Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan: ‘Đục nước béo cò’
VOA – Khánh An
30/08/2017
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nguyên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan từ các năm 1998 – 2001. Trong cuộc phỏng vấn với VOA, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng thừa nhận vụ án Trịnh Vĩnh Bình từng là một “trở ngại lớn” trong mối quan hệ Việt Nam – Hà Lan. Và ông, trong tư cách Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, đã phải ‘đứng mũi chịu sào’ trực tiếp góp phần giải quyết nội vụ. Nhưng các nỗ lực nhằm giải quyết thỏa đáng sự việc đã không thành công, dẫn đến hậu quả tiếp diễn, mà theo lời ông Thắng, “rất nặng nề cho Việt Nam.” Mời quý vị theo dõi chi tiết cuộc phỏng vấn sau đây.
***
VOA: Xin ông cho biết khái quát về chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam vào thời điểm ông Trịnh Vĩnh Bình về nước đầu tư? Các công tác ngoại giao nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư từ nước ngoài?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Tuy về sau này có một điều chỉnh, nhưng chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam ngay từ thời điểm đầu về nước đầu tư là nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, khai thác tối đa những lợi ích của đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn một.
Ngay giai đoạn đầu, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hợp tác, hai bên cùng có lợi, đảm bảo thu hút được nhiều FDI mà vẫn giữ được độc lập nhất định về chính sách trên cơ sở nhận diện thấu đáo đối tác trong từng dự án FDI một. So với ODA, nguồn tiền FDI có chỗ linh hoạt hơn rất nhiều và ít ràng buộc với các điều kiện kèm theo.
Công tác Ngoại giao giai đoạn ấy cũng như về sau này, tập trung xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế và chiến lược thu hút đầu tư. Thông qua FDI, nền kinh tế trong nước gắn kết với bên ngoài ngày càng chặt chẽ.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết tham gia các điều ước và định chế quốc tế thuộc lĩnh vực hội nhập quốc tế và đầu tư, như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các nước và vùng lãnh thổ, Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN, Hiệp định về các biện pháp thương mại liên quan đến đầu tư của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt Việt Nam từ khá sớm đã chủ động tham gia vào TPP và bây giờ là RCEPT.
VOA: Ông Trịnh Vĩnh Bình có đặt vấn đề xin tư vấn về pháp lý trước và trong giai đoạn đầu đầu tư vào Việt Nam không?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Trước và trong giai đoạn đầu, ông Bình không chỉ có xin tư vấn pháp lý, theo chỗ tôi nắm được, ông ấy đã từng xây dựng các quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương nơi ông ấy cư trú và hoạt động kinh doanh.
Cụ thể các cơ quan chức năng nơi ông tạm trú đã tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình ông đứng tên thuê đất và một số bất động sản. Hồi bấy giờ nhà đầu tư nước ngoài chưa có quyền đứng tên. Ông Bình còn mời một số cán bộ địa phương sang tham quan các cơ sở sản xuất của ông ấy ở Hà Lan.
Cũng nhờ tính năng động và chủ động như vậy mà giai đoạn đầu, ông Bình đã khá thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó. Có thể sự thành công quá nhanh của ông ấy và sự nổi trội với tư cách là một doanh nhân Việt kiều đã gây nên một “sự cuốn hút không bình thường” (unusal attractions) từ một số đối tượng nào đó. Và cái chính, có thể ông ấy không học được chữ “ngờ” trong các mối làm ăn lúc bấy giờ.
VOA: Tại sao thành công nhanh và nổi trội như thế nhưng ông Bình lại gặp thất bại sớm và đau xót như vậy, thưa ông?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Sau bao nhiêu năm nhìn lại, tôi có thể nêu lên một giả định là ông ấy đã bị cài bẫy. Bởi vì khởi nguyên, chính những người thân trong gia đình ông Bình đã phản lại ông ấy. Mọi chuyện bắt đầu khi người nhà ông ấy mang chuyện tranh chấp tài sản ra trước công đường và hình như một thời gian sau đó, những thế lực khác mới vào cuộc, làm cho nội vụ trở nên phức tạp muôn phần.
Việt Nam có câu “đục nước béo cò” có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà “cò” ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện.
