Đại nạn Trung Hoa: Nanh vuốt Trung Cộng
Trần Gia Phụng (Danlambao) – Sau hiệp định Paris ngày 27-1-1973, Hoa Kỳ rút hết quân ra khỏi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tức Nam Việt Nam (NVN). Sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ ở Á Châu sau năm 1973 là cơ hội bằng vàng cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) hay Trung Cộng vùng lên thực hiện mộng bá quyền tại đây. Mở đầu, Trung Cộng mưu đồ chiếm cho được quần đảo Hoàng Sa để mở đường xuống phương nam.
Từ thời nhà Nguyễn qua thời Pháp thuộc, đến thời Quốc Gia Việt Nam rồi VNCH, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tại hội nghị hòa bình quốc tế ở San Francsco (Hoa Kỳ) năm 1951, thủ tướng Quốc Gia Việt Nam là Trần Văn Hữu khẳng định lại một lần nữa hai quần đảo nầy là của Việt Nam. Lúc đó, quần đảo Hoàng Sa thuộc địa hạt tỉnh Thừa Thiên.
Bằng sắc lệnh số 174NV ngày 13-7-1961, tổng thống Ngô Đình Diệm chuyển Hoàng Sa qua địa hạt tỉnh Quảng Nam, đặt tên là xã Định Hải, quận Hòa Vang. Ngày 21-10-1969, thủ tướng Trần Thiện Khiêm ký nghị định số 709-BNV/HĐCP sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Về quân sự, Hoàng Sa do một đơn vị nhỏ địa phương quân tỉnh Quảng Nam luân phiên đóng giữ.
Do tham vọng bành trướng, khi xác định lập trường về hải phận của Trung Cộng là 12 hải lý, Trung Cộng đưa ra bản tuyên cáo ngày 4-9-1958, trong đó điều 1 và điều 4 khẳng định rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (vốn của Việt Nam) thuộc chủ quyền của Trung Cộng và gọi theo tên Trung Cộng là Xisha [Tây Sa tức Hoàng Sa] và Nansha [Nam Sa tức Trường Sa]. Mười ngày sau, ngày 14-9-1958, Phạm Văn Đồng, thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), vâng lệnh Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng Lao Động, vội vàng ký công hàm, tán thành tuyên cáo về hải phận của Trung Cộng, có nghĩa là tán thành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Cộng.
1. Nhe nanh múa vuốt chụp lấy Hoàng Sa (1974)
Trở lại thời kỳ chiến tranh, từ năm 1969, tân tổng thống Hoa Kỳ là Richard Nixon đưa ra kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” (Vietnamization), trên lý thuyết gọi là chuyển giao trách nhiệm chiến đấu cho quân đội VNCH, nhưng thực tế là để rút quân Hoa Kỳ về nước. Đồng thời Nixon kiếm cách liên lạc trực tiếp với Trung Cộng từ năm 1971, vừa nhờ Trung Cộng áp lực VNDCCH tức Bắc Việt Nam (BVN) ngồi vào bàn hòa đàm, ký kết hiệp ước để Hoa Kỳ an toàn rút quân ra khỏi Việt Nam, vừa kiếm cách tách Trung Cộng ra khỏi khối CS Liên Xô. (Roger Warner, Shooting at the Moon, Vermont, South Royalton: Steerorth Press, 1996, tt. 333-336.) Hoa Kỳ còn cho Trung Cộng biết là Hoa Kỳ không trở lui can thiệp ở Việt Nam.
Hiệp định Paris ngày 27-01-1973 là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mà giải pháp chính trị không rõ ràng, theo đó quân đội Hoa Kỳ đơn phương rút về nước. Đáp lại VNDCCH tức BVN thả hết tù binh Hoa Kỳ mà BVN đã bắt giam, nhưng BVN không rút quân khỏi lãnh thổ VNCH. Trong khi lui quân, Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho VNCH. Ngược lại, VNDCCH được các nước cộng sản quốc tế (CSQT) tăng cường viện trợ, nên VNDCCH liên tục tấn công mạnh mẽ VNCH.
Trung Cộng liền lợi dụng hoàn cảnh quân đội Hoa Kỳ rút lui, không can thiệp vào Việt Nam và quân đội hai miền Nam và Bắc Việt Nam mải mê đánh nhau, Trung Cộng đưa hạm đội hùng hậu tấn công quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islads) ngày 19-01-1974 trong Biển Đông, dưới vĩ tuyến 17, do VNCH chủ quản.
