“Đã đến lúc đưa tranh chấp biển Đông ra Liên Hiệp Quốc”
Khi tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông tiếp tục nóng lên, Philippines nên cân nhắc đưa vấn đề này ra đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Đó là phát biểu do cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đưa ra trong một cuộc họp của Hiệp hội Luật sư Philippines ở Manila vào tối 31-7.
Theo ông del Rosario, động thái này có thể thuyết phục được Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực vốn ủng hộ Philippines trong vụ kiện chống các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở biển Đông.
“Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên cân nhắc việc đi đến đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để có thể có được số phiếu cần thiết nhằm thuyết phục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài” – tờ Inquirer dẫn lời ông del Rosario nói.
Trước đó trong ngày 31-7, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon nói rằng khoảng 113 tàu Trung Quốc di chuyển gần khu vực đảo Thị Tứ.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. sau đó cho biết chính quyền Manila đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về vụ việc này.
“Tôi nghĩ ông ấy đang làm điều đúng đắn nếu đã gửi công hàm phản đối. Tôi nghĩ Bộ trưởng Locsin đang làm hết sức mình liên quan đến các vấn đề mà chúng ta đang chống lại Trung Quốc” – ông del Rosario nói.
Hồi tháng 3, ông del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về ‘‘những hành động sai trái của các quan chức Trung Quốc ở biển Đông”.
Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales kêu gọi Công tố viên Fatou Bensouda của ICC khởi xướng “cuộc khảo sát sơ bộ” nhằm “đánh giá các hành vi phạm pháp của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác” – theo báo Nikkei Asian Review.
Khẳng định đại diện cho hàng trăm ngàn ngư dân, ông del Rosario và bà Morales cáo buộc việc Trung Quốc cải tạo phi pháp ở biển Đông là “sự hủy diệt, gần như vĩnh viễn và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.
Vụ kiện này khi đó đã nhận được sự tán thành của hàng ngàn người Philippines, theo tuyên bố ủng hộ được đăng trên website kiến nghị trực tuyến Change.org.
Phát ngôn của ông del Rosario được đưa ra trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía nam biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19-7 khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Theo Trùng Quang – Pháp luật TP.HCM