Đà Nẵng và các bước ngoặt chiến lược của Mỹ
TS Nguyễn Tiến HưngGửi tới BBC từ Virginia, Hoa Kỳ24 tháng 2 2018
Khi nghe tin hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ vào Đà Nẵng, tôi tự hỏi: tại sao không phải Cam Ranh mà là Đà Nẵng, và tại sao lại tháng Ba?
Nhìn lại lịch sử thì ta thấy địa danh Đà Nẵng hay gắn liền với những bước ngoặt của chiến lược Mỹ tại Biển Đông.
Các bước ngoặt ấy lại có sự trùng hợp là thường hay xảy ra vào tháng Ba:
Tháng Ba, 1965: sau bao nhiêu thẩm định, cân nhắc, Washington đi tới quyết định đưa quân tác chiến vào Việt Nam. Đà Nẵng được chọn làm nơi để bắt đầu. Quyết định này phản ảnh thay đổi chiến lược từ chiến tranh du kích, chống nổi dậy tới chiến tranh quy ước.
Tháng Ba, 1973: sau Hiệp định Paris, lễ chính thức hạ cờ Mỹ để kết thúc vai trò của quân đội tác chiến tại Việt Nam lại được tổ chức tại sân bay Đà Nẵng.
Tháng Ba, 1975: Tòa Lãnh sự – bộ phận dân sự còn lại của Mỹ – đóng cửa và rút đi trên con tàu cuối cùng rời Đà Nẵng.
Bây giờ, sự kiện siêu hàng không mẫu hạm cập cảng Đà Nẵng có đánh dấu một bước ngoặt khác?
Trước hết ta nhìn lại những mốc lịch sử của Đà Nẵng liên hệ tới chiến lược của Mỹ:
Tháng Ba, 1965: đổ bộ Đà Nẵng
Sau khi TT John F. Kennedy bị sát hại vào tháng 11/1963, Phó TT Lyndon B. Johnson lên kế vị. Tuy có lập trường cứng rắn về Việt Nam, ông cố gắng kìm hãm, không leo thang cuộc chiến vì đã đặt ra mục tiêu ưu tiên cho chính quyền ông là War on Poverty – chiến đấu để khắc phục sự nghèo khó của người thiểu số ở Mỹ.
Cuối năm 1964, dù đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, nhiều người khuyên ông nên có hành động mạnh ở Việt Nam nhưng ông vẫn tiếp tục tự chế.
Nhưng rồi biến cố Pleiku đã thay đổi hẳn lập trường của ông. Cuộc tấn công vào doanh trại cố vấn Mỹ tại Pleiku và căn cứ trực thăng Holloway (cách đó khoảng bốn dặm) vào lúc 2:00 giờ sáng ngày 7 tháng 2, 1965 đã gây nên thiệt hại lớn: trong số 137 quân nhân Mỹ có 9 người bị giết, 76 người bị trọng thương. Những tổn thất về thiết bị cũng rất nặng nề: 16 trực thăng và 6 máy bay các loại khác bị hư hại. Đó là cuộc tấn công lớn nhất vào các cơ sở của Mỹ tại miền Nam Việt Nam cho tới thời gian đó.
Nó đã đưa tới một quyết định mau lẹ của Tổng thống Johnson để trả đũa. Ông nhóm họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và nói:
“Tôi đã gác khẩu súng ở phía trên lò sưởi và cất đạn ở dưới hầm nhà từ lâu rồi, nhưng địch quân đang giết hại người của ta…Hèn nhát đã đưa chúng ta vào nhiều cuộc chiến hơn là trả đũa: nếu như Hoa kỳ đã mạnh dạn hơn ngay từ đầu thì đã tránh được Thế Chiến I và II.”
Sau đó ông cho khởi động chiến dịch Rolling Thunder: từng lớp máy bay khu trục bay xuyên mây oanh tạc các doanh trại Bắc Việt cách Vĩ tuyến 17 khoảng 40 dặm về phía bắc tại Đồng Hới. Việc trả đũa này đã bắt đầu một chiến dịch oanh tạc kéo dài với Linebacker I và Linebacker II.
