Đại cường, Đại chiến lược: Cuộc chơi mới ở Biển Đông
Posted on 13/11/2018 by The Observer
Tác giả: Zhang Baohui | Biên dịch: Đinh Nho Minh
Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea. Anders Corr chủ biên. Annapolis, Maryland: The Naval Institute Press, 2018. Bìa cứng: 328 trang.
Biển Đông đã là trọng tâm của địa chính trị Châu Á kể từ khi Trung Quốc xây dựng bảy đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa trong giai đoạn 2013-2016. Quá trình bồi đắp của Trung Quốc đã gây lo lắng cho không chỉ các nước tranh chấp chủ quyền ở đây mà còn cả các cường quốc đối thủ khác. Vì vậy, chúng ta cần hiểu được sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang ảnh hưởng đến tranh chấp Biển Đông như thế nào. Thế nên cuốn Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea [Đại cường, đại chiến lược: Cuộc chơi mới ở Biển Đông] do Anders Corr chủ biên được xuất bản ở một thời điểm rất hợp lí. Cuốn sách bao gồm các nghiên cứu về đại chiến lược của các cường quốc cũng như các khối quan trọng như ASEAN và Liên minh Châu Âu.
Cuốn sách dành khá nhiều dung lượng để nói về Trung Quốc. Ngoài chương giới thiệu của Corr, ba chương khác, bao gồm của Bill Hayton, Ian Forsyth và James E. Fanell, đều phân tích động cơ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai chương của Sean R. Liedman và Tonfi Kim tập trung vào chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, có ba chương về Nhật (viết bởi Takashi Inoguchi và Ankit Panda), Ấn Độ (viết bởi Gordon G. Chang) và Nga (viết bởi Stephen Blank). Cuối cùng, hai chương của Leszek Buszynski và Peter M. Solomon viết về chiến lược của ASEAN và Liên minh Châu Âu ở Biển Đông. Bernard D. Cole, một chuyên gia lâu năm về tình hình hải quân ở Châu Á, viết chương cuối để tổng kết cuốn sách.
Tất cả các chương của cuốn sách đều cung cấp những góc nhìn quan trọng về chính sách và chiến lược Biển Đông của các cường quốc, ASEAN và EU. Các chương sách này đều có nhiều dẫn chứng thực tế và phân tích rất chi tiết. Tóm lại, cuốn sách này có những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu về chính trị và cạnh tranh của các cường quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, cuốn sách này nên tiếp cận vấn đề đại chiến lược một cách có hệ thống hơn. Cuốn sách không có chương dành riêng cho việc xây dựng khung phân tích hoặc lý thuyết. Vì vậy, các chương đều không dựa trên một lý thuyết về đại chiến lược chung. Trên thực tế, rất ít chương cố gắng sử dụng khung lý thuyết về đại chiến lược để phân tích về nước trong chương đó.
Cuốn sách cũng nên sử dụng chủ nghĩa hiện thực trong Quan hệ Quốc tế để giải thích động cơ và lựa chọn của các cường quốc, từ đó diễn giải đại chiến lược của họ. Ví dụ, chủ nghĩa hiện thực tấn công cho rằng vì tình trạng vô chính phủ của hệ thống quốc tế, các cường quốc sẽ tìm cách thiết lập các vùng ảnh hưởng trong khu vực của họ để đảm bảo an ninh. Thực tế, chính việc các cường quốc tìm cách thiết lập ảnh hưởng trước hết trong khu vực rồi mở rộng ra toàn cầu giúp định hình đại chiến lược của họ. Lý thuyết về dịch chuyển quyền lực cũng có thể giúp giải thích động cơ cho đại chiến lược của các cường quốc. Lí thuyết này nhấn mạnh rằng các cường quốc đang lên có mục tiêu lâu dài là lập ra trật tự mới nên khó tránh khỏi xung đột với cường quốc số một, vì cường quốc này đang tìm cách bảo vệ vị trí và vùng ảnh hưởng của mình. Đại chiến lược ở đây liên quan đến việc tranh chấp quyền lực, địa vị và ảnh hưởng. Cuối cùng, chủ nghĩa hiện thực phòng thủ nhấn mạnh vai trò của tình trạng lưỡng nan an ninh trong việc định hình đại chiến lược của các cường quốc. Do bản chất vô chính phủ của hệ thống quốc tế, các quốc gia thường thổi phồng mối đe dọa an ninh từ các quốc gia khác. Vì vậy, các quốc gia thường dùng các yếu tố đối nội và đối ngoại để cân bằng lại những quốc gia được cho là đe dọa an ninh của họ. Điều này dẫn đến tình trạng các cường quốc tìm cách duy trì cân bằng quyền lực.
Các lý thuyết Quan hệ Quốc tế này nếu được cho vào đã có thể giúp cung cấp một khuôn khổ lý thuyết vững chắc để tìm hiểu chiến lược của các cường quốc ở Biển Đông. Thực tế, tranh chấp giữa các cường quốc ở Biển Đông hiện nay đều phản ánh các động lực được miêu tả trong chủ nghĩa hiện thực tấn công, thuyết dịch chuyển quyền lực và chủ nghĩa hiện thực phòng thủ. Chúng ta có thể coi cạnh tranh địa chính trị ở Biển Đông là kết quả của (a) cạnh tranh giành vùng ảnh hưởng giữa các cường quốc, hoặc (b) tình trạng lưỡng nan an ninh dẫn đến nỗ lực cân bằng quyền lực giữa các cường quốc khi họ lo sợ lẫn nhau, hoặc do cả (a) và (b).
Nếu sử dụng hệ thống lý thuyết hoặc khung phân tích trong Quan hệ Quốc tế, cuốn sách chắc chắn sẽ cho một bức tranh rõ ràng hơn về “vấn đề đại chiến lược”. Vì không có hệ thống này, các chương trong quyển sách thường dựa vào các yếu tố rời rạc và tạm thời để làm rõ “đại chiến lược” của một cường quốc ở Biển Đông. Bản thân sự rời rạc và tạm thời của các yếu tố này đi ngược lại với cách tiếp cận đại chiến lược vì đại chiến lược thường tập trung vào một kế hoạch dài hạn, nhất quán của cường quốc đó.
Ví dụ, trong các chương về Trung Quốc, các tác giả nhấn mạnh nhiều yếu tố trong nước ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Những yếu tố này bao gồm chủ nghĩa dân tộc, bộ máy chính trị, các ý tưởng về quyền lịch sử và phản ứng với các nước tranh chấp chủ quyền khác. Tuy nhiên, tác giả chưa phân tích được logic chiến lược của việc Trung Quốc trỗi dậy cũng như ảnh hưởng của sự trỗi dậy này lên Biển Đông. Vì vậy, các chương này chưa giải quyết được câu hỏi: Đại chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông chính xác là gì?
Mặc dù có một số thiếu hụt về lý thuyết, cuốn sách vẫn có những đóng góp quan trọng cho văn liệu ngày càng mở rộng về nghiên cứu Biển Đông. Các chương của cuốn sách khi đứng một mình hay cạnh nhau đều cho bạn đọc một bức tranh tổng thể về chính trị cường quốc ở Biển Đông. Độc giả sẽ được hiểu thêm về tính toán chiến lược của các cường quốc có lợi ích chiến lược ở Biển Đông như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga.
Zhang Baohui là Giáo sư bộ môn Khoa học Chính trị và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương ở Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong.
Nguồn bài điểm sách bằng tiếng Anh: Contemporary Southeast Asia, Vol. 40, No. 2 (2018), pp.