Trong khi chiến đấu chống cộng sản BVN, quân đội VNCH vẫn cương quyết chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Việt Nam, chống lại tập đoàn bành trướng Bắc Kinh. Phải nhấn mạnh là toàn thể quân dân VNCH, từ trên đến dưới, một lòng cương quyết bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc kính yêu, chống ngoại xân phương bắc.
Trận Hoàng Sa diễn ra từ 10G.25 sáng ngày 19-01-1974 và sau khoảng hơn nửa giờ chiến đấu, do lực lượng yếu thế, Hải quân VNCH bị thiệt hại nặng, phải rút lui. Hộ tống hạm HQ10 bị trúng đạn không thể cứu vãn. Chỉ huy trưởng Ngụy Văn Thà ra lệnh cho chỉ huy phó và thủy thủ đoàn phải đào thoát. Thiếu tá Ngụy Văn Thà ở lại Biển Đông, hy sinh thân mạng đền nợ nước.
Dầu vậy, Hải quân VNCH cũng đã gây thiệt hại nặng cho Hải quân Trung Cộng. Hai hộ tống hạm Kronstadt 271 và 274, cùng hai trục lôi hạm 389 và 391 bị thiệt bất khiển dụng. Đô đốc Phương Quang Chính tư lệnh mặt trận cùng bốn sĩ quan cấp đại tá Trung Cộng bị tử thương.
Điều đáng nói là sau trận Hoàng Sa, trong khi dân chúng và chính phủ VNCH quyết liệt phản đối Trung Cộng, thì đảng Lao Động tức đảng CSVN, nhà nước VNDCCH, quân đội VNDCCH hoàn toàn im lặng, đồng lõa với kẻ xâm lăng, vì từ năm 1958, Phạm Văn Đồng vâng lệnh Hồ Chí Minh và lãnh đạo đảng Lao Động, đã ký công hàm thừa nhận Hoàng Sà và Trường Sa thuộc Trung Cộng. Bây giờ nói gì nữa?
2. Bài học sáu tỉnh biên giới (1979)
Sau khi cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam năm 1975, VNDCCH đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) năm 1976, đổi tên đảng Lao Đông thành đảng Cộng Sản (CS), và đổi luôn chính sách ngoại giao, không còn theo chủ trương đu dây thăng bằng giữa Liên Xô và CHNDTH, mà ngã hẳn về phía Liên Xô.
Ngày 27-6-1978, tại Bucharest, thủ đô Romania, CHXHCNVN gia nhập khối COMECON (Council for Mutual Economic Assistance tức Hội đồng Tương trợ Kinh tế). Khối nầy do Liên Xô thành lập tháng 1-1949 gồm các nước cộng sản Đông Âu là Bulgaria, Czechoslovakia, the German Democratic Republic, Hungary, the Mongolian People’s Republic, Poland, Rumania, U.S.S.R. [Liên Xô].
Trong cuộc họp của khối nầy tại thủ đô Mông Cổ là Oulan Bator từ 27-9 đến 1-10-1978, các nước trong khối COMECON hứa hẹn sẽ giúp CHXHCNVN thực hiện những kế hoạch kinh tế và kỹ nghệ mà Trung Cộng đang bỏ dở. Sau đó, ngày 3-11-1978, Lê Duẩn sang Liên Xô và ký với Leonid Brezhnev, Hiệp ước Hai mươi lăm năm Hỗ tương và Phòng thủ giữa hai nước.
Dựa vào hậu thuẫn của Liên Xô, CSVN xua quân xâm lăng Cambodia, chiếm thủ đô Phnom Penh ngày 7-1-1979. Việc làm của CSVN nhắm hai mục đích: 1) Đối ngoại là bành trướng ảnh hưởng qua Cambodia để mưu làm bá chủ Đông Dương, và kiếm đường đánh xuống Thái Lan. 2) Đối nội là tung các sư đoàn miền Nam qua Cambodia. Các sư đoàn nầy gồm những thanh niên mới tuyển nghĩa vụ quân sự ở miền Nam sau 1975. Tung thanh niên miền Nam qua Cambodia để làm tiêu hao tiềm lực miền Nam, khiến dân chúng miền Nam phải lo chuyện chiến tranh, mà không chống đối chính sách thất nhân tâm của Hà Nội.
