Đài Loan: Mũi tiến công thứ hai của Mỹ nhắm vào Trung Quốc?
Cơ quan mới của Viện Mỹ Quốc tại Đài Loan (AIT) tại Đài Bắc. Ảnh 02/06/2018. REUTERS/Tyrone Siu
Vào lúc mọi sự chú ý được dồn vào cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore, Hoa Kỳ vào hôm qua, 12/06/2018, đã khánh thành một cơ quan đại diện mới ở Đài Bắc trị giá 256 triệu đô la. Cơ quan mặc nhiên đóng vai trò đại sứ quán của Mỹ, đã nêu bật quan hệ chiến lược Mỹ-Đài Loan trong tình hình căng thẳng tăng cao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Động thái mới nhất này của Mỹ đã được giới phân tích gắn liền với một loạt « tin đồn » và « sự kiện thật » về việc Washington củng cố thêm sự hiện diện quân sự tại khu vực quanh Đài Loan và quan hệ quốc phòng với Đài Bắc, xem đấy là một trong hai mũi dùi nhằm đối phó với thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh nhằm khống chế tất cả các vùng biển bao quanh Trung Quốc. Mũi tiến công còn lại của Mỹ liên quan đến Biển Đông, mà Đài Loan cũng là một bên có tuyên bố chủ quyền.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 12/06, tuy đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979, nhưng Hoa Kỳ vẫn là đồng minh mạnh mẽ nhất và là nguồn cung cấp vũ khí ngoại quốc chủ yếu cho Đài Loan.
Để duy trì liên lạc với chính quyền Đài Bắc, Washington đã cho mở một cơ sở mang tên gọi chính thức là American Institute of Taiwan AIT – Viện Mỹ Quốc tại Đài Loan. Cơ quan vừa được khánh thành, phần lớn chính là xây trên cơ sở được nâng cấp của viện này.
« Quan hệ then chốt » Mỹ – Đài Loan
Đối với Reuters, trong một tuyên bố rõ ràng là để chọc tức Trung Quốc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đã đánh giá rằng cơ sở mới của Mỹ một sự tái khẳng định quyết tâm của hai bên nhằm vun bồi một mối « quan hệ then chốt ».
Bà nói thêm : « Tình hữu nghị giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chưa bao giờ đầy hứa hẹn như hiện nay. Câu chuyện tuyệt vời về quan hệ Mỹ-Đài Loan còn phải được viết tiếp bằng nỗ lực của những người, một ngày nào đó đến cơ quan này…Và khi nào mà hai bên Mỹ và Đài Loan còn sát cánh bên nhau thì không gì có thể xen vào giữa ».
Theo lời giám đốc AIT, ông Mai Kiện Hoa (Kin Moy), người Mỹ gốc Hoa đầu tiên được cử lãnh đạo cơ quan này, thì khu nhà mới được xây lên từ một cơ sở quân sự bình thường mà AIT sử dụng từ hàng thập niên qua, sẽ trở thành văn phòng đại diện của Mỹ tại Đài Loan vào cuối mùa hè này.
Cơ sở mới của Mỹ tại Đài Bắc trải rộng trên 6,5 ha. Nói chung, văn phòng của AIT ở Đài Bắc có khoảng 500 nhân viên Mỹ và người địa phương, trong lúc chi nhánh ở Cao Hùng có hơn 30 người.
Phát biểu trong buổi lễ khánh thành, bà Marie Royce, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề giáo dục và văn hóa, thông báo là cơ sở mới của Hoa Kỳ là biểu tượng cho sức mạnh và sự năng động của quan hệ đối tác Mỹ-Đài Loan.
Theo bà : « Chúng ta đã đối mặt với bao nhiêu thách thức trong hành trình này, và mỗi lần chúng ta đều vươn lên từ các thách thức đó trên cơ sở nhận thức rõ được rằng quyết tâm phát huy dân chủ được chia sẻ sẽ giúp chúng ta đi lên ». Bà Royce là quan chức cao cấp nhất của chính quyền Mỹ đến Đài Loan từ năm 2015.
Bắc Kinh « cực lực phản đối »
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết đã gởi công hàm « cực lực phản đối » đến Washington về cơ sở mới này cũng như chuyến thăm Đài Loan của nhà ngoại giao Mỹ cao cấp.
