Cựu Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng Ninh Thuận, ‘thầy chùa gốc lính,’ về với cát bụi
SACRAMENTO, California (NV) – “Tỳ Kheo Thích Không Chiếu, mà thiền sinh chúng con gọi thân thương bằng thầy, một chữ thầy chân phương mộc mạc, đã thuận thế vô thường, rũ bỏ báo thân với 95 tuổi trần, 22 tuổi lạp vào ngày 11 Tháng Chín.”
Đông đảo thiền sinh đưa tiễn Tỳ Kheo Thích Không Chiếu, cựu Đại Tá Trần Văn Tự. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Đạo hữu Thông Văn, đại diện Hội Thiền Tánh Không Sacramento, miền Bắc California, xúc động nói trong tang lễ vị tỳ kheo từng là Đại Tá, tỉnh trưởng Ninh Thuận, diễn ra vào trưa Chủ Nhật, 26 Tháng Chín, tại nhà quàn Sacramento Memorial Lawn.
Tháng Sáu, 2018, khi trò chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, Tỳ Kheo Thích Không Chiếu nói: “Tôi là thầy chùa gốc lính. Tôi tu nhưng không có chùa. Chỗ nào cần thì đến giảng, chỉ cho họ cách tu, cũng như đem kinh nghiệm của mình trao đổi với họ thôi.”
Ít ai biết rằng, ông chính là cựu Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận trước năm 1975, và là trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch, người được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên dương và đặt tên cho một con đường nằm bên hông chợ Tân Định, Sài Gòn.
Ông Trần Văn Tự sinh ngày 27 Tháng Hai, 1927, tại Toulouse, Pháp. Chưa tròn năm tháng tuổi, ông theo mẹ về Việt Nam, trong khi cha vẫn còn lưu lại Pháp hoạt động trong La Lutte, một phong trào chống chính sách thuộc địa của Pháp ở Đông Dương.
Ông bắt đầu đường binh nghiệp từ khi nhập ngũ Khóa 5 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, là Đại Tá, tỉnh trưởng Ninh Thuận trong sáu năm (từ 1969 đến 1975).
Sau ngày mất nước 30 Tháng Tư, 1975, vào cuối Tháng Năm ông bị đi tù “cải tạo” và được thả ra vào cuối Tháng Tám, 1987. Đến cuối Tháng Hai, 1992, ông sang Mỹ theo chương trình tị nạn H.O.
Sang Mỹ khi đã 65 tuổi, nhớ lại thời gian trong tù chép kinh, nhớ lời Phật dạy và từ đó tỏ ngộ nhiều điều, ông đã hoán chuyển chữ “tù” thành chữ “tu,” và xin xuất gia.
Đầu năm 2000, khi tuổi đời đã chất chồng, ông bước vào con đường tu. “Năm 73 tuổi tôi trở thành ông tăng,” Tỳ Kheo Thích Không Chiếu nhớ lại quãng thời gian xuất gia tu hành.
Ông xin xuất gia cùng Hòa Thượng Thích Thông Triệt, viện chủ Thiền Phái Tánh Không, và thọ giới tỳ kheo tại Thiền Viện Đại Đăng, San Diego, California. Theo ông, dòng thiền này vừa giúp thiền sinh điều chỉnh được bệnh tâm thể của mình, hài hòa thân tâm, hài hòa với mọi người từ gia đình đến cộng đồng, xã hội; vừa hướng dẫn cho thiền sinh tỉnh ngộ, chuyển đổi nhận thức, phát huy từ từ trí huệ tâm linh.
Tại tang lễ vào trưa 26 Tháng Chín, đạo hữu Thông Văn nói:
“Từ năm 2013, thầy đã chọn Sacramento là nơi trú xứ. Đã hơn tám năm qua, dù tuổi hạc đã cao nhưng thầy vẫn thường tự lái xe đến các đạo tràng như Nam California, San Jose thuyết giảng. Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 thầy vẫn thuyết giảng trên online. Mấy lúc gần đây sức khỏe có vẻ suy yếu, thầy thường nhắc thiền sinh ‘Ai có thắc mắc thì cứ hỏi.’”