Nhà cầm quyền Cambodia lúc đó do Trung Cộng đỡ đầu. Viện cớ CSVN xâm lăng Cambodia, Trung Cộng quyết định trả đũa và dạy cho CSVN một bài học. Bài học nầy không phải thuần tuý vì vấn đề Cambodia. Bài học nầy còn liên hệ đến ba việc: 1) Thứ nhứt, Cambodia là cửa ngõ để Trung Cộng tiến xuống Đông Nam Á. Khi CSVN xâm chiếm Cambodia, có nghĩa là CSVN chận đứng con đường bành trướng của Trung Cộng xuống vùng vịnh Thái Lan. 2) Thứ hai, sau khi bỏ Trung Cộng, chạy theo Liên Xô và ký kết hiệp ước 1978, tập đoàn lãnh đạo CSVN mặc nhiên bỏ luôn những cam kết ngầm với Trung Cộng khi Trung Cộng viện trợ cho CSVN tiến hành hai cuộc chiến 1946-1954 và 1954-1975, mà con số nầy lên đến 20 tỷ Mỹ kim. 3) Thứ ba, tuy bề ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á tỏ ra chống lại việc Trung Cộng tấn công Việt Nam, nhưng họ cũng ngấm ngầm đồng tình với Trung Cộng chận đứng tham vọng quá lớn của CSVN sau khi CSVN chiếm được toàn cõi Việt Nam năm 1975.
Ngày 7-1-1979 bộ đội CHXHCNVN chiếm thủ đô Phnom Penh của Cambodia, thì ngày 17-2-1979, Trung Cộng đưa trên 200.000 quân tấn công CHXHCNVN ở sáu tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam, giáp ranh với Trung Cộng. Có nơi quân Trung Cộng tiến sâu vào nội địa Việt Nam 40 cây số. Sau khi phá nát vùng nầy, quân Trung Cộng rút về ngày 5-3-1979.
Điều đáng nói là trong khi đánh nhau, quân đội Trung Cộng phá huỷ những cột mốc biên giới có từ thời Pháp thuộc, rồi dựng lại những cột mốc biên giới mới. Khi dựng lại, quân Trung Cộng dời nhiều cột mốc biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Có tin cho biết số cột mốc được được chôn từ thời Pháp-Thanh còn nguyên vẹn (nguyên cả cột lẫn vị trí) còn trên dưới 50, số cột mốc thời Pháp-Thanh đã bị dịch vào biên giới Việt Nam là 150-170 chiếc, số cột mốc mới Trung Quốc cho lính mang sang đóng trong biên giới Việt Nam là 60-70, số thất thoát khoảng 15-30. (Việt Báo Online, California: số 2496, ngày 6-2-2002, đăng lại bài của Lý Công Luận ở Hà Nội ngày 4-2-2002.)
3. Bia sống Gạc Ma (1988)
Cuộc chiến biên giới Việt-Hoa là lời cảnh cáo của Trung Cộng đối với CHXHCNVN, nhưng CSVN vẫn lỳ đòn, quyết dựa hơi Liên Xô. Trong khi đó, Trung Cộng gây chiến đường bộ bị thế giới phê phán hay phản đối, Trung Cộng liền kiếm cách khác để tiến xuống Đông Nam Á. Đó là đường biển mà Trung Cộng đã thử nghiệm năm 1974 khi đánh chiếm Hoàng Sa.
Từ Hoàng Sa, Trung Cộng nhìn xuống quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), trãi từ vĩ tuyến 6 độ Bắc đến vĩ tuyến 12 độ Bắc và từ kinh độ 111 độ Đông đến 117 độ Đông, gồm hàng trăm đảo lớn, nhỏ, rạn cát và đá ngầm, san hô. Về hành chánh, Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tại hội nghị San Fracisco (Hoa Kỳ) năm 1951, thủ tướng Quốc Gia Việt Nam là Trần Văn Hữu lên tiếng xác nhận là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, thì không có nước nào phản đối.
Tuy nhiên, khi việc khai thác dầu khí trên Biển Đông càng ngày càng phát triển, các nước Philippines, Trung Hoa Dân Quốc, Malaysia, Brunei, Trung Cộng “nhào vô kiếm ăn”, tranh giành khai thác các đảo trong quần đảo Trường Sa. Mỗi nước chia nhau đóng giữ một số đảo. Đến cuối thập niên 80, CHXHCHVN đóng giữ 21 đảo, cồn và rạn san hô, trong đó có đảo Sin Cowe Island (Sinh Tồn) ở trung tâm quần đảo Trường Sa. Đảo Sinh Tồn có các dãy đá quan trọng là Johnson Reef (Gạc Ma), Collins Reef (Cô Lin), Lansdown Reef (Len Đao).