Có thể có nhiều lý do khác nữa mà lúc đó do tôi không nắm được hết, nhưng tôi vẫn cho nguyên nhân chính là do ông ấy bị cài bẫy và điều đó dẫn đến ông ấy thất bại.
VOA: Khi ông Bình bị bắt, phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, cụ thể là Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, như thế nào?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Khi doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình bị bắt thì tôi chưa có nhiệm sở ở Hà Lan. Ông ấy bị bắt năm 1996, mà tôi đến cuối năm 1998 mới tới Hà Lan để thực thi công vụ. Tuy nhiên, trước khi nhận nhiệm vụ đại sứ tại Hà Lan, tôi đã được Vụ Chính trị ở Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo kỹ lưỡng trường hợp này.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao lúc đó, theo tôi nhớ, là chính Bộ Ngoại giao cũng bị bất ngờ. Thậm chí có phần sốc. Vì mấy lẽ.
Thứ nhất, sau khi xem lại hồ sơ, chúng tôi phát hiện hình như ông Trịnh Vĩnh Bình khi tiến hành kinh doanh lớn ở Vũng Tàu thì ông ấy đã không qua con đường của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Với lý do là vốn ông ấy đưa vào chưa đủ ngưỡng để có thể lên Ủy ban Nhà nước. Tất cả chỉ diễn ra ở cấp địa phương.
Thứ hai, mãi về sau này tôi mới biết, câu chuyện tuy chỉ xảy ra ở Vũng Tàu, nhưng lại có quá nhiều cơ quan dính líu vào vụ này, kể cả từ trung ương, khiến nội vụ trở nên rất phức tạp, nhiều lúc vượt khỏi cả phạm vi của Bộ Ngoại giao.
VOA: Sau khi ông Bình bị bắt, Đại sứ quán Hà Lan có gửi thư khẩn cho Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội, ông có tham gia vào việc giải quyết yêu cầu của phía Hà Lan hay không?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Đương nhiên là tôi có được thông báo về nội dung trao đổi công hàm giữa Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội với Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhưng tôi không trực tiếp tham gia giải quyết yêu cầu của phía Hà Lan ở Hà Nội. Công việc ấy đã có Vụ Khu vực (tức Vụ Chính trị) và Vụ Luật pháp Quốc tế của Bộ Ngoại giao đảm nhận.
Tuy nhiên, sức ép đối với tôi lại đến từ Bộ Ngoại giao Hà Lan, mà đặc biệt là từ Quốc hội và một số nghị sĩ từ các đảng đối lập trong Quốc hội Hà Lan.
Mỗi lần Chính phủ hay Quốc hội Hà Lan có chỉ thị cho Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội, họ lại cũng cho mời tôi lên Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hà Lan để thông báo, và yêu cầu đại sứ Việt Nam chuyển thông điệp của họ về nước. Như vậy là cùng một nội dung, thường là phản đối cách hành xử của Việt Nam, Bộ Ngoại giao và trong nhiều trường hợp, Văn phòng Chính phủ Việt Nam nhận được hai nguồn, từ hai Đại sứ quán.
Tôi còn nhớ, bà Đại sứ Hà Lan ở Hà Nội, mỗi lần tôi về họp trong nước, bao giờ cũng chủ động tiếp xúc để đề nghị tôi chuyển đến Chính phủ Việt Nam các thông điệp của Chính phủ và Quốc hội Hà Lan.
Ban đầu tôi ngạc nhiên, hỏi tại sao bà không đặt thẳng vấn đề với Vụ Chính trị, Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, vì đằng nào tôi cũng phải qua họ mới trình lên được lãnh đạo cấp cao. Bà ấy chỉ cười và giải thích, Vụ Chính trị của các ông bận nhiều việc và lo quan hệ với hàng chục nước, ông chuyên trách về Hà Lan, phụ trách có một nước duy nhất, nên tôi tìm đến ông.
Về sau tôi mới biết, có những thông điệp của chính phủ khá căng và bà không muốn nói qua con đường chính thức Bộ Ngoại giao, mà bà muốn nói qua tôi. Bà còn cho tôi xem cả bút phê của Thủ tướng về vụ án, trong khi ở Bộ Ngoại giao chúng tôi cho đến lúc đó, vẫn không có tài liệu ấy.