Đưa nhiều máy bay oanh tạc vào tham gia cuộc chiến thì phải bảo vệ phi trường Đà Nẵng và khu vực chung quanh phi trường để tránh bị pháo kích như ở Pleiku. Vì vậy Washington tính đến việc mang quân vào để đáp ứng.
Nhưng nếu mang quân tác chiến vào thì vi phạm Hiệp định Geneva và có khả năng là chiến tranh sẽ leo thang.
Bàn kỹ nhưng Washington vẫn đi tới kết luận phải chấp nhận mọi rủi ro.
Ngày 23/02/1965, tại Sài Gòn, Tướng William Westmoreland đề nghị với Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Tổng Tham Mưu:
“Đưa một Lữ đoàn Viễn chinh Thủy Quân Lục Chiến MEB (Marine Expeditianory Brigade) để giữ an ninh cho Đà Nẵng. Việc đưa quân vào tiếp theo sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào sự đồng ý của thượng cấp trên căn bản chính trị. Đại sứ Taylor cũng sẽ đề nghị đưa một đội Tiểu đoàn Đổ Bộ BLT (Battalion Landing Team) vào Đà Nẵng ngay.”
Ngày 26/02, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Sứ quán tại Việt Nam:
“Thượng cấp đã có quyết định tiến hành đổ bộ cùng một lúc một đơn vị MEB, một đơn vị BLT, và một phi đội trực thăng…rồi sẽ thêm BLT thứ hai, tất cả đều trong Khu vực Đà Nẵng …”
Ngày 8/03, bốn tàu USS Henrico, Union, and Vancouver đưa một lữ đoàn 3,500 TQLC vào đổ bộ ở bãi biển “Red Beach.”
Hành động này là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc chiến: sự thay đổi chiến lược từ trợ giúp, cố vấn trong chiến tranh du kích, chống nổi dậy (counter-insurgency) tới chiến lược đem quân tác chiến vào cuộc.
Lữ đoàn TQLC Viễn chinh 9 đã là đội tiền phong dẫn đường cho trên một nửa triệu quân nhân Mỹ vào Việt Nam
Tháng Ba, 1973: rút quân khỏi Đà Nẵng
Theo Hiệp định Paris ký kết ngày 27 tháng 1, 1973 thì Mỹ phải đơn phương rút khỏi Miền Nam.
Điều 5 quy định: “Nội trong 60 ngày sau khi bản Hiệp Định được ký kết, tất cả quân đội, cố vấn quân sự, và nhân viên dân chính làm việc cho quân đội…phải được hoàn toàn triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam…”
Vì Hiệp định được ký ngày 27 tháng 1 cho nên ngày 27 tháng Ba là hạn chót của việc rút quân. Vào thời điểm ấy thì một số quân đội Mỹ còn đóng ở Đà Nẵng.
Điều 6 quy định thêm:
“Các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và các quốc gia khác, đã dẫn ở Điều Một, phải được giải tỏa trong hạn 60 ngày, sau khi Hiệp định được ký kết.”
Đà Nẵng là căn cứ không quân quan trọng nhất yểm trợ hai Quân Khu I và II. Nó đã được chọn để tổ chức một nghi lễ biểu tượng quan trọng: Lễ hạ lá cờ Mỹ và mang đi, đánh dấu việc chấm dứt sự có mặt của quân đội tác chiến Mỹ tại Miền Nam. Lễ diễn ra rất trang trọng với sự hiện diện của Trung Tướng VNCH Ngô Quang Trưởng, theo đúng thủ tục cuốn cờ gồm năm bước của quân đội Mỹ.
Tháng Ba, 1975: Lãnh sự cuối cùng rời Đà Nẵng
Tuần cuối tháng Ba, với gần một triệu dân từ Huế, Quảng Trị và vùng lân cận di tản kéo về Đà Nẵng, thành phố bị tràn ngập và hỗn loạn trước sự tiến quân của quân đội Bắc Việt. Tình trạng an ninh trở nên tuyệt vọng.
Hoa Kỳ cử hai tàu Pioneer Contender và Miller tới cảng Đà Nẵng để giúp di tản nhân viên Mỹ ở Tòa Lãnh sự cùng hàng trăm ngàn người Việt.
Ngoài số tàu biển còn có Boeing 727 của Air America đã hạ rồi cất cánh trong cảnh hỗn loạn tại phi trường.