Đầu năm 1988, Trung Cộng dòm ngó và khiêu khích, muốn lấn chiếm các dãy đá nầy. Đáp lại, CHXHCNVN mở chiến dịch Chủ quyền 88, viết tắt là CQ 88, gởi bộ đội đến bảo vệ và đem vật liệu tới nhóm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, để xây dựng các cơ sở tại đây, cắm cờ nhằm chứng tỏ các đảo nầy đã có chủ. Toán bộ đội xây dựng nầy không mang võ khí, trừ vài người chỉ huy và được lệnh “bất kỳ giá nào cũng không được nổ súng.” Đó là lời của Nguyễn Văn Thống, một bộ đội sống sót sau trận Gạc Ma xác nhận với phóng viên Đài Á Châu Tự Do. (Mặc Lâm, RFA, 2015-03-13, “Ai ra lệnh không được nổ súng trong trận Gạc Ma?”)
Ngày 14-3-1988, Trung Cộng phái quân đổ bộ các đảo nầy, tấn công các tàu vận tải của CSVN, ngăn chận bộ đội và giựt cờ CHXHCNVN. Vì có lệnh từ cấp trên là không được nổ súng chống trả, nên bộ đội CSVN chỉ làm bia sống hứng đạn Trung Cộng, tử trận 64 binh sĩ Hải quân, mất ba tàu vận tải.
Một câu hỏi mà mọi người đều đặt ra là ai đã ra lệnh cho bộ đội CSVN không được nổ súng chống cuộc tấn công của quân Trung Cộng? Mãi cho đến 25 năm sau, trong cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh Triết tổ chức tại Hà Nội, thiếu tướng Lê Mã Lương, anh hùng Lực lượng võ trang CSVN, từng giữ chức giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, mới tiết lộ như sau: “…Vào tháng 7/2013, tại hội thảo “Những vấn đề về chủ quyền Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa” do giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Nguyên phó Ban Dân vận Trung Ương, Chủ tịch Trung tâm Minh Triết Việt Nam chủ trì gồm 60 nhà nghiên cứu nổi tiếng và nhà báo. Tôi đã phát biểu nguyên văn như sau: “…Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như (Trung Quốc) đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa.” “…Trong một cuộc họp của BCT, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao) đập bàn ai ra lệnh bộ đội không được nổ súng?…” (Trích nguyên văn lời thiếu tướng Lê Mã Lương trong bài “Thiếu tướng Lê Mã Lương phản hồi cáo buộc của thiếu tướng Hoàng Kiền về đề nghị thu hồi cuốn sách”, của Tuấn Khanh, điện báo Tiếng Dân ngày 14-07-2018.)
Câu nói trên của thiếu tướng Lê Mã Lương gồm hai vế: 1) Bộ đội CS ở Gạc Ma được lệnh của cấp cao là không được nổ súng. 2) Sự giận dữ của Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng bộ Ngoại giao CHXHCNVN khi họp bộ Chính trị đảng CSVN.
Thiếu tướng Lương không nêu đích danh cấp cao nào là người ra lệnh không được nổ súng, nhưng ai là người có quyền ra lệnh cho bộ đội CS nếu không phải là bộ Quốc phòng, hay đảng ủy đảng CS bộ Quốc phòng? Vào thời điểm năm 1988, bộ trưởng bộ Quốc phòng CSVN là đại tướng Lê Đức Anh, ủy viên bộ Chính trị đảng CSVN.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Mai giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Minh Triết, xác nhận rõ hơn lời của thiếu tướng Lê Mã Lương: “…Ngài Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi bấy giờ là ngài Lê Đức Anh đã ra cái lệnh như vậy mà anh Lê Mã Lương đã tường thuật trong hội thảo tưởng niệm Gạc Ma của chính Trung tâm Minh Triết tổ chức ở Khách sạn Công đoàn năm ngoái, thì bây giờ ta phải công khai cái này. Một Bộ trưởng Quốc Phòng thấy giặc nó xâm lấn bờ cõi của mình mà ra lệnh không được chống lại, đứng im như thế cuốn cờ lên người mình để cho nó nã súng nó bắn!” (Mặc Lâm, bài đã dẫn.)
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên là thiếu tướng bộ đội CS, ủy viên dự khuyết ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động, đại sứ CHXHCNVN tại Trung Cộng từ 1974 đến 1987, nói thêm về vụ nầy như sau: “…Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc. Ông Lê Đức Anh là cai đồn điền cao su của một người tình báo của Pháp chứ ông ta không phải tham gia cách mạng lâu dài gì đâu. Chẳng qua ông ấy khai man lý lịch rồi thì được lòng ông Lê Đức Thọ, ông Lê Đức Thọ cứ đưa ông ấy lên vù vù trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, sau này thành chủ tịch nước. Cái điều đó những người biết chuyện như tôi lấy làm đau lòng lắm và cho là một nỗi nhục của đất nước.” (Mặc Lâm, bài đã dẫn.)