Trong buổi họp báo thường kỳ vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác định : « Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ tuyệt đối hành động theo đúng lời hứa với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, sửa đổi hành động sai trái và cố gắng không gây tổn hại đến quan hệ Mỹ-Trung, hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan ».
Bắc Kinh luôn khẳng định Đài Loan là phần đất Trung Quốc và không loại trừ khả năng dùng vũ lực chiếm đóng. Và Trung Quốc càng bực tức thêm từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống năm 2016. Bắc Kinh nghi ngờ bà Thái Anh Văn muốn thúc đẩy cho một sự độc lập chính thức của đảo và như thế vượt làn ranh đỏ mà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra.
Trong bài xã luận về ngày khai trương cơ sở mới của Mỹ tại Đài Bắc, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc cho là Bắc Kinh nên cảnh cáo cả Mỹ lẫn Đài Loan về mọi hành vi khiêu khích mới, cho rằng Bắc Kinh « phải tiếp tục tăng cường sức răn đe nhắm vào chính quyền Đài Loan, cho Đài Loan hiểu rõ là Hoa Kỳ không thể là cứu tinh của họ ».
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường tập trận gần Đài Loan, huy động đủ loại oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, Đài Loan đã lên tiếng tố cáo những hành vi hù dọa, đồng thời tiếp tục vận động Mỹ bán cho họ trang thiết bị tối tân, có cả chiến đấu cơ đời mới hầu tăng cường khả năng phòng thủ.
Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực quanh Đài Loan ?
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi và lời lẽ hù dọa Đài Loan, Mỹ đã liên tiếp có những động thái ủng hộ Đài Bắc.
Lễ khánh thành cơ quan ngoại giao trên thực tế của Mỹ tại Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Quốc Hội Mỹ vừa thông qua một đạo luật bật đèn xanh cho các quan chức chính quyền Mỹ thăm viếng Đài Loan. Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận bán thêm một khối lượng vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la cho Đài Loan. Cả hai động thái đều đã làm Bắc Kinh tức giận.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều thông tin về khả năng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực quanh Đài Loan, mà gần đây nhất là « tin đồn » về dự định của Mỹ đưa một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.
Theo Reuters hôm 05/06 vừa qua, một số quan chức Mỹ đã tiết lộ rằng Hoa Kỳ trong năm nay, đã từng cân nhắc việc đưa một tàu sân bay đến eo biển Đài Loan nhưng cuối cùng đã không thực thiện kế hoạch đó. Thay vào đó là phương án cho một chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, như tàu Trung Quốc vẫn thường làm.
Lầu Năm Góc dĩ nhiên đã từ chối bình luận về bất kỳ hoạt động tương lai nào, và chưa biết là khi nào thì tàu Mỹ sẽ đi qua eo biển Đài Loan, nhưng đối với Reuters, nếu diễn ra, sự kiện đó sẽ là một dấu hiệu mới của chính quyền Mỹ trong việc hậu thuẫn Đài Loan, sau khi Trung Quốc liên tục tập trận trong khu vực.
Đài Loan và Biển Đông: Chiến thuật lưỡng diện giáp công?
Trùng hợp ngẫu nhiên, hay là chiến thuật lưỡng diện giáp công, sự năng động của Mỹ trên mặt trận Đài Loan, ở phía Bắc đã diễn ra đồng thời với một loạt những hành động cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Mới nhất là sự kiện hôm 04/06, Mỹ đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay qua Biển Đông, gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ ở Trường Sa, một động thái nối tiếp theo một bình luận trước đó vài hôm (ngày 31/05) của trung tướng Kenneth McKenzie, giám đốc Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, theo đó « Quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm đánh chiếm các đảo nhỏ ở khu vực Tây Thái Bình Dương ».
Và trong một động thái đã trở thành thường xuyên, ngày 27/05/2018, hai chiến hạm Mỹ – khu trục hạm USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đã thực hiện các hoạt động diễn tập gần Đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm.
Đây là một hoạt động định kỳ, nhưng giới phân tích đã ghi nhận quy mô lớn hơn của chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông của Mỹ, với sự tham gia của hai chiến hạm.
Sự kiện trên đặc biệt có ý nghĩa vì diễn ra chỉ vài hôm sau khi Lầu Năm Góc, ngày 23/05 cho biết là đã hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành Dai Thái Bình Dương RIMPAC sắp mở ra, với lý do Trung Quốc tăng cường việc quân sự hóa tại Biển Đông.
Mai Vân