Sau cùng thì viên lãnh sự Mỹ, ông Al Francis đã ra đi bằng đường biển.
Tháng Ba, 2018: hàng không mẫu hạm vào Đà Nẵng
Mỹ đi rồi Mỹ lại về…vào Đà Nẵng?
Lich sử sẽ ghi nhận sự kiện này thế nào?
Ta có thể tạm thời nhận xét như sau:
Thứ nhất, về chiến lược ở Biển Đông: Mỹ đang xúc tiến cho thật nhanh diễn tiến ‘Xoay Trục.’ Như chúng tôi đã đề cập trong cuốn ‘Khi Đồng Minh Nhảy Vào’: hoàn cảnh lịch sử hiện nay hết sức khó khăn. Nó khác hẳn với hoàn cảnh trong những thập niên 60 và 70. Trong hai thập niên ấy, chiến lược của Mỹ là “ngăn chặn Trung Quốc,” còn bây giờ là phải “trực diện đối đầu với Trung Quốc”.
Từ khi Mỹ rút khỏi Đài Loan, rồi mặc kệ, không giúp Miền Nam Việt Nam trong việc bảo vệ Hoàng Sa chống Trung Quốc, và sau đó là bỏ rơi Miền Nam, Trung Quốc đã tràn xuống Biển Đông và đang thâu tóm trọn vẹn khu vực này, đúng như thuyết Domnino.
Nhưng Xoay Trục khó có thể hoàn thành mau lẹ và thành công nếu không có sự cộng tác của Việt Nam, vì đây là “địa điểm chiến lược quan trọng nhất” như Bộ Quốc Phòng Mỹ đã xác định ngay từ đầu thập niên 50 (xem cuốn ‘Khi Đồng Minh Nhảy Vào,’ Chương 2).
Vì vậy Mỹ muốn thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn đối với Việt Nam.
Thông cáo chung về chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Trump tháng 11, 2017 xác định hai điểm:
•Hai bên “khẳng định kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ trong giai đoạn 2018-2020.”
Ta thấy giai đoạn 2018-2020 là trùng hợp với khung thời gian Mỹ đặt ra cho mục tiêu hoàn thành bước đầu của chiến lược Xoay Trục khi 60% của hải lực Mỹ sẽ có mặt ở Thái Bình Dương.
•Hai bên “hoan nghênh hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên tới thăm một hải cảng của Việt Nam trong năm 2018.”
Lưu ý độc giả một điểm có ý nghĩa: đây không phải là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến Việt Nam như tất cả truyền thông quốc tế loan tin mà là lần đầu tiên kể từ trước tới nay.
Trong Chiến tranh Việt Nam, nhiều hàng không mẫu hạm Mỹ như USS Constellation, Hancock, Ticonderoga có tham chiến, nhưng chỉ đậu ở Subic Bay (Phi Luật Tân), Yokosuka (Nhật Bản) hay thả neo ở ngoài khơi, chưa bao giờ vào Đà Nẵng (hay Cam Ranh).
Năm 1964 chỉ có một hàng không mẫu hạm USS Card chở quân trang, quân cụ và thiết bị vào Sài Gòn và bị đánh bom). Nhưng tàu này rất nhỏ, thuộc vào loại hộ tống Bogue, cũ kĩ vì sản xuất từ 1941.
Đưa nhiều hàng không mẫu hạm, chiến hạm vào Biển Đông thì cần phải có cơ sơ hỗ trợ từ đất liền – hải cảng, sân bay, bảo trì, tiếp vận xăng nhớt, thực phẩm, tiện nghi. Những cơ sở ấy thì thực tế nhất, tiện lợi nhất là vùng duyên hải của Việt Nam – đặc biệt là Cam Ranh và Đà Nẵng. Đây là hai nơi mà Mỹ đã xây cất, sử dụng trong nhiều năm nên đã quá quen thuộc.
Nhưng tại sao Mỹ không đưa hàng không mẫu hạm vào Cam Ranh có vịnh nước sâu mà lại đem vào Đà Nẵng? Về phương diện hậu cần, USS Carl Vinson quá lớn, khó mà thả neo ở Hải cảng Quốc Tế Cam Ranh.
