‘Ða số người dân Việt Nam lên án hành vi bạo lực’
Một đám đông hỗn loạn khoảng 1.000 người đã tấn công công nhân Trung Quốc tại một nhà máy thép thuộc quyền sở hữu của Ðài Loan ở miền trung Việt Nam, và các giới chức cho hay 1 người đã thiệt mạng cùng mấy chục người bị thương.
Ðây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận vào lúc tình cảm bài Trung Quốc tràn khắp Việt Nam sau khi Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển mà cả hai nước nhận chủ quyền.
Vụ tấn công ở nhà máy xảy ra tiếp theo những vụ biểu tình có sự tham dự của tới 20.000 người ở tỉnh Bình Dương gần thành phố Hồ Chí Minh.
Người biểu tình đã nhắm mục tiêu vào các nhà máy Ðài Loan vì lầm tưởng là cơ sở của Trung Quốc. Ðài Loan đang hoạch định cung cấp các chuyến bay thuê bao để đưa công dân về nước, theo các giới chức ở Ðài Bắc.
Tin tức tràn ngập mạng xã hội về những cuộc biểu tình khác tại các tỉnh trên khắp nước, nhưng cho đến nay được mô tả là êm thắm.
Tại một cuộc họp báo ở Hà Nội hôm nay, phát ngôn viên chính phủ Lê Hải Bình quy trách các cuộc biểu tình cho những “phần tử xấu.”
Ông Bình nói ‘chính phủ và đa số người dân Việt Nam lên án hành vi bạo lực như vậy’.
Các giới chức ở Campuchia cho hay hàng trăm người quốc tịch Trung Quốc đã từ Việt Nam qua Campuchia. Phát ngôn viên Bình nói ông không có thông tin về việc này, nhưng nói thêm rằng trật tự đã được vãn hồi và Việt Nam sẽ “tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh và an toàn tính mạng và tài sản của các công ty nước ngoài, kể cả các công ty Trung Quốc.
Các cơ quan truyền thông nhà nước loan tin thủ tướng Việt Nam đã ra lệnh cho các bộ chính phủ bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài và nghiêm khắc trừng trị những kẻ gây rối.
Tuyên bố của thủ tướng là quan trọng, nhưng Giáo sư Jonathan London thuộc trường Ðại học Thành phố của Hong Kong nói, “Người ta có thể lo ngại liệu như thế có đủ không, và chắc chắn tuyên bố đưa ra là hơi trễ.”
“Ta có những bài tường thuật về tranh chấp ngoài biển khơi, và tường thuật về bạo động, nhưng ta không có bài tường thuật nào về ý nghĩa của các diễn biến, giới hữu trách Việt Nam nói gì về tình trạng này? Vì thế kết quả là – một luồng thông tin rất rời rạc không góp phần vào một bầu không khí chính trị ổn định.”
Mặc dù truyền thông nhà nước tường thuật về những vụ bạo động ở tỉnh Bình Dương hôm thứ ba, phần lớn việc chia sẻ thông tin là qua mạng xã hội và blog. “Tôi nghĩ để cho dân chúng bình phẩm trên mạng, với thông tin không mang ý nghĩa nào giữa nhà nước và xã hội, là điều không nên. Sự kiện này rất lạ bởi vì thông thường đường lối của nhà nước đối với các vấn đề thuộc loại này thường được định hướng rõ ràng về việc dân chúng nên nghĩ và làm gì – như quý vị biết đấy, “đường lối của đảng.”
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nhiều người lo sợ rằng căng thẳng leo thang có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc có rất ít chi tiết ngày hôm nay về thiệt hại gây ra cho các doanh nghiệp Trung Quốc, và có bao nhiêu công dân Trung Quốc ở Việt Nam bị ảnh hưởng. Giới hữu trách nói các nhà ngoại giao Trung Quốc còn đang đi đến các khu vực bị tác động để đánh giá tình hình. Tại Bắc Kinh, nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói Việt Nam đã được yêu cầu hạ giảm căng thẳng và vãn hồi trật tự.
Bà Hoa nói: “Loạt hoạt động hôi của và đốt phá gây thiệt hại cho các công ty Trung Quốc ở Việt Nam hoàn toàn có liên quan đến việc thông đồng với các lực lượng chống Trung Quốc. Người phát ngôn Trung Quốc không xác định rõ “các lực lượng chống Trung Quốc” là ai.
Ðài truyền hình nhà nước ở Trung Quốc trầm tĩnh một cách bất ngờ về tình hình hôm nay. Các bài báo trên các website của Trung Quốc nói về con số những người bạo động mà chính quyền Việt Nam câu lưu và những lời cảnh báo từ phía nhà chức trách về việc du hành sang Việt Nam, nhưng có ít lời bình luận hơn về lòng căm phẫn chống Trung Quốc ở Việt Nam về giàn khoan dầu.
Một số hình ảnh được chia sẻ về các doanh nghiệp bị hư hại đã xuất hiện trên trang Weibo, tương tự như Twitter và Facebook, nhưng chính quyền đã mau chóng kiểm duyệt nhiều.
Các quan sát viên nói bởi lẽ cả Việt Nam và Trung Quốc đều không tỏ dấu nhượng bộ, nên vẫn chưa rõ được họ sẽ làm thế nào để hạ giảm căng thẳng.