Đa đảng là loạn: Luận điệu dọa dân của những tên độc tài
Theo Dân Luận – 11/06/2015 – Dante, cộng tác viên Dân Luận – Tác giả gửi tới Dân Luận
Có rất nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam đã từng cho rằng việc chuyển hoá sang thể chế dân chủ của các nước Đông Âu là thảm họa. Trên thực tế sau khi chuyển mình sang thể chế dân chủ thì Đông Âu đã phát triển mạnh mẽ và đời sống của người dân Đông Âu đã vượt xa các nước mang thể chế Cộng Sản độc tài đảng trị còn sót lại trên thế giới hiện nay. Những phát ngôn mang tính bảo thủ và dọa dân luôn được phát biểu rất nhiều trước các kì Đại Hội Đảng. Thực ra không phải nhận thức của các ông tuyên huấn hay những người lãnh đạo đất nước này sai lầm, họ là những người hiểu rõ hơn ai hết là làm thế nào cho đất nước phát triển hơn. Đa Đảng hay độc Đảng là tốt hơn. Nhưng chẳng qua họ muốn giữ cho mình cái ngai vàng thống trị. Tất cả họ đều sống trong sung sướng thì việc gì phải thay đổi thể chế?
Khi tranh luận về vấn đề đa đảng ở Việt Nam, nhiều bạn sinh viên và dư luận viên cho rằng đa đảng sẽ loạn và bị khủng bố. Ví dụ mà họ đưa ra là những bất ổn chính trị đang xảy ra ở Thái Lan, Ukraine, Căm Bốt, Syria, Ai Cập. Nhưng chính họ cũng không biết nguyên nhân xảy ra những sự bất ổn đó. Trên thực tế thì số lượng những nước đa đảng mà bất ổn chính trị cũng mới chỉ bằng số lượng những nước đi theo đường lối độc đảng. Còn hầu hết các nước dân chủ đa đảng đều rất ổn định. Họ luôn duy trì được điều đó là vì luôn giữ được sự bình đẳng giữa quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tầng lớp nhân dân, tôn giáo. Luật pháp luôn đứng trên các Đảng phái chính trị và luôn được thực thi một cách nghiêm minh.
Trước tiên chúng ta đi tìm nguyên nhân sâu xa về những sự bất ổn chính trị của các nước đa đảng đó.
Trong số này có một số nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài, độc Đảng như Lybia, Ai Cập, Syria thể chế đa nguyên vừa được thành lập. Người dân chưa tiếp cận kịp với thể chế mới. Trong khi những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và giữa các giai cấp trong xã hội thì tăng cao do sự kìm nén của chế độ độc tài, độc đảng hàng thập kỷ không được giải quyết, đến khi chế độ độc tài bị phế truất thì những mâu thuẫn đó bùng nổ dữ dội. Chính vì thế nguyên do sâu xa của những sự bất ổn ở các nước này là do chế độ độc tài để lại.
Đảo chính ở Thái Lan
Các nhóm nước có nền thể chế chính trị đa đảng đã lâu đời mà vẫn bất ổn chính trị như Thái Lan, Cam bốt, Ukraina … nguyên nhân bất ổn ở các nước này là do những đảng cầm quyền và đối lập đã không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chung của người dân, ngoài ra còn làm thiệt hại quyền lợi của số đông. Cách điều hành quốc gia của họ mang tính độc đoán. Không nghe theo ý kiến của người dân, khi người dân biểu tình yêu cầu từ chức, bầu cử tự do thì không đáp ứng. Nếu như vậy thì người dân sẽ xuống đường biểu tình nếu nguyện vọng của họ không được chấp nhận, dù là ở chế độ độc đảng hay đa đảng. Đó chính là những nguồn gốc tạo ra bất ổn trong xã hội.
Bất ổn ở Ukraine
Suy ra nguyên nhân của sự bất ổn ở các nước này không phải là do thể chế đa nguyên, đa đảng mà là do những đảng cầm quyền và đối lập không đáp ứng được mong muốn của người dân.
Cho dù thể chế đa nguyên, đa đảng có bất ổn đi chăng nữa thì người dân của các nước này không bao giờ quay về lại với thể chế độc đảng. Vì dù thế nào đi nữa thì họ vẫn được hưởng quyền tự do chọn những thứ tốt nhất với mình hơn nhiều so với chế độ độc đảng.
TẠI VÌ SAO CÁC NƯỚC CỘNG SẢN LẠI CÓ NỀN CHÍNH TRỊ “ỔN ĐỊNH”?
