Đã tới lúc Mỹ lãnh đạo ngoại giao ở Biển Đông
Nguồn: Ba Sàm – AEI – Dan Blumenthal – Người dịch: Huỳnh Phan – 21-05-2015
Một đoạn phim về nhiều loại an ninh quốc gia và đối ngoại “phải xem” là đoạn phim của CNN về chuyến bay giám sát của P8-Poseidon trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef), cả hai đều thuộc quần đảo Trường Sa ở biển Biển Đông. Video đáng chú ý này cho phép người xem có được một cảm nhận tốt hơn về cuộc đua tranh mạnh bạo trong vùng biển quan trọng này.
Biển Đông được cho là tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, với $ 5.000 tỉ hàng hóa đi lưu thông hàng năm. Vùng biển này có thể có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ và cũng là nơi có nhiều ngư trường. Nhiều nước đã đưa ra yêu sách đối với các rạn san hô và đảo nhỏ trong khu vực này – Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đòi chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong khi Philippines, Malaysia và Brunei yêu sách một phần.
Để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc đã xây dựng hơn 2.000 mẫu đất trên các rạn san hô ở Biển Đông, với các tàu cuốc làm việc suốt ngày đêm để làm rộng các đảo nhân tạo. Việc bồi tạo đất phục vụ hai mục đích. Thứ nhất, Trung Quốc có thể yêu sách, dù mong manh, theo luật quốc tế rằng vì họ có đất đai trên các đảo này nên các đảo đó là lãnh thổ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là lãnh thổ biển củaTrung Quốc sẽ “bắt đầu lại” ở chỗ có một thể địa lí đất ở đó. Đó là một cách để mở rộng vùng lãnh hải của Trung Quốc, vùng này có thể trương ra đến khoảng 90% Biển Đông. Trung Quốc sẽ khẳng định rằng hầu hết Biển Đông là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Bắc Kinh có cách giải thích khá độc đáo về những gì có thể thực hiện được trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) – trái với luật pháp quốc tế họ tuyên bố có quyền điều chỉnh sự hiện diện quân sự nước ngoài trong EEZ của mình. Tất cả điều này tạo nên việc mở rộng thêm lãnh thổ chậm chạp và đều đặn, một cách mở rộng lãnh thổ khéo léo hơn là cách làm của Putin ở Ukraina.
Thứ hai, Trung Quốc cũng đang quân sự hoá các đảo – điều này thể hiện rất rõ qua video của CNN. Như sĩ quan hải quân Captain Mike Parker chỉ ra trong video, P8 bị các thiết bị quân sự dưới đất, gồm cả radar tiên tiến theo dõi. Trung Quốc đã xây dựng doanh trại, tháp điều khiển radar, đường băng, bến cảng và sân đỗ trực thăng với ý định triển khai lực lượng tiến sâu vào Biển Đông.
Có thể Mỹ đã không phải leo thang việc giám sát quân sự của mình nếu như Trung Quốc nghiêm túc xem xét các phát biểu của hai bộ trưởng Clinton và Gates năm 2010 về lợi ích sống còn của Mỹ ở Biển Đông. Như rất phổ biến trong nền chính trị quốc tế, tốt hơn là có một cách tiếp cận nghiêm túc và cứng rắn sớm trong một cuộc xung đột tiềm năng về lợi ích, để tránh việc sau này phải hành động phản ứng và leo thang. Cuối cùng một đối thủ như Trung Quốc sẽ chống trả mạnh. Trong trường hợp này, Bắc Kinh rốt cuộc sẽ chạm tới “vạch đỏ” của Mỹ. Nhưng bây giờ Mỹ không có nhiều lựa chọn bằng lúc Trung Quốc bắt đầu chống trả họ mạnh ở Biển Đông. Một khi chúng ta đã tuyên bố rằng việc có thể đi lại tự do ở các vùng biển là một lợi ích sống còn thì chúng ta nên làm mọi thứ có thể làm để hậu thuẫn lợi ích đó.
Bây giờ Mỹ đang bị thách thức ở nơi được cho là mặt trận trung tâm của cuộc tranh đua với Trung Quốc. Việc chúng ta có thể hoạt động tự do trong các tuyến đường thủy chủ chốt, việc có thể bảo vệ bạn bè khỏi bị cưỡng bức, và việc có thể răn đe và ngăn cản sự xâm lăng của Trung Quốc đang treo trên bàn cân. Quân đội Mỹ đang hành động đúng. Bay trên các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đòi chủ quyền không có cơ sở là cách thể hiện rằng Hoa Kỳ sẽ không thừa nhận các hành động đơn phương của Trung Quốc.
Nhưng còn nhiều việc phải thực hiện. Mỹ thừa sẵn sàng để tiêu tốn vô số thời giờ trong hội nghị và ngoại giao con thoi ở Trung Đông. Đã tới lúc dành sức cho một nỗ lực ngoại giao quan trọng ở Đông Nam Á. Hoa Kỳ cần nắm vai trò lãnh đạo, trước nhất đạt được sự thoả thuận của các bên tranh chấp ở Đông Nam Á về những gì thuộc về nước nào. Sau đó có thể làm rõ ràng, chính xác những gì họ sẵn sàng làm để hậu thuẫn với sức mạnh quân sự. Trung Quốc sẽ bị thua về mặt ngoại giao vì sự xâm lược của họ. Chỉ khi nào họ sẵn sàng giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán chính trị thì họ mới có thể được phép tham gia trong ngoại giao.