.

Roncevert Ganan Almond

Phạm Nguyên Trường dịch

* Roncevert Ganan Almond là cộng tác viên của The Wicks Group (tư vấn về hàng không), có trụ sở tại Washington, D.C. Ông từng tư vấn cho Ủy ban Giám sát về Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung về các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế và viết nhiều bài về các tranh chấp hàng hải ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
(Dân Luận)

http://www.tintuchangngayonline.com/2017/12/ai-nhay-vot-trung-quoc-tim-cach-ot-pha.html