Chính là nhờ vào việc họ nắm toàn bộ quyền lực chính trị trong một quốc gia. Khi quyền lực tập trung vào một Đảng phái, tất tần tật từ pháp luật, xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục… đều nằm trong tay họ thì việc tham nhũng, tha hóa hay những chính sách sai lầm gây nên nhiều thiệt thòi cho người dân và đất nước đều được họ hợp pháp hóa và che đậy thật kín.
Dưới chế độ Cộng Sản những nguồn thông tin bị bưng bít, sự thật bị bóp méo, xuyên tạc một cách trắng trợn, nền giáo dục nhồi nhét vào đầu thế này qua thế hệ khác một cách có quy mô, có tổ chức, có kế hoạch suy ra dân trí thấp, sự hiểu biết của người dân về nhân quyền bị hạn chế. Nhờ vậy quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do hội họp, quyền thành lập đảng phái và quyền biểu tình bị tước đoạt. Không có những quyền này, người dân không biết sự thực là họ đang bị bóc lột, và nếu một số nhỏ biết thì họ cũng bị phân rã ra thành từng cá nhân, không đủ sức để chống lại một tổ chức hùng hậu nắm giữ công an, quân đội và báo chí.
Khi người dân bất bình xảy ra biểu tình hay bạo động thì họ dùng bạo lực để kiểm soát. Cho nên nhìn bề ngoài chế độ chính trị có vẻ ổn định. Các vấn đề bất bình đảng, bất công trong xã hội bị kiểm soát tuyệt đối, bị dồn nén lại và chờ dịp bùng phát.
Trên thực tế chế độ độc đảng gây ra rất nhiều mâu thuẫn trong xã hội. Thứ nhất là những vấn đề công tác quản lý, điều hành đất nước về kinh tế, chống hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền – toàn vẹn lãnh thổ v.v… đều yếu kém gây mất niềm tin của người dân.
Thứ hai là các vấn đề tôn giáo. Sự bất bình đẳng giữa tôn giáo do chế độ Cộng Sản phân biệt đối xử. Chiếm đoạt tài sản, đất đai, cơ sở tôn giáo của các tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo… làm cho mâu thuẫn giữa các tôn giáo với chế độ ngày càng căng thẳng nhưng vẫn duy trì sự ổn định nhờ vào các biện pháp bạo lực.
Nhà nước dùng bạo lực để đàn áp người dân
Thứ ba là quyền của người lao động. Công nhân bị bóc lột sức lao động với đồng lương rẻ mạt trong các khu công nghiệp. Bị đối xử tệ mà không được phép biểu tình lãn công phản đối vì Đảng sợ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài, một trong những nguồn thu chính của Đảng. Nông dân bị bỏ rơi, mặc cho tư thương chèn ép. Đất đai của họ bị tước đoạt với giá rẻ mạt để giao cho các dự án phát triển của tư nhân hay quốc doanh làm giàu, bất chấp sự bất công đổ dồn lên những người thấp cổ bé họng này.
Những mâu thuẫn giữa người dân với chế độ ngày càng gia tăng nhưng chưa có dịp bùng phát. Tất cả đều được giữ nguyên nhờ vào sự độc tài quyền lực của Đảng Cộng Sản
Chúng ta có thể đưa ra một kệt luận chung rằng: sự ổn định chính trị của những nước Cộng Sản trên thực tế chỉ là vẻ bề ngoài. Tất cả những bất bình, phẫn nộ giữa nhân dân với chế độ đang bị kìm nén và nhen nhóm ngày một nhiều trong lòng người dân. Tất cả đều đang chờ thời cơ để bùng phát. Sự hỗn loạn không chỉ biểu hiện ở vẽ bề ngoài mà còn sục sôi ở bên trong cái xã hội chịu sự thống trị của Cộng Sản mà Việt Nam cũng là một trong những ví dụ điển hình. Tất cả chỉ chờ ngày bùng phát.
Bạo loạn ở Bình Thuận, ví dụ điển hình cho câu nói: tức nước vỡ bờ!
Vậy độc Đảng hay đa Đảng mới thực sự ổn định? Có lẽ điều đó không cần bàn cãi nữa. Điều cốt lõi ở đây là sự dối trá nhằm mục đích giữ lại cái ngai vàng thống trị của Cộng Sản trong câu: “ Đa đảng sẽ loạn”. Một luận điệu đe dọa nhân dân của những tên độc tài.
Xin trích dẫn một câu nói nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: “Không có triều đại nào, thể chế chính trị nào là tồn tại vĩnh cửu. Tất cả chỉ là một giai đoạn lịch sử. Chỉ có Đất Nước và Dân Tộc mới trường tồn”.