Lại nữa, có thể vì lý do thành phố Đà Nẵng có giá trị tượng trưng cho vai trò của người Mỹ ở Việt Nam trước đây – qua các biến cố như đã đề cập. Ngoài ra, còn có khả năng là sẽ có đông dân chúng Việt Nam chào đón tàu Carl Vinson, giống như thời xưa (1965) có các thiếu nữ ra bãi biển tràng hoa lên cổ các chiến sĩ thuỷ quân lục chiến Mỹ, hay gần đây nhiều người Việt leo lên chiến hạm Mỹ do hạm trưởng người Mỹ gốc Việt lái tới Đà Nẵng, hoan hỉ đón tiếp.
Và như vậy là để nêu cao sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc thăm viếng hữu nghị này?
Xác định xong về cuộc viếng thăm là có hành động cụ thể ngay. Tại Hà Nội ngày 25/01, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã chính thức tuyên bố là sự việc này sẽ diễn ra vào tháng Ba.
Trong mấy năm vừa qua, đã có tàu ngầm và chiến hạm Mỹ ra vào Cam Ranh, nhưng đây là lần đầu tiên một Hàng không mẫu hạm tiến vào hải phận và cập cảng Đà Nẵng.
Thứ hai, phô trương lực lượng: hàng không mẫu hạm là tiêu biểu cho sức mạnh hải và không lực Mỹ. Nó được gọi là một “không quân nhỏ” (small air force) lưu động.
USS Carl Vinson thuộc lớp Nimitz, siêu mẫu hạm loại mới (2009), chạy động cơ nguyên tử. Nó cũng là tàu chỉ huy của Đội mẫu hạm tấn công 1 (Carrier Strike Group 1) mới thành lập, có trụ sở tại San Diego. Đây là một phần của Đệ tam Hạm đội, mạnh nhất thế giới, thường thả neo ở các đại dương khác chứ không phải ở Thái Bình Dương vốn là nơi do Đệ thất Hạm đội đảm trách.
Tàu này thực sự chứa những khí giới gì ngoài những phi đội khu trục thì còn là một bí mật quân sự – nhưng có thể Trung Quốc cũng đã biết.
Hiện tại tất cả thế giới chỉ có 19 hàng không mẫu hạm đang hoạt động, và 6 cái đang được sản xuất.
Trong số 19 tàu này thì Mỹ đã chiếm tới 10 cái, hơn một nửa. Số còn lại thì hầu hết thuộc các nước đồng minh của Mỹ như Anh (4), Pháp (2), Ý (1).
Nga chỉ có một hàng không mẫu hạm đang hoạt động, tàu Đô đốc Kuznetsov.Nga có bốn chiếc khác nữa nhưng thuộc vào lớp Kiev (như Minks, Novorossiysk), đều đã “về hưu.”
Như vậy, nếu số mẫu hạm của Mỹ cộng với của các đồng minh thì hải lực tổng hợp này thực sự bá chủ cả bốn đại dương.
Thứ ba, gửi tín hiệu cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã lên hàng cường quốc, nhưng về mặt hải lực thì còn rất yếu kém. Đó là vì chỉ mới có được một con tầu cũ tên là Varyag mua lại của Ukraine năm 1998 rồi đưa về tân trang ở Đại Liên, đặt tên là Liêu Ninh. Từ 2012, tàu này được đưa vào hoạt động chủ yếu để tập luyện.
Việc điều khiển một hàng không mẫu hạm trên đại dương, nhất là giữa một cuộc chiến đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Nguyên công tác “roping” (buộc giây, thả neo) đã rất phức tạp. Rồi đến việc điều khiển từng lớp khu trục cất cánh, hạ cánh, đến công tác phòng không, điều hợp với trung tâm hành quân và các lực lượng hỗ trợ từ trên bờ.
Ngoài số lượng, Trung Quốc chưa bao giờ có kinh nghiệm về hải chiến lớn – chứ chưa cần nói tới hàng không mẫu hạm. Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi đoàn quân của Tướng Mỹ Douglas MacArthur từ ngoài khơi đổ bộ vào hải cảng chiến lược Incheon, 100 dặm về phía nam Vĩ tuyến 38 và 25 dặm từ Seoul, vào ngày 15/9/1950, quân đội Trung Quốc và Bắc Hàn phải vội vã cuốn gói rút về qua vĩ tuyến 38. Tới Trận Hoàng Sa tuy là nhỏ mà TQ cũng đã bị tổn thất nhiều.
