Đã tới lúc cần nhìn xuyên bộ đồng phục – Vũ Thạch
Khi có dịp đi ra nước ngoài, nhiều người Việt chúng ta hay có cảm giác “thiêu thiếu” gì đó. Và thường thì phải mất cả ngày ta mới nhận ra cái thiếu đó là gì.
Thật vậy, nếu để ý bạn sẽ thấy các nước càng tân tiến, càng dân chủ, càng trật tự, lại càng ít thấy đồng phục ngoài đường phố hay ngay cả trong các công sở, ngoại trừ ở các thành phố nhỏ gần các căn cứ quân đội. Có lẽ phát xuất từ ý niệm rất rõ rằng chính phủ chỉ là những người được dân thuê làm các công việc phục vụ công cộng, nên bộ đồng phục chính yếu chỉ để cho dân dễ dàng nhận dạng khi cần được giúp đỡ mà thôi.
Ngược lại, đến những nước càng độc tài khắt khe, số đồng phục của các ban ngành chính phủ càng nhiều và được phô trương khắp nơi, từ đường phố đến công sở đến báo đài. Nước ta thuộc vào loại này và chẳng thua kém ai. Chỉ riêng công an đã có đồng phục riêng cho CA điều tra, CA trật tự, CSCĐ 113, CSGT, CS Biển, dài xuống CA xã (Hình 1). Rồi qua đến các bộ và ban ngành: ngành Thanh tra Chính phủ có đồng phục riêng; Ngành Hải quan có đồng phục riêng; Ngành Kiểm sát có đồng phục riêng. Ngay cả ngành Quản lý Trị trường, ngành Trật tự Đô thị, đội quản lý lăng HCM, v.v. đều có đồng phục riêng (Hình 2).
Bộ đồng phục nào cũng đầy đủ “quân hàm” trên cổ áo, trên bờ vai; huy hiệu đơn vị trên tay áo và cả mũ lưỡi trai cho thêm phần oai vệ và bổ sung chút đỉnh cho chiều cao. Nhiều bộ đồng phục được sao lại gần lại gần như 100% từ ngành tương đương bên TQ. Đó là chưa kể hàng loạt đồng phục dưới dù MTTQ như đồng phục Thanh niên Xung phong, Thanh niên Cộng sản HCM, công đoàn, v.v.
Tại sao các chế độ độc tài, đặc biệt độc tài cộng sản, lại sính đồng phục đến thế?
Câu trả lời có lẽ bắt đầu tận những thập niên đầu của thế kỷ trước tại Âu Châu rồi được chế độ Đức Quốc Xã nâng lên đến hàng nghệ thuật để khuynh loát tâm lý quần chúng. Và sau thế chiến II, Liên Xô đem về áp dụng và rồi lan xuống tất cả các nước cộng sản đàn em.
Một cách ngắn gọn, để khuất phục và duy trì tâm lý chịu khuất phục của quần chúng, Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền và cha đẻ nghệ thuật kiểm soát tâm lý đám đông của Đức Quốc Xã đặc biệt nhắm đến 2 thủ thuật: công trình xây dựng đồ sộ và đồng phục hùng tráng:
- Khi người dân bước vào một tòa nhà công quyền cao chót vót, lạnh lùng, hùng vĩ, họ bị choáng ngợp ngay với cảm giác mình cực kỳ bé nhỏ và tâm lý đó tự động dẫn đến cách hành xử khẩn cầu chứ chẳng dám đòi hỏi hay ngay cả trách móc.
- Khi một người dân bước vào một quảng trường bát ngát với vài trăm ngàn người cầm cờ quạt rợp trời, chỉnh tề hàng ngũ, im phăng phắc nghe lời dạy của lãnh tụ vang dội qua loa phóng thanh, họ bị choáng ngợp ngay với cảm giác đang lắng nghe một bậc thần thánh phán xuống từ các tầng mây, chứ không còn là con người nữa.
- Và trong đời sống hàng ngày, khi người dân đối diện với những bộ đồng phục, họ không còn cảm giác đang tiếp xúc với 1 cá nhân nữa mà bị choáng ngợp ngay bởi cảm giác sẵn có trong đầu về mức độ tàn bạo của cả đội ngũ, cơ chế đằng sau bộ đồng phục đó. Cao điểm của nghệ thuật khủng bố tâm lý này là bộ đồng phục đen của đội quân Gestapo (hay SS) với chức năng vừa là đoàn quân đặc biệt vừa là công an cực ác cho Hitler. Bộ đồng phục này đã trở thành biểu tượng kinh hoàng tột độ khắp Âu Châu mà các chế độ độc tài thèm thuồng bắt chước đến tận ngày nay (Hình 3).
Nhưng một khi đã biết chủ đích tạo ẤN TƯỢNG đó của giới cai trị cho mục tiêu đè bẹp quần chúng ngay trong đầu họ, ta thấy ngay nhu cầu phải tự nhắc mình và nhắc lẫn nhau để vượt thoát ra khỏi cái ảo giác KHÔNG CÓ THẬT đó. Đặc biệt nhắc về các bộ đồng phục mà bà con chúng ta phải đối diện hàng ngày.
Ngoại trừ đồng phục quân đội mà người dân đến tuổi nghĩa vụ quân sự phải mặc, các loại đồng phục khác có cùng đặc tính. Đó là, ngược với bề ngoài của bộ đồng phục đính đầy vẻ tự tin và uy quyền,ta sẽ thấy bên trong mỗi bộ đồng phục đó chỉ đầy những lo sợ và tự khinh:
- Đằng sau bộ đồng phục là những người rất tồi:
Bên cạnh những trường hợp cực kỳ tồi tệ như Nguyễn Hữu Linh (Hình 4). Tuyệt đại đa số những kẻ mặc đồng phục còn lại đều biết ngay lúc bước vào ngành đã phải làm hành động tồi tệ đầu tiên là đút lót rồi. Và từ ngày đó trở đi, càng leo cao càng tồi tệ hơn. Đây không còn là những trường hợp đơn lẻ mà từ lâu đã mang tính hệ thống và qui luật: KHÔNG CÓ GHẾ NÀO MIỄN PHÍ. Và khi có ghế rồi thì tích cực thu lại vốn và kiếm thêm lời từ cấp dưới và từ mọi chú cừu, chú vịt trong phạm vi trách nhiệm. Chính vì thế mà từ cô Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng Bộ xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh (Hình 5) đến Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh (Hình 6) đều rất giàu và biết mình tồi cỡ nào.
- Đằng sau bộ đồng phục là những người rất hèn:
Hèn vì bản chất họ đã không có tư cách, leo cao không nhờ tài năng mà nhờ họ sẵn sàng dùng các thủ đoạn luồn lách, đội đạp, đút lót hoặc dựa vào vai vế cha mẹ. Và sau đó, ngày càng hèn thêm vì có quá nhiều của cải để mất. Chính vì vậy mà ta thấy hiện tượng hàng loạt cấp tướng như những Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân (Hình 7), Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa (Hình 8), … đều mếu máo, khóc lóc xin giảm án trước tòa.
- Đằng sau bộ đồng phục là rất nhiều nỗi lo và nỗi sợ:
– Trước hết lo không đủ tiền chung chi để giữ ghế hiện tại, chưa kể lo không đủ tiền trả món nợ cũ đã dùng để mua ghế.
– Sợ cấp trên lôi ra làm dê tế thần thay cho cả nhóm, dù đã chung chi đầy đủ. Một khi bị bắt rồi thì miệng bị bịt kín luôn và lãnh trọn gói tội lỗi.
– Sợ bà con biết mặt và trả thù. Việc họ giấu bảng tên, lấy điện thoại che mặt, và đánh người dân quay phim chụp hình là những biểu hiện của nỗi lo đó, đặc biệt trong thời đại Internet truy tìm tông tích ngày càng nhanh và chính xác.
– Sợ chính gia đình họ biết những việc xấu xa và ác độc mà họ đang làm để kiếm tiền hàng ngày, kể cả trò tra khảo tiền đến chết người trong các đồn CA.
– Và nay sợ cả thần linh đang ghi sổ và sắp tính sổ những việc ác độc họ đã tích lũy suốt đời. Không chỉ CA cấp thấp cúng chùa, tổ chức cúng vong hồn ngay tại đồn, mà đến cả đại tướng công an Trần Đại Quang cũng áp mặt vào vách chùa khấn vái (Hình 9). Không cần phải là thần thánh mới biết bàn tay đẫm máu của ông ta tại Tây Nguyên.
Và một điểm sau cùng đáng lưu ý nữa là khi các kẻ mặc đồng phục càng sừng sộ thì càng có xác suất cao họ đang cố che dấu hành vi mà họ biết là phi pháp, hay xấu xa. Một thí dụ cụ thể thường gặp là CA đi kiếm ăn lẻ ban đêm có mức sừng sộ gấp đôi, gấp ba các chốt CSGT nặn bánh mì ban ngày.
Nếu rút gọn lại để dễ tự nhắc mình và nhắc nhau mỗi khi đối diện với các bộ đồng phục của chế độ và vượt qua phản ứng sợ hãi bình thường, ta chỉ cần nhớ vài điểm:
- Chính tiền thuế của chúng ta mua các bộ đồng phục đó. Bản chất nó chỉ là miếng vải!
- Phía sau mỗi bộ đồng phục chỉ là 1 cái quần xà lỏn và 1 cái áo thun lá, tức chỉ là 1 con người bình thường hoặc còn dưới bình thường nữa vì quá nhiều những hành vi tệ hại và nỗi lo sợ.
- Trừ quân đội ra, các bộ đồng phục hiện nay của chế độ đều là biểu tượng của lòng dạ xấu xa, bản chất côn đồ, và cốt lõi ruỗng nát. Do đó, càng sính đồng phục chỉ càng đáng khinh chứ không đáng sợ.