VOA: Chính phủ Hà Lan có gây sức ép trong việc giải quyết?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Đương nhiên là có. Để tôi kể tiếp câu chuyện của bà đại sứ. Hóa ra bà muốn chuyển những thông điệp mạnh của Chính phủ Hà Lan qua tôi mà tránh qua Vụ Chính trị, mặc dầu “mọi con đường đều dẫn đến La Mã.”
Sức ép mạnh nhất và nặng nhất là vào thời điểm chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Hà Lan (10/2001), khi tôi ra sân bay đón thủ tướng, thì ngay trước đó 1 giờ đồng hồ, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan còn cho thư ký đến và thu xếp cuộc gặp để ông ấy đến trực tiếp trao toàn bộ hồ sơ của vụ án và quan điểm của phía Hà Lan, yêu cầu Chính phủ Việt Nam xem xét lại vụ án.
VOA: Vào thời điểm đó, có nhiều khả năng để giải quyết êm đẹp vụ Trịnh Vĩnh Bình hay không?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Tôi nghĩ là khó vì có quá nhiều nhóm lợi ích tham gia vào nội vụ này, và không nhóm nào chịu xuống nước cả.
Như tôi đã nói, không chỉ bút phê của Thủ tướng, ý kiến của bà Nguyễn Thị Bình, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Mạnh Cầm – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thủ trưởng trực tiếp của tôi… cũng yêu cầu giải quyết êm đẹp vụ việc, nhưng tất cả đều như đánh vào bị bông.
VOA: Những ảnh hưởng của vụ Trịnh Vĩnh Bình lên mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hà Lan?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Tất nhiên là không thể không ảnh hưởng. Thể hiện rõ nhất là khi ta nêu vấn đề nhờ Hà Lan giúp đỡ, có khi đa phương ở Tòa thường trực ICJ, có khi thì chỉ là quan hệ song phương, nhưng có lúc bạn đáp ứng không nhiệt tình như trước.
Tuy nhiên, điều xấu nhất đã không xảy ra, tức là bạn vẫn không cắt viện trợ ODA. Mặc dầu trước đó, có nghị sĩ đối lập bắn tin cho tôi về khả năng này.
Nhân đây, tôi muốn một lần nữa cảm ơn những người bạn của nhân dân Việt Nam ở Hà Lan. Tôi biết, trong vụ Trịnh Vĩnh Bình, Bộ Ngoại giao Hà Lan có vai trò rất tích cực. Họ đã phân biệt rất rõ giữa giới chức địa phương, các nhóm lợi ích và người dân Việt Nam. Hà Lan đã không muốn gây thêm khó khăn cho người dân Việt Nam.
VOA: Ông đánh giá mức độ quan trọng của vụ kiện lần này như thế nào? Ảnh hưởng, thiệt hại của nó đối với Việt Nam?
Đại sứ Đinh Hoàng Thắng: Tôi không muốn bình luận gì vào lúc này. Quyết định cuối cùng nằm trong tay Tòa trọng tài. Ở đó, sẽ có bên lập luận ủng hộ chính phủ Việt Nam, có bên ủng hộ ông Bình, có bên trung lập. Chúng ta phải chờ kết quả cuối cùng.
Trước đây đã có thỏa thuận ngoài tòa, nghĩa là Việt Nam đã phải lùi một bước. Lần này liệu còn có đất lùi nữa hay không là tùy vào sự chuẩn bị của đội ngũ luật sư mà trong nước đã phải bỏ tiền ra thuê rất đắt.
Cái sảy nảy cái ung. Nhóm lợi ích thu về được một ít tiền của của ông Bình, không biết có nổi dăm triệu không, mà bây giờ nếu phải đền bù có thể lên đến nhiều trăm triệu đôla. Tiền này ai gánh chịu? Người dân và doanh nghiệp Việt Nam đóng thuế ở Việt Nam è cổ bỏ tiền thuê luật sư để cãi cho những người mà chính luật pháp Việt Nam cũng đã bỏ tù họ.
Muốn hội nhập mà làm ăn kiểu này thì không chỉ thua trên sân nhà, mà để lại một hình ảnh rất tiêu cực trên vũ đài thế giới. Từng là một đại sứ và hiện là người nghiên cứu về vấn đề phát triển ở Việt Nam, tôi rất đau xót về vụ án này.