“Có lẽ thầy biết trước một ngày gần lắm sẽ rời xa thiền sinh, với điều kiện tài chánh khá khiêm tốn, hàng tháng thầy vẫn nhịn chút tinh tài làm từ thiện, giúp người gặp khó khăn và gửi về quê hương giúp thương phê binh,” ông Thông Văn nói thêm.
Ông Nguyễn Tư Nha, cư dân Sacramento, cho biết:
“Trước khi thầy qua đời, vào buổi chiều cùng ngày, sau khi tập thể thao thì tối về thầy bất tỉnh. Và chỉ trong vòng 24 tiếng, thầy ra đi nhẹ nhàng, không vật vã đau đớn.”
“Tôi vào Thiền Tánh Không năm 2012. Thầy và tôi vừa là thầy trò, vừa là bạn hữu nên đàm đạo rất nhiều về Phật pháp và thiền. Thầy đã giới thiệu cho tôi nhiều bí quyết, chẳng hạn cách chữa bệnh suyễn bằng cách nhịn đói, chỉ uống nước chanh với mật ong và một chút muối, uống 2/3 lít nước, cứ như thế kéo dài; hay để giữ thăng bằng hai bán cầu não bằng cách đứng một chân và giơ một chân lên mà không té, thì thăng bằng được,” ông Nha nhớ lại.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, cư dân Sacramento, tâm sự:
“Cách sống của thầy cảm hóa rất nhiều người. Thầy gần 95 tuổi nhưng thầy không nhận thẻ ưu tiên cho người khuyết tật vì khẳng định vẫn đi lại được. Điều đáng quý ở thầy là thầy thương người hơn cả bản thân mình. Trước lúc ra đi thầy cho hết tiền nong, chỉ giữ lại hai bộ quần áo. Thầy hy sinh hết, không giữ lại gì cho mình. Có lẽ những người nào thiền sâu thì trước khi đi 48 ngày họ đều biết trước rồi.”
Bà Thủy đọc lại bốn câu thơ bà đã tặng Tỳ Kheo Thích Không Chiếu nhân dịp sinh nhật 93 tuổi của ông, trước dịch COVID-19: “Thân như chiếc bóng lạt phai/ Tâm là kho báu Như Lai Phật đường/ Hào quang linh diệu muôn phương/ Cứu người trong cõi luân thường vô vi.”
Đưa tiễn Tỳ Kheo Thích Không Chiếu, cựu Đại Tá Trần Văn Tự, đến nơi hỏa táng. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Đạo hữu Nguyễn Thị Nguyệt, cư dân Sacramento, xúc động nói:
“Tôi buồn nhưng không thể khóc. Lúc thầy còn sống, có những khúc mắc trong đạo tràng tôi có thắc mắc thì thầy nói đó là chuyện của người ta, hãy lo tu đi. Nghĩa là không nên làm chuyện phiếm. Và giờ tôi sẽ giữ bài học này suốt đời.”
Thiền sinh Uyển Như cho hay:
“Thầy Thích Không Chiếu ra đi, tất cả thiền sinh Tánh Không đều thương tiếc, ngậm ngùi. Thầy ra đi để lại pháp của một thiền sư. Thầy để lại sự đức độ, lối sống và giảng pháp luôn luôn bình dị, đơn giản. Thầy là một bậc chân tu. Đức hạnh của thầy, lối sống, giảng pháp đều đơn giản nhưng sâu sắc. Thầy viên tịch nhưng thầy để lại tấm gương cho thiền sinh tu học tinh tấn hơn.”
Đến 1 giờ trưa, thi hài Tỳ Kheo Thích Không Chiếu được hỏa táng, đưa ông trở về với cát bụi. [kn]
September 26, 2021
Quốc Dũng/Người Việt
Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com
https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cuu-dai-ta-tran-van-tu-tinh-truong-ninh-thuan-thay-chua-goc-linh-ve-voi-cat-bui/