Lê Đức Anh, bộ trưởng Quốc phòng CHXHCNVN, phải chịu trách nhiệm về lệnh bộ đội CSVN trấn giữ Gạc-Ma không được nổ súng chống quân Trung Cộng, nhưng chắc chắn trước khi ban hành lệnh nầy, Lê Đức Anh phải tham khảo ý kiến hoặc được chỉ thị từ lãnh đạo bộ Chính trị đảng CSVN.
Lúc đó bộ Chính trị đảng CSVN gồm có: Nguyễn Văn Linh (tổng bí thư), Phạm Hùng (số 2), Võ Chí Công (số 3), Đỗ Mười (số 4) Võ Văn Kiệt (số 5), Lê Đức Anh (6). Nguyễn Đức Tâm (số 7), Nguyễn Cơ Thạch (thứ 8)… Vậy không phải chỉ một mình Lê Đức Anh phản quốc như thiếu tướng Lê Trọng Vĩnh đã nói, mà ít nhứt có sự đồng thuận phản quốc của mấy tên lãnh đạo chóp bu đảng CSVN, từ Nguyễn Văn Linh đến Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh.
Cũng theo lời thiếu tướng Lê Mã Lương, khi họp bộ Chính trị, Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng Ngoại giao CHXHCNVN, giận dữ đập bàn hỏi ai đã ra lệnh không được nổ súng, nhưng không có ai trong bộ Chính trị trả lời. Bộ Chính trị đảng CSVN cũng không quyết định mở cuộc điều tra ai là người đã ra lệnh tồi tệ dó, và vấn đề êm xuôi cho đến ngày nay. Thứ cấp của Nguyễn Cơ Thạch trong bộ Chính trị đảng CSVN vào hàng thứ 8, đứng sau cả Lê Đức Anh (thứ 6), nên Nguyễn Cơ Thạch chỉ “lẻ loi một mình”.
Sau năm 1991, Lê Đức Anh lên làm chủ tịch nước, còn Nguyễn Cơ Thạch bị loại khỏi bộ Chính tri đảng CSVN, tức một bên lên (thăng chức), một bên xuống (giáng chức). Sự thăng giáng nầy giải thích rõ thêm nội tình cấp cao về trận Gạc Ma trong đảng CSVN.
Kết luận
Sự khiếp nhược của lãnh đạo đảng CSVN trước nanh vuốt Trung Cộng trong trận Gạc Ma năm 1988 cho thấy đảng CSVN bắt đầu thấm đòn thù của Trung Cộng. Lúc đó, tình hình Đông Âu đang biến chuyển mạnh, các nước CS tại đây sắp sửa sụp đổ. Liên Xô cũng bị yếu thế. Các lãnh tụ đảng CSVN bắt đầu âm thầm chịu khuất phục trước nanh vuốt kẻ xâm lăng, nhằm giữ vững chế độ CSVN. Trung Cộng không còn chờ đợi gì hơn, sẵn sàng đón nhận kẻ quy hàng tại hội nghị Thành Đô năm 1990.
Xin đừng quên lời hô hào của Mao Trạch Đông ngày 28-6-1958 với một nhóm tướng lãnh thân cận rằng: “Hiện nay, Thái Bình Dương không yên ổn. Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (“Now the Pacific Ocean is not peaceful. It can only be peaceful when we take it over.”) (Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO, New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.) Phát biểu nầy là khởi đầu cho chủ trương của Trung Cộng về Biển Đông và Thái Bình Dương. Sau đó, tại cuộc hội đàm với đại biểu đảng Lao Động tức đảng CSVN, ở Vũ Hán năm 1963, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á.” (Nxb. Sự Thật, không đề tên tác giả, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: 1979, tr. 16. Sách nầy xuất bản sau cuộc xâm lăng của Trung Cộng năm 1979.)
Mao Trạch Đông mở ra con đường xuống Biển Đông bằng chiến dịch đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, khởi đầu giấc mộng Đông Nam Á. Sự quy hàng của CSVN sau trận Gạc Ma giúp cho các lớp lãnh đạo Trung Cộng sau Mao Trạch Đông, tiếp tục thực hiện giấc mộng của Mao Trạch Đông nhanh chóng hơn, nhe nanh múa vuốt, nuốt trọn Biển Đông.
17.07.2018