Ngược lại, Mỹ thì đã có kinh nghiệm về hải chiến và sử dụng hàng không mẫu hạm từ cả một thế kỷ: trong Đệ Nhất, rồi Đệ Nhị Thế Chiến, tới chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, và ngày nay, chiến tranh vùng Trung Đông.
Mở ra một chương lịch sử mới?
Như chúng tôi đã có dịp đề cập trước đây, trong chuyến công du tại Hà Nội năm 2016, TT Barrack Obama đã gợi ý về trang sử mới này khi ông trích Nguyễn Du trong truyện Kiều:
“Rằng trăm năm cũng từ đây.
Của tin gọi một chút này làm ghi”
Tiếp theo, TT Trump đã đi thẳng vào vấn đề và phát biểu;“Chúng ta đã gắn kết dần với nhau để tìm được những mục tiêu chung, những lợi ích chung. Và đó là điều đang diễn ra. Chúng tôi tới đây hôm nay để tái khẳng định những gắn kết đó.”
Thông cáo chung cũng xác định việc “mở rộng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trên cơ sở …các lợi ích chung và mong muốn chung”.
Tại Hà Nội hôm 25/01 vừa qua, Bộ trưởng Jim Mattis đã cám ơn Việt Nam về sự phát triển của quan hệ đối tác ấy, qua việc hàng không mẫu hạm tới Đà Nẵng (nguyên văn: “Thank you for increasing partnership, with our aircraft carrier coming into Danang here in March” ).
Thứ tư, trấn an các quốc gia đồng minh: qua hành động này, Mỹ cũng muốn gián tiếp trấn an các quốc gia đồng minh tại Á Châu. Họ đang lo ngại về quyết tâm của Mỹ. Lại nữa, cho tới nay chính sách ngoại giao của TT Trump chưa rõ ràng về Biển Đông.
Thứ năm là lợi ích chiến thuật: các thế hệ trẻ của hải quân Mỹ – những quân nhân mới vào cuộc sau chiến tranh Việt Nam, gồm cả gần hai lữ đoàn trên USS Carl Vinson có dịp làm quen với bãi biển, hải cảng và sân bay Đà Nẵng.
Ngược lại, cũng để Hải quân Việt Nam lên thăm viếng, được chỉ dẫn tường tận và làm quen với mẫu hạm chiến thuật của Mỹ. Cách đây 6 năm, khi thấy Mỹ trực tiếp giúp Việt Nam dọn dẹp, làm sạch chất độc da cam tại sân bay Đà Nẵng vào mùa hè 2012, chúng tôi cho rằng Mỹ khó mà quên được cái địa danh Đà Nẵng.
Rõ ràng là bang giao mang tính chiến lược và tiến tới toàn diện Việt – Mỹ đã đi được một bước đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bước ấy dài hay ngắn thì còn tùy thuộc vào việc có hay không những hành động có thực chất tiếp theo. Cụ thể, ta có để đặt câu hỏi liệu sẽ có những cuộc tập trận giả, thao diễn quân sự Việt – Mỹ có tầm cỡ lớn với sự tham gia của Hải Đội Tấn Công USS Carl Vinson trong năm 2018 hay không?
Việc đưa USS Carl Vinson vào Đà Nẵng là quyết định của cả hai bên muốn mở ra một chương lịch sử mới cho quan hệ Việt – Mỹ.
Nhưng muốn cho chương này kéo dài và bền vững thì nó phải dựa trên căn bản vững chắc.
Căn bản ấy chính là quyền lợi hỗ tương của hai nước: chống lại tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc và bảo vệ tuyến hàng hải vào hàng quan trọng nhất thế giới ($3,000 tỷ lưu thông mỗi ngày), nằm chỉ cách vùng duyên hải của Việt Nam 12 hải lý.
Việt Nam, lại một lần nữa có cơ hội đóng vai trò địa chính trị chiến lược trên thế giới, nhờ vào vị trí nhìn ra Biển Đông của Đà Nẵng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).
Xem thêm về Biển Đông: