Đặc Khu: Còn bao nhiêu biến chiêu nữa?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đặc Khu: Còn bao nhiêu biến chiêu nữa?

Vũ Thạch

Rõ ràng ngày nay đã có khá nhiều người VN đọc thấu gan ruột giới lãnh đạo đảng.

Nhiều ngày trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẽ rút bớt con số 99 năm cho thuê 3 đặc khu xuống, đã có những tiếng nói tiên liệu, vạch rõ thủ thuật “nói thách giá cao rồi mặc cả xuống như thể nhượng bộ” của lãnh đạo đảng.

Nhưng hệ quả nguy hiểm cho an ninh quốc gia của 99 năm hay 1 năm đều ở mức ngang nhau. Lý do khá hiển nhiên: Với vị trí của 3 đặc khu nàyvà với điều kiện đường bộ, đường biển,lẫn đường bay hiện nay, Trung Quốc chỉ cần vài tháng đã dư sức biến chúng thành 3 căn cứ quân sự với vũ khí lên đến tận răng, sẵn sàng cho bước khống chế toàn bộ từ Vịnh Bắc Bộ đến Vịnh Thái Lan. Đó là chưa kể tác động kết nối với các vùng rừng đầu nguồn đã thuê, các “khu công nhân TQ” đã đặt tại Nóc Nhà Đông Dương và trải khắp VN và các đảo quân sự tại Biển Đông. Do đó, thủ thuật cò kè với con số 99 không lừa được mấy ai!

Chắc chắn giới lãnh đạo sẽ không ngừng ở đó. Các biến chiêu khác nữa cũng sẽ được tiếp tục tung ra trong những ngày tới để thực hiện cho được ý định đã có và với tối thiểu phản đối từ người dân. Chúng ta thử đánh giá trước từng chiêu thức này?

Chiếu theo kinh nghiệm quá khứ, khá chắc họ sẽ hứa hẹn lập ra một hoặc vài phòng, cục, hay ngay cả ban bộ trực thuộc văn phòng thủ tướng, văn phòng chủ tịch quốc hội, … để xét duyệt đơn của các hãng xưởng ngoại quốc xin vào các đặc khu,để liên tục giám sát hoạt động của các hãng xưởng tại đây, đặc biệt theo dõi các loại việc nguy hiểm đến quốc phòng, v.v… Nghĩa là tất cả mọi lo âu hiện nay đều sẽ được đáp ứng thoả đáng bởi những ban bộ mới này.

Nhưng với kinh nghiệm trong 2 năm qua quanh vụ Formosa, các ban ngành chính phủ thay vì canh các hãng xưởng để bảo vệ dân thì lại làm việc ngược lại: Họ chỉ canh dân để bảo vệ các hãng xưởng. Họ đưa hẳn hàng trăm công an vào ăn ngủ tại hãng. Họ không ngại dối trá trắng trợn rằng biển đã an toàn, cá đã sạch để rồi cứ vài tháng lại tuyên bố “nước vừa có độc thật nhưng đã sạch trở lại”. Cùng lúc họ xả cổng cho Formosa gia tăng phóng uế ra môi trường ở cả 3 dạng rắn, lỏng, và khí; cũng như cho mở thêm các công ty có phó sản độc hại cho môi trường tương tự.

Và chỉ nội trong mấy ngày qua, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, Trần Hồng Hà, vẫn nhẵn mặt tuyên bố không hề có người TQ mua đất VN, bất kể các bản tin đầy rẫn trên chính báo đài Đảng, báo động việc người TQ mua nhà bao kín cả bãi biển, bao kín cả vòng đai phi trường quân sự, … Còn trắng trợn hơn nữa như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng, nằng nặc tuyên bố không có chữ “Trung Quốc” trong dự luật Đặc khu, bất kể những câu “Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với VN tại tỉnh Quảng Ninh ….” trong cùng bản văn. Với loại cán bộ đầu ngành như thế, các bộ phận giám sát chưa lập ra đã có giá trị âm rồi. Họ sẽ chỉ làm công việc duy nhất là che dấu kỹ cho các thế lực bên trong đặc khu.

Một biến chiêu nữa có xác suất cao được đem ra sử dụng là “xiết lại” danh sách các loại hoạt động được cho phép tiến hành tại các đặc khu, cụ thể như bỏ bớt việc sản xuất hàng quân sự, hay cấm buôn bán đồ cổ văn hóa VN, … để làm dịu xuống làn sóng lo ngại đang dâng quá cao.

Nhưng chỉ cần nhìn vào các khu rừng đầu nguồn, các khu biệt lập của hãng xưởng và “công nhân” TQ hiện có, tức chưa cần tới mức “đặc khu”, người ta đã có thể thấy ngay cả cái danh sách nêu trên chỉ là “bánh vẽ”. Một khi cánh cổng đặc khu được dựng lên, sẽ không có cán bộ VN nào, từ trung ương đến địa phương, dám bén mảng vào các khu này, chứ đừng nói gì đến chuyện biết được họ sản xuất những gì, hay ngay cả họ đang sản xuất hay tập dượt quân sự, ….

Và sau hết, đối đế lắm nếu thấy tình hình quá nóng, lãnh đạo Đảng có thể biến sang chiêu: cho Quốc Hội hoãn bỏ phiếu trong lúc cứ cứ âm thầm tiến hành như trong hơn 1 năm qua. Sau quyết định ký ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị, dân chúng đang sinh sống tại cả 3 đặc khu đã và đang bị cưỡng chế nhà đất, đuổi đi nơi khác. Phi trường Vân Đồn đã được xây. Hạ tầng cơ sở Phú Quốc đã được giao cho nhà thầu TQ xây dựng. Và nhiều đoàn cán bộ và viên chức hãng xưởng TQ đã đến cả 3 nơi cắm dùi chọn đất. Biến chiêu “tạm hoãn trên bề mặt trong lúc cứ tiến hành bên dưới” này thực ra đã được dùng đi dùng lại tại Bôxít Tây Nguyên, Formosa Vũng Áng, và hàng trăm vụ việc tai tiếng khác trên cả nước.

Tại điểm này, chưa biết lãnh đạo Đảng sẽ dùng bao nhiêu chiêu thức nêu trên và phản ứng của nhân dân Việt Nam sẽ ra sao, nhưng một việc đã có thể rút kết luận chắc chắn. Đó là quyết tâm kiếm tiền cho bằng được của giới lãnh đạo đảng CSVN dù biết rất rõ sự nguy hiểm và tác hại cực lớn lên đất nước và dân tộc từ 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc.

Thật khó có thể tìm chữ nào chính xác hơn để gọi hiện tượng này ngoài chữ BÁN NƯỚC.

Câu hỏi còn lại: Cả 3 triệu đảng viên đều đồng tình BÁN NƯỚC cùng với Bộ Chính trị ĐCSVN?