Cưỡng đoạt tài sản ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt Nam có thể phải bồi thường $1.25 tỷ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cưỡng đoạt tài sản ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt Nam có thể phải bồi thường $1.25 tỷ

Người Việt

19-8-2017
Ông Trịnh Vĩnh Bình với tư cách người bị hại trong phiên xử ngày 4 Tháng Năm, 2013, tại Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Hình: Báo Thanh Niên)
BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Trọng Tài Quốc Tế tại Paris, Pháp, sẽ phân xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam đòi bồi thường tối thiểu $1.25 tỷ vào ngày 21 Tháng Tám. Việt Nam chắc chắn sẽ thua, chỉ chưa biết mức bồi thường ra sao.
Ông Trịnh Vĩnh Bình, 70 tuổi, cư ngụ tại Sài Gòn, vượt biên năm 1976, đến Hòa Lan định cư trong cùng năm rồi trở thành triệu phú nhờ cung cấp chả giò cho thị trường Hòa Lan, Bỉ, Anh.
Theo Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), năm 1990, ông Bình được các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở Châu Âu mời gọi về Việt Nam đầu tư. Ông Bình bán toàn bộ cơ sở thương mại, mang về Việt Nam $2.3 triệu và 96 kg vàng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực như nuôi, chế biến, xuất cảng hải sản, trồng rừng lấy gỗ, du lịch… Trong sáu năm, tài sản của ông Bình tại Việt Nam tăng lên khoảng tám lần.
Năm 1996, ông Bình đột nhiên bị bắt với hai cáo buộc “trốn thuế” và “đưa hối lộ.” Hai năm sau, tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ông Bình ra xử sơ thẩm, phạt ông Bình 13 năm tù. Ông Bình kháng cáo, Tòa Án Tối Cao đưa vụ án ra xử phúc thẩm, giảm hình phạt xuống còn 11 năm tù. Nhờ sự can thiệp của chính phủ Hòa Lan, ông Bình được tại ngoại và trước khi bị bắt để “thi hành án,” ông Bình vượt biên lần thứ hai.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, vụ tống giam-kết tội ông Bình là sử dụng cường quyền để cưỡng đoạt tài sản cá nhân một cách trái phép, vi phạm nghiêm trọng cả luật pháp Việt Nam lẫn các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và giới đầu tư.
Năm 2003, ông Bình nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế, đòi bồi thường $100 triệu.
Năm 2006, chính phủ Việt Nam chủ động thương lượng với ông Bình bên ngoài phạm vi Tòa Trọng Tài Quốc Tế, cam kết bồi thường cho ông Bình $15 triệu và trả lại toàn bộ tài sản mà ông Bình đã thủ đắc hợp pháp tại Việt Nam. Truy cứu trách nhiệm hình sự một số cá nhân lạm quyền, đẩy ông Bình vào vòng lao lý và đi đến chỗ trắng tay. Theo thỏa thuận này, ông Bình rút lại đơn kiện và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.
Tuy ông Bình đã thực hiện đúng các thỏa thuận trong phạm vi trách nhiệm của ông nhưng chính phủ Việt Nam lại bội tín thêm một lần nữa (lần đầu là bội tín vì không thực hiện đúng các cam kết khi mời gọi đầu tư).
Tháng Giêng, 2015, ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế lần thứ hai.
Nhân sự kiện Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại Paris sẽ đưa vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam, tuần vừa qua, VOA đã thực hiện một loạt bài, phục dựng toàn bộ bối cảnh dẫn tới vụ kiện. Trong loạt bài vừa kể, có một điểm đáng chú ý là VOA đã tiếp cận và thuyết phục được ông Nguyễn Mạnh Cầm, cựu phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, và ông Ðinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan, lên tiếng.
Cả ông Cầm lẫn ông Thắng cùng tiết lộ rằng, họ và nhiều viên chức cao cấp khác của hệ thống công quyền Việt Nam đã nỗ lực hết mức để giải quyết hậu quả của việc hệ thống tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án) tống giam-kết tội ông Bình nhưng không thành công vì nội bộ có quá nhiều phe phái mâu thuẫn với nhau về lợi ích và sự chi phối của lực lượng an ninh.
Cũng theo lời ông Cầm, sở dĩ chính phủ Việt Nam bội tín lần thứ hai là vì tài sản của ông Bình đã bị thất thoát, đổi chủ. Theo ông Cầm, bất luận phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng Tài như thế nào thì vụ kiện vẫn có nhiều bài phải học. Việt Nam đang trên đường hội nhập vào mọi mặt của sinh hoạt quốc tế nên phải tuân thủ những cam kết quốc tế. Phải như thế mới bảo vệ được hình ảnh Việt Nam, không chỉ vì lợi ích của Việt Nam, mà còn vì lợi ích của các đối tác quốc tế khác, bất luận đó là cá nhân hay quốc gia.
Khoan nói tới chi phí bồi thường, chắc chắn là không nhỏ, chi phí mà chính phủ Việt Nam phải trả cho các hãng luật quốc tế đứng ra bảo vệ mình lần trước (từ 2003 đến 2006) và lần này chắc chắn đã rất lớn, 100 triệu công dân Việt Nam, bất kể giới tính, tuổi tác, gia cảnh sẽ chia nhau chịu toàn bộ những chi phí ấy. (G.Ð)